Mặc dù nhận được một vài tín hiệu tốt trước lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ đối với ứng dụng video ngắn TikTok, công ty mẹ Trung Quốc ByteDance đã quyết định rút khỏi thị trường thuộc hàng lớn nhất hiện nay.
Các lãnh đạo của ByteDance đã gửi thư cho hơn 2.000 nhân viên đang làm việc tại TikTok Ấn Độ vào cuối tháng 1 rằng hầu hết nhân sự đều sẽ bị cắt giảm. "Mặc dù không biết khi nào mới có thể quay lại Ấn Độ, chúng tôi vẫn tin vào khả năng phục hồi và mong muốn trở lại trong thời gian sớm nhất", theo Press Trust of India trích dẫn nội dung được gửi đi.
Nguồn tin thân cận với ByteDance cho biết TikTok về cơ bản đang rút khỏi thị trường Ấn Độ. Người lao động sẽ được hưởng trợ cấp 3 tháng lượng và tiền bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số năm làm việc.
"Chúng tôi luôn cố gắng tuân theo luật pháp và quy định hiện hành ở nước sở tại, cũng như tìm cách giải quyết những lo ngại mà ứng dụng của chúng tôi mang lại. Song bất chấp những nỗ lực đó, chúng tôi vẫn chưa đưa ra được định hướng rõ ràng về thời gian và cách thức mà các ứng dụng có thể quay lại...
Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm quy mô hoạt động và nhân sự tại Ấn Độ", đại diện truyền thông của TikTok Ấn Độ cho biết.
Nội dung dưới dạng video ngắn của TikTok rất được người dùng Ấn Độ ưa chuộng, với mức độ phổ biến tăng trưởng vượt bật sau khi ra mắt vào năm 2018. Tính đến tháng 6/2020, trước khi lệnh cấm được đưa ra, TikTok có hơn 167 triệu người dùng ở Ấn Độ, theo số liệu của RedSeer Management Consulting.
ByteDance đã thành lập văn phòng tại các thành phố lớn của Ấn Độ, bao gồm Bangalore, Mumbai và New Delhi. Công ty đã thuê một đội ngũ nhân sự địa phương để tận dụng tối đa sự bùng nổ của nền tảng này. Bên cạnh đó, đây là nơi kinh doanh, quảng cáo cho các công ty dịch vụ Ấn Độ. Năm 2019, ByteDance công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào thị trường này. Tuy nhiên đến nay, số tiền đó dường như đã bay thành mây khói.
Tháng 6/2020, giông bão ập tới với TikTok khi Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ công bố lệnh cấm 59 ứng dụng di động được cho là xâm hại "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" quốc gia Đông Á, trong đó bao gồm cả TikTok.
Trích dẫn Đạo luật Công nghệ Thông tin, Bộ cho biết họ đã nhận được "nhiều khiếu nại từ nhiều nguồn khác nhau", cho rằng các ứng dụng đã "đánh cắp thông tin và lén lút truyền dữ liệu của người dùng trái phép tới các máy chủ có địa điểm ngoài Ấn Độ".
Vì vậy, TikTok đã bị gỡ khỏi 2 kho ứng dụng của Apple và Google. Đối với những người dùng đã cài video, một thông báo hiện lên cho biết TikTok đang tuân thủ lệnh cấm và ưu tiên hàng đầu của họ là bảo vệ quyền riêng tư cùng sự an toàn của người dùng Ấn Độ.
Hiện mối quan hệ giữa ByteDance và chính phủ nước này không có nhiều tín hiệu khả quan. Đầu năm nay, truyền thông địa phương đưa tin 59 ứng dụng nói trên, bao gồm TikTok đã bị cấm vĩnh viễn ở Ấn Độ nên ByteDance đã đưa ra quyết định thoái vốn khỏi đây.
Lập trường kiên quyết của chính phủ Ấn Độ đối với TikTok được thúc đẩy một phần bởi cuộc tranh chấp kéo dài với Trung Quốc ở biên giới Himalaya. Tại đây 2 bên đã có cuộc đụng độ quân sự, làm thiệt mạng các binh sỹ và là lần đầu tiên trong gần 45 năm quan hệ hợp tác. Chính phủ Ấn Độ đã mạnh tay mở rộng lệnh cấm vào tháng 9 và tháng 11/2020, nâng tổng số ứng dụng bị cấm lên 220.
Ngay cả khi TikTok được quay phép trở lại, thời gian dài ứng dụng biến mất có thể đã giúp nhiều nền tảng tương tự phát triển và trở nên phổ biến. Cụ thể, sau khi lệnh cấm được đưa ra, nhiều ứng dụng chia sẻ video ra mắt, thu hút lượng lớn người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội sử dụng.
Vì thế, TikTok khó lòng giành lại được vị thế ban đầu.;RedSeer cho biết TikTok từng chiếm 85-90% tổng thời lượng xem video trên các ứng dụng trực tuyến. Phiên bản nội địa Trung Quốc của TikTok, Douyin, hiện có hơn 600 triệu người dùng. TikTok là một trong những ứng dụng đầu tiên do người Trung Quốc sở hữu có sức ảnh hưởng lan rộng khắp toàn cầu.
Ấn Độ cùng với Mỹ, là một trong những thị trường lớn nhất trong hơn 100 quốc gia TikTok có mặt. Tại Nhật Bản và Châu Âu, TikTok cũng có cho mình hàng chục triệu người dùng. Theo CB Insights, ByteDance được định giá lên tới 140 tỷ USD và SoftBank Group là một trong những nhà đầu tư chủ chốt.
Nhưng những thách thức về chính trị đối với TikTok không chỉ giới hạn ở Ấn Độ. Ông Donald Trump, nguyên Tổng thống Mỹ đã đe dọa đóng cửa ứng dụng và tương lai của nó tại thị trường Mỹ vẫn chưa rõ ràng. TikTok cũng tạm dừng dịch vụ ở Hồng Kông sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia dành cho đặc khu hành chính vào tháng 7 năm ngoái.
Ngọc Diệp theo Nikkei Asia