Công nghệ với nền tảng blockchain này đang mang lại cho các nghệ sỹ một giải pháp để khẳng định quyền sở hữu và kiếm tiền từ những tác phẩm số của mình.
Nghệ sỹ Ryan Maloney dự định tổ chức một buổi ra mắt theo phong cách truyền thống dành cho dự án mới nhất của anh, một loạt thẻ bài sưu tập mang tên Beastly Ballers với nhân vật chính là những sinh vật hoạt hình mang trang phục bóng đá. Nghệ sỹ vẽ tranh minh hoạ tại New Canaan, Connecticut này sẽ sử dụng một máy in Trung Quốc để đóng gói những thẻ bài nói trên, sau đó quảng cáo và bán chúng trực tuyến với giá 4,99 USD/gói 10 thẻ.
Maloney hoàn toàn bỏ qua việc bán sản phẩm vật lý. Anh rao bán những hình ảnh thẻ bài trên chợ trực tuyến OpenSea dưới dạng NFT, hay token không thay thế được, loại tài sản số đang nổi lên trong giới nghệ thuật. Maloney đã theo dõi quá trình trỗi dậy của công nghệ này và quyết định thử một lần cho biết.
Anh bắt đầu nhận được ngày càng nhiều đơn hàng ngày sau 1 hoặc 2 ngày. Một tấm thẻ bài, với hình vẽ một người tuyết tên Yeta mang mũ bảo hiểm và đệm tay chân, được bán với giá 85 USD. Tổng cộng, anh đã thu về hơn 700 USD nhờ bán 14 thẻ bài. Đối với một nghệ sỹ đang hoạt động, đây là một sự đền đáp đầy ý nghĩa, và hơn nhiều so với những gì anh có thể kiếm được theo phương thức truyền thống.
"Nghệ sỹ luôn tìm kiếm những phương thức để kiếm tiền từ tác phẩm của họ. Một khi thế giới đã quen thuộc với nghệ thuật mã hoá, cơn sốt vàng sẽ thực sự bắt đầu" -;Maloney nói.
Cơn sốt vàng NFT - về cơ bản là cuộc đua để tìm kiếm những tấm giấy chứng nhận quyền sở hữu ảo, mã hoá - trên thực tế đã và đang diễn ra. Hôm thứ 5, nhà đấu giá 255 năm tuổi của Anh là Christie đã hoàn tất phiên đấu giá tác phẩm thuần số đầu tiên trong lịch sử của họ, một bức ảnh ghép từ 5.000 ảnh nhỏ được tạo ra trong suốt nhiều ngày trời bởi nghệ sỹ Beeple. Giá bán cuối cùng, cực sốc, lên đến 69,3 triệu USD. Tuy nhiên, qua câu chuyện của Maloney, có thể thấy làn sóng NFT đã vượt xa khỏi khuôn khổ những tác phẩm nhiều triệu đô được đấu giá ở những nhà đấu giá nổi tiếng.
NFT mang lại cho nghệ thuật số những khái niệm như "độc nhất" hay "phiên bản giới hạn", vốn từ lâu đã không còn tồn tại trong thế giới internet copy - paste hay post - repost. Mỗi tác phẩm nghệ thuật được liên kết với một chứng nhận quyền sở hữu lưu lại trên blockchain, những cuốn sổ cái phân phối mà chúng ta đã quá quen thuộc mỗi khi nhắc đến Bitcoin và các loại tiền mã hoá khác. Những chứng nhận này, có thể được áp lên tranh ảnh, video, nhạc, và các tập tin số khác, như một con dấu chứng minh đó là tác phẩm gốc. Người ta có thể sao chép tác phẩm này bao nhiêu lần cũng được, nhưng chỉ có một người duy nhất có thể vỗ ngực tuyên bố quyền sở hữu đối với NFT đằng sau nó.
