Đã 8 năm kể từ phiên bản Soundstick gần nhất, Harman Kardon mới quyết định tung ra thế hệ thứ 4 của dòng loa Soundstick trong suốt huyền thoại. Soundstick 4 cũng là phiên bản kỷ niệm 20 năm kể từ khi chiếc Soundstick đầu tiên ra đời dưới bàn tay của "phù thủy" thiết kế Jony Ive, cựu thiết kế trưởng của Apple, người đứng sau nhiều sản phẩm "huyền thoại" như iPhone, iMac, iPod…
Trong bài đánh giá chiếc loa Harman Kardon Aura Studio 3 mà VnReview mới gửi đến bạn đọc gần đây, chúng tôi đã từng đề cập đến việc những chiếc loa Aura vốn được phát triển từ các mẫu loa iSub và Soundsticks ra đời từ cách đây hơn 20 năm. Nhưng cho đến tận bây giờ, kiểu dáng của Aura Studio hay Soundstick vẫn chưa bao giờ tỏ ra lỗi thời nhờ thiết kế trong-suốt-siêu-thực, vượt thời gian.
Harman Kardon Soundstick 4, mẫu loa kỷ niệm 20 năm mối quan hệ hợp tác giữa Harman Kardon và Apple;
Nếu bạn chưa biết thì iSub và Soundsticks vốn là những sản phẩm hợp tác giữa Harman Kardon với Apple, và do chính tay Jony Ive, cựu thiết kế trưởng của Táo Khuyết, người đứng sau nhiều sản phẩm "huyền thoại" như iPhone, iMac, iPod... trực tiếp đảm nhận.
Với Soundstick 4, Harman Kardon tiếp tục phát huy những thế mạnh vốn có trên các thế hệ trước và thực hiện nhiều thay đổi lớn, đồng thời mức giá cũng tăng lên gần 2 triệu, chạm mức 7,99 triệu đồng. Vậy những thay đổi đã mang đến tác dụng thế nào? Hãy cùng VnReview tìm hiểu trong bài đánh giá chi tiết ngay sau đây.
Một lưu ý cho bạn đọc là hiện Soundstick 4 đang được các cửa hàng thực hiện khá nhiều chương trình khuyến mại, như tặng kèm tai nghe Galaxy Buds hay loa JBL Flip 5. Nếu không lấy quà, mức giá chỉ còn khoảng 6,49 triệu đồng, gần như ngang ngửa thế hệ trước.
Vẫn thiết kế loa trong suốt biểu tượng nhưng đã được tinh chỉnh để "nghiêm túc" hơn
Giống với Aura Studio 3, nhờ kiểu dáng trong suốt độc đáo thừa hưởng từ các thế hệ trước, Soundstick 4 khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì cữ ngỡ rằng đây là một chiếc đèn ngủ, đồ trang trí nội thất hay... máy hút ẩm thay vì là một mẫu loa Bluetooth. So với mẫu loa Aura, kiểu dáng của Soundstick 4 gần như tương tự, nhất là ở phần loa sub nhưng có thêm 2 loa vệ tinh đảm nhận dải mid và treble, tạo thành hệ thống loa 2.1, phù hợp để nâng tầm trải nghiệm âm thanh cho dàn PC, laptop hay TV của bạn.
Soundstick 4 vẫn giữ lại thiết kế trong suốt đặc trưng nhưng được tinh chỉnh để trở nên "nghiêm túc" hơn
Phần loa sub và 2 loa vệ tinh vẫn làm bằng nhựa mica như các thế hệ trước nhưng đã được xử lý tinh xảo hơn, gần với thủy tinh hơn và tông màu sáng hơn, tạo được nét sang trọng cần có ở một sản phẩm cao cấp. Các chi tiết dây phía trong cũng đã được giấu kín, không còn "lộ thiên" như các đàn anh. Các loa vệ tinh đã có lưới nhỏ bảo vệ, tránh bụi, chống xước. Phần cao su chân đế chắc chắn, không còn ngả nghiêng, chênh vênh như các đời trước nhưng cũng không còn cho phép điều chỉnh góc độ. Kiểu thiết kế này khiến Soundstick 4 trông "thanh niên nghiêm túc" hơn hẳn. Tông màu trắng sáng giúp Soundstick 4 dễ phối ghép với các không gian nội thất và tỏ ra đặc biệt phù hợp khi đặt cạnh những chiếc iMac.
