3 cách để đặt lại mật khẩu Admin Windows khi bạn lỡ quên


Đã bao nhiêu lần bạn quên mật mã đăng nhập Windows trong năm nay rồi? Không nhớ mật mã một website không phải là điều quá to tát, bởi bạn có thể đặt lại chúng với địa chỉ email. Nhưng đánh mất mật mã máy tính thì đáng sợ hơn nhiều, bởi chúng khá khó để đặt lại.

Tuy vậy, bạn không nên quá lo lắng khi lỡ quên mật mã tài khoản quản trị viên Windows. Có một vài phương thức bạn có thể sử dụng để khôi phục nó.

1. Đặt lại mật mã quản trị viên Windows bằng tài khoản Microsoft

Một trong những lợi ích lớn của việc sử dụng tài khoản Microsoft với Windows 10 là bạn có thể đặt lại mật mã thông qua các công cụ của Microsoft mà không gặp quá nhiều phiền hà.

Đầu tiên, hãy kiểm tra chắc chắn rằng bạn không thể truy cập tài khoản Microsoft của mình nữa (đôi lúc nguyên nhân là do bàn phím bị kẹt hay một vài thứ tương tự): vào trang login.live.com trên điện thoại hoặc máy tính khác và đăng nhập vào tài khoản Microsoft mà bạn dùng trên PC, đừng gõ nhầm nhé!

Nếu vẫn không thể đăng nhập, thì hãy bắt đầu đặt lại mật mã Microsoft. Vào trang đặt lại mật mã của Microsoft và làm theo hướng dẫn (hoặc bạn cũng có thể đặt lại mật mã từ màn hình đăng nhập của Windows 10 cũng được)

Sau khi xác nhận danh tính bằng các thông tin mà bạn đã cung cấp khi tạo tài khoản, trang này sẽ hiển thị từng bước hướng dẫn bạn các đặt lại mật mã tài khoản Microsoft. Sau khi đặt lại xong, bạn có thể sử dụng mật mã mới này để đăng nhập vào PC của mình rồi.

Một lưu ý là nếu sở hữu một tài khoản Microsoft, bạn nên bỏ ra vài phút để cập nhật thông tin bảo mật tại trang quản lý tài khoản Microsoft. Thêm vào số điện thoại và một địa chỉ email dự phòng sẽ giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn đặt lại mật mã dễ dàng hơn; nếu không có chúng, mọi thứ sẽ khá phức tạp đấy.

2. Đặt lại mật mã quản trị viên Windows từ màn hình khoá (áp dụng với tài khoản local)

Nếu bạn không sử dụng tài khoản Microsoft để đăng nhập Windows, bạn sẽ phải đặt lại mật mã cho tài khoản local. Windows 10 cho phép bạn đặt các câu hỏi bảo mật đối với tài khoản local để có thể dễ dàng vượt được màn hình khoá mỗi khi quên mật mã. Tuy nhiên, nếu bạn chưa đặt các câu hỏi bảo mật, thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn kha khá.

Nếu tài khoản bị khoá là tài khoản quản trị viên duy nhất trên PC, trước hết bạn sẽ cần kích hoạt tài khoản quản trị viên ẩn bằng phương pháp bên dưới.

Nhưng nếu bạn có một tài khoản quản trị viên khác trên máy tính bên cạnh tài khoản bị khoá, bạn sẽ không phải đi đường vòng. Việc bạn cần thực hiện là bỏ qua phần tiếp theo, cuộn xuống phần dưới bài viết, tìm phần "Đặt lại mật mã" và làm theo từng bước được hướng dẫn để đặt lại mật mã bằng tài khoản quản trị viên thứ hai kia.

Chuẩn bị

 

Đầu tiên, bạn cần tạo một đĩa Windows 10 boot được trên ổ đĩa flash. Sau khi tạo xong, cắm ổ đĩa vào PC để boot. Trên hầu hết mọi máy tính, bạn cần bấm phím F2 hoặc một phím tương tự theo hướng dẫn của nhà sản xuất ngay khi bấm nút nguồn máy tính để màn hình chọn thiết bị boot hiện ra.

