Đánh giá Xiaomi Mi Smart Band 5: Nâng cấp cả “smart”, lẫn “band” và giá


Xiaomi Mi Smart Band 5 hay Mi Band 5, đã có những sự nâng cấp nhất định cả về thiết kế, trải nghiệm lẫn tính năng so với thế hệ trước. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với mức giá cao hơn, chạm mốc 1 triệu đồng, đủ để người dùng phải phân vân.

Xiaomi Mi Band 5, Honor Band 5 và Realme Band: Nên mua "đồ chơi" nào hơn?

Ra mắt vào hồi tháng 6 vừa qua, Mi Band 5 là biến thể tiếp theo của chiếc vòng đeo thông minh giá rẻ rất được yêu thích của Xiaomi. Không khác biệt quá nhiều về thiết kế tổng thể so với thế hệ trước, Mi Band 5 chủ yếu tập trung nâng cấp trải nghiệm và tính năng theo dõi sức khỏe, đồng thời khắc phục một số điểm yếu còn tồn đọng.

Mi Band 5 phân phối tại Việt Nam (hay còn gọi là bản quốc tế) với mức giá 990.000 đồng. Con số này cao hơn đáng kể nếu so với mức giá khởi điểm của Mi Band 4 (800.000 đồng) và Mi Band 5 phiên bản nội địa Trung Quốc (189 NDT, khoảng 635 ngàn đồng). Đáng chú ý, phiên bản quốc tế bị cắt giảm một số tính năng như NFC, trợ lý ảo và cảm biến theo dõi nồng độ Oxy trong máu SpO2.

Bài đánh giá này được thực hiện trên firmware 1.0.1.32 mới nhất, tính đến thời điểm viết bài thì Mi Band 5 vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt.

Thiết kế: Màn hình lớn hơn và sạc đã dễ dàng hơn

Thiết kế tổng thể của Mi Band 5 về cơ bản vẫn giống với các thế hệ trước: Dáng thể thao, tương đối đơn giản, phần thân hình con nhộng màu đen, có thể tháo rời khỏi dây đeo. Dây đeo của Mi Band 5 làm bằng cao su TPU tổng hợp khá mềm và thoải mái với cổ tay, tuy nhiên vẫn dùng nút giữ chứ không có chốt cài như Honor Band 5 nên cảm giác đeo không chắc chắn bằng.;

Với kích thước lần lượt 46.95 x 18.15 x 12.45mm, độ dài dây 155-219mm và trọng lượng 11.9g, bạn có thể đeo Mi Band 5 cả ngày, kể cả khi ngủ mà không cảm thấy khó chịu.

Màn hình của Mi Band 5 có kích thước lớn hơn một chút, 1.1 inch so với 0.95 inch trên Mi Band 4, độ phân giải cũng vì thế cao hơn, 126 x 294 pixel. Độ sáng của Mi Band 5 cũng được tăng lên 450 nits, phủ 100% gam màu DCI-P3, và màn hình này được phủ một lớp kính chống xước bo cong 2.5D. Trải nghiệm thực tế, Mi Band 5 có chất lượng hiển thị tốt, nhìn được ngoài trời nắng, tuy nhiên do không có cảm biến ánh sáng nên việc điều chỉnh độ sáng (5 mức độ) phải thực hiện bằng tay, và do tùy chỉnh này ở sâu trong phần cài đặt nên thay đổi thường xuyên cũng không tiện.

Mi Band 4 (trái) và Mi Band 5 (phải)

Do kích thước màn hình và phần rãnh dây đeo thay đổi nên gười dùng sẽ không thể thay dây đeo của Mi Band 4 cho Mi Band 5 và ngược lại.

Cách sạc của Mi Band 5 tiện hơn hẳn, khi người dùng không cần phải tháo kén khỏi dây đeo

Một trong những vấn đề lớn nhất của các thế hệ Mi Band trước là việc sạc. Do thiết kế, người dùng sẽ phải tháo hẳn phần kén nhộng ra và cắm vào dock sạc, không chỉ bất tiện mà còn dẫn đến tình trạng dây đeo bao quanh kén bị kéo dãn, khiến kén nhộng rơi ra ngoài khi đang sử dụng. Điều này đã được khắc phục trên Mi Band 5, khi Xiaomi sử dụng dock sạc từ tính kết nối pin thẳng vào chân sạc, cũng không cần qua một adapter chuyển đổi như Honor Band 5. Tất nhiên, sự thay đổi này cũng đồng nghĩa bạn không thể dùng sạc Mi Band 4 cho Mi Band 5 và ngược lại.

