7 chiến lược \"troll\" hữu hiệu


Dựa trên kết quả nghiên cứu 4.000 trường hợp "troll", các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những kẻ thích bạo lực tinh thần trên mạng thường đi tìm cảm giác quyền lực, trả thù, hoặc đôi khi chỉ là tìm niềm vui dựa trên tính ẩn danh của Internet. Ngay cả những ngôi sao như Jessie J và Duncan James cũng là nạn nhân của "troll".

1

2 ca sĩ Duncan James và Jessie J - nạn nhân của troll trên Twitter

Theo báo Anh Daily Mail, tiến sĩ ngôn ngữ học Claire Hardaker, trực thuộc Đại học Lancaster, đã nghiên cứu hơn 4.000 trường hợp trên mạng được cho là có sự có mặt của "troll" và phát hiện ra rằng sự nhàm chán trong tinh thần là nguyên nhân chính dẫn tới các hiện tượng "troll" và bạo lực tinh thần qua mạng.

Vị tiến sĩ này cũng đã tìm ra được các biện pháp được những kẻ được gọi là "troll" trên Facebook và Twitter chuyên sử dụng để tìm niềm vui cho bản thân mình trên sự tức giận của người khác.

"Troll" là một hiện tượng bùng phát trên các trang web trong những năm vừa qua: các diễn đàn online, các trang Facebook và phần bình luận của các trang báo mạng tràn ngập những lời lẽ xúc phạm, khiêu khích hoặc đe dọa.

Những người ủng hộ hiện tượng này cho rằng "troll" chỉ đơn thuần là sự hài hước, tinh nghịch và tự do ngôn luận. Song, trong rất nhiều trường hợp, mức độ nghiêm trọng và xúc phạm cá nhân của các vụ "troll" biến chúng trở thành những vụ việc hoàn toàn mang tính chất thù hận.

"Troll" trên Internet đi tìm cảm giác quyền lực, trả thù, hoặc đôi khi chỉ là tìm niềm vui dựa trên tính ẩn danh của Internet, tiến sĩ Hardaker khẳng định.

Bà tin rằng mọi người cần phải nắm rõ cách hoạt động của "troll" để tránh chịu ảnh hưởng tâm lý từ những người dùng Internet xấu tính này. Hardaker đã chỉ ra 7 loại "chiến thuật" mà troll thường sử dụng, đồng thời cũng chỉ ra lý do vì sao các "chiến thuật" này thường tỏ ra hữu hiệu trong việc khiêu khích con người.

Các chiến lược này bao gồm chuyển hướng từ chủ đề ban đầu đến các chủ đề nhạy cảm nhằm tạo ra phản ứng tiêu cực, hoặc gây nguy hại tới người khác bằng cách đưa ra những lời khuyên độc địa, khiêu khích người khác phải phản ứng để tránh bị tổn thương.

Tiến sĩ Hardaker cũng chỉ ra các "chiến thuật troll" khác bao gồm việc đề cập tới các chủ đề tầm phào hoặc liên tiếp tung ra những thông điệp khiêu khích tới nhiều địa chỉ khác nhau.

Theo bà, "Sự tức giận, sự lừa đảo và sự lợi dụng đang dần dần nghiêm trọng hơn trong các cuộc tương tác qua mạng, song nhiều người thậm chí còn không biết rằng các hành vi này có tồn tại, hoặc không biết chúng có thể xấu xa và nguy hại tới mức nào".

Tiến sĩ Hardaker cũng cảnh báo rằng, trong một số trường hợp, "troll" chỉ là khởi đầu của những hành vi đáng lo ngại hơn, ví dụ như bạo lực tinh thần qua mạng hoặc theo dõi cá nhân.

Nghiên cứu của bà cũng chỉ ra rằng troll không chỉ là những câu nói xúc phạm hoặc gây shock: troll còn bao gồm rất nhiều các biện pháp "khéo léo" hơn để làm hỏng và gây rối loạn các cuộc thảo luận trên mạng.

Nghiên cứu về hiện tượng "troll" của Hardaker là một phần trong một nghiên cứu rộng hơn về mặt trái của Internet, bao gồm bạo lực tinh thần, lừa đảo, lợi dụng và xúc phạm. Nghiên cứu này đã được phát hành trong số phát hành mới nhất của Tạp chí Ngôn ngữ (Journal of Language) với chủ đề Sự tức giận và mâu thuẫn.

