Chúng ta có thể hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng hay không?


Bạn còn nhớ chú voi ma-mút Manny lông rậm dễ thương, và chú hổ răng kiếm Diego thân thiện trong phim Kỷ băng hà chứ? Bạn có muốn thấy chúng ngoài đời thực không? Nhưng chẳng phải chúng đã tuyệt chúng rồi sao?

Nhờ những tiến bộ mới trong công nghệ sinh học, những thứ tưởng chừng như truyện khoa học viễn tưởng kia có lẽ sẽ sớm thành hiện thực thông qua một quá trình thú vị gọi là "de-extinction" - tạm dịch: đảo ngược tuyệt chủng.

De-extinction là gì?

Liên đoàn Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) định nghĩa;de-extinction là thế hệ thay thế của những giống loài đã tuyệt chủng, hoạt động giống như giống loài nguyên bản nhưng không phải là những "bản sao chân thực". Nói một cách đơn giản, de-extinction giống như nút Ctrl-Z đối với các loài động vật đã tuyệt chủng, nhưng loài tái sinh lại không giống hệt như tiền bối của chúng.

Có ba kỹ thuật chính trong de-extinction:

1) Gây giống ngược: Các loài đang tồn tại, có những đặc điểm tương đồng với các loài đã tuyệt chủng, có thể được xác định và gây giống chọn lọc để tạo ra thế hệ tiếp theo trông giống với các loài đã tuyệt chủng hơn.

Ví dụ, bò rừng châu Âu (auroch), tổ tiên của mọi loài gia súc hiện đại, đang được tái sinh thông qua chương trình Tauros. Bằng cách gây giống chọn lọc các loài gia súc hiện đại với bộ gene gần với auroch, các nhà khoa học hi vọng có thể cho ra một loài động vật gần giống nhất với loài bò rừng hoang dã của châu Âu.

Lai giống để tái sinh bò rừng châu Âu

Đây là một phương thức rất thô sơ so với các phương thức de-extinction khác có độ phức tạp cao hơn.

2) Nhân bản: Đúng như cái tên của nó, nhân bản chính xác là thứ bạn đang hình dung. Một bản sao của loài động vật đã tuyệt chủng được tạo ra bằng cách trích xuất nhân tế bào (nucleus), vốn chứa DNA của loài động vật đã tuyệt chủng, từ các tế bào đã được dự trữ trước đó. DNA này sau đó sẽ được đưa vào một tế bào trứng (thu thập từ họ hàng còn sống gần nhất của loài đã tuyệt chủng), vốn thiếu DNA của chính nó - hay nói cách khác, thiếu nucleus. Tế bào trứng này sẽ hoàn thành quá trình phát triển của nó bên trong tử cung của một con cái thay thế và con con sinh ra sẽ trở thành một bản sao giống hệt về mặt di truyền của loài đã tuyệt chủng.

De-extinction loài bucardo bằng cách nhân bản

Phương thức này chỉ được áp dụng đối với các loài động vật hoặc đang trên bờ vực tuyệt chủng, hoặc vừa mới tuyệt chủng gần đây, bởi nó đòi hỏi phải có trứng được bảo quản tốt với nhân chưa bị tác động. Ví dụ, kỹ thuật này đã được sử dụng vào năm 2003 để mang một loài dê hoang dã tên là bucardo (Pyrenean ibex) vốn sống trên rặng núi Pyrenees của châu Âu về lại với thế giới, trừ việc con vật sinh ra chỉ sống được...10 phút. Con dê con này không thể thở được vì trong một lá phổi của nó xuất hiện thêm một thuỳ lớn, đặc. Quả là không may khi bucardo chính vì thế đã trở thành loài động vật đầu tiên trong lịch sử bị tuyệt chủng đến hai lần. Tuy nhiên, thử nghiệm này cũng là lần gần nhất mà chúng ta thực hiện được quá trình de-extinction thực thụ.

3) Chỉnh sửa di truyền: Đây là kỹ thuật mới nhất, xuất hiện nhờ những tiến bộ trong công nghệ hiện đại. Nó sử dụng các công cụ chỉnh sửa gene, như CRISPR, để chèn những gene được chọn từ các động vật đã tuyệt chủng vào vị trí các gene tương ứng bên trong loài họ hàng đang sống gần nhất của nó. Bộ gene lai tạo ra sẽ được chèn vào một con vật thay thế.

De-extinction voi ma-mút lông rậm

Các nhà khoa học trong dự án Harvard Wolly Mammoth Revival (Tái sinh voi ma-mút lông rậm của Harvard) đang thực hiện nhiều nghiên cứu để xác định những gene quan trọng cần thiết để giúp con vật thích ứng được với khí hậu lạnh của vùng lãnh nguyên. Một khi đã xác định xong, những gene này có thể được chèn vào bộ gene của voi châu Á. Điều họ hi vọng đạt được là một tế bào lai với DNA chủ yếu của voi thường, cùng một số gene của voi ma-mút. Do đó, kết quả sẽ không phải là một bản sao chính xác của voi ma-mút, mà là một con voi lai đã được chỉnh sửa gene để trông giống voi ma-mút.

Tại sao chúng ta quan tâm đến de-extinction?

