Chiếc áo phông giá 5 USD khác gì chiếc áo phông giá hơn 100 USD?


Nếu bạn đã từng xem một chiếc áo phông trắng hiệu H&M trị giá 5 USD, bạn sẽ thấy nó chẳng khác gì với tất cả những chiếc áo phông màu trắng đơn giản giá 300 USD. Vậy tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?

Theo trang Hufington Post, có rất nhiều yếu tố liên quan đến việc định giá của một chiếc áo phông, nhiều yếu tố người tiêu dùng bình thường có thể không hề nghĩ đến khi mua sắm. Mọi thứ từ loại vải đến quy trình sản xuất đến thương hiệu đều có thể ảnh hưởng đến số tiền chúng ta phải trả. Nhưng làm thế nào chúng ta biết rằng những gì mình nhận được đáng với số tiền bỏ ra? Hoặc, nói cách khác, chính xác thì chúng ta sẽ chi trả cho những cái gì?

Câu trả lời không hề đơn giản, nhưng các chuyên gia đã đưa ra một số thông tin chi tiết về thế giới quần áo, giúp trả lời câu hỏi trên.

Hãy bắt đầu với vải

"Vải là thành phần chiếm chi phí lớn nhất của hầu hết các loại trang phục", Margaret Bishop, giáo sư tại trường Parsons New School for Design và Viện Công nghệ thời trang, cho biết.

Chính xác điều đó có nghĩa gì? Hãy xem cotton (bông), một loại vải phổ biến nhất của áo phông trắng cơ bản. Theo Preeti Gopinath, phó giáo sư ngành dệt may và giám đốc chương trình dệt may MFA tại trường Parsons New School for Design, bông chất lượng cao hiển nhiên sẽ đắt hơn các loại bông chất lượng thấp.

Bà cho biết việc phân loại "thường dựa trên chiều dài của mặt hàng chủ lực, đó là chiều dài của mỗi sợi bông nhỏ trong vải. Sợi bông càng dài thì mảnh vải càng mượt mà. Nếu sợi ngắn, chúng sẽ xoắn lại với nhau và miếng vải sẽ có nhiều khớp nối. Càng nhiều khớp thì càng kém mượt".

Ngoài sự ngắn dài, còn có sự đa dạng và chất lượng của bông - đó là bông Sea Island? Bông Ai Cập? Bông Pima? Lựa chọn này tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí, và nếu bông được pha thêm chất elastane để có thể co dãn tốt hơn, chi phí cũng sẽ tăng thêm.

Ngoài ra, sợi vải có thương hiệu cũng sẽ đắt hơn. Chẳng hạn, tên thương hiệu của bông pima là Supima, và tên đó gắn liền với chi phí tiếp thị, Bishop giải thích.

Quá trình chải thô và chải kỹ cũng làm tăng thêm chi phí cho sản phẩm cuối cùng. Bông chải thô là sản phẩm của quá trình chải sợi tiêu chuẩn trước khi xoắn chúng thành sợi, còn bông chải kỹ được xử lý qua nhiều lần chải nữa sau khi chải thô để loại bỏ các mẩu ngắn trong vải và mang lại mảnh vải mượt mà, chất lượng cao hơn và cũng đắt hơn.

Trên hết, Bishop và Gopinath lưu ý, nếu là bông 100% hữu cơ, giá sẽ còn cao hơn nữa. Còn nếu là sản phẩm pha trộn của bông và vải tổng hợp, như polyester, có thể sẽ rẻ hơn; polyester và các loại vải tổng hợp khác là sợi rẻ hơn, Gopinath nói.

Một chiếc áo phông không nhất thiết phải làm bằng loại bông đắt tiền nhất, nhưng theo Bishop giải thích, nếu chiếc áo có giá quá thấp, chất lượng sẽ không tốt bằng áo của các thương hiệu đắt tiền hơn.

