VnReview
Hà Nội

Tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới trên sân chơi thương mại điện tử Việt Nam và châu Á

Là công ty đầu tư lớn nhất thế giới và nằm trong top những thương hiệu công nghệ có giá trị nhất thế giới, Tencent có ảnh hưởng như thế nào đến các start-up công nghệ và thị trường thương mại điện tử Việt Nam lẫn châu Á? Mời bạn đọc VnReview theo dõi loạt bài tổng hợp 2 phần dưới đây.

< Đại gia JD.com vừa bơm tiền đầu tư vào Tiki.vn là ai?

< Tập đoàn JD.com được lợi gì khi đầu tư vào Tiki.vn?

<;5 lý do Tencent có thể vượt qua Apple, Samsung trong 10 năm tới

< Vì sao Alibaba và Tencent trở thành những nhà đầu tư mạnh nhất Trung Quốc

Phần 1: Nhà đầu tư năng động là hình mẫu cho các start-up công nghệ

Công ty đầu tư lớn nhất thế giới

Công ty internet hàng đầu Trung Quốc, Tencent, là tập đoàn đầu tư đại chúng đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực từ sản phẩm và dịch vụ Internet cho đến giải trí, trí tuệ nhân tạo và công nghệ ở quê nhà lẫn trên toàn thế giới. Tại quê nhà Trung Quốc, Tencent đặt trụ sở tại Thâm Quyến và cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng về truyền thông, internet, giải trí dịch vụ giá trị gia tăng điện thoại di động, dịch vụ quảng cáo trực tuyến.

Theo thống kê Global 500 của Brand Finance (500 thương hiệu hàng đầu thế giới), giá trị thương hiệu của Tencent năm 2016 là 22,3 tỉ USD, lọt vào nhóm 10 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới cùng với Apple, Google, Amazon. Trong lĩnh vực công nghệ, Tencent đứng thứ 6 sau Alibaba, đối thủ số một của Tencent tại Trung Quốc.

Ngày 20/11/2017, giá trị vốn hóa của Tencent vượt mốc 500 tỷ USD. Tencent là công ty công nghệ đầu tiên của châu Á và Trung Quốc đạt được cột mốc này, vượt lên cả người khổng lồ Facebook và Alibaba. Với giá trị này, Tencent cũng trở thành công ty truyền thông xã hội có giá trị cao nhất thế giới.

(Ảnh: Zero Hedge)

Nhà đầu tư năng động nhất châu Á

Tencent là nhà đầu tư năng động nhất trong bối cảnh công nghệ đang bùng nổ ở châu Á. Tập đoàn này đã có 30 phi vụ đầu tư vào các công ty công nghệ châu Á kể từ quý 1/2016. Theo báo cáo của CB Insights 2017, hiện Tencent đang hỗ trợ cho 15 unicorn Trung Quốc (unicorn nghĩa là kỳ lân, ở đây dùng để chỉ các công ty khởi nghiệp xuất sắc trị giá trên 1 tỷ đô). Châu Á có 62 unicorn với tổng giá trị 283,5 tỉ USD. Trong số này chỉ mình Trung Quốc đã đóng góp 46 công ty, với 21 công ty được đầu tư bởi 4 tập đoàn internet lớn nhất nước này: Alibaba, Baidu, JD.com, Tencent (xem ảnh dưới).

Các unicorn Trung Quốc được những người khổng lồ công nghệ chọn đầu tư

Cùng với Baidu, Alibaba, Tencent là một ông lớn "sẵn có khá nhiều tiền mặt để có thể mua lại các công ty đó (startups ở Trung Quốc) nếu họ xem đó là một cách làm chiến lược", nhà phân tích đầu tư Michael Dempsey của CB Insights cho biết trong một podcast hồi tháng 5/2017.

Ngoài ra, Tencent cũng đang đầu tư vào 4 unicorn khác ở Ấn Độ: Flipkart; One97 Communications (công ty điều hành thị trường hàng hóa số lớn nhất Ấn Độ Paytm), Hike (đối thủ của What's App tại Ấn), công ty thương mại điện tử Snapdeal.

Hình mẫu cho các startup công nghệ

Nhờ sự gần gũi về địa lý, người khổng lồ Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) về game ở châu Á đi theo mô hình thành công của mình: ban đầu là game, rồi mở rộng ra video và các dịch vụ web kết nối: nội dung số, thanh toán, thương mại điện tử, chat. Theo Nikkei, 70% doanh thu của Tencent là kinh doanh game và tính tới tháng 11/2017 thì ứng dụng tin nhắn nổi tiếng WeChat có gần 1 tỷ (980 triệu) người dùng tích cực hàng tháng trên toàn thế giới.

Một trong những startup tiêu biểu đã thành công nhờ áp dụng mô hình Tencent là Garena, công ty phân phối game chiến trận Liên minh huyền thoại thu hút 100 triệu người chơi toàn cầu.


 

Thành lập năm 2009 tại Singapore, Garena đã triển khai hoạt động tại 7 thị trường châu Á, trong đó ở Đông Nam Á có Indonesia và Việt Nam. Cơ sở dữ liệu khách hàng của Garena là 140 triệu người dùng đã đăng ký. Theo chủ tịch công ty Nick Nash, bí mật trong thành công của Garena là các dịch vụ đa dạng. Ví dụ như ứng dụng thanh toán trực tuyến AirPay ra mắt năm 2014 cho phép người chơi ký quỹ tiền ở các quán cà phê game hoặc cửa hàng tiền lợi nếu không có thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng. Hay ứng dụng thị trường Shopee giúp người dùng đàm phán giá được tung ra năm 2015 đã thu hút 1,4 triệu người bán với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,3 tỉ USD, ngang ngửa với ứng dụng mua sắm trên di động lớn nhất Nhật Bản Mercari.

Một tên tuổi thành công khác cũng được truyền cảm hứng từ Tencent là công ty công nghệ VNG của Việt Nam, chủ sở hữu nhiều dịch vụ trực tuyến phổ biến tại nước ta như game Võ Lâm Truyền Kỳ, phần mềm quản lý đại lý internet CSM, Zalo, MP3 Zing, các trang tin Baomoi, Zing News, trang thương mại điện tử 123mua… Một số ý kiến đã so sánh ứng dụng tin nhắn Zalo của VNG như một phiên bản WeChat của Tencent, vì cũng như WeChat được tùy biến cho người Trung Quốc, Zalo ra mắt sau đó một năm (2012) là ứng dụng tin nhắn và gọi điện miễn phí dành riêng cho người Việt Nam. Zalo cũng được tối ưu hóa các tính năng về tốc độ nhắn tin, tải ảnh. Zalo đã rất thành công tại Việt Nam, thu hút 80 triệu người dùng (tính tới tháng 8/2017) trên hơn 90 triệu dân, tỉ lệ thị phần cao hơn nhiều so với WeChat tại Trung Quốc. Phiên bản WeChat tại Trung Quốc là Weixin chiếm 70% lượng người dùng toàn cầu, khoảng 686 triệu người hay một nửa dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc.

Zalo (phải) được ví như một phiên bản Việt Nam của WeChat (trái)

(còn tiếp)

Đón xem Phần 2: Cổ đông lớn đe dọa thị trường thương mại điện tử Việt Nam lẫn châu Á

Steve Trần

Chủ đề khác