Chân đế của 2 loa vệ tinh đã được làm cố định, chắc chắn hơn, nhưng không còn điều chỉnh được độ nghiêng như các thế hệ trước
Mặt loa vệ tinh đã có các lưới nhỏ bảo vệ, tránh bụi, chống xước
Một "đặc sản" khác của các loa Soundsticks trước đây là ống thông khí cho loa sub kéo dài từ đỉnh loa xuống ngang thân. Chi tiết này đã bị loại bỏ đi trên Soundstick 4, tương tự như trên chiếc Aura Studio 3. Đây có thể coi là hướng đi hợp lý, lắng nghe người dùng của Harman Kardon bởi ống thông khí đã bị nhiều phàn nàn vì rất dễ bám bụi, côn trùng lọt vào, thậm chí còn có thể đóng cả mạng nhện bên trong, gần như không thể làm sạch. Phần đỉnh loa giờ đây được làm kín hoàn toàn với những đường vân tròn đồng tâm bắt mắt.
Ống thông khí cho loa sub đã được loại bỏ đi và chuyển sang kiểu mái vòm đóng kín
Ngoài tác dụng thẩm mỹ, mái vòm trong suốt còn có nhiệm vụ chính là buồng cộng hưởng giúp cho tiếng bass đầy đặn hơn. Nhờ tông màu trắng sáng nên Soundstick 4 khó lộ việc bám bụi hay các vết xước như các đời trước. Dù thế, bạn vẫn nên nâng niu mỗi khi lau chùi vệ sinh hay di chuyển loa.
Với lớp vỏ "xuyên thấu" bao kín từ đỉnh loa xuống phần thân, Soundstick 4 có thể "khoe khéo" toàn bộ nội thất phía trong. So với chiếc Aura Studio 3, nội thất của loa sub trên Soundstick 4 đơn giản hơn, không lượn sóng cầu kỳ như đàn anh mà chỉ đơn thuần là hình trụ với các vân tròn đồng tâm cùng một chi tiết kim loại hình tròn màu bạc được vát kim cương ở phần cạnh viền, nổi bật chính giữa trung tâm.
Nội thất của Soundstick 4 được bài trí đơn giản thay vì các họa tiết lượn sóng, cầu kỳ của Aura Studio 3
Loa sub cũng có đèn LED, sẵn sàng giúp chiếc loa của Harman Kardon "bừng sáng" theo đúng nghĩa đen, nhất là trong đêm tối. Hãng âm thanh Mỹ cũng rất biết cách "show hàng" khi ngay từ lúc bật nguồn, dàn đèn sẽ tỏa sáng kết hợp cùng âm thanh khởi động nghe đậm chất kích thích, như hối thúc người dùng đến với thế âm nhạc ẩn giấu phía trong.
Hệ thống đèn LED trên loa sub giúp Soundstick 4 bừng sáng trong đêm tối
Phần ống thống khí bị loại bỏ đi đã giúp ánh sáng được lan tỏa đều hơn, phủ kín toàn bộ mái vòm và phản chiếu lại toàn bộ cụm đèn bên dưới, tạo nên vẻ ngoài "huyền ảo" hơn các phiên bản trước. Tiếc là 2 loa vệ tinh vẫn không được trang bị đèn LED, nếu không hệ thống sẽ còn "lung linh" hơn nhiều lần.
Đáng tiếc là đèn LED trên Soundstick 4 chỉ sáng cố định một màu, không có bất kỳ hiệu ứng nhấp nháy hay chuyển đổi RGB nào
Phần đèn LED cũng chỉ sáng cố định chứ không "nhảy múa" được theo nhịp nhạc hay lan tỏa từ tâm ra viền như trên Aura Studio 3. Khi phát nhạc, đèn cũng chỉ có duy nhất màu trắng và chuyển sang màu xanh khi cần ghép cặp Bluetooth, không phải loại RGB đổi màu linh hoạt. Ngoài tác dụng trang trí, hệ thống đèn LED còn có nhiệm vụ hiển thị mức âm lượng mỗi khi có sự thay đổi hay thông báo về trạng thái Bluetooth.
Hệ thống điều khiển thay đổi, không còn nút tinh chỉnh bass
Đi theo phong cách tối giản nên các nút bấm điều khiển của Soundstick 4 được lược giảm tối đa. Chỉ còn nút tăng giảm âm lượng dạng cảm ứng ở phía trước, cùng nút nguồn và Bluetooth dạng vật lý ở mặt sau. Như vậy, nút điều chỉnh bass trên loa sub đã bị loại bỏ đi. Loa vẫn có giắc âm thanh AUX chuẩn 3.5mm để bạn có thể sử dụng thêm với DAC rời hay các thiết bị không có Bluetooth như TV, PC.