Tiếp đến là chi phí sản xuất

Quá trình sản xuất ra một chiếc áo phông, và việc chiếc áo phông đó được sản xuất ở nước nào, đều đóng vai trò trong việc quyết định giá sản phẩm là bao nhiêu.

Theo Bishop, "Nhiều người nghĩ rằng chi phí lao động mới khiến chiếc áo phông có giá cao hay thấp. Nhưng thực chất, lao động là một phần rất nhỏ trong tổng chi phí chiếc áo".

Nếu chiếc áo được sản xuất ở nước ngoài, chi phí lao động thực chất không đóng vai trò gì trong giá của chiếc áo đó. "Nó không đáng kể", Gopinath nói, lưu ý rằng nó có thể thêm "một vài xu ... nếu đó là một chiếc áo phông được sản xuất hàng loạt tại Bangladesh".

"Nếu xét mức lương của một người Mỹ, dù ở mức thấp nhất là 8 USD/giờ, đổi sang tiền rupee của Ấn Độ hoặc tiền Bangladesh, bạn sẽ thấy không ai [ở Ấn Độ và Bangladesh] được trả tiền như vậy cả. Họ được trả tiền, nhưng chỉ ở mức 1 USD hay 50 cent, có thể cho 1 giờ hoặc vài giờ làm việc".

Không phải mọi chiếc áo phông rẻ tiền đều được sản xuất ở Ấn Độ hay Bangladesh, nơi mức lương tối thiểu thấp hơn đáng kể so với Mỹ, nhưng hầu hết là thế. Chỉ cần nhìn vào bất kỳ chiếc áo phông H&M và Forever 21, bạn sẽ nhận thấy nhiều chiếc dán nhãn "Made in Bangladesh".

Quy mô sản xuất cũng đóng vai trò vào tổng chi phí. Điều đó có nghĩa là nếu một công ty sản xuất 10.000 chiếc áo, nó sẽ rẻ hơn việc chỉ sản xuất 10 chiếc, Gopinath giải thích. Vì vậy, nếu cùng một chiếc áo được sản xuất hàng loạt tại Bangladesh có giá 5 USD, nhưng nếu được sản xuất tại Mỹ với số lượng nhỏ, ví dụ 20 chiếc, chi phí lao động và giá bán lẻ sẽ cao hơn nhiều.

Còn một yếu tố liên quan nữa là đạo đức. Như chúng ta đã biết, ngành may mặc, đặc biệt là ở những nơi như Bangladesh, không có hồ sơ theo dõi về môi trường làm việc an toàn hoặc mức lương cho nhân viên. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn vui vẻ mua những chiếc áo phông 5 USD đó.

Các công nhân đang nhuộm vải tại một nhà máy ở Bangladesh

Chúng ta thường có xu hướng gắn liền mác "Made in America" với các mặt hàng giá bán cao, nhưng Bishop nói rằng không phải lúc nào cũng như vậy. Bà cho biết trong một số nghiên cứu, những chiếc áo phông sản xuất tại Mỹ vẫn có thể bán ra với mức giá vừa phải và vẫn tạo ra lợi nhuận.

Nước (nơi) sản xuất ảnh hưởng đến chi phí tổng thể của sản phẩm chủ yếu là do thuế nhập khẩu và chi phí vận chuyển, Bishop nói.

"Thuế nhập khẩu quần áo được xác định theo phong cách may mặc, hàm lượng chất xơ và nước sản xuất. Nếu một chiếc áo phông được sản xuất tại một quốc gia có thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ, thuế nhập khẩu sẽ bằng không", Bishop nói. "Cái áo phông đó, được sản xuất ở một nước khác, có thể có thuế nhập khẩu từ 20% trở lên, tùy thuộc vào hàm lượng chất xơ và nước sản xuất".

Ngoài ra còn có chi phí vận chuyển liên quan đến việc gửi áo từ các nước khác đến Mỹ. Bishop nói rằng vận chuyển áo phông từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan hoặc Bangladesh đến Mỹ sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn so với vận chuyển từ Haiti, Mexico hoặc Trung Mỹ.