Hiện tại, tiến sĩ Hardaker đang nghiên cứu một số hành vi quá khích trên Internet, trong đó đáng chú ý nhất là nạn bạo lực tinh thần dẫn tới số lượng trẻ em tự tử ngày càng gia tăng. Bà cũng đang nghiên cứu hiện tượng troll và các vụ troll mỉa mai những cái chết thương tâm trên toàn thế giới một cách vô cảm – một hiện tượng tiêu cực cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Một số lượng lớn các ngôi sao cũng đã trở thành nạn nhân của troll, bao gồm ca sĩ Duncan James của ban nhạc Blue – người đã nhận được nhiều tin nhắn kỳ thị đồng tính trên Twitter. Jessie J, giám khảo của The Voice, cũng thường xuyên là nạn nhân của sự xúc phạm trên mạng xã hội này.

Không chỉ có các ngôi sao, các forum thảo luận trên mạng cũng đang bị nạn bạo lực tinh thần hoành hành.

Tiến sĩ Hardaker cho biết: "Hình ảnh của troll thường được gắn với những người trẻ tuổi, song thực tế troll đến từ mọi độ tuổi và mọi thành phần xã hội. Họ sẽ sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để tạo ra phản ứng mong muốn từ những người khác. Một số người khôn khéo hơn những người khác rất nhiều. Đây không chỉ là tấn công cá nhân. Troll đòi hỏi một lượng lớn thời gian và tính toán".

Tiến sĩ Hardaker cũng cho rằng một khi tỉ lệ "tín hiệu/nhiễu" giảm đi, cuộc hội thoại sẽ trở nên tồi tệ hơn: "Các tín hiệu nhiễu của một post dạng troll có thể dễ dàng được bỏ qua, song tín hiệu nhiễu của hàng trăm bài viết trả lời post đó, và các lời phàn nàn về những bài viết trả lời này có thể hoàn toàn nhấn chìm các nội dung đáng giá".

7 chiến lược troll và vì sao chúng lại đặc biệt hiệu quả

- Đánh lạc hướng thảo luận, đặc biệt là chuyển sang các nội dung nhạy cảm: không cần phải tỏ ra quá gay gắt, chiến lược này khiến cho đối phương bị rối loạn bởi sự vô nghĩa và vòng vo của nó. Chuyển hướng sang các nội dung nhạy cảm sẽ tạo ra phản ứng mạnh mẽ nhất từ nạn nhân.

- Đạo đức giả, nhấn mạnh vào lỗi của người khác khi họ thể hiện bản thân mình: một chiến lược cực kỳ đơn giản. Troll thường nhấn mạnh vào các lỗi chính tả, ngữ pháp của người khác bằng một phản hồi được cố ý viết sai để tạo ra phản ứng quá khích từ đối phương.

- Gây mâu thuẫn bằng cách hỏi một câu hỏi giả ngây ngô, giả vờ mình là người mới đến: chiến lược này đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng bị tấn công, bí mật điều khiển và lợi dụng thói tự kiêu, sự nhạy cảm, các giá trị đạo đức và cảm giác tội lỗi của đối thủ. Chiến lược này cũng có thể tạo ra những tình huống khó xử về mặt đạo đức.

- Gây nguy hại cho người khác bằng cách đưa ra những lời khuyên độc địa, cổ xúy các hành động mạo hiểm: đây là một chiến lược troll ẩn dưới dạng lời khuyên hoặc giúp đỡ, trong khi thực tế lại gây tổn hại và/hoặc khiến người khác buộc phải phản ứng để tránh bị tổn hại. Chiến lược này lợi dụng trách nhiệm xã hội và tiêu chuẩn đạo đức của đối phương.

- Gây sốc bằng cách tỏ ra thờ ơ tới các chủ đề nhạy cảm hoặc bằng cách đề cập thẳng tới các vấn đề bậy bạ: chiến lược này thành công do đối phương rất dễ bị kích động bởi sự vô cảm mang tính chất cá nhân và gây tổn thương của troll. Chiến lược này tạo ra một mong muốn đáp trả còn lớn hơn cả mong muốn từ chối không cho troll được thỏa mãn.

- Xỉ nhục, đe dọa hoặc thẳng thừng tấn công người khác mà không cần bị khiêu khích: không cần có lý do chính đáng, cách troll này chỉ có một mục đích duy nhất là làm cho đối thủ bị khó chịu đến mức phải phản kháng.

- Gửi cùng một thông điệp quá khích tới nhiều địa chỉ rồi chờ đợi phản hồi: tin nhắn gửi bởi troll theo chiến lược này không hề liên quan tới chủ đề được thảo luận. Phong cách troll theo kiểu spam này có thể khiến hàng nghìn người nhận phải những tin nhắn rác không có ý nghĩa gì cả.

Việt Dũng

Thành viên mới đăng
Top