Vào ngày 15/10, tựa game Đế chế (Age of Empire) sẽ đạt dấu mốc tròn 20 năm tuổi. Có thể nói, đây là tựa game chiến thuật thời gian thực (RTS) huyền thoại đối với nhiều thanh niên Việt Nam, đặc biệt là thế hệ 8x và 9x. Ngày nay, sức sống của Đế chế vẫn rất mãnh liệt khi còn cực kì nhiều người chơi ở thời điểm hiện tại.
Khởi nguồn của Đế chế
Câu chuyện của tựa game Đế chế bắt đầu từ năm 1995, khi đó, Tony Goodman đã quyết định cùng với anh trai Rick Goodman và người bạn John Boog-Scott thành lập ra Ensemble Studio. Đầu tiên, đây chỉ là một dự án phụ của Ensemble Corporation, công ty tư vấn công nghệ được Tony Goodman lập ra vào năm 1989 sau khi bỏ học đại học. Tuy nhiên, vì được biết tới như là một người say mê các trò chơi điện tử từ hồi còn học phổ thông, Tony Goodman đã nhanh chóng bị cuốn hút vào những ý tưởng làm game.
Tới tháng 2/1996, công ty Ensemble Studio đã chính thức được thành lập. Không lâu sau, Tony Goodman đã thuê được Bruce Shelley, một người bạn lâu năm đã từng cùng ông tham gia trong câu lạc bộ board game của trường Đại học Virginia. Bruce Shelley là đồng sáng lập của Civilization, một tựa game chiến thuật cho phép người chơi điều khiển một đế chế cổ đại. Họ đã thảo luận và cùng nhau bắt tay thực hiện một tựa game chiến thuật thời gian thực (real time strategy) giống như Civilization với tên gọi là Age of Empires (Đế chế).
Theo các cựu nhân viên của Ensemble Studio, ý tưởng đầu tiên để làm ra tựa game Đế chế là từ loạt phim truyền hình Lost. Đó là bộ phim kể về 3 người trên một hòn đảo, họ không có gì cả và phải tận dụng mọi thứ xung quanh để xây dựng nên một chỗ ở cho riêng mình.
Tiếp theo, vì mục đích hướng tới là làm một tựa game chiến thuật thời gian thực (RTS), nhân viên của Ensemble Studio đã thử liệt kê ra những tựa game nổi tiếng trong cùng thể loại như Warcraft, Command & Conquer và Civilization. Sau đó, họ đã bắt đầu cùng nhau nghĩ xem nên làm thế nào để tựa game Đế chế trở nên thật khác biệt.
Hình vẽ phác thảo các công trình trong game Đế chế.
Cuối cùng, đã có hai thứ được họ nghĩ tới là: yếu tố lịch sử và cho phép người chơi đấu với nhau. Sau nhiều cuộc thảo luận, Ensemble Studio đã quyết định kết hợp yếu tố chiến thuật và đối kháng của Warcraft với yếu tố lịch sử và hệ thống kinh tế (gỗ, lương thực, vàng và đá) của Civilization.
Người đỡ đầu Microsoft
Bước ngoặt đến với Ensemble Studio khi Tony Goodman gọi điện tới trụ sở của Microsoft và đã được một quản lý của Microsoft có tên là Ed Ventura đồng ý xem qua phiên bản thử nghiệm của Đế chế. Ventura thấy được tiềm năng của tựa game và đã thuyết phục Giám đốc sản phẩm Stuart Moulder xuống thị sát trực tiếp trụ sở làm việc của Ensemble Studio tại thành phố Dallas.
"Khi đó, họ chỉ chúng tôi xem một phiên bản thử nghiệm giới hạn nhưng lại rất ấn tượng", ông Moulder cho biết, "Tựa game này tạo ra một thế giới khiến tôi muốn bỏ nhiều giờ để khám phá và cơ chế của game rất tuyệt vời".
Microsoft là hãng phát hành tất cả các phiên bản của Đế chế.
Chuyến thăm của ông Moulder đã mở ra sự hợp tác giữa Microsoft và Ensemble Studio. Nhờ vậy, Microsoft đã trở thành người đỡ đầu của Đế chế khi tham gia phát hành tựa game này. Sau đó, vào năm 2001, Microsoft đã mua lại Ensemble Studio để trở thành chủ sở hữu của game Đế chế.;
Không chỉ Stuart Moulder, các lãnh đạo khác của Microsoft như giám đốc ý tưởng Joe Stalen cũng bị tựa game Đế chế hấp dẫn. Trong một bài nói chuyện, ông Stalen thừa nhận tính lịch sử của Đế chế đã khiến ông cực kì yêu thích và muốn thử chơi tựa game này ngay lập tức khi được nghe giới thiệu về nó.
