Rắn có tai không?


Rắn là một trong những loài động vật độc nhất vô nhị với thân hình cụt lủn không có cả chi trước lẫn chi sau cùng với một chiếc lưỡi ngoe nguẩy liên tục và khả năng nuốt chửng con mồi có kích thước lớn hơn chúng nhiều lần. Chúng chủ yếu dựa vào khứu giác để săn mồi, đôi lúc chúng cũng sử dụng cả thị giác và âm thanh để tìm thức ăn. Nhưng thật sự thì rắn có tai không?

Có và không?

Theo Sara Ruane, nhà nghiên cứu về bò sát và động vật lưỡng cư tại Đại học Rutgers ở New Jersey cho biết: "Giống như các loài bò sát khác, rắn không có cấu tạo tai ngoài. Tuy nhiên, rắn vẫn có xương tai (tai trong) nằm trong đầu và chúng sử dụng xương tai này để nghe".

Bên cạnh đó, Ruane còn cho biết thêm rằng: "Đối với các loài động vật khác như chó hay thỏ… chúng có cấu tạo tai ngoài rất rõ rệt. Chúng có thể điều khiển tai ngoài của mình theo hướng âm thanh di chuyển để nắm bắt âm thanh tốt hơn. Còn đối với rắn, tai trong của chúng chính là nơi ghi nhận âm thanh".

Thông thường, tai được tạo thành từ ba bộ phận chính là: tai ngoài (nơi tập trung âm thanh vào màng nhĩ), tai giữa (nơi khuếch đại âm thanh từ màng bằng các rung động của xương tai), tai trong có nhiêm vụ chuyển những rung động âm thành này thành các xung thần kinh và truyền đến não).

Theo một nghiên cứu năm 2012 trên Tạp chí Sinh học Thực nghiệm cho biết rắn thiếu cả tai ngoài và tai giữa. Tuy nhiên, chúng có một xương tai giữa nối tai trong với hàm. Điều này giúp rắn có thể nghe thấy những rung động của một kẻ săn mồi nào đó đang bò gần chúng. Tuy nhiên, rắn không giỏi trong việc nghe những âm thanh lan truyền qua không khí. Với cấu tạo tai đặc biệt này, rắn chỉ có thể nghe được một số dải tần số hẹp. Chúng nghe được tần số thấp tốt hơn so với tần số cao. Ví dụ, trăn hoàng gia có tần số nghe tốt nhất từ ​​80 đến 160 Hertz trong khi dải tần số bình thường của con người là 20 Hz đến 20.000 Hz.

Phạm vi thính giác hẹp này không phải là vấn đề đối với rắn, một phần vì chúng không sử dụng âm thanh để giao tiếp với nhau. Ngoài ra, những âm thanh ở tần số cao hơn mà chúng tạo ra chẳng hạn như tiếng rít hoặc gầm gừ… giống như những lời cảnh báo dành cho các loài chim và động vật ăn thịt khác.

Lý do lớn nhất khiến rắn không cần thính giác tốt là vì chúng có một khứu giác cực kỳ nhạy bén. Ruane cho biết: "Rắn có khả năng thu thập những phân tử mùi bay trong không khí ở một khoảng cách rất xa thông qua chiếc lưỡi dài luôn hoạt động mọi lúc. Các phân tử mùi được xử lý qua các cơ quan chuyên biệt trước khi đưa thông tin lên não".

Vì vậy, mặc dù chúng không thể nghe tốt như hầu hết các loài động vật khác nhưng chúng vẫn có thể sinh tồn rất tốt và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi khả năng này.

Thanh Mai – Theo Livescience

Thành viên mới đăng
Top