Cuối cùng là chi phí tiếp thị

Trong trường hợp của ngành thời trang và làm đẹp, người mua không chỉ trả tiền mua sản phẩm, mà còn cho thương hiệu. Vì vậy, nếu bạn đến cửa hàng H&M, bạn sẽ phải trả 10 USD hoặc ít hơn cho một chiếc áo phông trắng. Nhưng nếu bạn mua hàng xa xỉ từ các thương hiệu như The Row (bán áo phông với giá 320 USD) hoặc Maison Margiela (bán áo phông với giá 340 USD), bạn sẽ trả tiền cho uy tín thương hiệu sản phẩm.

Bishop cho biết: "Mỗi thương hiệu hoặc nhà bán lẻ đều có chi phí riêng, các yêu cầu về lợi nhuận riêng và các giá trị thương hiệu riêng. Một số thương hiệu ưu tiên phân phối sản phẩm chất lượng tốt cho người tiêu dùng với mức giá phải chăng, những thương hiệu khác ưu tiên tạo tên tuổi và nâng tầm thương hiệu và đôi khi bán ra với giá rất cao vì như vậy".

Giá cao hơn liệu có đồng nghĩa chất lượng cao hơn?

Không hẳn vậy.

Trong một số trường hợp, một chiếc áo phông giá 100 USD hoặc 200 USD có thể xứng đáng với mức giá như vậy. Ví dụ, Gopinath cho biết, nếu một công ty đang sử dụng quy trình bền vững và thân thiện với môi trường để sản xuất áo phông theo các lô nhỏ ở Mỹ, những sản phẩm đó chắc chắn sẽ đắt hơn. Nhưng đồng thời, "bạn cũng có thể nhận được một chiếc áo phông trông giông giống với chiếc áo phông sản xuất ở Bangladesh hoặc Ấn Độ với giá 5 USD".

Như Bishop đã lưu ý, "có thể một thương hiệu rất đắt nhưng lại sản xuất và bán sản phẩm chất lượng thấp, nhưng bạn cũng có thể nhận thấy có những thương hiệu giá cả phải chăng song bán sản phẩm chất lượng cao".

Một số thương hiệu như Everlane và Kotn đang cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa chất lượng và giá cả, mà không cho phép những phương pháp sản xuất không bền vững hay phi đạo đức.

Benjamin Sehl, đồng sáng lập thương hiệu Kotn, một công ty thời trang chuyên cung cấp các sản phẩm cơ bản bằng sợi bông, thiết kế ở Canada và sản xuất tại Ai Cập cho biết, nếu người tiêu dùng muốn chăm sóc quần áo giữ nét đẹp trong thời gian dài, nên đầu tư mua những sản phẩm chất lượng tốt hơn, chúng sẽ không bị bai dãn trong trong quá trình giặt.

Benjamin Sehl cũng đồng ý rằng người tiêu dùng khó có thể xác định một chiếc áo phông đắt tiền có thật sự tốt hơn chiếc áo rẻ hơn hay không, nhưng ông khuyến khích mọi người nghiên cứu về các thương hiệu sản phẩm.

Theo Bishop, có một số điều cần xem xét khi bạn muốn chắc chắn nhận được sản phẩm chất lượng.

Ví dụ, nếu bạn căng miếng vải lên ánh sáng, sợi vải thường hiện ra đồng đều hơn và mịn hơn nếu đó là loại vải chất lượng cao. Bạn cũng có thể luyện các đầu ngón tay để có thể cảm nhận các loại vải. Một chiếc áo phông chất lượng đẹp sẽ cho cảm giác mượt mà hơn.

Và bây giờ, bạn đã hiểu các kiến ​​thức để đánh giá giá trị chiếc áo phông, lựa chọn mua hay không giờ đây đã nằm hoàn toàn trong tay bạn.

Hoàng Lan

Thành viên mới đăng
Top