Nút tăng giảm âm lượng được chuyển về loa sub thay vì để ở loa vệ tinh bên phải như các đời trước. Phần nửa dưới loa sub được làm kín đáo hơn, thay vì khoe hết toàn bộ "nội tạng" như các đời Soundstick đàn anh.
Tuy nhiên, hơi khó hiểu khi trong hộp không hề có sợi cáp âm thanh 3.5mm nào, trong khi có tới 3 dây nguồn!!!... Dù Soundstick 4 chỉ cần duy nhất 1 dây nguồn cho phần loa sub. Độ dài dây loa vệ tinh và dây nguồn tương đối thoải mái để bạn có thể dễ dàng sắp xếp vị trí các loa. Harman cũng tỏ ra chu đáo khi trên các dây loa đều có băng gai quấn cáp để đi dây gọn gàng.
Các cổng kết nối và nút bấm phía mặt sau cũng được làm gọn gàng, đơn giản hóa. Điểm khó hiểu là Soundstick 4 có cổng âm thanh AUX 3.5mm nhưng lại không đi kèm sợi cáp nào, trong khi trong hộp có tới 3 cáp nguồn.
Lưu ý là Soundstick 4 không có pin, vì vậy sẽ luôn cần cắm điện để sử dụng. Sản phẩm cũng không thể tạm dừng hay thực hiện lệnh chơi nhạc, chuyển bài tới lui hay lựa chọn nguồn phát. Loa sẽ luôn ưu tiên kết nối Bluetooth nên khi cần nghe nhạc bằng cổng 3.5mm, bạn cần ngắt hết kết nối với tất cả thiết bị trước đó.
Hệ thống dây cáp đi kèm được làm cao cấp, chắc chắn, khá giống phong cách cáp nguồn của iMac. Bộ chuyển nguồn AC/DC được tích hợp thẳng trong loa sub thay vì để rời như đời trước, giúp loa gọn gàng hơn.
Một điểm hay là cứ sau 10 phút không phát nhạc hoặc thực hiện bất cứ thao tác nào, Soundstick 4 sẽ tự động chuyển về trạng thái chờ (standby mode) với chỉ 30% đèn LED bật sáng nhằm tiết kiệm điện năng. Nếu thêm 10 phút nữa mà vẫn không có tương tác nào, loa sẽ chuyển tiếp sang chế độ "ngủ sâu" (deep sleep mode) và tắt toàn bộ đèn LED để gần như không tiêu tốn một chút điện nào.
Chỉ cần bật nhạc trở lại từ bất kỳ nguồn phát nào gồm cả Bluetooth và giắc 3.5mm, Soundstick 4 sẽ lập tức thức dậy và sẵn sàng hoạt động. Vì vậy, bạn có thể quên đi nút nguồn và không cần phải lo về hóa đơn tiền điện mỗi tháng nữa.
Sử dụng công nghệ Bluetooth 4.2, Soundstick 4 cho phép kết nối với 2 thiết bị Bluetooth cùng lúc nên tôi vừa có thể vừa ghép đôi với điện thoại hay laptop, và dễ dàng chơi nhạc từ cả 2 thiết bị này. Đồng thời, loa cũng nhớ được tối đa 20 thiết bị đã từng kết nối nên cả gia đình hay công ty có thể dùng chung mà không mất công chuyển đổi rườm rà.
2 loa vệ tinh sẽ kết nối với loa sub thông qua 2 sợi cáp chuẩn RCA/ hoa sen. Cổng màu đỏ sẽ tương ứng với loa phải và cổng đen cho loa trái.
Một chi tiết hơi bất tiện trong quá trình sử dụng là nút nguồn và Bluetooth được đặt ở mặt sau nên khi thao tác, bạn sẽ phải nhoài người ra mới có thể chạm tới. Không dõ lý do nào đã khiến Harman Kardon không đặt 2 nút bấm này ở những vị trí thuận tiện hơn, như cạnh phải hoặc trái. May mắn là hãng đã làm nút nguồn lõm xuống và nút Bluetooth lồi lên để dễ phân biệt, tránh bấm nhầm. Ngoài ra, hai loa vệ tinh cũng không có ký hiệu trái/phải, L/R thường thấy mà thay bằng ký hiệu xanh đỏ nên dễ làm người dùng bối rối khi lần đầu thiết lập.
