thumbnail - 6 smartphone tệ nhất của Xiaomi, không nên mua kẻo rước bực vào người
Minh.T.T
Hà Nội

6 smartphone tệ nhất của Xiaomi, không nên mua kẻo rước bực vào người

Xiaomi là một hiện tượng trong thế giới smartphone. Công ty này tạo nên tên tuổi nhờ những mẫu smartphone cấu hình cao với giá không thể hấp dẫn hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, Redmi Note và Mi là hai dòng smartphone mang lại thành công đáng kể nhất cho Xiaomi, và kể từ năm 2018, công ty này đã bắt đầu tung ra một nhãn hiệu con mới là POCO. Dù các smartphone cao cấp của Xiaomi thường được nhắc đến nhiều nhất, phần lớn thành công của công ty lại đến từ phân khúc flagship killer. Dù trong vài năm trở lại đây, Xiaomi liên tục ra mắt hàng loạt sản phẩm được ưa chuộng và lôi kéo được một lượng fan đông đúc, công ty này vẫn có nhiều thiết bị kém chất lượng với những vấn đề tương đối khó chịu.

Một trong những vấn đề đó, thường thấy trên các smartphone Xiaomi tầm trung, là chất lượng tấm nền IPS. Một số người dùng Xiaomi chắc chắn biết đến nhà cung ứng “Tianma”, chuyên sản xuất những tấm nền IPS LCD dính lỗi lưu ảnh cho Xiaomi. Ngoài ra, smartphone Xiaomi còn gặp phải những vấn đề khác khiến danh tiếng của hãng bị ảnh hưởng không nhỏ. Hãy cùng điểm qua những smartphone Xiaomi kém chất lượng nhất mà bạn tốt hơn nên tránh xa.

Điều đầu tiên cần lưu ý là hầu hết những mẫu smartphone kém chất lượng mà Xiaomi ra mắt trong vài năm trở lại đây đều có một số đặc điểm chung như:

- Ra mắt quá sớm, chưa trải qua những bài kiểm tra cần thiết

- Chưa được kiểm tra độ bền

- Có vấn đề trong quá trình vận chuyển

- Một số đã được kiểm tra, phát hiện vài lỗi nhỏ, nhưng vẫn được bỏ qua.

Không may là một số smartphone Xiaomi lại được đánh giá là “thành công” dẫu cho tồn tại nhiều lỗi làm người dùng ngán ngẩm và không thể khắc phục được do liên quan phần cứng. Ví dụ, vấn đề lưu ảnh trên màn hình “Tianma” không sửa được, chỉ có cách khắc phục tạm thời là đừng nâng độ sáng màn hình quá cao. Với lỗi phần mềm, Xiaomi có thể tung ra một bản vá để khắc phục, tuy nhiên không phải lúc nào hãng cũng làm điều đó.

6 smartphone tệ nhất của Xiaomi, không nên mua kẻo rước bực vào người 

1. Những sản phẩm dùng màn hình IPS “Tianma”

Dù không phải là cái tên nổi tiếng, nhưng “Tianma” lại nằm trong sổ đen của khá nhiều người dùng smartphone Redmi. Ngày nay, còn rất ít thiết bị Xiaomi và Redmi sử dụng màn hình này, nhưng nó từng là cơn ác mộng đối với một lượng lớn smartphone Redmi, đặc biệt là Redmi Note, trong quá khứ. Nếu thiết bị của bạn sử dụng màn hình Tianma, tỷ lệ nó dính lỗi lưu ảnh lên đến 90%. Lỗi này tương tự lỗi lưu ảnh của tấm nền AMOLED vậy. Bạn sẽ thấy các biểu tượng pin, Wi-Fi… khắp mọi nơi, kể cả khi chạy ứng dụng toàn màn hình và khi xem phim. Có một số cách để khắc phục lỗi này, như giảm độ sáng và cân chỉnh lại màu màn hình. Không may là giải pháp tốt nhất chỉ có được nếu bạn flash một ROM tùy biến vào thiết bị.

