Thời gian gần đây, Apple đã có những động thái liên quan đến việc đề cao quyền riêng tư của người dùng iPhone. Hãng cho biết việc tải ứng dụng bên ngoài App Store sẽ khiến dữ liệu trên iPhone gặp rủi ro. Tuy nhiên, đó không phải điều Apple quan tâm nhất.
Tất nhiên điều đó là đúng và Apple đang muốn cho chúng ta thấy mình là một người luôn đặt chính sách bảo mật lên hàng đầu. Tuy nhiên, sức mạnh đồng tiền mới là vấn đề thực sự. Trên thực tế, điều mà Apple quan tâm nhất là doanh thu từ App Store hơn là tính bảo mật của iPhone giống với những gì mà Apple thường tuyên bố.
Theo Android Authority, việc cho phép cài đặt ứng dụng iOS thông qua sideloading có thể khiến Apple mất đi 30% tiền hoa hồng thu từ các nhà phát triển ứng dụng.
Vậy "sideloading" là gì?
Sideloading được hiểu là quá trình cài đặt ứng dụng từ các nguồn bên ngoài, không phải thông qua cửa hàng trên smartphone. Trong trường hợp của iPhone, người dùng chỉ có thể tải xuống ứng dụng từ App Store chính thức của Apple. Để sideloading, bạn sẽ phải jailbreak (bẻ khóa) iPhone để cài đặt các ứng dụng mà trên App Store không có.
Đối với Google, vấn đề sideloading không bị đặt nặng như Apple. Rõ ràng, Google vẫn muốn người dùng tải ứng dụng trực tiếp từ Play Store, nhưng họ không bắt buộc. Chỉ cần người dùng thông qua các quyền trên điện thoại là đã có thể cài đặt từ các nguồn khác ngoài Play Store, bù lại những ứng dụng từ nguồn không chính thống sẽ không nằm trong tầm kiểm duyệt của Google và người dùng có thể gặp phải rủi ro.
Để giải quyết vấn đề này, Google cũng tung ra Advanced Protection Program (Chương trình bảo vệ nâng cao của Google - APP). Tuy nhiên một lần nữa, Google cũng không ép buộc người dùng vì Android trên smartphone vốn dĩ là một hệ điều hành mở. Hãng cung cấp APP dưới dạng tùy chọn nên người dùng có thể bật nó trên tài khoản Google của mình bất cứ lúc nào. Khi đó, APP sẽ chặn phần lớn các ứng dụng không xác thực hoạt động.
Apple luôn miệng nói iPhone cần được bảo mật
Theo Apple, vấn đề bảo mật trên iPhone luôn được ưu tiên hàng đầu và các ứng dụng sideloading có thể khiến cho chủ sở hữu iPhone gặp nguy hiểm.
"Do quy mô lớn của cơ sở người dùng iPhone và lượng dữ liệu nhạy cảm được lưu trên máy, bao gồm ảnh, dữ liệu vị trí, sức khỏe và thông tin tài chính, sideloading sẽ tạo cơ hội cho các kẻ tấn công gây hại cho nền tảng này", Apple nói trong một ghi chú được đăng trên website của mình.
"Các phần tử độc hại sẽ tận dụng cơ hội bằng cách dành nhiều tài nguyên hơn để phát triển các cuộc tấn công tinh vi nhắm vào người dùng iOS. Điều này làm gia tăng nguy cơ thiết bị bị tấn công và khiến tất cả người dùng chịu rủi ro, kể cả khi họ chỉ tải xuống ứng dụng từ App Store".
Không dừng lại ở đó, Apple tiếp tục chỉ ra rằng các thiết bị Android có nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại cao gấp 15 lần so với iPhone do được phép cài ứng dụng từ bên ngoài. Chiến dịch đề cao bảo mật của Táo khuyết còn lan rộng đến mức hãng đã liên hệ trực tiếp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi để cảnh báo về một số quy định trong ngành công nghệ, theo báo cáo của The New York Times.