Nút nguồn và Bluetooth phía mặt sau khiến việc thao tác hơi bất tiện vì phải với tay ra hay nhoài người mới chạm tới
Tương tự các loa Bluetooth hiện nay, việc sử dụng Soundstick 4 hoàn toàn đơn giản, chỉ cần kết nối 2 loa vệ tinh, cắm điện, bật nguồn, bật Bluetooth và kết nối với điện thoại hay laptop là xong. Soundstick 4 hỗ trợ Bluetooth 4.2 với các profile A2DP 1.3, AVRCP 1.6. Dù thế, tôi vẫn mong Harman Kardon cung cấp một app cho smartphone để có thể điều khiển chiếc loa này từ xa, hay ít nhất là bật tắt nguồn hoặc tinh chỉnh một chút Equalizer.
Chất âm sôi động đặc trưng, dải bass dồi dào cả lượng và chất
Tương tự Aura Studio 3, điểm nâng cấp lớn nhất của Soundstick 4 là phần loa sub-woofer chuyên trị âm bass được tăng công suất lên đến 100W, cao hơn đến 5 lần so với Soundstick 3 hay Soundstick Wireless (20W) dù kích thước nhỏ hơn đôi chút, giảm từ 6" xuống còn 5.25". Cũng vì vậy mà trọng lượng của Soundstick 4 lên tới gần 4,5Kg, nặng hơn đáng kể so với đời 3 (gần 3Kg). Hai loa vệ tinh cũng có công suất 20W mỗi bên, gấp đôi đời trước, nâng tổng công suất hệ thống lên 140W. Mỗi loa vệ tinh vẫn có 4 driver toàn dải, kích thước nâng lên mức 1.4" so với 1" của các đàn anh.
Dải bass vốn là điểm mạnh đặc trưng của Soundstick và tiếp tục được phát huy trên Soundstick 4
Loa sub vẫn được đặt hướng xuống đất theo dạng down-firing. Với thiết kế này, tốt nhất bạn hãy sắp xếp cho Soundstick 4 một nơi có bề mặt vững chắc và đủ cứng cáp như bàn gỗ để loa có thể phát ra âm thanh tối ưu nhất. Đặc biệt lưu ý cần tránh các bàn kính vì có thể gây ra những tiếng rung lắc khó chịu. Dải tần đáp ứng của Soundstick 4 khá ấn tượng khi có thể xuống đến mức 40Hz dù kích thước tương đối nhỏ gọn.
Với cục sub lớn cùng công suất tăng gấp 5 lần, ngay từ những tiếng bass đầu tiên, Soundstick 4 có thể khiến nhiều người phải trầm trồ. Tiếng bass cực kỳ dồi dào về lượng, xuống sâu, có lực, nhất là ở những mức âm lượng lớn và tất nhiên sẵn sàng làm rung bàn, rung ghế. Các nhịp bass điện tử trên những bản EDM được đánh với lực khỏe, mềm, căng, rất đã tai.
Công suất loa sub được tăng đến 5 lần, chạm mức 100W
Các bản rap kinh điển của Eminem như Without Me hay When I'm Gone thực sự tỏa sáng trên Soundstick 4. Chúng tôi luôn cảm nhận được Slim Shady đang đứng rap giữa một không gian rộng rãi với phần bass chắc nịch ở dưới nền và các nhạc cụ khác dàn trải xung quanh. Trong những bản nhạc nhẹ nhàng hơn như Let Her Go của Passenger, dải bass vẫn là dải âm bành trướng nhất trong không gian rộng mở được Soundstick 4 tạo ra. Giọng hát của ca sĩ cùng các nhạc cụ ở dải trung (như violin) vẫn giữ được độ mượt và độ dày cần thiết để làm hài lòng nhu cầu nghe nhạc của các đại bộ người dùng.
Năng lượng đượng phân bố hợp lý giữa cả phần mid bass và sub bass, đem đến cảm giác căng tràn và đầy đặn khi cần thể hiện các đoạn dập kick với tốc độ dồn dập trong các đoạn drop cao trào, tạo nền nhịp điệu sôi động cho các nhạc cụ khác có đất để thể hiện. Dường như đây là thứ bass lý tưởng được sinh ra dành cho các thể loại nhạc điện tử EDM, Hiphop sôi động, lẫn game hay phim hành động và chắc chắn làm hài lòng các tín đồ bass head. Đáng khen khi kết nối Bluetooth của Soundstick 4 gần như không có độ trễ nên việc chinh chiến trong những tựa game như PUBG hay Call of Duty Mobile hoàn toàn thỏa mãn.
