Huawei Mobile Services (HMS) là giải pháp của Huawei nhằm thay thế cho Google Mobile Services (GMS) sau lệnh cấm vận của Mỹ.
Đến thời điểm hiện tại, có lẽ bạn đã biết về lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên Huawei. Công ty Trung Quốc không thể tiến hành hoạt động giao dịch với hầu hết các công ty Mỹ, bao gồm Google, trừ một số hoạt động hạn chế thông qua giấy phép tạm thời, vốn đã được gia hạn nhiều lần kể từ tháng 5/2019.
Chính vì tình hình này, Huawei vẫn chưa thể tung ra các mẫu điện thoại mới tích hợp Google Mobile Services (GMS) kể từ năm ngoái. Tại sao GMS lại quan trọng? Bởi đó là trái tim và linh hồn của hầu hết các smartphone Android trên thị trường. Nó bao gồm hàng chục ứng dụng, API, và các dịch vụ đám mây của Google như Google Maps, Google Drive, YouTube, Google Photos, Google Play Store, Google Chrome và nhiều thứ khác.
Không có GMS, điện thoại Huawei không chỉ thiếu vắng những sản phẩm thiết yếu của Google, mà còn mất đi một loạt các ứng dụng phổ biến khác như Facebook, WhatsApp, Instagram… Chưa hết, nhiều ứng dụng nhỏ hơn hiện vẫn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng được cung cấp bởi Google thông qua GMS.
Giải pháp duy nhất của Huawei để đối phó với việc thiếu GMS là tạo ra nền tảng của riêng mình – Huawei Mobile Services (HMS).
Với việc các sản phẩm như Honor 9X Pro, Huawei Mate XS, và Honor View 30 Pro được tung ra trên toàn cầu, HMS một lần nữa nhận được sự chú ý của người dùng, và đã sẵn sàng xuất hiện trên mọi điện thoại Huawei, ít nhất là đến khi lệnh cấm vận của Mỹ được gỡ bỏ.
Vậy thì HMS có những gì, và nó có ý nghĩa gì đối với chiếc smartphone Huawei, Honor bạn sắp mua?
Huawei Mobile Services (HMS) là gì?
HMS là một nền tảng do Huawei phát triển để thay thế các ứng dụng và dịch vụ phổ biến của Google như Gmail, Maps, lưu trữ đám mây… trên các điện thoại Huawei và Honor. HMS còn cung cấp cho các nhà phát triển bên thứ ba các công cụ và dịch vụ để tạo ra các ứng dụng của riêng họ. Với HMS, Huawei nhắm đến việc trang bị cho hệ sinh thái của chính mình mọi thứ mà Google đang mang đến cho người dùng và các nhà phát triển trong hệ sinh thái Android truyền thống.
HMS có một phần mà người dùng có thể tương tác trực tiếp (như AppGallery và các ứng dụng, dịch vụ của Huawei) và một phần dành cho nhà phát triển, gọi là HMS Core. HMS Core bao gồm nhiều API, SDK, và các dịch vụ mà các nhà phát triển có thể sử dụng để tạo nên và cải thiện các ứng dụng của họ.
Huawei Mobile Services đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng mới đây Huawei đã tái khởi động và mở rộng nền tảng này sau lệnh cấm của Mỹ khiến hãng không dùng được Google Mobile Services nữa.
HMS có mặt trên các biến thể dành cho thị trường quốc tế của Honor 9X Pro, View 30 Pro, và Huawei Mate XS, cùng với ứng dụng AppGallery được cài sẵn. Đó là những mẫu điện thoại được Huawei tung ra sau lệnh cấm vận của Mỹ. HMS cũng có mặt trên nhiều mẫu máy khác được Huawei ra mắt trước lệnh cấm, chạy song song với GMS.
Huawei khẳng định HMS hiện có hơn 570 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng trên toàn cầu, và AppGallery của họ có mặt tại hơn 170 quốc gia. Các điện thoại trong tương lai của Huawei, bao gồm series P40 sắp tới, sẽ được cài sẵn HMS. Kể cả khi Huawei bằng cách nào đó được phép sử dụng GMS trở lại, rất có khả năng công ty sẽ tiếp tục phát triển và tăng cường quảng bá cho HMS trên các thiết bị của mình.
HMS có những gì?
Đối với người dùng, HMS cung cấp một loạt các dịch vụ nhằm thay thế GMS. Đáng chú ý nhất trong số này là Huawei AppGallery, một ứng dụng thay thế cho Google Play Store. Dưới đây là danh sách toàn bộ các dịch vụ quan trọng của HMS.