Điểm mà nhiều người dùng thích ở Mi Band là số lượng mặt đồng hồ (watch face) rất phong phú. Bên cạnh một số mặt tích hợp sẵn trên đồng hồ, người dùng còn có thể tải về thêm qua ứng dụng Mi Fit của Xiaomi. Mi Band 5 có hơn 100 mặt số theo chủ đề mới để bạn tha hồ lựa chọn theo yêu cầu, bao gồm 54 chủ đề IP nổi tiếng như SpPal Squarepants, Neon Genesis Evangelion và Ali the Fox.

Mi Band 4 (trái) và Mi Band 5 (phải)

Bên trong, khá bất ngờ khi tuy có màn hình lớn hơn, Mi Band 5 lại chỉ có viên pin 125 mAh so với 135 mAh của Mi Band 4. Các tính năng theo dõi sức khỏe vẫn chủ yếu phụ thuộc vào cảm biến con quay hồi chuyển và gia tốc, nhưng Mi Band 5 được trang bị cảm biến đo nhịp tim PPG cao cấp hơn, hứa hẹn cho kết quả chính xác hơn. Như đã đề cập ở trên, phiên bản quốc tế của Mi Band 5 bị cắt giảm tính năng NFC và cảm biến đo oxy trong máu SpO2. Mi Band 5 hỗ trợ chống nước 5ATM, nên bạn có thể đeo khi tắm hay đi bơi mà không gặp vấn đề gì.

Phần mềm: Tiếp tục bổ sung nhiều loại vận động mới, chưa có tiếng Việt

Do đã chuyển sang sử dụng kết nối Bluetooth Low Energy (BLE), để tận dụng hết các tính năng của Mi Band 5 thì người dùng cần kết nối với smartphone thông qua phần mềm Mi Fit được cung cấp miễn phí trên kho ứng dụng Android (5.0 trở lên) và iOS (10 trở lên). Mi Fit đã hỗ trợ đầy đủ tiếng Việt, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại Mi Band 5 thì chưa.

Giao diện chính của Mi Fit trên Android

Do chưa hỗ trợ tiếng Việt, các tin nhắn và thông báo có dấu sẽ bị lỗi hiển thị ký tự, khó đọc. Cách duy nhất là chờ Xiaomi tung ra bản cập nhật firmware để khắc phục, hiện tại thì chúng ta sẽ phải chấp nhận "sống chung với lũ".

Lỗi hiển thị tin nhắn tiếng Việt trên Mi Band 5

Từ ứng dụng Mi Fit, người dùng có thể theo dõi các thông số do Mi Band 5 ghi nhận như đếm bước chân, nhịp tim, chất lượng giấc ngủ (thời gian ngủ sâu, ngủ nông, trên Mi Band 5 nay đã đo được cả thời gian người dùng trong giai đoạn REM - Rapid Eye Movements, về cơ bản là đang "mơ", và đo cả giấc ngủ trưa),... cũng như thiết lập các cài đặt cho vòng đeo. Do là vòng đeo giá rẻ nên dễ hiểu khi Mi Band 5 không được tích hợp GPS, nhưng nếu kết nối với Mi Fit thì ứng dụng này có thể cung cấp bản đồ cung đường đi bộ, chạy hay đạp xe.

Theo dõi nhịp tim là một trong những tính năng mà người dùng quan tâm nhất ở vòng đeo thông minh nói chung, khi đây là cách tốt nhất để kiểm tra tình hình sức khỏe. Tôi đã thử so sánh nhanh khả năng đo nhịp tim của Mi Band 5 với Apple Watch Series 4, tuy chênh lệch rất lớn về mức giá nhưng trong đa số trường hợp, Mi Band 5 cho kết quả khá sát với Apple Watch Series 4, dù mất nhiều thời gian hơn để hiển thị kết quả.

Với Mi Band 5, Xiaomi cũng đã tích hợp PAI (Personal Activity Intelligence), một thước đo để bạn đánh giá cũng như có một cái nhìn sâu hơn về sức khỏe và mức độ năng động của mình. Về cơ bản, PAI sẽ chấm điểm cho bạn dựa trên giới tính, tuổi, nhịp tim và các dữ liệu khác. Tất cả những gì bạn làm trong suốt một ngày sẽ đều tính vào điểm PAI, nhưng bạn sẽ nhận được nhiều điểm hơn khi chăm chỉ tập thể thao và giữ nhịp tim ở mức cao (trong giới hạn). Mục tiêu lý tưởng là điểm PAI mỗi ngày cao hơn 100.