Boot từ ổ đĩa flash nói trên, đợi trình cài đặt Windows nạp xong, và khi thấy màn hình cài đặt ban đầu của Windows 10 xuất hiện, nhấn Shift+F10 để mở Command Prompt.

Tiếp theo, bạn cần biết Windows đang cài trên phân vùng nào. Thông thường, hệ điều hành sẽ nằm trên ổ C:, nhưng có thể máy bạn có chút khác biệt. Để kiểm tra cho chắc, gõ câu lệnh dưới đây trong Command Promt (câu lệnh này sẽ đưa bạn đến thư mục gốc của ổ C):

Cd C:\

Nếu kết quả trả về là "The system cannot find the drive specified", thì C không phải là ổ đĩa bạn cần, hãy thử một ký tự khác. Khi đã tìm đúng ổ đĩa, gõ tiếp câu lệnh dưới để truy cập thư mục System32:

Cd Windows\System32

Bây giờ là lúc làm một màn "ảo thuật" nhỏ. Có thể bạn không để ý, nhưng Windows có đặt một lối tắt đến menu "Ease of Access" trên màn hình đăng nhập để người dùng tìm đến các tuỳ chọn trợ năng khi cần thiết. Bạn có thể sử dụng một vài câu lệnh để thay thế lối tắt này bằng đường link đến Command Promt, từ đó truy xuất được đến nhiều câu lệnh hữu ích khác.

Để làm điều đó, gõ lần lượt hai câu lệnh bên dưới. Câu lệnh đầu tiên sẽ sao lưu lối tắt Ease of Access để bạn khôi phục lại sau này; câu lệnh thứ hai sẽ thay thế nó bằng lối tắt đến Command Promt:

Ren utilman.exe utilman.exe.bak

Ren cmd.exe utilman.exe

Xong rồi. Hãy gõ tiếp câu lệnh này để khởi động lại máy và đi đến màn hình đăng nhập thông thường:

Wpeutil reboot

Kích hoạt tài khoản quản trị viên Windows

Khi đã quay lại màn hình đăng nhập, bấm vào lối tắt Ease of Access ở góc dưới bên trái màn hình để khởi chạy Command Promt. Lối tắt này trông như hai cây kim đồng hồ, bao quanh bởi các đường kẻ đứt đoạn, thường nằm giữa các biểu tượng nguồn và kết nối mạng.

Khi Command Promt đã xuất hiện, sử dụng câu lệnh sau để kích hoạt tài khoản quản trị viên mặc định:

Net user Administrator /active:yes

Sau đó, hãy khởi động lại máy bằng câu lệnh nhanh sau:

Shutdown -t 0 -r

Quay lại màn hình đăng nhập lần nữa, nhưng lần này, bạn hãy bấm vào tài khoản Administrator ở góc dưới bên trái. Tài khoản này không có mật mã, nên bạn có thể vào thoải mái. Bây giờ là lúc đặt lại mật mã tài khoản bị khoá của bạn.

Đặt lại mật mã

Trên Windows 10 Pro, bấm chuột phải vào nút Start và chọn Computer Management, sau đó chọn Local Users and Groups ở cột bên trái để mở trình quản lý người dùng.

Tại đây, mở rộng thư mục Users, sau đó bấm chuột phải vào tài khoản của bạn và chọn Set password để chọn mật mã mới. Windows sẽ cảnh báo bạn rằng hành động này có thể gây mất một ít dữ liệu, nhưng hay yên tâm đi vì chẳng có vấn đề gì đâu.

Sau khi đặt mật mã mới, đăng xuất tài khoản quản trị viên và thử đăng nhập lại vào tài khoản đã bị khoá của bạn nhé!

Nếu sử dụng Windows 10 Home, bạn sẽ phải thực hiện các bước trên thông qua; Command Promt. Chuột phải vào nút Start và chọn Command Promtp (Admin) (hoặc Windows PowderShell (Admin)) để mở ra cửa sổ dòng lệnh mới, sau đó gõ câu lệnh sau để hiển thị tất cả các tài khoản người dùng:

Net user

Tìm tên tài khoản của bạn, sau đó gõ câu lệnh này, thay USERNAME bằng tên tài khoản của bạn, và hệ thống sẽ hỏi bạn đặt mật mã mới:

Net user USERNAME *

Sau đó, nhập mật mã mới, đăng xuất, và bạn đã có thể đăng nhập trở lại tài khoản của mình với mật mã vừa đặt lại rồi.