Huawei ID
Yêu cầu đầu tiên và trước nhất để sử dụng HMS là phải có Huawei ID. Giống như Apple ID hay tài khoản Google, Huawei ID cho phép bạn tùy biến thiết bị Huawei của mình. Một số dữ liệu cá nhân của bạn, bao gồm danh bạ, tin nhắn, mật mã Wi-Fi, và vài thứ khác, đều được đồng bộ vào Huawei ID của bạn.
Huawei Mobile Cloud
Huawei Mobile Cloud đồng bộ với Huawei ID để cho phép bạn truy cập đến mọi dữ liệu thiết bị của bạn ở một nơi duy nhất. Nó về cơ bản là nơi những thứ như ảnh, video, danh bạ, lịch, ghi chú… được lưu trữ. Bạn được tặng 5GB lưu trữ đám mây miễn phí, sau đó bạn phải trả tiền để nâng dung lượng của nó lên tối đa 2TB. Nếu muốn truy cập đến dữ liệu đám mây Huawei trên PC, bạn có thể vào website cloud.huawei.com.
Huawei Assistant
Biến thể dành cho thị trường quốc tế của Honor 9X Pro, Huawei Mate XS, và Honor View 30 Pro đều được trang bị Huawei Assistant, một trợ lý ảo thay thế các chức năng cơ bản của Google Assistant. Nó giúp bạn tìm kiếm thông tin và truy cập các ứng dụng dễ dàng hơn. Nó còn có tính năng SmartCare, cung cấp các thông tin dựa trên ngữ cảnh về cổ phiếu hay thể thao, với 150 sự kiện thể thao và hơn 150 thị trường chứng khoán. Mọi thiết bị sắp tới chạy EMUI 10 trở lên sẽ được trang bị sẵn trợ lý ảo này.
Huawei Themes
Huawei Themes là ứng dụng theme của HMS. Nó cho phép bạn cá nhân hóa điện thoại với nhiều theme, font, biểu tượng, màn hình khóa, và hình nền.
Huawei Music
Đây là dịch vụ stream nhạc của riêng Huawei. Công ty vẫn chưa đề cập nhiều đến nó, và hiện nó chưa có mặt trên mọi thiết bị Huawei bán ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, trang web chính thức của Huawei Music cho chúng ta biết rằng dịch vụ này có nhạc đến từ các nhạc sỹ nổi tiếng giống như bất kỳ ứng dụng stream nhạc nào khác. Nó còn phân chia nhạc thành các thể loại, tâm trạng, khu vực…khác nhau. Huawei Music có chế độ "Party", cho phép người dùng phát một bản nhạc đồng thời trên nhiều điện thoại khác nhau để chia sẻ trải nghiệm nghe nhạc cùng nhau.
Huawei Video
Huawei Video là dịch vụ stream video dành cho các thiết bị Huawei và Honor chạy EMUI 5 trở lên. Hiện nó chỉ hoạt động với những người sử dụng Huawei ID đăng ký ở Italy hoặc Tây Ban Nha mà thôi. Dịch vụ này có các TV series, video ngắn, video thể thao, phim tài liệu, và phim của châu Âu và Tây Ban Nha.
Huawei Browser
Huawei Browser, đúng như tên gọi của nó, là một công cụ để duyệt web. Trình duyệt này có một trang tin tích hợp sẵn và có cả chế độ giao diện tối nữa.
Huawei AppGallery
Huawei AppGallery thay thế cho Google Play Store trên các điện thoại Huawei và Honor. Huawei đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để tạo ra các ứng dụng cho AppGallery – và theo công ty thì hiện AppGallery đã có hơn 400 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng. Chúng ta chưa biết làm sao Huawei đưa ra được con số này, và liệu đó có phải số liệu thực tế hay không. Chưa có tổ chức nghiên cứu bên thứ ba nào xác nhận khẳng định của Huawei là đúng, do đó tốt nhất bạn đừng quá tin tưởng vào con số này.
AppGallery xuất hiện đã lâu, tuy nhiên nó vẫn chưa có nhiều ứng dụng phổ biến, khiến nó không thể so sánh được với Google Play Store hay Apple App Store.
Hiện tại, AppGallery chia các ứng dụng thành 18 danh mục khác nhau, bao gồm tin tức, truyền thông xã hội, giải trí…
Vậy bạn có thể tìm thấy những ứng dụng phổ biến nào trên AppGallery?
Cho đến thời điểm này, những cái tên đáng chú ý là Snapchat, TikTok, Deezer, Amazon, Amazon Prime Videos, Booking.com, The Financial Times, BBC News, và nhiều ứng dụng khác. Nó còn có một vài tựa game di động phổ biến nữa.
