Tại sao quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh lại rất nguy hiểm?


Nếu được chọn, có lẽ chúng ta sẽ chọn chết trong khi đang ăn một bữa ngon hơn là chết trong một vụ tai nạn máy bay. Với tỉ lệ 1/2,5 triệu chuyến gặp tai nạn chết người và khoảng một nửa trong số đó lại xảy ra trong những giai đoạn ngắn nhất của chuyến bay. Bạn muốn biết lúc nào thì nên lo lắng nhất trong chuyến bay kế tiếp chứ? Hãy nhớ thắt chặt dây an toàn đấy.

Cất và hạ cánh được biết đến là hai giai đoạn nguy hiểm nhất trong chuyến bay. Hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây. Boeing đã theo dõi và thống kê tất cả các vụ tai nạn máy bay thương mại hằng năm và sắp xếp theo thời điểm xảy ra tại nạn. Boeing chia trung bình một chuyến bay dài 90 phút thành 8 giai đoạn. Nhưng chúng ta chỉ cần tập trung vào 5 giai đoạn sau.

Tại sao quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh lại rất nguy hiểm?

Ảnh: Boeing

Đầu tiên là hai giai đoạn cất cánh và tăng độ cao. Hai giai đoạn này chỉ chiếm 2% thời gian nhưng lại có tỉ lệ xảy ra tai nạn đến 14%. Có vẻ đây là một con số rất cao, nhưng hay nhìn vào giai đoạn duy trì độ cao. Giai đoạn này chiếm hơn một nửa thời gian bay nhưng tỉ lệ xảy ra tại nạn chỉ chiếm 11%. Và phần còn lại là giảm độ cao và hạ cánh. Hai giai đoạn này chỉ chiếm 4% thời gian của chuyến bay, gấp đôi thời gian cất cánh và nâng độ cao. Nhưng tỉ lệ xảy ra tai nạn lại cao ngất ngưỡng, con số lên đến 49% chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Chính vì vậy, giai đoạn máy bay giảm độ cao và hạ cánh là hai giai đoạn nguy hiểm nhất trong một chuyến bay. Vậy lý do đằng sau là gì?

"Thông thường, khi máy bay cất cánh và hạ cánh, máy bay sẽ ở độ cao thấp và tốc độ chậm. Khi xảy ra vấn đề, bạn sẽ không có đủ thời gian để phản ứng", Anthony Brickhouse, phó giáo sư tại Học viện Hàng không Embry-Riddle, cho biết.

Khi máy bay ở độ cao 10.000m, phi công có một khoảng thời gian và không gian rất lớn để giải quyết sự cố. Thậm chí khi động cơ tắt hẳn thì máy bay cũng không thể rơi ngay xuống đất được. Máy bay có thể lượn theo các luồng không khí. Trong giai đoạn này, máy bay sẽ giảm độ cao khoảng 1.600m trong khi di chuyển được 16.000m, do vậy, phi công sẽ có khoảng 8 phút để có thể tìm vị trí hạ cánh an toàn. Nhưng nếu xảy ra sự cố khi ở gần mặt đất, khoảng thời gian và không gian xử lý sự cố rất hạn chế.

Đối với máy bay thương mại, quá trình cất cánh chỉ mất khoảng 30 đến 35 giây. Nếu động cơ trục trặc hoặc thiết bị hạ cánh bị kẹt, phi công hầu như không có thời gian để quyết định tiếp tục cất cánh hay thử tìm cách đưa chú chim khổng lồ nặng 80 tấn này đáp lại xuống mặt đất. Hầu hết các quyết định đưa ra là tiếp tục cất cánh.

"Bởi vì nếu bạn đang di chuyển trên đường băng với vận tốc hơn 160 km/h thì mọi việc diễn ra rất rất nhanh. Việc đưa ra quyết định ngừng cất cánh rất khó khăn vì bạn phải thực hiện nó trước khi đạt ngưỡng vận tốc cho phép, nếu không, theo vật lý mà nói thì bạn sẽ không thể dừng lại được", Brickhouse cho biết.

Nếu máy bay không cất cánh hay hạ cánh tại thời điểm này, nó sẽ đi hết đường băng. Và tùy vào từng sân bay mà phía cuối đường băng có thể là một cánh đồng hay là một cái vực theo đúng nghĩa đen, như sân bay Telluride Regional Airport ở Colorado chẳng hạn. Hai đầu đường băng của sân bay này đều là vực thẳm với độ sâu khoảng 1.000m.

Với những sân bay có đường băng nguy hiểm như Telluride thì sẽ được lắp đặt hệ thống vật liệu kỹ thuật giảm tốc EMAS (Engineered Materials Arrestor System). Hệ thống EMAS là một đoạn vật liệu ở phía cuối đường băng được thiết kế để có thể lún xuống dưới sức nặng của máy bay, vật liệu này sẽ giữ lấy bánh của máy bay và buộc nó dừng lại trước khi lao xuống vực thẳm. Trong tường hợp xảy ra sự cố khi hạ cánh thì hệ thống này cũng hoạt động tương tự.

Tại sao quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh lại rất nguy hiểm?

Vậy thì điều gì khiến quá trình hạ cánh lại nguy hiểm hơn nhiều so với cất cánh?

Câu trả lời rất đơn giản. Khiến một chiếc máy bay bay lên trời dễ hơn là bắt nó dừng lại. "Khi máy bay di chuyển chậm lại và đang trong quá trình đáp xuống đường băng, bất cứ một cơn gió nào hay một thứ gì tương tự cũng có thể tác động mạnh đến máy bay, nhiều hơn là trong quá trình cất cánh", Brickhouse giải thích.

Trong quá trình hạ cánh thông thường, phi công sẽ liên lạc với kiểm soát không lưu, xếp hàng chờ theo đường băng thích hợp và thông báo cho phi hành đoàn. Quá trình cất cánh cũng diễn ra tương tự. Nhưng khi hạ cánh thì tất cả mọi thứ diễn ra trong khi máy bay hướng về đường băng thay vì rời khỏi đường băng.

"Đôi lúc, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường trong khi hạ cánh, nhưng đến giây cuối cùng thì xảy ra sự cố và nó dẫn đến tai nạn. Trong những tình huống khác, dù tình trạng khẩn cấp đã được thông báo trên máy bay với các nguy cơ phải đối mặt khi hạ cánh thì đến khi hạ cánh, một tình huống không may mắn xảy ra cũng sẽ dẫn đến tai nạn", Brickhouse nói.

Tuy những con số thông kê có vẻ đáng sợ nhưng máy bay vẫn là phương tiện duy chuyển an toàn nhất. Và thậm chí nếu;xảy ra sự cố trên chuyến bay sắp tới, bạn vẫn có khoảng 95,7% cơ hội sống sót.

Minh Bảo – Theo Business Insider

Top