Tạo tài khoản mới thay vì đặt lại mật mã

Nếu tài khoản của bạn gặp vấn đề nghiêm trọng hơn, và bạn không thể đặt lại mật mã vì lý do nào đó, bạn nên tạo một tài khoản mới và đặt nó thành tài khoản quản trị viên. Để làm điều đó, mở Command Promt dưới quyền quản trị như bước trên, sau đó gõ lần lượt từng câu lệnh bên dưới, nhớ thay USERNAME và PASSWORD thành tên tài khoản và mật mã của bạn:

Net user USERNAME PASSWORD /add

Net localgroup Administrators USERNAME /add

Sau khi xong, khởi động lại máy và đăng nhập vào tài khoản mới bằng mật mã mới. Để khôi phục dữ liệu, duyệt đến thư mục người dùng cũ của bạn trong File Explorer tại C:\Users\[tên tài khoản cũ] và sao chép mọi thứ bạn cần sang tài khoản mới.

Khôi phục mọi thứ về nguyên bản

Sau khi đã đăng nhập được vào tài khoản của bạn, hoặc tạo xong một tài khoản mới, thì bạn đã gần hoàn tất mọi việc rồi. Bây giờ, hãy đưa các lối tắt trên màn hình khoá mà bạn đã thay đổi lúc đầu về nguyên trạng.

Khởi động vào ổ đĩa flash chứa bộ cài đặt Windows 10 mà bạn đã tạo ở trên. Sau màn hình chào, nhấn Shift+F10 và tìm đến thư mục C:\Windows\System32 như đã làm trước đây.

Sử dụng lần lượt hai câu lệnh dưới đây để đưa lối tắt Ease of Access về nguyên bản:

Ren utilman.exe cmd.exe

Ren utilman.exe.bak utilman.exe

Bởi tài khoản Admin mặc định là một nguy cơ tiềm tàng về bảo mật, bạn nên ngừng kích hoạt nó cho đến khi cần trở lại. Hãy gõ câu lệnh sau:

Net user Administrator /active:no

Sau khi khởi động lại thêm lần nữa với câu lệnh dưới, bạn có thể sử dụng máy tính như thường rồi.

Wpeutil reboot

3. Đặt lại mật mã bằng cách boot vào USB Linux

 

Nếu không thể đăng nhập vào bất kỳ tài khoản nào trên PC, bạn có thể tạo một ổ đĩa flash chứa Linux trên máy khác và sử dụng nó để đặt lại mật mã Windows của mình.

Boot vào Linux

Đầu tiên, bạn sẽ phải tạo một ổ đĩa USB chứa Linux boot được; không quan trọng bạn dùng phiên bản Linux nào, nhưng lời khuyên ở đây là hãy thử Ubuntu hoặc Mint, vốn là hai distro Linux khá thân thiện với ngườie dùng mới.

Một khi đã xong, khởi động lại PC và đợi dấu nháy xuất hiện để e các phím F12, Esc, Delete, hay một phím nào đó khác để chọn thiết bị boot. Chọn ổ đĩa flash và đợi Linux một chút để khởi động.

Hoàn tất các thao tác thiết lập ban đầu (như khu vực giờ), sau đó mở ứng dụng duyệt tập tin của hệ điều hành. Trên Ubuntu, ứng dụng này chính là biểu tượng hình thư mục ở thanh bên trái màn hình. Nếu sử dụng Mint, nó nằm ở góc dưới bên trái giống Windows.

Mount ổ đĩa chứa Windows

Sau khi đã mở cửa sổ duyệt tập tin, nhấn Ctrl+L để chỉnh sửa đường dẫn trong thanh Location và gõ câu lệnh dưới để hiển thị mọi ổ đĩa:

>computer:///

Tìm ổ đĩa bạn đã cài Windows. Nếu bạn chỉ có một ổ cứng duy nhất trên máy tính, sẽ chỉ có một ổ đĩa hiện ra mà thôi. Bấm chuột phải vào ổ đĩa đó và chọn Mount để Linux truy xuất được nó.

