VnReview
Hà Nội

Cách mạng AI giúp chúng ta trả lời các vấn đề cơ bản nhất của triết học như thế nào? (phần cuối)

Tôi là ai? Tôi được sinh ra để làm gì? Con người chúng ta được sinh ra để sáng tạo, để làm chủ công việc và các công cụ chứ không phải là nô lệ của thói quen và máy móc. Chúng ta có trách nhiệm đối diện với thử thách khi các cỗ máy trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến chứ không chờ đợi viễn cảnh bị chúng thống trị. Đó là thông điệp chính mà tiến sĩ khoa học máy tính, chuyên gia công nghệ Lý Khai Phục (Kai-fu Lee) muốn gửi tới độc giả qua toàn bộ bài viết của ông.;

Cách mạng ai giúp chúng ta trả lời các vấn đề cơ bản nhất của triết học như thế nào? (phần 1)

Cách mạng ai giúp chúng ta trả lời các vấn đề cơ bản nhất của triết học như thế nào? (phần 2)

Cách mạng ai giúp chúng ta trả lời các vấn đề cơ bản nhất của triết học như thế nào? (phần 3)

Tóm tắt phần 3: AI đem lại cho chúng ta rất nhiều giá trị gia tăng trong kinh doanh và xã hội nhưng AI vẫn chỉ là một sáng tạo của loài người chứ không thay thế được trí thông minh con người

PHẦN 4: AI GIÚP KẾT NỐI NHỮNG SÁNG TẠO CỦA CHÚNG TA VÀ NHỮNG BÀI TOÁN LỚN CẦN GIẢI QUYẾT KHI AI BÙNG NỔ

Chúng ta sinh ra để sáng tạo và AI giúp kết nối những sáng tạo đó

Thế là giấc mơ ban đầu của tôi về việc tìm ra chúng ta là ai, vì sao chúng ta tồn tại đã kết thúc trong thất bại. Mặc dù chúng ta đã sáng chế ra tất cả những công cụ kỳ diệu rất tuyệt vời cho tương lai của chúng ta, cho những đứa trẻ, cho xã hội của chúng ta, chúng ta vẫn chưa hiểu được vì sao loài người tồn tại. Với tôi, điều thú vị là, khi hiểu rằng các công cụ AI này đang làm những công việc lặp đi lặp lại, chắc chắn điều đó sẽ quay lại nói với chúng ta rằng, làm những việc lặp lại không thể khiến chúng ta trở thành con người. Sự xuất hiện của AI ít nhất cũng loại bỏ những gì không phải là lý do để chúng ta tồn tại trên quả đất này.

Nếu các nhiệm vụ trong công việc chiếm phân nửa thời gian của chúng ta, thì nửa còn lại là để nghĩ về lý do vì sao chúng ta tồn tại. Một lý do rất hợp lý cho sự tồn tại là chúng ta ở đây để sáng tạo. Những gì AI không thể làm có thể là một lý do khả thi để chúng ta tồn tại. Có một định hướng như thế, đó là chúng ta sáng tạo. Chúng ta sáng tạo vạn vật. Chúng ta ăn mừng sự sáng tạo. Chúng ta rất sáng tạo về tiến trình khoa học, chữa bệnh, viết sách, viết kịch bản phim, sáng tạo về kể chuyện, làm một công việc thông minh về tiếp thị. Đây là sự sáng tạo mà chúng ta nên ăn mừng, và có thể đó là những gì khiến chúng ta trở thành con người.

Một góc nhìn khác của những gì AI không thể làm được, đó là tình yêu. Chúng ta yêu thương nhau, chúng ta thật sự kết nối với mọi người, và chúng ta muốn giúp đỡ mọi người. Bằng cách giúp đỡ mọi người, chúng ta có cảm nhận về gía trị bản thân, phẩm giá và sự tự nhận thức. Ai đó đã cho rằng, có thể những lý do để chúng ta tồn tại là chúng ta có khả năng sáng tạo và khả năng yêu thương.