Bruce Shelley, thiết kế trưởng của game Đế chế.
Thậm chí, tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập của Microsoft cũng cảm thấy thích thú trước tính lịch sử của Đế chế. "Chúng ta nên quảng bá Đế chế như là tựa game mang tính giáo dục", Bill Gates đã nói như vậy với Bruce Shelley, khi đó đã trở thành thiết kế trưởng của game Đế chế.
Tuy nhiên, Shelley đã đáp lại như sau: "Tôi không nghĩ là như vậy. Ý của tôi là yếu tố giáo dục có thể đến nhưng sẽ chẳng có gì hấp dẫn nếu người chơi không thấy vui. Vì vậy, chúng tôi đặt tính giải trí lên hàng đầu và nếu mọi người học được điều gì đó khi chơi game, điều đó thật tuyệt". Mặc dù không đề cập chi tiết nhưng dường như Bill Gates cũng đồng ý với quan điểm này của ông Shelley.
Tony Goodman, nhà sáng lập Ensemble Studio
Nói tóm lại, tựa game Đế chế được tạo ra từ mong muốn kết hợp hai yếu tố là chiến thuật và lịch sử nhưng đặt yếu tố giải trí lên hàng đầu. Khi nhận xét về tựa game do mình tạo ra, Tony Goodman cho biết: "Khi Đế chế được ra đời, tạp chí PCGamer đã lập ra danh sách 50 tựa game RTS đáng chú ý nhất vào thời điểm đó. Theo thời gian, nhiều tựa game đã chìm vào quên lãng nhưng một số ít vẫn được nhiều người nhớ tới. Đế chế nằm trong số ít này".
Phiên bản đầu tiên của Đế chế
Một cảnh trong game Đế chế phiên bản đầu tiên.
Vào ngày 15/10/1997, phiên bản đầu tiên của Đế chế với cái tên là Age of Empries đã được Ensemble Studio và Microsoft phát hành tại Mỹ. Game sử dụng Genie, một engine với cơ cấu đồ họa 2D và khá nhẹ.
Trong phiên bản đầu tiên, Đế chế hỗ trợ hai chế độ chơi là chơi đơn và chơi mạng. Chế độ chơi đơn gồm một loạt các nhiệm xoay quanh câu chuyện của 4 dân tộc là Egypt (Ai Cập), Greek (Hi Lạp), Babylon (người Babylon) và Yamato (Nhật Bản). Qua đó, người chơi có thể tìm hiểu phần nào về lịch sử của các dân tộc này.
Ở chế độ chơi mạng, game hỗ trợ 8 người chơi cùng lúc với nhau trên một bản đồ. Người chơi có thể lựa chọn 1 trong số 12 dân tộc là Greek, Minos, Egyptian, Assyria, Sumer, Babylon, Phoenicia, Hittite, Persia, Shang, Choson và Yamato. Mỗi dân tộc sẽ có những loại công trình, binh chủng và công nghệ khác nhau dựa trên những khác biệt về văn hóa và quân sự có thật. Ngoài ra, mỗi phe còn sở hữu thêm các đơn vị lính đặc biệt và công nghệ đặc trưng.
Nhiệm vụ khi chơi ở chế độ mạng của người chơi rất đơn giản. Đầu tiên, họ được cấp cho 3 đơn vị dân cùng một công trình có tên gọi là Town Center (Nhà chính). Người chơi cần điều khiển các đơn vị dân đi khai thác các tài nguyên trên bản đồ như lương thực, gỗ, vàng và đá. Từ đó, họ có thể lên đời cho nền văn minh của dân tộc đang chơi, từ thời đồ đá (Stone Age), tới thời đồ đá mới (New Stone Age), đồ đồng (Broze Age) và đồ sắt (Iron Age). Ngoài ra, nếu có đủ tài nguyên, người chơi cũng có thể xây thêm các công trình và mua các đơn vị quân đội.
Wonder (Kì quan), công trình xác định chiến thắng trong Đế chế.
Để chiến thắng, người chơi cần tiêu diệt hết các đơn vị quân của đối phương hoặc xây dựng Wonder (Kì quan) và bảo vệ nó thành công trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau khi được phát hành, Đế chế đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Tựa game này đã giành được nhiều giải thưởng lớn như giải Game của năm (Game of the Year) và giải Game chiến lược trên máy tính của năm (Computer Strategy Game of the Year) trong năm 1997. Tạp chí PC GameWorld ca ngợi Đế chế đã biết cách tạo ra sự khác biệt của mỗi phe trong game và nhận xét "đồ họa vô cùng chi tiết và có cảm giác như là chúng được vẽ bằng tay. Thật hiếm thấy một game tuyệt đẹp nào lại có chuyển động chi tiết như vậy".
