Vì sao Mỹ vẫn phải dựa vào đất hiếm của Trung Quốc trong tương lai gần?


Mỹ từng là ‘ông vua' đất hiếm cách đây vài chục năm nhưng hiện tại thì ngành công nghiệp rất quan trọng này đang thuộc về Trung Quốc và trong tương lai gần thì có vẻ như điều đó sẽ không có gì thay đổi!

Vị thế của Trung Quốc trong ngành công nghiệp đất hiếm

Đất hiếm được coi là thành phần cực kỳ quan trọng và không thể thiếu trong rất nhiều ngành công nghiệp hiện đại ngày nay. Nó có mặt trong việc sản xuất các thiết bị và linh kiện trong lĩnh vực công nghệ, hóa dầu, luyện kim, quân sự… Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Mỹ mất nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, ngành công nghiệp của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đi lùi lại hàng chục năm.

Nói là đất hiếm nhưng thực chất nó không quá hiếm trên thế giới. Thực ra từ đất hiếm là để chỉ 17 nguyên tố có mặt trên bảng tuần hoàn hóa học, bao gồm: Cerium (Ce); Dysprosium (Dy); Erbium (Er); Europium (Eu); Gadolinium (Gd); Holmium (Ho); Lanthanum (La); Lutetium (Lu); Neodymium (Nd); Praseodymium (Pr); Promethium (Pm); Samarium (Sm); Scandium (Sc); Terbium (Tb); Thulium (Tm); Ytterbium (Yb), Yttrium (Y). Chúng có khá nhiều trong vỏ trái đất. 2 trong số những nguyên tố có hàm lượng ít nhất của 17 loại đất hiếm là Thulium và Lutetium cũng có hàm lượng cao hơn gấp 200 lần so với hàm lượng vàng trong tự nhiên. Thậm chí theo các nhà khoa học thì số lượng đất hiếm còn được đánh giá tương đương với Đồng và Chì – 2 nguyên tố rất dễ tìm trên trái đất.

Nói là đất hiếm bởi nó dù có mặt khắp nơi trên thế giới nhưng lại rất khó khai thác cũng như chế biến bởi nó không hề tích tụ lại như các mỏ kim loại khác. Để khai thác được sẽ tốn chi phí rất lớn và để lại hậu quả môi trường khổng lồ.

Trung Quốc trong 30 năm trở lại đây đang nắm giữ vị thế là nơi có trữ lượng và cũng là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Thống kê cho thấy có khoảng 120 triệu tấn đất hiếm trên toàn cầu, trong đó Trung Quốc có 44 triệu tấn, Brazil và; Việt Nam mỗi nước có 22 triệu tấn, Nga có khoảng 17 triệu tấn, phần nhỏ còn lại thuộc các Quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi, Canada, Úc…

Dù chỉ chiếm 36% trữ lượng đất hiếm nhưng Trung Quốc chiếm đến 80% sản lượng sản xuất hàng năm các nguyên tố này trên thế giới (từng có thời kỳ chiếm đến 95%). Điều này là do quốc gia này sở hữu công nghệ phân tách tiên tiến, giá nhân công rẻ và xử lý được các vấn đề môi trường. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất giúp Trung Quốc thống lĩnh chính là từ công nghệ.

Gần như toàn bộ sản lượng khai thác đất hiếm của Trung Quốc đến từ 6 tập đoàn lớn do nhà nước quản lý. Các tập đoàn này được chia định mức sản xuất hàng năm để hoạt động tốt hơn. Năm 2018, họ được phép khai thác 120.000 tấn đất hiếm. Nói chung, việc sản xuất đất hiếm của Trung Quốc là theo định hướng của nhà nước và một khi có biến động gì đó lớn theo kiểu chiến tranh thương mại thì giá thành đất hiếm cũng sẽ có những điều chỉnh nhất định.