AI đã đi nhiều nơi để cuối cùng dạy cho tôi biết rằng bộ não của chúng ta quá khó hiểu. Nó không chỉ là một bộ phận, nó là toàn bộ cơ thể chúng ta và toàn bộ cách tư duy của chúng ta. Nó là toàn bộ sự tiến hóa của chúng ta. Những gì AI đã làm có thể quay trở lại để nói rằng: "Này, Kai-fu, có thể ông và loài người đã bị cách mạng công nghiệp lừa gạt khi suy nghĩ rằng những công việc lặp lại là một lý do cho sự tồn tại của ông. Nếu ông nghĩ như thế, đừng làm vậy nữa. AI đang lấy đi tất cả những công việc đó. Chỉ những gì AI không thể làm mới có thể là một lý do cho sự tồn tại của ông. Và đó có thể là khả năng sáng tạo, có thể là tình yêu, có thể là một cái gì đó khác, nhưng chắc chắn đó không phải là những công việc theo thói quen".

Với tôi, sự thật cần nhận ra là tôi đã theo đuổi việc mô phỏng bộ não người một cách ngây thơ và cuối cùng không đạt được mục đích đó. Sử dụng AI như một công cụ có thể giải quyết vấn đề, làm ra tiền, và loại bỏ việc lao động khỏi cuộc sống của chúng ta, những người làm việc với chúng tôi đã gặt hái được những điều tuyệt vời. Chúng ta phải quay trở lại điểm khởi đầu và nghĩ về việc chúng ta là ai. Có phải chúng ta ở đây để sáng tạo, để yêu thương, hay để làm một cái gì đó khác?

(Ảnh: JamesBensonArt)

Nếu nhìn vào lịch sử ngành điện toán, chúng ta đã khởi đầu bằng cách kết nối con người với thông tin trên một máy vi tính, và rồi Internet xuất hiện để kết nối tất cả máy vi tính với nhau. Thế là chúng ta có thể truy cập thêm thông tin. Không dễ dàng tìm ra thông tin, vì vậy các cỗ máy tìm kiếm giúp chúng ta tìm chúng, và khi chúng ta muốn vượt xa hơn thông tin, mạng lưới xã hội kết nối chúng ta với nhau. Chúng ta muốn kết nối vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, vì vậy di động cho phép chúng ta kết nối với mọi người và thông tin ở mọi nơi. Đó là những gì tôi muốn nói về việc chúng ta đang ở đâu.

Chúng ta có thể chứng kiến thêm nhiều tiến bộ quan trọng sắp diễn ra. Ví dụ, tại Trung Quốc, thanh toán diễn ra ngay lập tức, không có tiếp xúc, vi-thanh toán (thanh toán trực tuyến những khoản rất nhỏ), thanh toán ngang hàng. Bất kỳ ai cũng có thể chi trả cho ai đó. Điều đó sẽ trở thành một nền tảng sáng tạo khác. Những loại sáng tạo đó sẽ tiếp tục gia tăng và mạng lưới con người-con người, con người-thông tin, thanh toán, truy cập, dữ liệu của chúng ta sẽ được tích lũy nhiều hơn. Và rồi AI sẽ đi vào hệ thống đó và đưa ra những đề nghị rất quan trọng. Trong tương lai, hệ thống sẽ là một tập hợp bao gồm con người và máy móc.

Internet vạn vật (Internet of Things-IOT) sẽ là bước kế tiếp kết nối các thiết bị với nhau. IOT đã được nhắc đến trong một thời gian dài. Chúng vẫn chưa cất cánh. Trong tương lai gần, chúng ta có thể dự đoán là các micro, máy quay video sẽ cùng tạo nên nội dung và đưa ra những dự báo rất thông minh về giao thông, con người, và ước muốn của họ. Hãy hình dung khi chúng ta trực tuyến, cookie của chúng ta nói với Amazon những gì chúng ta nhìn vào, những gì chúng ta mua và không mua. Những điều đó được dùng để nhập vào AI của Amazon để đưa ra các đề nghị bán hàng cho chúng ta. Đã có những cửa hàng: ở đây là Amazon Go, và những cửa hàng ở Trung Quốc có máy quay để biết ai đã vào phòng, ai chọn sản phẩm nào, ai mua sản phẩm nào. Những điều đó sẽ trở lại để trở thành một hồ sơ cực mạnh được tích hợp trực tuyến hoặc ngoại tuyến.