Phiên bản mở rộng Age of Empries: Rise of Rome
Sau thành công của Đế chế phiên bản đầu tiên, Ensemble Studio và Microsoft đã quyết định bắt tay nhau thực hiện phần mở rộng của tựa game có tên là Age of Empries: Rise of Rome. Phần mở rộng này được phát hành vào ngày 31/10/1998.
Phần mở rộng Age of Empries: Rise of Rome đã bổ sung thêm 4 dân tộc mới vào Đế chế là Roman, Palmyran, Macedonia và Carthage. Đây cũng là một bản cập nhật lớn dành cho chế độ chơi mạng khi giao diện game được tối ưu hóa, các đơn vị quân mới được thêm vào, có cơ chế tìm đường kiểu mới và cân bằng sát thương của các đơn vị như máy bắn đá.
Nhở vào việc có tới 16 dân tộc và chế độ chơi mạng được hoàn chỉnh, Age of Empries: Rise of Rome đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Tại Việt Nam, đây chính là phiên bản Đế chế được chơi nhiều nhất.
Các phiên bản tiếp theo
Vào năm 1999, Ensemble Studio đã tung ra phần hai của game Đế chế có tên gọi là Age of Empries II: The Age of King. Khác với hai phiên bản trước đó, Age of Empries II: The Age of King lấy bối cảnh thời Trung Cổ với 13 dân tộc từ Âu sang Á.
Lối chơi của Age of Empries II: The Age of King vẫn tương tự như trước nhưng lần này, người chơi được trải qua 4 giai đoạn là: thời kì tăm tối (Dark Age), thời kì phong kiến (Feudal Age), thời kì lâu đài (Castle Age) và thời kì đế quốc (Imperial Age).
Age of Empries II: The Age of King có 4 phiên bản mở rộng là The Conquerors được phát hành vào năm 2000, The Forgotten được phát hành vào năm 2013, The African Kingdom được phát hành vào năm 2015 và Rise of the Rajas được phát hành vào năm 2016. Ngoài ra, vào năm 2012, phiên bản Age of Empries II: The Age of King chơi trực tuyến trên mạng đã được ra mắt. Tuy nhiên, tới năm 2014, game đã phải đóng cửa server vì không duy trì đủ số lượng người chơi.
Phần ba của tựa game Đế chế được Ensemble Studio phát hành vào năm 2005 với tên gọi là Age of Empries III. Phần này tập trung mô tả thời kì thuộc địa hóa châu Mỹ của 8 nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Lối chơi vẫn tương tự như những phần trước nhưng lần này, người chơi cần phải trải qua 5 giai đoạn đó là thời kì khám phá (Discovery Age), thời kì thuộc địa (Colonial Age), thời kì pháo đài (Fortress Age), thời kì công nghiệp (Industrial Age) và thời kì đế quốc (Imperial Age).
Age of Empries III có hai phiên bản mở rộng là The Warchief được phát hành vào năm 2006 và The Asian Dynasties được phát hành vào năm 2007.
Vào năm 2008, Ensemble Studio đã phát hành Age of Mythology, một trò chơi dựa theo Đế chế nhưng lấy cảm hứng từ các vị thần của Hi Lạp, Ai Cập và Bắc Âu. Tựa game này có hai phiên bản mở rộng là Extended Edition được phát hành vào năm 2014 và Tale of the Dragons được phát hành vào năm 2016.
Tới năm 2009, Ensemble Studio bị phá sản và không có phần tiếp theo nào của Đế chế được phát triển nữa. Những bản mở rộng và game ăn theo được phát hành sau đó đều là do các studio khác phối hợp cùng Microsoft thực hiện.
Video tóm tắt 20 năm lịch sử của tựa game Đế chế.
Hồi sinh trong năm 2017
Tại sự kiện PC Game E3 2017 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, Microsoft đã gây bất ngờ lớn khi công bố sự hồi sinh của tựa game Đế chế. Phiên bản Đế chế mới sẽ có tên gọi là Age of Empires: Definitive Edition. Đây là bản làm lại và nâng cấp của Age of Empries: Rise of Rome với nhiều tính năng mới cùng nâng cấp đồ họa lên 4K.
Chưa hết, tới sự kiện Gamescom 2017 được tổ chức vào tháng 8, Microsoft lại một lần nữa khiến những người yêu thích tựa game Đế chế vui mừng khi tuyên bố phần thứ 4 với tên gọi Age of Empries IV đang được phát triển. Ngoài ra, phần 2 và phần 3 của Đế chế cũng đã bắt đầu được làm lại với đồ họa 4K.
Trailer của Age of Empries IV.