Do PAI liên tục đo nhịp tim và chuyển động của bạn suốt cả một ngày, Xiaomi cảnh báo tính năng này sẽ ảnh hưởng lớn đến thời lượng pin của chiếc vòng đeo - tổng thời gian sử dụng có thể giảm tới một nửa.

Các chế độ theo dõi của Mi Band 5 cũng được cải thiện đáng kể về số lượng và chất lượng. Bên cạnh 6 chế độ của Mi Band 4 là chạy ngoài trời, máy chạy, đạp xe, đi bộ, bơi lội và tập luyện tự do (free-style), Mi Band 5 còn theo dõi thêm cả máy tập elliptical, nhảy dây, đạp xe trong nhà, yoga và chèo thuyền, tổng cộng 11 chế độ theo dõi.

Theo dõi giấc ngủ trên Mi Band 5, vòng đeo sẽ chấm điểm giấc ngủ dựa trên tổng thời gian ngủ, thời gian ngủ sâu,...

Với người dùng là nữ giới, Mi Band 5 còn được bổ sung tính năng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, tính toán thời gian rụng trứng và đưa nhắc nhở trước khi đến ngày "đèn đỏ". Tất nhiên, tôi không thể thử nghiệm tính năng này, nên cũng không thể đưa ra bình luận về tính hữu dụng của nó.

Ngoài các chức năng của một thiết bị theo dõi thể dục, Mi Band 5 còn có thể dùng làm đồng hồ báo thức, bấm giờ, đếm ngược, nhận thông báo ứng dụng, tin nhắn cũng như cuộc gọi đến. Kết nối với Mi Fit, Mi Band 5 còn có thể điều chỉnh nhạc, tìm điện thoại thông qua vòng đeo và tính năng mới là làm remote để chụp ảnh bằng máy ảnh smartphone từ xa.

Tính năng đếm bước tự động, tuy đã có sự cải thiện so với Mi Band 4 nhưng vẫn có độ sai lệch nhất định. Để thử nghiệm, tôi đã thử đeo cả hai chiếc vòng đeo và đi xe máy khoảng 10km, không đi bộ bước nào, hạn chế cử động tay chân ở mức tối đa. Kết quả, Mi Band 4 tăng thêm 125 bước chân, trong khi Mi Band 5 chỉ tăng 35 bước. Tuy nhiên, vẫn trên cung đường đó, chiếc Honor Band 5 mà tôi đang sử dụng không hề tăng thêm một bước nào. Ngoài ra, khi đi trên đường thì Mi Band 5 sáng lên nhiều lần vì tính năng "sáng màn hình khi đưa tay", nhưng thực tế thì tay của tôi vẫn đang để ở ghi-đông xe máy.

Về thời lượng pin, Xiaomi tuyên bố Mi Band 5 cho tổng thời gian sử dụng lên tới 14 ngày với tần suất sử dụng "bình thường". Trong thời gian trải nghiệm của mình, tôi có bật PAI, độ sáng màn hình ở mức tối đa từ 6h sáng đến 9h tối, bật tính năng nhận thông báo qua vòng đeo. Kết quả, Mi Band 5 trụ được hơn 5 ngày trước khi cạn kiệt pin. Tốc độ sạc của Mi Band 5 tương đương Mi Band 4, khoảng 2 tiếng là đầy.

Tổng kết

Những sự cải tiến của Mi Band 5 so với Mi Band 4 là đáng ghi nhận, đặc biệt là đế sạc từ tính mới không chỉ giúp việc sạc lại vòng đeo bớt cầu kỳ hơn mà còn hạn chế tình trạng rơi kén nhộng. Về phần mềm, PAI cũng như sự bổ sung của những chế độ theo dõi mới sẽ giúp ích đáng kể cho người dùng trong việc đánh giá sức khỏe của mình.

Hiển nhiên, vấn đề lớn nhất của Mi Band 5 ở thời điểm hiện tại là chưa hỗ trợ tiếng Việt, lỗi font khiến việc đọc thông báo, tin nhắn trở nên khó khăn, nhưng nó rồi sẽ được khắc phục bằng bản cập nhật phần mềm, giống như mọi chiếc Mi Band trước đây.

Một vấn đề tiếp nữa là giá bán, khi Mi Band 5 đã chạm ngưỡng 1 triệu đồng. Với những cải tiến đã mang lại, Xiaomi có quyền tăng giá sản phẩm, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là tạo lợi thế cho các sản phẩm đối thủ như Honor Band 5 hay Realme Band.

Hoàn Đặng

Top