Âm mưu \"hút máu\" đằng sau phụ kiện mới của Apple


AirTag, phụ kiện định vị đồ vật bằng Bluetooth của Apple được đồn đại từ lâu cuối cùng cũng lộ diện trong sự kiện Spring Loaded vừa diễn ra hôm 20/4.

Khác với các phụ kiện như ốp lưng, AirTag được xem như một sản phẩm cốt lõi giúp tăng khả năng gắn kết hệ sinh thái sản phẩm nhà Apple. Dưới góc nhìn của mình, tác giả;Andy Boxall từ trang Digital Trends đã đưa ra một số lập luận về chiến lược kinh doanh của Apple đối với AirTag, VnReview lược dịch lại cho bạn đọc theo dõi.

AirTag tạo nên một nhánh phụ kiện mới

Trên thị trường, iPhone và Apple Watch đã có cho mình hàng nghìn dây đeo đi kèm, bộ sạc từ những bên thứ ba hay đa dạng mẫu ốp lưng. Với mức giá 29 USD (khoảng 670 nghìn đồng), AirTag là một thiết bị có nhiều điểm tương đồng với Apple Watch khi chỉ hoạt động với iPhone và có tính cá nhân hóa cao.

Chính Apple cũng không giấu đi tham vọng phổ biến rộng rãi phụ kiện này đến hàng triệu người dùng đang sử dụng iPhone và hệ sinh thái sản phẩm ngoài kia. Hãng thậm chí còn cho phép người dùng tùy biến in họa tiết lên AirTag miễn phí mà không thu thêm bất kỳ chi phí nào, nước đi khá lạ đối với một công ty vốn nổi tiếng có truyền thống "hút máu" như Apple.

Bù lại, bản thân Táo khuyết cũng bán kèm một số phụ kiện cho AirTag với đa dạng màu sắc, kiểu dáng và chất liệu. Nó giống như việc mà Apple kinh doanh ốp lương iPhone hay dây đeo Apple Watch. Song chúng lại có giá đắt hơn cả AirTag khi dao động từ 13 USD đến 39 USD cho các loại móc khóa thường. Trong khi phiên bản hợp tác với Hermés, thương hiệu thời trang xa xỉ của Pháp, có giá lên đến 449 USD (khoảng 11 triệu đồng), đắt gấp 15 lần so với giá niêm yết của một chiếc AirTag.

Có thể nói, thiết bị định vị đồ vật của Apple như một món trang sức công nghệ và được làm ra để mọi người chú ý tới. 

29 USD không đủ để mua AirTag

Những tưởng mức giá 29 USD là khá hợp lý cho một món đồ Apple, nhưng đây chỉ là số tiền để mua một chiếc AirTag riêng lẻ mà không bao gồm dây đeo. Với thiết kế không khác gì một chiếc đồng xu và phải có dây móc để treo lên đồ vật cần định vị, người dùng khi mua AirTag bắt buộc phải chi thêm tiền để mua móc treo cho nó.

Đối với những ai hay quên, sẽ thật tuyệt vời nếu AirTag được gắn với bộ chìa khóa xe, chìa khóa nhà, ba lô,... mà không lo đến việc đãng trí rồi để thất lạc.

Giả sử nếu có 4 bộ chìa khóa, người dùng sẽ tốn 99 USD để sở hữu 4 chiếc AirTag. Kế đến, mỗi chiếc móc khóa bằng da của Apple có giá 35 USD nên sẽ phải mất thêm 140 USD cho 4 sản phẩm, tổng cộng là 240 USD. Với số tiền này, người dùng chỉ cần chi thêm đôi chút là đã có thể tậu được Apple Watch SE mới.

Hay nếu chọn mua 4 mẫu móc khóa Hermés giá 350 USD, tổng số tiền sẽ lên đến 1.496 USD, cao hơn cả một chiếc iPhone 12 Pro Max 512 GB.

Như thường lệ, công ty phụ kiện Belkin sẽ là một trong những bên đầu tiên cung cấp phụ kiện dây đeo và móc khóa treo cho AirTag với giá chỉ 13 USD, đi cùng với đó là nhiều tùy chọn màu sắc để người dùng tha hồ lựa chọn.

Suy cho cùng, các móc khóa đi kèm AirTag chỉ là bước dạo đầu trong kế hoạch kinh doanh phụ kiện của Apple. Rất có thể trong tương lai, hãng sẽ tung ra nhiều sản phẩm độc đáo đi kèm hơn để lôi kéo người dùng chi tiền. Phụ kiện của phụ kiện!?

Phụ kiện đi kèm AirTag mới là thứ thu hút người dùng

Nhiều công ty phụ kiện đã cho ra những ý tưởng độc đáo, làm đảo ngược quá trình mua phụ kiện thông thường của người dùng. Nói một cách dễ hiểu, người dùng sẽ bị thu hút bởi các món phụ kiện đi kèm rồi từ đó mới "xuống tiền" mua AirTag. AirTag đang đi ngược với Apple Watch và iPhone, khi đây là các sản phẩm mà người dùng muốn có được trước rồi mới đến nghĩ đến việc mua phụ kiện.

Nomad là một trong những nhà sản xuất phụ kiện đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng nói trên. Hãng đã công bố mẫu dây đeo mắt kính mới với phần đuôi gắn được AirTag.

Nhờ đó, người dùng có thể vừa giảm nguy cơ thất lạc kính và không bao giờ để kính bị rơi. Hiện tại Nomad đang cho khách hàng đặt trước sản phẩm này với giá 30 USD (khoảng 700 nghìn đồng) và sẽ sớm tăng thêm 10 USD khi kết thúc chương trình ưu đãi.

Nhờ thiết kế nhỏ gọn, AirTag luôn cần một giá đỡ được thiết kế đặc biệt để trở nên hữu ích trong mọi trường hợp. Chính vì thế, các nhà sản xuất bên thứ ba sẽ sớm tung ra nhiều phụ kiện hỗ trợ AirTag để từ đó có thể ứng dụng triệt để nó và đáp ứng nhu cầu người dùng.

AirTag sẽ là "gà đẻ trứng vàng" cho Apple?

Khi sử dụng, người dùng sẽ nhận ra tính hữu ích mà AirTag mang lại và rồi từ đó tiếp tục mua thêm. Cùng với việc càng có nhiều phụ kiện sáng tạo thì càng nhiều chiếc AirTag được tiêu thụ để đi cùng với chúng.

Mặt khác, Apple chắc chắn sẽ giới thiệu nhiều màu sắc mới theo mùa, hoặc cùng Nike cho ra phiên bản dây đeo đặc biệt cho AirTag giống như cách đã làm với Apple Watch. Tất cả chúng đều thúc đẩy người dùng quyết định mua các sản phẩm AirTag tiếp theo. Đây được gọi là công nghệ tạo ra thời trang và thời trang lại luôn thay đổi. Rồi bạn sẽ chi cho bộ sưu tập AirTag và dây móc còn nhiều hơn cả chiếc iPhone đang cầm.

Cứ như thế, Appe từng bước gầy dựng vòng lặp lợi nhuận cho AirTag và các phụ kiện đi kèm. Đây không còn một món đồ công nghệ nữa, đây là phụ kiện thời trang. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chờ xem đến khi sản phẩm được bán ra, phản hồi từ phía người dùng đối với AirTag trong trải nghiệm sử dụng thực tế ra sao. Có thể thành công nhưng cũng có thể thất bại.

Ngọc Diệp (theo Digital Trends)

Thành viên mới đăng
Top