Công nghệ mới mẻ này đang bắt đầu chạm đến mọi ngóc ngách của nghệ thuật, giải trí, và truyền thông. Trong lĩnh vực thể thao, một clip của Lebron James được bán với giá 100.000 USD trên trang Top Shot, chợ chuyên về những video NBA. Trong lĩnh vực âm nhạc, tuần trước, Kings of Leon đã trở thành ban nhạc đầu tiên công bố ra mắt một album NFT, với 3 loại token bao gồm những tranh ảnh đặc biệt và đặc quyền dành riêng cho người mua. Ngôi sao nhạc pop Shawn Mendez tháng trước cũng công bố một loạt các sản phẩm số dưới dạng NFT. Trong lĩnh vực truyền thông, tờ Associated Press đang đấu giá một tấm bản đồ cử tri NFT của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, vốn sử dụng dữ liệu được phát hành trên blockchain. CEO Twitter, Jack Dorsey, thậm chí đang bán đoạn tweet đầu tiên của mình trên nền tảng này như một NFT.
Người ta nói rằng NFT có tiềm năng mở ra một cuộc cách mạng trong cách các nghệ sỹ thuộc mọi cấp độ khác nhau có thể bán và phân phối tác phẩm của họ. Mặt khác, NFT có thể thay đổi cách con người tương tác và tiêu thụ nghệ thuật trong thời đại số.
Tiềm năng đó rõ ràng rất lớn - theo lời Joe Saavedra, CEO của Infinite Objects, công ty chuyên làm khung cho các video lặp lại và các tác phẩm nghệ thuật số khác để chúng có thể được trưng bày trong nhà và bảo tàng. Công ty của anh từng hợp tác với Beeple trong một dự án NFT trước đây, với sản phẩm là một loại khung vừa hiển thi NFT, vừa tích hợp mã QR liên kết đến token.
"Mọi người sẽ nhận ra có thể làm gì trong lĩnh vực này. Nghệ thuật chỉ là đỉnh của tảng băng mà thôi" - anh nói.
Tác phẩm của Beeple được bán với giá 69,3 triệu USD
Mối liên kết
NFT có "uy" bởi nó đánh vào những vấn đề đã ăn sâu vào gốc rễ của thế giới số: quyền sở hữu và tiền bồi thường.
Internet phát triển thành nơi chúng ta biết đến ngày nay bởi dữ liệu có thể dễ dàng được sao chép và nội dung do người dùng tạo ra thì xuất hiện ngập tràn trên web. Các YouTuber và người dùng TikTok đã thu hút những lượng lớn người theo dõi bằng cách tạo ra nội dung miễn phí, đôi lúc theo những cách rất chuyên nghiệp với chi phí đắt đỏ. Napster từng khiến cả ngành công nghiệp âm nhạc phải quỳ gối khi dịch vụ này "đánh sập" mô hình kinh doanh truyền thống ở một thời điểm mà cả các nghệ sỹ lẫn các hãng băng đĩa không hề lường trước. Tương tự, các dịch vụ của Facebook cũng không thu phí, dù bạn có thích họ hay không.
Bạn có thể hỗ trợ các nhà kiến tạo nội dung bằng cách quyên góp vào tài khoản Patreon của họ. Nhưng NFT mang lại một cầu nối mới giữa các nhà kiến tạo và người hâm mộ. "NFT cho các nghệ sỹ số một nơi để bán tác phẩm với những đảm bảo về tính xác thực và tính quý hiếm." - theo lời Meghan Doyle, một chuyên gia tại nhà đấu giá Christie cho biết.
Theo một cách nào đó, NFT đang khôi phục lại động lực vốn đóng vai trò quan trọng trong duy trì thế giới nghệ thuật qua hàng thế kỷ. Một nhà sưu tập có thể thèm muốn bức hoạ Basquiat nguyên gốc - thay vì bản in của nó - chỉ để nắm được trong tay phiên bản mà người nghệ sỹ phải đứng hàng giờ liên mới tạo ra được. Một người mua NFT có thể cảm thấy gần gũi hơn với thứ mà người nghệ sỹ xem là phiên bản "chuẩn", mặc cho đó có thể được tái tạo lại giống hệt. NFT cũng có thể hoạt động như những bản in lại cực hiếm, với số lượng bản sao được chứng nhận có hạn. Bạn có thể nghe White Album của nhóm Beatles trên Spotify, nhưng nếu sở hữu bản ghi gốc, bạn sẽ có cảm giác như mình đang đứng ngay tại phòng thu vậy.