(Ảnh: CBC)

Về cơ bản, chúng ta đang hướng tới một tương lai mà mọi thứ về chúng ta, trực tuyến và ngoại tuyến, đều sẽ trở thành các hồ sơ được dùng để đem lại sự tiện lợi cho chúng ta. Bước đi lớn kế tiếp sẽ hướng tới sự riêng tư thương mại vì sự tiện lợi. Một số người sẽ không thoải mái với điều này, nhưng đó là một thực tế không thể tránh khỏi. Các mạng lưới xã hội cũng sẽ gia tăng để có thêm những cái tên thật có thể hiểu được và theo dõi được. Và dữ liệu từ đó cũng sẽ tạo ra nhiều giá trị.

Tất cả những điều này sẽ hướng về con người và các thiết bị được kết nối, dữ liệu được trích xuất để tạo ra AI. AI đó sẽ đem lại sự tiện lợi và giá trị cho người dùng. Ai trong chúng ta muốn có sự tiện lợi đó cần phải giao dịch sự riêng tư của mình. Đó là một câu hỏi thú vị, nhưng tôi không nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ nói "không".

Những bài toán lớn cần giải quyết

Khi nghĩ về những ích lợi của AI, có nhiều vấn đề đáng ngại. Một trong số đó, như tôi đã nói ở trên, là các công việc biến mất và cách giải quyết thực trạng này. Một vấn đề khác là người giàu và người nghèo. Những người đang sáng chế các giải thuật AI, xây dựng các công ty AI sẽ trở thành người giàu. Còn những người có công việc bị thay thế sẽ trở thành người nghèo. Khoảng cách giữa họ, dù là khoảng cách về của cải hay quyền lực, cũng sẽ gia tăng, và có thể sẽ đạt tới mức lớn nhất mà nhân loại từng trải qua.

Tương tự, các công ty có AI và các công ty truyền thống, chậm thay đổi cũng sẽ có khoảng cách lớn. Cuối cùng, và có thể là vấn đề khó giải quyết nhất, là khoảng cách giữa các quốc gia. Các quốc gia có công nghệ AI sẽ tốt hơn nhiều. Họ đang tạo ra và trích xuất các giá trị. Các quốc gia có tỉ lệ lớn dân số là người dùng, những người mà dữ liệu của họ được tập hợp và lặp lại thông qua giải thuật AI, các quốc gia này sẽ có nền tảng tốt. Mỹ và Trung Quốc đang có nền tảng tốt.

Các nước không có điều kiện tốt là những nước có thể có dân số lớn nhưng không có AI, công nghệ, Tencent, Baidu, Alibaba, Facebook, Amazon. Về cơ bản, người dùng ở các nước đó sẽ trở thành điểm dữ liệu cho các quốc gia đang sở hữu phần mềm chiếm ưu thế ở nước người dùng. Ví dụ, nếu phần lớn một quốc gia ở châu Phi sử dụng Facebook và Google, họ đang cung cấp dữ liệu giúp Facebook và Google kiếm thêm tiền, thế nhưng công việc của họ vẫn bị thay thế.

Hãy nghĩ về tình trạng ở Mỹ và Trung Quốc, nơi tất cả các công ty AI sẽ nhận được mọi dữ liệu và kiếm được vô khối tiền. Mọi người sẽ bị sa thải, tuy nhiên chúng ta có thể hình dung chính phủ đang tái phân phối của cải từ những người làm ra nó, có thể ở dạng thuế, phân phối đến những người không có của cải, có thể ở dạng UBI-thu nhập căn bản đảm bảo hoặc một biến thể nào đó. Mỹ và Trung Quốc đều ổn. Nhưng ở một quốc gia khác, chỉ có những người bị sa thải và không có người sáng tạo, hoặc hầu hết người bị sa thải và rất ích công ty có giá trị. Thuế sẽ ở đâu để lấy tiền trao cho những người bị sa thải? Đó là vấn đề lớn.

