Trái Đất hiện đang có 50 tỷ con chim, cứ mỗi người trên Trái Đất thì có 6 con chim


Theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Úc, Trái Đất hiện có hơn 50 tỷ con chim.

Đây là kết quả sau khi tổng hợp các quan sát của rất nhiều người về số lượng của các loài chim trên thế giới.

Nhà sinh thái học Will Cornwell, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học New South Wales, Úc cho biết: "Loài người đã dành rất nhiều nỗ lực để đếm số lượng con người và tổng cộng chúng ta có 7,8 tỷ người. Nhưng đây là nỗ lực toàn diện đầu tiên để đếm một nhóm các loài khác".

Phải mất công sức của hàng trăm nghìn người mới có thể kiểm đếm và cho ra con số ước tính hơn 50 tỷ con chim. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng gần một tỷ quan sát đóng góp trong cơ sở dữ liệu eBird của hơn 600.000 nhà khoa học công dân từ năm 2010 đến năm 2019. Từ đó, các thuật toán máy tính sẽ tiếp quản và sàng lọc.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu khoảng 9.700 loài chim, chiếm khoảng 92% tổng số loài chim hiện sinh sống trên Trái Đất để đưa ra ước tính cho từng quần thể dựa trên dữ liệu của eBird và các tính toán khác về "khả năng phát hiện" của loài chim. UNSW cho biết: "Khả năng phát hiện có thể bao gồm các yếu tố như kích thước, màu sắc của chúng, liệu chúng có bay theo đàn hay không và liệu chúng có sống gần các thành phố hay không".

Dữ liệu chỉ ra, một số loài được chọn lọt top những loài chim với số lượng quần thể ước tính lên tới 1 tỷ con. Những loài chim có quần thể đông nhất có thể kể đến là chim sẻ nhà (khoảng 1,6 tỷ con), chim sáo châu Âu (khoảng 1,3 tỷ con), mòng biển mỏ vành khuyên (khoảng 1,2 tỷ con) và chim én (1,1 tỷ con).

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh các loài có quẩn thể ít gồm chim có mào Trung Quốc và chim với danh pháp arichornis clamosus. Cornwell cho biết: "Chúng ta có thể biết được những loài này sống như thế nào bằng cách lặp lại nghiên cứu sau 5 hoặc 10 năm nữa. Nếu số lượng của chúng giảm dần, đó có thể là một hồi chuông báo động thực sự cho sức khỏe của hệ sinh thái của chúng ta".

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh các con số chỉ là ước tính và họ vẫn chưa thực sự chắc chắn. Các nhà nghiên cứu không đi ra ngoài và đếm từng con chim và điều đó là không thể. Việc phụ thuộc vào những người theo dõi chim chắc chắn sẽ tồn tại một số hạn chế, đặc biệt khi độ phủ sóng của bộ dữ liệu eBird chưa thực sự đầy đủ.

Đồng tác giả Shinichi Nakagawa, một nhà thống kê và sinh thái học tại Đại học New South Wale cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi, mặc dù còn sơ sài ở một số khu vực nhưng đại diện cho dữ liệu tốt nhất hiện có về nhiều loài".

Các nhà nghiên cứu hy vọng nhiều người sẽ tham gia vào việc ghi lại nhật ký các quan sát về các loài chim thông qua eBird. Bạn có thể dễ dàng tìm hiểu những loài chim thường bay quanh nhà mình thông qua dữ liệu của eBird.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences mới đây

Tiến Thanh

Thành viên mới đăng
Top