Với hơn 158 triệu chiếc smartphone đươc bán ra trong năm 2019, Ấn Độ không thể bàn cãi chính là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới. Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc rơi vào tình trạng bão hòa, các nhà sản xuất buộc phải tìm nhiều cách khác nhau để tăng trưởng ở Ấn Độ.
Ý tưởng của Xiaomi là tạo nên sự khác biệt nhằm phục vụ những nhóm người dùng đa dạng với những nhu cầu rất khác nhau khi chọn mua điện thoại.
Một phần quan trọng của chiến lược này là phân tách thành các nhãn hiệu con. Dù ban đầu, ý tưởng này được dành cho thị trường Trung Quốc, nhưng nó chỉ thực sự phát huy hiệu quả ở Ấn Độ. Thường nhắm vào một nhóm đối tượng cụ thể, các nhãn hiệu con hoạt động độc lập và có xu hướng thoải mái hơn với việc thử nghiệm so với những nhãn hiệu mẹ vốn "ăn chắc mặc bền" hơn.
Dù là hãng smartphone lớn nhất ở Ấn Độ, Xiaomi đã tách thành nhiều nhãn hiệu nhỏ. Đầu năm 2019, Xiaomi biến Redmi thành một thực thể riêng biệt, và đầu năm 2020, Poco cũng được tái sinh thành một công ty độc lập.
Trong 3 nhãn hiệu của Xiaomi, chúng ta có thể thấy một số thiết bị với phần cứng hao hao nhau, thậm chí còn cạnh tranh nhau ở những phân khúc giá tương tự. Ví dụ, chiếc Redmi Note 8 Pro và Poco X2 có giá tương đương, nhưng chúng lại là hai sản phẩm khác nhau cơ bản. Trong khi đó, Poco X2 gần như giống hệt Redmi K30, một sản phẩm chỉ bán tại Trung Quốc và có thể không bao giờ hiện diện ở Ấn Độ.
Tại sao Xiaomi lại giới thiệu những sản phẩm có khả năng "đốn ngã" nhau như vậy? Những nhãn hiệu con họ tạo ra nhằm mục đích đạt được điều gì? Quan trọng hơn cả, tại sao Xiaomi lại tách Redmi và Poco thành các công ty hoạt động riêng rẽ với nhau?
Tổng quan về các nhãn hiệu con của Xiaomi
Được sáng lập vào năm 2010, Xiaomi là một tập đoàn mẹ với nhiều nhãn hiệu con hoạt động dưới trướng. Dù công ty nổi tiếng với các mẫu smartphone cấu hình khủng giá tốt, họ đã dần mở rộng danh mục sản phẩm để đánh chiếm nhiều phân khúc giá và nhiều thị trường khác nhau.
Điện thoại Xiaomi trong vài năm trở lại đây có khuynh hướng đa dạng về mặt thiết kế và hướng đến cạnh tranh với các mẫu flagship trên thế giới. Dù chỉ là một concept, Mi Mix Alpha cho thấy một dấu hiệu rõ ràng về lối đi mà công ty đã lựa chọn. Và chiếc Xiaomi Mi 10 Pro mới được tiết lộ gần đây cũng chính là thiết bị đắt nhất trong gia đình smartphone Mi cho đến thời điểm này.
Tuy nhiên, "máy in tiền" của Xiaomi là series Redmi giá tốt. Đây mới là vấn đề. Khả năng nhận diện thương hiệu và thiết kế là những yếu tố then chốt. Từ rất lâu, Xiaomi đã được gắn nhãn là một nhà sản xuất phần cứng giá rẻ, hoặc các thiết bị mang lại cho bạn giá trị sử dụng cao hơn nhiều so với số tiền phải bỏ ra. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với những kế hoạch trong tương lai nhằm sản phẩm phần cứng cao cấp của hãng. Xiaomi cần lột bỏ hình ảnh một hãng giá rẻ, và các nhãn hiệu con là công cụ hoàn hảo để làm việc đó.
Thị trường Ấn Độ
Theo nhiều cách, chiến lược của Xiaomi ở Ấn Độ rõ ràng lấy cảm hứng từ chính quê nhà Trung Quốc. Ấy vậy nhưng quốc gia Nam Á này vẫn mang đến những thách thức riêng. Khi Xiaomi bước chân vào Ấn Độ vào năm 2014, giá bán trung bình của một chiếc điện thoại chỉ là 138 USD. Đó là thời điểm bắt đầu của một giai đoạn chuyển tiếp, khi người dùng nâng cấp từ feature phone lên smartphone, và là giai đoạn nở rộ của 4G giá tốt.
Trong bối cảnh số lượng smartphone bán ra tại Ấn Độ tăng từ 17 triệu trong năm 2014 lên 27 triệu trong năm 2017, Xiaomi đã nhanh chóng "cưỡi trên con sóng" và trở thành hãng smartphone hàng đầu trong phân khúc tầm thấp và trung.
