Thuê bao… những ngày nháo nhào


Thực sự là thuê bao trả trước (TBTT) những ngày qua đã nháo nhào lo hoàn thiện thông tin thuê bao (TTTB) nhưng dù thế cũng đã không thể hoàn tất đúng thời hạn. Thuê bao nháo nhào thì nhà mạng cũng tất bật. Để đến tình trạng này, cả hai đều có lỗi.

Thói quen "nước đến chân mới nhảy" của thuê bao

Không sai khi nhận định rằng người tiêu dùng Việt Nam có một thói quen cố hữu là "nước đến chân mới nhảy". Nghị định 49 về việc quản lí thuê bao di động đã đưa ra thời hạn cho nhà mạng 12 tháng để hoàn thiện thông tin thuê bao, thì cũng có nghĩa là các thuê bao cũng có từng ấy thời gian để đi đăng kí.

Năm 2017 khi Nghị định 49 vừa được ban hành, vấn đề bắt buộc thuê bao trả trước bổ sung ảnh chân dung đã gây ra tranh cãi gay gắt trên công luận nhưng cuối cùng qui định vẫn là qui định. Tuy nhiên bên cạnh qui định nộp ảnh chân dung, chủ TBTT còn phải chuẩn hóa thông tin. Vào thời điểm đó, theo công bố của Bộ TT&TT, còn hơn 80 triệu TBTT đăng kí thông tin chưa chính xác.

Người viết bài này, cách đây nhiều tháng, đã đến điểm giao dịch của nhà mạng bổ sung thông tin cho những số thuê bao đang sử dụng. Mọi việc diễn ra nhanh chóng và đơn giản, không mất quá nhiều thời gian. Nhưng đến thời điểm "nước đến chân mới nhảy" thì đã khác, ùn ùn, tấp nập… tập trung về một nơi, hệ lụy là phải chờ đợi, mất nhiều thời gian, kênh bổ sung thông tin trực tuyến cũng nghẽn mạng.v.v… Khi cách giờ G vài ngày mà số thuê bao chưa hoàn thiện thông tin cá nhân còn đến hơn 30 triệu số, không cách nào hoàn thiện kịp tiến độ, các nhà mạng đành phải kéo dài thời gian.

Nhà mạng nới rộng thêm thời hạn thì thuê bao cũng đỡ lo bị khóa một chiều nếu không đăng kí thông tin bổ sung và nộp ảnh chân dung đúng thời hạn. Nhưng cũng lường trước một khả năng là, sẽ có những thuê bao thấy thế lại tiếp tục trì hoãn việc hoàn thiện TTTB một khi tình thế "nước đến chân" đã được hóa giải tạm thời.

Và nhà mạng "nước đến chân…" mới tăng tốc

Theo giải thích của một vị lãnh đạo Cục Viễn thông, việc nhà mạng nới thêm thời gian để hoàn thiện TTTB là chuyện chẳng đặng đừng nhưng đối với cơ quan chức năng, ngày 24/4 là thời hạn cuối về mặt quản lí. Nhà mạng sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lí về thời hạn này. Rất có thể xảy ra khả năng các nhà mạng sẽ "ăn" phạt vì hết ngày 24/4/2018 vẫn còn nhiều thuê bao chưa hoàn tất việc đăng kí thông tin và nộp ảnh chân dung. Nhưng mức phạt dù sao cũng còn "nhẹ nhàng": Mỗi số thuê bao không hoàn thiện thông tin kịp tiến độ bị phạt 1 triệu đồng, nhưng tổng số tiền phạt lại không quá 200 triệu đồng đối với mỗi nhà mạng. Đây là cách "giơ cao đánh khẽ" khá phổ biến từ trước tới nay trong lĩnh vực viễn thông nói chung và thông tin di động nói riêng.

Trang VnExpress.net dẫn lời một vị lãnh đạo Cục Viễn thông cho rằng: "Lẽ ra nhà mạng sẽ phải chia nhóm để thông báo tới khách hàng. Tuy nhiên, gần như trong một năm qua nhà mạng không làm gì mà đến gần sát ngày mới nhắn tin các chủ thuê bao khiến việc cập nhật bị quá tải".

Tình trạng quá tải cập nhật thông tin thuê bao hiện nay có nguyên nhân "tại anh tại ả" nhưng rõ ràng là nếu nhà mạng – như lời vị lãnh đạo Cục Viễn thông – xúc tiến sớm sủa các đợt cao điểm bổ sung, hoàn thiện thông tin thuê bao thì có lẽ người tiêu dùng đã không khổ sở, nháo nhào như trong những ngày qua.

Vậy chúng ta thấy gì qua tình trạng này?

Điều này không phải bây giờ mà đã thấy từ hàng chục năm qua rồi: Không ít nhà mạng lớn dường như chưa thực sự e sợ cái uy của cơ quan quản lí. Cơ quan quản lí mất "uy" là vì thiếu "nghiêm". Có thể nêu ra ngay đây: Thiếu nghiêm trong cách xử lí nhà mạng vi phạm về khuyến mãi; thiếu quyết liệt trong việc buộc nhà mạng bảo đảm chất lượng dịch vụ 3G, 4G; thiếu mạnh mẽ trong việc buộc nhà mạng hạn chế SIM rác và tin nhắn rác cùng với việc chuẩn hóa thông tin thuê bao… trong suốt hàng chục năm qua. Chỉ từ nửa cuối năm 2016 trở lại đây Bộ TT&TT mới thực sự mạnh mẽ và quyết liệt trong việc "dẹp loạn" các vấn đề này. Và một khi Bộ thực sự quyết liệt và xử nghiêm, tình hình được cải thiện rõ rệt theo hướng tích cực, đơn cử như tình trạng SIM rác và tin nhắn rác…

Chính vì thế, trước khi trách cứ, qui lỗi hay xử phạt nhà mạng, thì cơ quan quản lí cũng phải xem lại trách nhiệm của mình. Cụ thể là trách nhiệm trong quản lí những vấn đề trên trong suốt hàng chục năm qua.

Mối quan hệ nhân - quả ở đây là trên quản không nghiêm thì dưới sẽ loạn; ngược lại trên quản nghiêm thì dưới sẽ dần vào nếp. Tất nhiên, để các nhà mạng lớn "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" dần dà vào nếp ở các vấn nạn như đã nêu ở trên thì người tiêu dùng cũng đã phải khổ sở và mệt mỏi lây.

Rồi những ngày nháo nhào của thuê bao di động cũng sẽ qua đi. Nhưng vấn đề là, liệu các thuê bao còn gặp lại tình trạng như vậy nữa hay không trong tương lai? Họ không thể trả lời câu hỏi này thay cho cơ quan quản lí và nhà mạng được. Bởi suy cho cùng, thuê bao cũng chỉ là nạn nhân của nhiều phía mà thôi.

Thế Lâm

http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWQtb2xkL3RodWUtYmFvLW5odW5nLW5nYXktbmhhby1uaGFvLjI0NzMyMDQ=
Top