Nếu đã xem phim Công viên kỷ Jura, bạn hẳn biết rằng hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng là một ý tưởng tệ hại. Dẫu vậy, chúng ta không phải lo lắng về những con khủng lông gớm ghiếc, bởi DNA của chúng đã bị phân rã trong hơn 65 triệu năm kể từ khi tuyệt chủng. DNA có thể sống sót lâu nhất là vài triệu năm, dưới một số điều kiện hiếm hoi nhất định, do đó có thể hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng trong khung thời gian này, nhưng "làm được" có đồng nghĩa với "nên làm" không?

De-extintion có nhiều ý nghĩa đối với lĩnh vực sinh thái học hơn là lĩnh vực du lịch. Theo nhà sinh thái học Ben Novak, nếu một loài động vật được tái sinh để rồi lại bị đưa vào sở thú, thì nó không nên được mang trở lại.

Một quần thể động vật thời tiền sử

Bởi mọi loài động vật đều có những vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của chúng, lỗ hổng chúng để lại có thể ẩn chứa nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, voi ma-mút lông rậm được xem là những "chuyên gia làm vườn". Chúng đạp lên những giống cây non và phát tán hạt giống thông qua những bãi phân giàu dinh dưỡng trên toàn vùng đồng cỏ Bắc cực ngày xưa. Sự biến mất của chúng đã khiến đa dạng sinh học bị mất đi, biến vùng đồng cỏ xanh rì thành một lãnh nguyên rêu phong giá lạnh.

Vào năm 2016, các nhà sinh thái học thuộc UCSB đã đưa ra một bản hướng dẫn nhằm quyết định những loài nào nên được tái sinh để mang lại tác động tích cực nhất cho các hệ sinh thái trên Trái đất. Các loài được chọn là những loài vừa tuyệt chủng gần đây, có những vai trò độc nhất không thay thế được về mặt sinh thái, và có thể hồi sinh với số lượng lớn. Các loài đáp ứng cả 3 tiêu chí là loài dơi muỗi ở đảo Christmas (Pipistrellus murrayi), rùa  khổng lồ Reunion (Cylindraspis indica) và chuột Leporillus apicalis. Tuy nhiên, chưa có chương trình de-extinction nào được thực hiện đối với các loài trên.

Nếu không gặp trở ngại gì, de-extinction là cơ hội vàng để sửa sai cho những lỗi lầm chúng ta đã gây ra trong quá khứ. Loài người luôn muốn đóng vai Chúa trời khi dồn rất nhiều loài động vật vào con đường tuyệt chủng thông qua hoạt động săn bắn, gây ô nhiễm, và phá huỷ môi trường sống của chúng. Ví dụ, loài chim bồ câu viễn khách trước đây sống nhiều ở Bắc Mỹ, nhưng vào khoảng năm 1900, con chim bồ câu viễn khách hoang dã cuối cùng đã bị bắn hạ bởi một thằng nhóc với khẩu súng BB trên tay. Hổ Tasmanian (thylacine) là loài thú có túi ăn thịt ở vùng Tasmania, New Guinea, và Úc, nhưng đã tuyệt chủng vào năm 1936 vì mất môi trường sống, thiếu mồi, và bị săn. Loài Pyrenean ibex (bucardo) từng là loài dê núi nổi tiếng của châu Âu, sống hàng ngàn năm trong yên bình trước khi trở thành mục tiêu của những gã thợ săn tham lam - cá thể cuối cùng của loài này đã chết vào năm 1999.

Xác một chú voi ma-mút con được bảo quản trong băng đá

Ấy thế nhưng, vẫn có những cuộc biểu tình phản đối, nói rằng chính các chương trình de-extinction cũng chẳng khác gì đang đóng vai Chúa trời. Những người có quan điểm đối lập này tranh luận rằng bởi các loài động vật được tái sinh không bao giờ có thể giống 100% loài nguyên gốc đã tuyệt chủng, de-extinction không thực sự đảo ngược được những tổn hại cho hệ sinh thái do con người gây ra. Số khác thì quan ngại rằng đến khi chúng ta de-extinct thành công được một loài, thì hành tinh cũng đã mất đi 1.000 loài khác. Dẫu sao đi nữa, những người ủng hộ de-extinction vẫn tiếp tục đề cao nó như một giải pháp nhằm giải quyết tình trạng tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra trên Trái đất.

Phil Seddon, người tham gia soạn thảo chỉ dẫn của IUCN, tin rằng chúng ta trước hết phải bảo vệ các loài động vật còn đang sống. Mặc cho những quan ngại trên, tiến sỹ Axel Moehrenschlager, người làm việc với Seddon ở IUCN, nói rằng vì chúng ta đã có những công cụ trong tay, thì hãy dùng nó khi có thể, như với loài tê giác trắng phương Bắc, vốn được xem là một loài có khả năng tuyệt chủng (vì không còn con đực nào) và đang bị đe doạ nghiêm trọng.

Dù đây là một chủ đề nóng thu hút nhiều cuộc tranh luận, hiện đang có 7 dự án de-extinction được thực hiện trên toàn cầu: bò rừng châu Âu (Bos taurus primigenius), lừa vằn (Equus quagga quagga), rùa khổng lồ đảo Floreana (Chelonoidis elephantopus), bồ câu viễn khách, voi ma-mút lông rậm, gà lôi mái (Tympanuchus cupido), và một nỗ lực nhằm khôi phục sự đa dạng của loài chim moa (order Dinornithiformes). Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, chúng ta có lẽ sẽ đủ may mắn để thấy những con voi ma-mút lông rậm rảo bước một lần nữa!

Minh.T.T (Tham khảo ScienceABC)

Top