Dù Mi 3 là chiếc điện thoại đầu tiên của Xiaomi tại Ấn Độ, nó đã nhanh chóng bị thay thế bởi một loạt các điện thoại Redmi. Những thiết bị thuộc dòng Redmi này đã đè bẹp mọi đối thủ trên thị trường bằng chính sách giá cạnh tranh. Micromax, Lava, và các hãng khác kiên cường chống trả nhưng không thể đấu lại các sản phẩm mà Xiaomi mang lại, chưa kể công ty này còn có nguồn vốn dồi dào sau những thành công tại Trung Quốc.
Cùng các điện thoại Redmi, Xiaomi còn giới thiệu Mi 4i, Mi 5, và Mi Mix. Tuy nhiên, đây không phải những điện thoại giá tốt. Dòng Redmi bán chạy như tôm tươi. Xét về sự đón nhận của thị trường, Xiaomi vào thời điểm đó đồng nghĩa với Redmi, nhãn hiệu nhắm vào phân khúc giá tốt. Đến đầu năm 2019, Xiaomi chính thức biến Redmi thành một nhãn hiệu con riêng biệt để tấn công vào chính phân khúc đó.
Đến quý III/2019, giá bán trung bình của các smartphone tại Ấn Độ đã tăng nhẹ lên 159 USD. Ngay cả hiện nay, Ấn Độ vẫn tiếp tục là một thị trường tầm trung, đặt giá cả lên hàng đầu. Tuy nhiên, phân khúc 300 – 500 USD, cũng như phân khúc 200 – 300 USD, đã có dấu hiệu suy yếu.
Hiện phân khúc 300 – 500 USD ở Ấn Độ là "sân chơi" của OnePlus. Nhãn hiệu này đã trở thành lựa chọn số một trong khoảng giá trên, chủ yếu nhờ vào phần cứng tốt và được hỗ trợ phần mềm lâu dài. Tất nhiên, Xiaomi muốn một phần của phân khúc này.
Trước đó, Xiaomi từng thử đánh vào thị trường này với một sản phẩm thí nghiệm nho nhỏ tên Poco F1. Tại sự kiện ra mắt vào tháng 8/2018, Poco F1 là một sản phẩm khá bất thường. Một chiếc điện thoại có phần cứng của flagship nhưng giá dưới 300 USD, tất nhiên phải chấp nhận một vài thỏa hiệp. Thị trường đón nhận Poco F1 một cách nồng nhiệt.
Poco F1, được biết đến trên toàn thế giới với cái tên Pocophone F1, cho thấy thị trường vẫn còn chỗ trống cho một thiết bị cao cấp hơn, với giá bán hợp lý. Hơn nữa, nó mang lại cho Xiaomi động lực để giới thiệu series Redmi K tại Ấn Độ.
Các cửa hàng offline vẫn đóng vai trò then chốt đảm nhiệm phần lớn doanh số tại Ấn Độ, và nhãn hiệu Redmi trở thành ông hoàng của những cửa hàng điện thoại đó. Tại Ấn Độ, các điện thoại mang nhãn hiệu Mi không có khả năng nhận diện thương hiệu cao để thu hút người dùng trong phân khúc flagship giá tốt. Dòng Redmi K giải quyết được vấn đề đó. Công ty đã giới thiệu Mi 9T và Mi 9T Pro tại Ấn Độ dưới tên gọi K20 và K20 Pro.
Cùng lúc bán ra hai phiên bản, một với chipset Snapdragon 730 và một với chipset Snapdragon 855, cả hai điện thoại đều đắt hơn nhiều so với Poco F1, nhưng vẫn có doanh thu tốt. Cạnh tranh với OnePlus và thậm chí là Asus, Xiaomi đã có một bước đi hợp lý, dù rằng nó giống như một lời phản đáp hơn là một thứ gì đó thực sự đặc biệt.
Vị trí của Poco
Xét trên mọi phương diện, Poco F1 là một thành công vang dội, và thị trường đang khao khát đón chờ thế hệ tiếp theo của sản phẩm này. Poco F1 tạo dựng uy tín nhờ vào khả năng hỗ trợ phần mềm lâu dài và sự thân thiện với cộng đồng ROM. Trong khi đó, dòng Redmi K lại có phần cứng tốt, nhưng không thực sự đánh vào đối tượng người dùng giống Poco F1.
Mặc cho thành công, trong 18 tháng kể từ khi ra mắt F1, nhiều tin đồn bắt đầu xuất hiện rằng dự án này đã bị đóng cửa. Do đó rất nhiều người ngạc nhiên khi Xiaomi quyết định tách Poco thành công ty riêng vào đầu tháng 1/2020. Đi kèm với đó sẽ là những thiết bị Poco mới.