Nhưng doanh thu dịch vụ mới là trên hết
Apple chia doanh thu ròng hàng quý của mình thành hai nhóm lớn: sản phẩm và dịch vụ. Danh mục sản phẩm;sẽ bao gồm những thiết bị phần cứng như iPhone, iPad, Mac , Apple Watch và Apple TV. Trong quý I/2021, Apple ghi nhận đạt khoảng 72,7 tỷ USD doanh thu thuần từ nhóm sản phẩm.
Ngược lại, ở danh mục dịch vụ, Apple sở hữu iCloud, iTunes Music, App Store và nhiều thứ liên quan đến ứng dụng khác. Tại đây, Apple thu về 16,9 tỷ USD doanh thu ròng trong quý I/2021, tương đương 18,9% doanh thu hàng quý.
Một phần trong số đó đến từ phí hoa hồng trên App Store mà Apple thu của các nhà phát triển. Đối với nhiều ứng dụng trả phí hay cung cấp dịch vụ thuê bao, Apple sẽ lấy đi 30% lợi nhuận có được.
Sở hữu lượng người dùng đông đảo, mảng kinh doanh dịch vụ là lĩnh vực béo bỡ đối với Apple
Để dễ hình dung, nếu chúng ta tải Spotify trên App Store và đăng ký thuê bao Premium, Apple sẽ nhận được 3 USD trong số 10 USD mà Spotify thu của người dùng.
Tất nhiên, sẽ có các nhà phát triển không hài lòng với chính sách Apple đưa ra vì họ cho rằng 30% hoa hồng là con số quá lớn. Đơn cử như Epic Games, nhà sản xuất đứng sau tựa game nổi tiếng Fornite, đã đệ đơn kiện Apple vì các khoản phí.
Vào tháng 8/2020, Apple đã gỡ bỏ Fortnite khỏi App Store sau khi Epic tạo ra hệ thống thanh toán riêng của mình trong trò chơi. Và cho đến nay, vụ kiện giữa hai công ty vẫn chưa được tòa án giải quyết triệt để.
Người dùng Android xem sideloading là một phần thưởng quý giá
Trong một cuộc thăm dò gần đây của Android Authority, khoảng 48,5% người được hỏi nói rằng họ xem việc tải ứng dụng từ bên ngoài là một tính năng cần phải có. Một số ý kiến cho biết sẽ không chuyển sang dùng iPhone vì không thể thực hiện sideloading.
29,7% quan điểm khác cho rằng đó chỉ là một tính năng phụ trợ và không thật sự cần thiết, trong khi 21,8% còn lại không quan tâm đến sideloading theo cách này hay cách khác.
Mối quan tâm của Apple là đúng
Vụ việc Fortnite có thể có tác động lớn đến lợi nhuận của Apple. Epic Games lập luận rằng Apple có hành vi độc quyền trong cách kiểm soát App Store và cách ứng dụng được phân phối đến iPhone và iPad. Những công ty khác, bao gồm Facebook và Spotify, cũng đã lên tiếng ủng hộ Epic và đứng về phe đối lập với Apple.
Mặc dù không rõ bao nhiêu phần trăm trong số 16,9 tỷ USD được tạo thành từ doanh thu của App Store, nhưng chắc chắn khoảng tiền chiết khấu mà nhà phát triển trả cho Apple là không nhỏ. Nếu thả cửa cho sideloading, Apple có thể sẽ mất rất nhiều, không chỉ về tiền bạc mà còn cả quyền kiểm soát hệ điều hành.
Những gì chúng ta đang thấy là dấu hiệu cho thấy Apple đang bị dồn vào đường cùng. Khi không còn đường lui, Táo khuyết có thể sẽ dậy sóng và tạo ra một cuộc chiến, gây nên hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho chính mình mà còn đối với toàn bộ ngành di động nói chung.
Ngọc Diệp (Theo Android Authority)