Xiaomi không sửa được lỗi lưu ảnh màn hình - chính xác hơn là họ không thể, vì nó liên quan đến phần cứng. Điều khó hiểu là công ty này tiếp tục sử dụng tấm nền Tianma trên nhiều thiết bị bình dân, và về sau, tình hình có vẻ được cải thiện phần nào trên các thiết bị Redmi Note. Có lẽ chúng ta phải cảm ơn trào lưu “tần số làm tươi cao” và “AMOLED” vì chúng đã buộc Xiaomi phải từ biệt Tianma.

Những thiết bị bị ảnh hưởng bởi lỗi lưu ảnh bao gồm: Redmi Note 8, Redmi Note 7, Redmi Note 5, Mi A2 (6X), các mẫu Xiaomi/Redmi (hoặc POCO) với màn hình IPS.

Có thể nói, Xiaomi đã sử dụng những tấm nền Tianma tệ nhất từng có mặt trên thị trường - khẳng định luôn như vậy vì chẳng có thứ gì lại có tỷ lệ lỗi cao khủng khiếp như vậy cả. Ngày nay, màn hình Tianma không còn phổ biến trên điện thoại Xiaomi nữa, bởi công ty đã chuyển dần sang tấm nền AMOLED rồi. Nhưng một lần nữa, vì cắt giảm chi phí, Xiaomi vẫn ngựa quen đường cũ và có xu hướng sử dụng các tấm nền có khả năng gặp lỗi lưu ảnh hoặc ám xanh.

6 smartphone tệ nhất của Xiaomi, không nên mua kẻo rước bực vào người 

2. Lỗi cảm biến vân tay

Một vấn đề rất hay xuất hiện khác trên smartphone Xiaomi/Redmi là lỗi cảm biến vân tay. Một số thiết bị của hãng gặp lỗi với cáp flex, khiến cảm biến vân tay không hoạt động. Các điện thoại xui xẻo bao gồm: Redmi Note 9T, Redmi Note 9 Pro, Redmi Note 9S.

Xiaomi đã khắc phục vấn đề này trên series Redmi Note 10 bằng cách thay đổi thiết kế. Nguyên nhân lỗi nhiều khả năng là do cảm biến vân tay chưa được kiểm tra kỹ càng, khiến một số thiết bị dính lỗi phần cứng ngay từ khi xuất xưởng. Hầu hết người dùng đã được thay cáp flex của cảm biến vân tay. Cũng may khi mà công nghệ này không quá tiên tiến và không ràng buộc vào thiết bị như Touch ID của iPhone.

6 smartphone tệ nhất của Xiaomi, không nên mua kẻo rước bực vào người 

3. Xiaomi Mi 8 dính lỗi Wi-Fi

Xiaomi Mi 8 là một trong những thiết bị flagship hiếm hoi lọt vào danh sách này. Thật khó hiểu khi Xiaomi lại để xảy ra sự cố với mẫu smartphone đắt đỏ dùng chip Snapdragon 845 cao cấp của mình. Mi 8 nổi tiếng vì có thiết kế mang hơi hướm iPhone X, và được trang bị cả tính năng quét khuôn mặt tương tự Face ID. Đáng tiếc là con chip Wi-Fi của nó lại dính lỗi, và hãng cũng bó tay không thể khắc phục được.

Đó là lý do nhiều fan Xiaomi bỏ qua Mi 8, khiến nó trở thành một trong những mẫu flagship số nhọ nhất của công ty.

4. Poco M3 dính lỗi đột tử

POCO M3 là một mẫu smartphone bình dân ra mắt cuối năm 2020. Không may là nó cũng nằm trong top những thiết bị chất lượng kém nhất của Xiaomi. Cụ thể, một số máy tắt ngúm và không bao giờ hoạt động trở lại không lâu sau khi người dùng tắt màn hình. Lỗi đột tử của POCO M3 là một thảm họa, khiến nhiều người công khai chỉ trích và bày tỏ nỗi thất vọng với nhãn hiệu này. Tin tốt là Xiaomi về sau đã kiểm tra kỹ càng hơn các smartphone POCO trước khi xuất xưởng để không lặp lại sai lầm nữa.