Với Mỹ và Trung Quốc đang rất mạnh về công nghệ AI, các công ty hưởng lợi từ dữ liệu và có nhiều dữ liệu từ quốc gia của mình và các quốc gia khác sẽ trở nên rất giàu có. Còn các quốc gia khác sẽ ở vào một vị thế khó khăn. Chúng ta đang thấy châu Âu dấn thân vào một số thử thách từ vấn đề này. Lựa chọn phản ứng của họ là đẩy mạnh luật chống bán phá giá lên các công ty Mỹ, một cách để thu tiền từ các công ty này. Chắc chắn đó không phải là một biện pháp bền vững. Sẽ có những nước nghèo hơn ở thế giới đang phát triển và chưa phát triển từng có tham vọng và khát khao sử dụng lao động chi phí thấp hơn để giành được việc kinh doanh trong sản xuất, và cuối cùng đặt chân vào con đường trở thành quốc gia phát triển, ví dụ như Trung Quốc. Có thể giấc mơ đó không còn khả thi chút nào. Công thức lao động chi phí thấp đã đưa Trung Quốc từ một nước nghèo thành một quốc gia tương đối giàu có không còn thực tế nữa, bởi vì AI và robot sẽ đảm nhiệm việc lao động và sản xuất.

Dân số lớn, yếu tố từng là tài sản trong sự tăng trưởng của Trung Quốc, sẽ trở thành một khoản nợ phải trả với nhiều quốc gia. Dân số càng lớn thì tình hình của bạn càng xấu hơn, trừ khi dân số đó có một tỉ lệ phần trăm đáng kể đủ để tạo ra giá trị, xây dựng AI, xây dựng các công ty và làm ra tiền. Tương lai địa chính trị toàn cầu này rất đáng lo, bởi vì ắt hẳn sẽ có một số quốc gia không có chọn lựa nào ngoài việc trở thành một nhà nước lệ thuộc vào Mỹ hoặc Trung Quốc: Anh lấy dữ liệu của tôi, tôi sẽ làm những gì anh muốn, và anh giúp tôi nuôi những người nghèo.

Một hậu quả khác có thể xảy ra là nhà nước không còn khả năng kiểm soát đói nghèo và bất ổn trong nước. Kết quả là một đất nước đầy bất hạnh, bất chấp luật pháp, hoặc sẽ là một Bắc Triều Tiên thứ hai. Bạn có thể hình dung tình hình rất đáng lo khi một quốc gia rơi vào tuyệt vọng, không nhìn thấy tương lai của việc tạo ra của cải, bị tụt lại phía sau. Ai đó có thể lạc quan, ngây thơ và nói "Ồ, hy vọng một ngày nào đó sẽ có một chính phủ thế giới bởi vì như vậy sẽ có đủ tiền để chia đều cho mọi người". Về mặt lịch sử, nhìn vào tất cả những điều ngu ngốc mà chúng ta đã làm với tư cách là con người, tôi không hy vọng điều đó sẽ xảy ra.

Trên đây là những vấn đề chúng ta cần lưu ý trong việc giải quyết tình trạng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia và giữa mọi người ngày càng lớn. Tôi không có giải pháp, nhưng nếu chúng ta muốn trở lại câu hỏi vì sao chúng ta tồn tại, vào lúc này đây, có thể nói là, chắc chắn chúng ta không tồn tại để làm việc theo thói quen. Có thể chúng ta tồn tại để sáng tạo. Có thể chúng ta tồn tại để yêu thương. Và nếu chúng ta muốn sáng tạo, hãy tạo ra nhiều loại công việc có thể sử dụng con người. Hãy sáng tạo ra những cách thức mới mà trong đó các quốc gia cùng làm việc với nhau. Nếu chúng ta tin rằng chúng ta tồn tại để yêu thương, đầu tiên, hãy nghĩ về cách chúng ta có thể yêu thương những người sẽ gặp bất lợi.

Linh Trần (Theo Edge)

Chủ đề khác