Con người luôn đề cao ý nghĩa của bản gốc, theo lời Coye Cheshire, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Berkeley. "Có một mối liên kết. Nó kết nối họ đến một thời điểm và địa điểm"
NFT ngày càng thu hút nhiều sự chú ý, nhưng chúng không hề mới mẻ. Công nghệ này thực ra đã xuất hiện vào năm 2017, sau khi blockchain Ethereum giới thiệu một chuẩn mới với khả năng hỗ trợ các token độc nhất. Năm ngoái, một studio Canada tên Dapper Labs đã phát triển một tựa game gọi là CryptoKitties, cho phép mọi người mua, bán và thu thập mèo ảo. Game này đã thành bom tấn và giúp phổ biến hoá khái niệm NFT. Năm 2020, giá trị của thị trường NFT ước tính đạt 315 triệu USD.
Hết xăng
NFT vẫn tồn tại những nhược điểm. Các nghệ sỹ thường xuyên than phiền về những khoản phí đôi lúc quá cao trong quá trình sử dụng công nghệ này.
Blockchain phổ biến nhất hiện nay dành cho NFT là Ethereum, và một khoản phí gọi là "xăng" sẽ được thu mỗi khi người ta thực hiện một giao dịch trên mạng lưới này. Cái tên "xăng" xuất phát từ chi phí tính toán cần thiết để xử lý giao dịch - giống như xăng mà xe hơi cần để chạy vậy. Một số nghệ sỹ lo ngại về tác động lên môi trường đi kèm với việc tiêu thụ năng lượng cần để thực hiện các giao dịch. Bởi blockchain là mạng lưới phi tập trung, giá xăng được xác định bởi nhiều yếu tố, bao gồm nguồn cung, nhu cầu, và giá trị của Ethereum.
Bạn phải trả phí xăng tại nhiều thời điểm trong quá trình giao dịch. Khi các nghệ sỹ gia nhập một khu chợ, đôi lúc họ bị thu một khoản phí xăng trọn đời khi đăng bán món hàng đầu tiên. Người mua cũng phải trả một khoản phí khi họ mua tác phẩm.
"Đôi khi rất khó khăn cho các nghệ sỹ mới gia nhập thị trường và đăng bán tác phẩm" - theo Mateen Soudagar, một nhà đầu tư người Úc chuyên viết blog về NFT. Nó cũng có thể gây hại cho thị trường. Ông nói rằng khoản phí này hiện đã tăng vọt lên mức 200 - 300 USD. "Tôi sẽ không trả 200 USD cho một tác phẩm được bán chỉ với 50 USD". Để giảm tải cho các nghệ sỹ, một số khu chợ đã giới thiệu khu vực dành cho các NFT không phí.
Soudagar đã tham gia vào thị trường NFT trong nhiều nằm, với khoản đầu tư đầu tiên là một miếng đất ảo trong game. Ông tin rằng game sẽ là biên giới tiếp theo của NFT. Công nghệ này sẽ mang lại cho mọi người khả năng mua những món đồ độc nhất, như những bộ skin hiếm, hay vũ khí, giáp, avatar...
Maloney, nghệ sỹ minh hoạ từ Connecticut, nói rằng anh sẵn sàng chấp nhận khoản phí xăng cao nếu nó giúp anh bán được nhiều tác phẩm hơn và đưa NFT trở thành một thị trường phổ biến hơn. Anh đang hợp tác với các công ty đồ chơi thông qua công ty sáng tạo do chính mình sáng lập, MediaLuv. Anh nói rằng bản thân đã thảo luận với các khách hàng có hứng thú với thử nghiệm NFT.
"Tôi có cảm giác rằng đây là phương thức giao dịch cho mọi hàng hoá và dịch vụ trong tương lai. Nó quá tốt, như mơ vậy" - Maloney nói.
Minh.T.T (Tham khảo Cnet)