Đặt lại mật mã

Từ đây, bạn sẽ sử dụng Linux Terminal. Đừng lo vì nó không đáng sợ lắm đâu, dù rằng đây là lần đầu bạn sử dụng Linux. Phím tắt để mở Terminal trong Mint và Ubuntu là Ctrl+Alt+T.

Đầu tiên, bạn cần cài đặt một ứng dụng đặt lại mật mã gọi là chntpw. Gõ câu lệnh sau để cài đặt nó:

>sudo apt-get install chntpw

Thay đổi thư mục làm việc sang thư mục chứa Windows của bạn bằng câu lệnh sau:

cd /mnt/Windows/System32/config

Tiếp theo, hiển thị danh sách người dùng Windows bằng câu lệnh sau:

Sudo chntpw -l SAM

Bạn sẽ thấy tên người dùng mà bạn muốn đặt lại mật mã trong danh sách. Để đảm bảo chỉ thao tác với người dùng đó, gõ câu lệnh sau, thay USERNAME bằng tên người dùng. Nếu tên người dùng chỉ có một từ, như "Mike", bạn không cần dấu ngoặc kép. Nếu tên người dùng có nhiều từ, như "Mike Jones", hãy đặt nó vào dấu ngoặc kép:

Sudo chntpw -u "USER NAME" SAM

Gõ 2 để vào chế độ chỉnh sửa. Gõ mật mã mới cho người dùng, sau đó gõ Enter. Khi được hỏi, nhấn y để xác nhận.

Nếu hích, bạn có thể đặt mật mã trắng thay vì tạo mật mã mới. Để làm điều đó, gõ 1 thay vì 2 sau khi nhập câu lệnh trên và nhấn y khi được hỏi có lưu không.

Khởi động lại vào Windows và sử dụng mật mã mới để đăng nhập. Nếu bạn đặt mật mã trắng, mở Settings , tìm Accounts > Sign-in options, và chọn Password để đặt mật mã mới.

Tránh mất mật mã trong tương lai

Dù trong các phương thức trên, không có phương thức nào là quá khó, nhưng bạn chắc hẳn không muốn mất mật mã lần nữa trong tương lai và lại phải hì hục dựa vào chúng. Có nhiều cách để giúp bạn không phải đặt lại mật mã Windows nữa.

Đầu tiên, nếu chưa sử dụng tài khoản Microsoft để đăng nhập vào Windows 10, thì bạn nên làm điều đó ngay. Cách này cho phép bạn dễ dàng đặt lại mật mã thông qua giao diện web nếu lỡ quên sau này.

Kể cả nếu không sử dụng tài khoản Microsoft, thì đặt một mã PIN cho tài khoản Windows cũng sẽ cho bạn một lựa chọn khác dễ nhớ hơn để đăng nhập.

Bạn cũng nên sử dụng một trình quản lý mật mã để lưu trữ mọi mật mã một cách an toàn. Khi sử dụng trình quản lý mật mã, bạn chỉ phải nhớ một vài mật mã thay vì hàng chục!

Cuối cùng, Windows cho phép bạn tạo một ổ đĩa đặt lại mật mã nhằm tránh các phương thức dài dòng kể trên trong tương lai. Cắm một ổ đĩa flash vào máy tính, gõ "password reset disk" trong Start menu để khởi chạy công cụ Create a password reset disk.

Bây giờ hãy làm theo các bước được hướng dẫn để tạo một ổ đĩa đặt lại mật mã bằng USB. Nếu tài khoản của bạn bị khoá trong tương lai, bạn có thể cắm ổ đĩa này vào để lấy lại quyền truy cập. Phương thức này hữu hiệu bất kể bạn đã thay đổi mật mã bao nhiêu lần đi nữa. Nhưng đừng quên là bất kỳ ai có được ổ đĩa trong tay cũng sẽ truy cập được vào tài khoản của bạn. Cất nó thật kỹ nhé!

Minh.T.T (theo MakeUseOf)

Thành viên mới đăng
Top