Soundstick 4 vẫn là lựa chọn phù hợp cho các thể loại nhạc sôi động, nhấn mạnh vào dải bass như Rap, EDM, Dance Pop
So với Aura Studio 3, các loa vệ tinh của Soundstick 4 được đưa ra ngoài nên âm trường thoáng đãng, rộng rãi hơn hẳn, tạo được hiệu ứng đa kênh, stereo rõ rệt, phù hợp nhất là khi trải nghiệm xem phim hay chơi game, giúp tái tạo được môi trường rộng lớn. Trận đại chiến giữa các siêu anh hùng và binh đoàn Thanos trong Avengers: Endgame trở nên dồn dập và căng thẳng hơn nhiều so với khi dùng tai nghe hay Aura Studio 3. Dải trung cũng vì thế thanh thoát hơn, tái tạo giọng ca sỹ đày đặn, ấm áp, nhất là những đoạn nhấn nhá, lấy hơi.
Dải treble có xu hướng nhẹ nhàng, đủ để phần lớn người nghe phổ thông có cảm giác cân bằng và thấy được các chi tiết của bản nhạc, loại trừ gần như hoàn toàn hiện tượng sib và chói gây khó chịu. Nhưng nếu là người mong chờ một dải treble dày, sáng và nhiều năng lượng để phục vụ cho các bản rock hạng nặng hay những bản ballad với nhiều nhạc cụ thì có lẽ Soundstick 4 sẽ chưa đủ khả năng để khiến bạn hài lòng.
Tổng kết
Khi đã sẵn sàng bỏ ra số tiền gần 8 triệu đồng cho một chiếc loa Bluetooth, bạn có quyền nhận về chất lượng âm thanh và thiết kế cao cấp tương xứng. Xét ở những yếu tố này, Soundstick 4 đều thể hiện trọn vẹn.
Với dòng loa đã có tuổi đời lên đến 20 năm, tưởng chừng như Harman Kardon sẽ khó tạo ra sự đột phá cho chiếc Soundstick 4 nhưng hãng âm thanh Mỹ đã cho thấy họ vẫn biết cách để khiến những người yêu âm thanh phải bất ngờ.
Mạnh dạn loại bỏ chi tiết ông thông khí từng là biểu tượng một thời nhưng lại "lợi bất cập hại", Soundstick 4 tạo được nét tươi mới cho dòng loa đã có "gốc gác"đến hai thập kỷ. Điều này cũng khiến chất âm thiên bass đặc trưng của Soundstick trở nên dồi dào, chắc khỏe hơn, thỏa mãn các tín đồ bass head nhưng vẫn đảm bảo thể hiện trọn vẹn, không quá lấn át dải mid và treble. Bên cạnh đó, việc giấu đi những phần dây lộ thiên cũng giúp Soundstick 4 bớt phần rườm rà, dễ bố trí vào nhiều không gian nội thất.
Điểm mà Harman Kardon có thể tiếp tục cải thiện là bố trí thêm hệ thống đèn LED cho các loa vệ tinh, cho phép đèn có thể "quẩy" theo nhạc, thêm app quản lý loa từ xa để có thể tinh chỉnh đèn hay EQ, và nhất là thêm dây cáp âm thanh 3.5mm thay vì cho đến 3 dây nguồn. Bởi xét cho cùng, Soundstick vẫn là dòng loa hướng đến những chiếc PC, và những thiết bị này lại thường không có sẵn kết nối Bluetooth.
Ưu điểm:
+ Thiết kế trong suốt độc đáo đã trở thành biểu tượng, loại bỏ lỗ thông khí ở cục sub giúp tránh bám bụi, côn trùng.
+ Chất âm sôi động ấn tượng, dải bass dồi dào cả về lượng và chất, hợp nghe Rap, EDM, Pop, Dance, xem phim, chơi game hành động.
+ Đèn LED trong đêm bắt mắt.
Nhược điểm:
- Đèn LED không cho "quẩy" theo nhạc, không có đèn LED trên các loa vệ tinh.
- Không có sẵn dây âm thanh 3.5mm trong hộp.
Thành Đạt