Đáng buồn là các ứng dụng như Facebook, WhatsApp, Instagram, Netflix, Messenger… vẫn vắng mặt trên cửa hàng ứng dụng của Huawei. Tuy nhiên, có thông tin cho biết một vài trong số này sắp sửa xuất hiện trên AppGallery.
Hiển nhiên, bạn đừng mong tìm thấy YouTube, Gmail, Google Photos, Google Maps, Drive… Những ứng dụng này có lẽ sẽ không xuất hiện trên các điện thoại Huawei cho đến khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận; nhưng trước hết, Google phải muốn mang chúng lên cửa hàng ứng dụng đối thủ trước đã!
Huawei nói rằng nếu người dùng không tìm thấy một ứng dụng nào đó trên AppGallery, họ có thể đề xuất tên ứng dụng trong Wishlist. Một khi ứng dụng đó xuất hiện, người dùng đã đề xuất sẽ được thông báo.
Một tính năng đáng chú ý của AppGallery là Quick Apps. Giống như Instant Apps của Google, đó là những ứng dụng không cần cài đặt, tiêu tốn rất ít bộ nhớ, nhưng vẫn hoạt động như các ứng dụng thông thường. Huawei nói rằng với chỉ 1GB bộ nhớ trong, người dùng có thể có hơn 2.000 Quick Apps, trong khi với các ứng dụng thông thường thì chỉ 20 mà thôi. Chúng ta chưa rõ những ứng dụng nào sẽ xuất hiện dưới dạng Quick Apps, nhưng công ty khẳng định con số hiện tại đã là 1.700, và còn nhiều Quick Apps nữa sắp xuất hiện.
Bên cạnh phát triển AppGallery của riêng mình, Huawei còn được cho là đang hợp tác với Xiaomi, Vivo, và Oppo để phát triển một dịch vụ upload ứng dụng thống nhất, giúp các nhà phát triển dễ dàng hơn trong việc phân phối ứng dụng đến người dùng thiết bị của cả 4 OEM. Chưa có nhiều thông tin về sáng kiến này, nhưng có lẽ thông tin chính thức sẽ sớm xuất hiện.
Nếu bạn muốn thử Huawei AppGallery, bạn có thể tải về tại đây.
HMS Core: đằng sau "cánh gà" là gì?
Về phía các nhà phát triển, có rất nhiều thứ cần nói đến liên quan HMS.
HMS có một tập hợp các dịch vụ dành cho nhà phát triển, gọi là HMS Core. Chúng bao; gồm các công cụ để theo dõi vị trí, đăng nhập, giao dịch trong ứng dụng, quảng cáo, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng văn bản… Các nhà phát triển có thể sử dụng các dịch vụ lõi này, cũng như các API và SDK khác do Huawei cung cấp để tạo ra các ứng dụng cho HMS.
Với các API quan trọng mà các nhà phát triển phải dựa vào GMS mới sử dụng được, Huawei cũng tạo ra phiên bản tương ứng của riêng họ. Không có các API này, một lượng lớn các ứng dụng Android sẽ không hoạt động trên điện thoại Huawei (đó là lý do tại sao một số ứng dụng Google có thể được sideload lên điện thoại Huawei nhưng không hoạt động được).
Hồi tháng 12, Huawei hứa hẹn với các nhà phát triển rằng nếu các ứng dụng của họ tồn tại trên Play Store, chỉ mất 10 phút là có thể chuyển chúng sang HMS. Công ty có hàng trăm API trong một loạt các bộ công cụ dành cho nhà phát triển có thể giúp các nhà phát triển tạo ứng dụng cho HMS.
Bên cạnh cung cấp cho các nhà phát triển những công cụ cần thiết, Huawei còn tài trợ tiền mặt cho họ để đưa ứng dụng lên HMS. Công ty được cho là đang làm việc với các nhà phát triển trên mọi thị trường để đảm bảo các ứng dụng Android hàng đầu được cài sẵn trên điện thoại Huawei.
Đó là bằng chứng cho thấy Huawei vẫn còn một chặng đường dài cần đi trước khi các dịch vụ của họ có thể thực sự cạnh tranh với các dịch vụ của Google.
HMS cũng sẽ buộc người dùng phải học lại cách sử dụng sau một thời gian khá dài quen thuộc với các sản phẩm Google. Không may là, Huawei không thể làm được gì nhiều trong trường hợp này, trừ việc tìm cách mở rộng hệ sinh thái của mình hết mức có thể. Hi vọng là nó sẽ trở nên vững mạnh hơn trong vài tháng, hoặc vài năm tới. Biết đâu, nếu "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", những rắc rối của Huawei sẽ chấm dứt, và GMS sẽ trở lại trên các điện thoại Huawei.
Minh.T.T (theo AndroidAuthority)