Dân tộc Việt Nam trong Đế chế
Một điều thú vị là trong bản mở rộng Age of Empires II: Rise of Rajas, dân tộc Việt Nam đã được thêm vào cùng với 3 dân tộc Đông Nam Á khác là Malay, Brunei và Khmer. Được biết, phần chơi đơn của dân tộc Việt Nam lấy bối cảnh lịch sử ở thời vua Lê Lợi. Ngay từ khi ra mắt, dân tộc Việt Nam đã gây bão trong cộng đồng người chơi Age of Empires II vì có khả năng biết vị trí của đối thủ mà không cần phải đi dò bản đồ. Ngoài ra, cung thủ Việt Nam có lượng giáp lớn cũng tạo ra những ưu thế nhất định khi chiến đấu.
Sức sống mãnh liệt của Đế chế tại Việt Nam
Có thể nói, hiếm có tựa game nào có sức sống mãnh liệt tại Việt Nam như Đế chế. Bắt đầu nổi lên từ những ngày đầu Internet phổ biến tại Việt Nam và cho tới tận ngày nay, hình ảnh những quán nét chật kín người chơi Đế chế vẫn không phải là điều xa lạ. Thậm chí, nhiều người đi làm và có tuổi vẫn luyện tập Đế chế đều đặn ở nhà. Đáng ngạc nhiên hơn, Age of Empries: Rise of Rome, một trong những phiên bản đầu tiên của Đế chế lại được nhiều người Việt chơi nhất, mặc dù phần 2 và phần 3 cũng như hàng loạt bản mở rộng của tựa game đã được phát hành.
Thành công của tựa game Đế chế tại Việt Nam có thể được giải thích bằng một số nguyên nhân như sau:
Đầu tiên, Đế chế đến vào thời điểm Internet và máy tính bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Ở thời điểm ban đầu đó, hiếm có tựa game nào hấp dẫn được như Đế chế. Vì vậy, tựa game này đã nhanh chóng có chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng người chơi game tại Việt Nam.
Thứ hai, Đế chế là một tựa game miễn phí và yêu cầu cấu hình thấp để chơi. Do đó, bạn có thể dễ dàng chơi Đế chế trên hầu như tất cả máy tính. Dễ tiếp cận là một điểm hấp dẫn người chơi của Đế chế.
Thứ ba, Đế chế có một độ phức tạp vừa đủ. Tựa game này dễ để học chơi nhưng lại khó để chơi giỏi. Điều khiển các đơn vị quân, quản lý tài nguyên và quy hoạch các công trình là những điều tưởng như đơn giản nhưng mọi người chơi Đế chế đều phải học cách để thực hiện cho đúng. Sai một bước thôi cũng có thể khiến bạn bị thiệt quân hoặc chậm lên "đời" hơn so với đối phương, từ đó dẫn tới một trận thua đáng tiếc.
Không đòi hỏi phải quá nhanh tay nên nhiều bạn nữ cũng có thể chơi tốt Đế chế.
Thứ tư, Đế chế là một tựa game phù hợp cho mọi lứa tuổi và giới tính. Khác với nhiều trò chơi khác yêu cầu phải nhanh tay và nhanh mắt, một người chơi Đế chế chậm tay vẫn có thể chiến thắng nếu phát triển các tài nguyên của mình một cách đúng đắn. Hơn nữa, vì tài nguyên trên bản đồ được phân bố ngẫu nhiên nên chuyện một người chiến thắng nhờ vào việc được ở vị trí đẹp hơn cũng thường xuyên xảy ra. Vì vậy, những người chơi Đế chế thời kì đầu vẫn có thể gắn bó với tựa game này dù đã lớn tuổi và đi làm.
Thứ năm, người chơi Việt Nam "ngại thay đổi". Ngày nay, trang thiết bị chơi game đã được nâng cấp lên rất nhiều và không ít tựa game hấp dẫn được ra mắt mỗi năm. Tuy nhiên, tựa game Đế chế gắn với kỉ niệm thời học sinh, sinh viên vẫn khiến nhiều người muốn được tiếp tục chơi. Những người này lại tiếp tục dạy Đế chế cho những người chơi mới để có người chơi cùng mình. Cứ như vậy, cộng đồng Đế chế ngày càng lớn mạnh hơn. Điều này cũng giải thích tại sao phần mở rộng Age of Empries: Rise of Rome lại được nhiều người Việt ưa chuộng đến vậy.
Cuối cùng, Đế chế phù hợp với cả hai đối tượng là người chơi nghiêm túc và người chơi cho vui. Bạn có thể chơi Đế chế vui vẻ với bạn bè mà không đặt nặng tính thắng, thua. Tuy nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể tham gia vào những kèo đấu Đế chế 4-4 đầy căng thẳng.
Nguyễn Long