Tuy nhiên, Poco X2 không phải là chiếc điện thoại mọi người đang trông chờ. Chỉ là chiếc Redmi K30 đổi tên, nó đã chuyển trọng tâm từ một thiết bị tập trung vào cấu hình phần cứng sang một thiết bị tập trung vào khả năng tùy biến và tốc độ. Điểm khác biệt của Poco X2 là màn hình 120Hz, nhưng đối với những người dùng thích cấu hình khủng, chỉ riêng màn hình là chưa đủ.
Điều Poco X2 thực sự làm được là dọn đường cho thế hệ tiếp theo của Poco F1, với giá đắt hơn trước, xuất hiện. Bằng cách đánh vào phân khúc tầm trung, X2 đã củng cố nhãn hiệu Poco thông qua những sự lựa chọn mới, đồng thời phủ sóng phân khúc tầm trung có khả năng sinh lời cao nhất hiện nay.
Dòng Mi thì sao?
Tại Ấn Độ, dòng điện thoại Mi cao cấp hơn vẫn chưa đạt được nhiều thành công. Vào giai đoạn đầu của cuộc bành trướng vào Ấn Độ, Xiaomi đã tập trung vào phân khúc dưới 200 USD, đến mức nhãn hiệu này trở nên nổi tiếng chủ yếu nhờ dòng Redmi. Chiến thuật này hoạt động hiệu quả khi phân khúc đó vẫn là phân khúc thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất. Tuy nhiên, đến năm 2020, nhu cầu đối với các mẫu điện thoại ở phân khúc trên 400 USD trở nên rõ ràng hơn, và đó chính là phân khúc nằm dưới sự thống trị của OnePlus, Samsung, và một số hãng khác.
Bằng cách phân tách ra thành Redmi và Poco, Xiaomi có thể tự do khám phá phân khúc flagship giá tốt và hơn thế nữa với nhãn hiệu Mi. Hiện chiến lược của Xiaomi có sự phân chia rõ ràng, và hãng này đặt nhãn hiệu Mi lên cao nhất.
Tất nhiên, đó chỉ là dự đoán, dù rằng có thể dễ dàng thấy được nhãn hiệu Mi sẽ được dành cho những thiết bị cao cấp, tiên tiến nhất, với giá bán không nhất thiết phải "tốt" như mọi khi. Chiếc Mi Mix Alpha là một ví dụ. Và một lãnh đạo của Xiaomi Ấn Độ là Manu Kumar Jain cũng đã từng gợi ý rằng Mi 10 có thể sẽ được mang đến thị trường này.
Liệu đây có phải là khởi đầu của một thời kỳ mà Xiaomi bước chân vào thị trường phần cứng thực sự cao cấp với mức giá bán tương xứng?
Xiaomi trong năm 2020: một chiến lược được định hình rõ ràng
Chiến lược của Xiaomi ở Ấn Độ là chưa từng có trước đây bởi nó phù hợp với những điều kiện hiện tại của thị trường. Công ty đã từng thành công khi thay đổi bản thân theo các xu hướng thị trường và mang lại những sản phẩm giá tốt mà rất ít nhãn hiệu nào có khả năng sánh được.
Tại châu Âu và Anh, Xiaomi không phải là cái tên nổi tiếng vì các sản phẩm thuộc phân khúc giá tốt. Chính vì vậy, khi họ mở rộng sang châu Âu trong thời gian gần đây, mọi vấn đề liên quan nhãn hiệu trở nên rõ ràng hơn hẳn: nhãn hiệu Redmi chủ yếu bán phần cứng giá dưới 200 bảng; bất kỳ thiết bị nào có giá cao hơn 200 bảng đều sẽ mang nhãn hiệu Mi. Chiến lược này cũng hoạt động khá hiệu quả.
Nhìn chung, Xiaomi đã bước vào năm 2020 với một tầm nhìn được hoạch định rất rõ ràng cho tương lai, cho phép công ty cạnh tranh ở mọi cấp độ mà không bị rơi vào tình huống "tự dẫm lên chân mình" quá nhiều. Mỗi nhãn hiệu con nhắm vào một đối tượng người dùng khác nhau trên thị trường. Tất nhiên, Redmi vẫn phổ biến nhất, đặc biệt tại các thị trường đang nổi, vì trọng tâm của Redmi là giá bán. Trong khi đó, Poco nhắm vào những người dùng chuyên nghiệp hơn, và Poco F2 sẽ ra mắt vào một thời điểm sớm trong thời gian tới. Cuối cùng, với nhãn hiệu Mi, Xiaomi được tự do khám phá phân khúc cao cấp hơn của thị trường smartphone.
Minh.T.T;theo AndroidAuthority