Ví dụ như từ tháng 4/2019 đến nay, giá thành của neodymium – nguyên liệu sản xuất nam châm đã tăng 30% lên 68.5 USD/kg, hay giá của dysprosium cũng tăng 30% lên 290 USD/kg. Khi chiến tranh thương mại nổ ra, nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ dùng đất hiếm để tấn công Mỹ. Nếu điều này trở thành thực tế thì cũng không có gì là lạ. Năm 2010, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng từng ngừng việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản do các căng thẳng chính trị. Trung Quốc đã từng dùng đất hiếm để làm ‘vũ khí chiến lược' của mình và không có gì đảm bảo điều đó sẽ không tiếp diễn trong tương lai gần.

Mỹ khó lấy lại vị thế trong tương lai gần

Từ năm 1965 – 1985 Mỹ là ‘ông hoàng' về sản lượng đất hiếm khai thác của thế giới. Nhưng hiện tại, họ không làm được việc này và phải nhập khẩu 80% nhu cầu từ Trung Quốc. Việc không có được nguồn cung đất hiếm dồi dào khiến rất nhiều công ty của Mỹ phải chuyển nhà máy, thậm chí là cả trụ sở đến Trung Quốc.

Theo ước tính, Mỹ cũng có trữ lượng đất hiếm vào khoảng 1,4 triệu tấn và mỗi năm họ khai thác được 15.000 tấn. Chiến tranh thương mại nổ ra, nhiều người cho rằng Mỹ sẽ dựa vào trữ lượng đất hiếm của mình để tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Hiện tại, họ có một công ty chuyên khai thác đất hiếm cũng thuộc dạng rất lớn và được coi là niềm hy vọng có tên MP Materials.

Nhiều người cho rằng MP Materials sẽ chính là ‘con át chủ bài' để Mỹ chống lại sự phụ thuộc đất hiếm từ Trung Quốc. Lãnh đạo của của công ty này cũng cho biết họ cung cấp khoảng 10% đất hiếm trên thế giới. Nhưng ít ai ngờ rằng, toàn bộ đất hiếm sản xuất được của MP Materials lại được xuất khẩu sang Trung Quốc bởi công ty này chưa thể tách đất hiếm thành các dạng sản phẩm khác cho chuỗi cung ứng. Nói cách khác, họ không thể xử lý phần đất hiếm thô thành thành phẩm. Trung Quốc đánh thuế 25% cho công việc này.

Mỏ khai thác đất hiếm Mountain Pass của MP Materials đang là nơi duy nhất ở Mỹ khai thác đất hiếm

Giáo sư Roderick Eggert đến từ Trường mỏ Colorado cho biết: ‘Khai thác và cô đặc đất hiếm thực ra là các công đoạn dễ, cái khó nằm ở quá trình phân tách'. Còn theo chuyên gia đất hiếm Eugene Gholz thì: ‘Một khi được đem ra khỏi đất, thách thức lớn nhất chính là về mặt hóa học, không phải về mặt khai thác khoáng. Bạn phải chuyển hóa được những hòn đá thành các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ'.

Nói cách khác, hiện Mỹ mới chỉ làm chủ được công nghệ khai thác, còn việc phân tách thì chưa làm được. Nhiều người  giải thích rằng việc phân tách sẽ phải nhúng quặng vào các thùng axit lớn cũng như đi qua nhiều liều phóng xạ có hại cho sức khỏe. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến môi trường và con người nên các nước phương Tây không thực hiện.

Tuy vậy, có vẻ như dưới áp lực lớn từ chiến tranh thương mại thì Mỹ cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc phân tách đất hiếm. Những người đứng đầu của JP Mountain cho biết họ sẽ có cơ sở phân tách đất hiếm vào năm 2020. Cùng với đó, công ty xử lý đất hiếm Blue Line cũng đã ký với công ty Lynas của Úc về việc phát triển liên doanh xây dựng nhà máy phân tách đất hiếm tại Mỹ.

Tuy nhiên, đây mới là các bước đi khởi đầu cho việc tái sản xuất đất hiếm thành phẩm. Với các công ty của Mỹ, họ sẽ cần đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe của nước này trước khi muốn tạo ra sản phẩm để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong tương lai gần việc này chưa thể hoàn thành. Và dù muốn hay không, Mỹ vẫn sẽ phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc ít nhất là trong năm nay.

T.T

Thành viên mới đăng
Top