6 smartphone tệ nhất của Xiaomi, không nên mua kẻo rước bực vào người 

5. Xiaomi Mi 9T/Pro và Redmi K20/K20 Pro dính lỗi mô-tơ trên camera thụt thò

2019 là năm của camera thụt thò (pop-up) và các thiết bị toàn màn hình. Tuy nhiên, xu hướng camera pop-up lại không tồn tại lâu. Hầu hết các công ty cuối cùng quay về với thiết kế màn hình đục lỗ. Tại sao vậy? Chẳng phải camera pop-up giúp thiết bị có được một màn hình hoàn hảo hay sao? Có lý do cả đấy, và đó là do mô-tơ điều khiển camera. Bởi sử dụng cơ chế cơ học, nên không sớm thì muộn camera pop-up cũng gặp vấn đề không thò ra, thụt vào được nữa - Xiaomi không phải ngoại lệ.

Xiaomi Mi 9T và Mi 9T Pro, hai mẫu máy dựa trên Redmi K20 và K20 Pro, có chất lượng tốt không bàn cãi. Với thiết kế toàn màn hình, cơ chế camera pop-up của chúng khiến nhiều người dùng mất ăn mất ngủ, bởi có thể khiến camera mắc kẹt trong thân máy. Có một cách khắc phục, nhưng người dùng phải mở bung máy ra và lau chùi sạch bụi bám bên trong. Việc này không dễ, và đòi hỏi người dùng phải có kỹ thuật sửa chữa. Sau này, Xiaomi còn tung ra Redmi K30 Pro với thiết kế camera tương tự, nhưng đó cũng là thiết bị cuối cùng của hãng có loại camera này.

6 smartphone tệ nhất của Xiaomi, không nên mua kẻo rước bực vào người 

6. Xiaomi Mi 9 dính lỗi mạch tích hợp quản lý năng lượng (PMIC)

Bạn có thể thấy rằng danh sách những smartphone Xiaomi kém chất lượng không chỉ bao gồm điện thoại tầm trung. Có nhiều smartphone dòng Mi gặp lỗi phần cứng. Bên cạnh Mi 8 ở trên, Mi 9 cũng là nạn nhân của tính cẩu thả từ Xiaomi. Mẫu flagship đắt đỏ này gặp nhiều vấn đề, nhưng lớn nhất là lỗi PMIC. Mạch PMIC bị hỏng sẽ gây ra nhiều sự cố trong quá trình sử dụng, và một lần nữa thật khó hiểu khi Xiaomi để một thiết bị cao cấp như vậy rơi vào tình huống trớ trêu.

Hầu hết người dùng Mi 9 cho biết vấn đề xuất hiện sau khi sử dụng camera hơn 10 phút. Rõ ràng, điện thoại của họ đã bị nóng lên và khiến pin cạn kiệt nhanh hơn bình thường. Chưa hết, người dùng không thể chat video trên thiết bị do lỗi PMIC. Mi 9 chắc chắn là một thất bại phần cứng mà Xiaomi không bao giờ muốn nhớ lại.

Tạm kết

Những thiết bị đầy lỗi nêu trên không thể cản đường Xiaomi chinh phục cả thế giới. Các thiết bị của hãng rõ ràng có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm, nên người dùng chẳng có lý do gì để từ chối những smartphone tầm trung và cao cấp của nhãn hiệu Trung Quốc này. Trong vài năm trở lại đây, Xiaomi đã cải thiện đáng kể khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, do đó chúng ta ngày càng ít nghe về những sự cố trên các thiết bị gần đây. Hoặc ít nhất là những sự cố mới không còn nghiêm trọng như trước nữa.

Tham khảo: GizChina

>> Báo động hàng loạt Poco M3 bị đột tử hàng loạt ở Việt Nam

>> Thật ngang trái! Xiaomi vừa là điều tốt nhất vừa là điều tệ nhất xảy ra với Android

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác