Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng khẩu trang có thể ngăn người đeo phát triển triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19 bằng cách cắt giảm lượng virus trong cơ thể.
Theo các nhà khoa học Mỹ, khẩu trang ngoài tác dụng phòng nguy cơ lây nhiễm virurs SARS-CoV2 thì nó còn giúp các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ít tiến triển các triệu chứng nặng và nguy hiểm hơn đến tính mạng. Sở dĩ khẩu trang có tác dụng này vì nó có thể giảm lượng virus đi vào cơ thể bệnh nhân với số lượng lớn.
Nói cách khác, nếu một người không may bị nhiễm Covid-19, khẩu trang sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ tiến triển các triệu chứng nặng hơn nhờ khả năng ngăn một lượng lớn virus tiếp tục đi vào đường hô hấp. Nhờ đó những người mắc bệnh sẽ chỉ có các triệu chứng nhẹ hơn.
Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, cho biết những người đeo khẩu trang sẽ hấp thụ ít hạt vật chất chứa virus SARS-CoV2 hơn, qua đó giúp hệ miễn dịch của họ dễ dàng đối phó hơn với bệnh tật.
Khẩu trang có tác dụng ngăn một lượng lớn virus đi vào cơ thể những người bị nhiễm?
Tất nhiên lý thuyết này vẫn đang bị nghi ngờ vì chưa có kết luận chứng minh. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, khoảng 40% ca nhiễm Covid-19 không có bất cứ triệu chứng nào. Nhưng khi một số người đeo khẩu trang, tỷ lệ các ca nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng lại tăng vọt, vượt qua mức 90% ở một nhà máy hải sản ở Oregon, Mỹ.
Hồi đầu năm nay, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã sử dụng chuột hamster để kiểm chứng lý thuyết này.
Theo New York Times, các nhà nghiên cứu nhốt những con chuột khỏe mạnh và bị nhiễm Covid-19 trong các lồng liền kề, một số lồng sử dụng vách ngăn bằng khẩu trang y tế. Kết quả là nhiều con chuột hamster khỏe mạnh ở các lồng có vách ngăn đó không bị nhiễm. Và ngay cả khi những con chuột đó bị nhiễm virus, chúng cũng ít có các biểu hiện nặng hơn so với những lồng không có vách ngăn bằng khẩu trang.
Cuối cùng các chuyên gia y tế phát hiện ra rằng, công năng của chiếc khẩu trang thậm chí còn quan trọng hơn rất nhiều so với các suy nghĩ trước đây. Bởi chúng không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho người khỏe mạnh mà còn giảm tải lượng virus tiếp tục tấn công người đã bị nhiễm bệnh.
Hiểu một cách nôm na, nếu hệ thống miễn dịch chỉ phải xử lý một số lượng virus nhỏ, nó có thể đủ thời gian và khả năng xử lý chúng dễ dàng hơn với một lượng lớn virus.
Một số nghiên cứu trước đây đều chỉ ra, khẩu trang làm giảm nguy cơ lây truyền virus. Tiến sỹ Gandhi cho biết, dữ liệu cung cấp từ con tàu du lịch Diamond Princess đã cung cấp thêm bằng chứng cho kết luận này.
Cụ thể hơn 80% người bị nhiễm bệnh trên ổ dịch Diamond Princess ở Nhật Bản hồ tháng 2 đều có triệu chứng mắc Covid-19 do khi đó chưa có quy định đeo khẩu trang.
Nhưng trên một con tàu khác rời Argentina vào tháng 3, tất cả hành khách đều bắt buộc phải đeo khẩu trang sau khi một người có biểu hiện sốt. Kết quả là số ca nhiễm Covid-19 có triệu chứng chỉ là 20%.
Gandhi khẳng định, những người bị nhiễm Covid-19 thường dễ lây nhất vào thời điểm trước khi có các dấu hiệu bệnh đầu tiên xuất hiện. Do đó để ngăn đại dịch tiếp tục lây lan, mỗi người cần hành động tự bảo vệ bản thân và cộng đồng như thể họ đã bị nhiễm bệnh.
Mai Huyền theo Independent