Mã chứng khoán CFV của Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi (đóng tại huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk) đang được niêm yết trên sàn UpCom, trong hàng chục phiên vừa qua đang bị làm chiêu thao túng như một sự thách đố với các cơ quan chức năng.
Cổ phiếu… bỗng dưng tăng trần hàng chục phiên
Phiên giao dịch ngày 15.8, mã CFV đang có mức giá tham chiếu là 4.300 đồng. Tuy nhiên cũng chính từ phiên giao dịch này, CFV đã tăng giá mạnh. Và tính cho tới kết phiên giao dịch ngày 16.9, CFV tăng lên mức 91.300 đồng. Tổng cộng, mã cổ phiếu này đã tăng 87.000 đồng, và mức giá hiện tại đã nhiều gấp hơn 21 lần so với mức giá trước khi bị kích tăng.
Vấn đề là, chính phía doanh nghiệp là Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi lại đưa ra nghi ngờ rằng một số cá nhân lợi dụng kẽ hở thị trường đẩy giá cổ phiếu CFV tăng trần (biên độ cho phép trên sàn UpCom là tăng/giảm 15% trong các phiên giao dịch bình thường) hàng chục phiên liên tiếp. Doanh nghiệp này cũng cho rằng ban lãnh đạo công ty và những người liên quan không có bất kỳ tác động nào để đẩy giá cổ phiếu và cũng không giao dịch mã CFV trên thị trường chứng khoán.
Đáng nói, những lệnh mua/bán để đẩy giá CFV tăng mạnh và tăng trần có khối lượng rất thấp. Cụ thể, phiên có khối lượng giao dịch thấp nhất trong khoảng thời gian trên chỉ 100 cổ phiếu và phiên có khối lượng giao dịch nhiều nhất cũng chỉ 1.864 cổ phiếu. Song số phiên giao dịch có khối lượng trên 1.000 cổ phiếu cũng chỉ có 2 phiên ít ỏi.
Những phiên giao dịch như vậy, với khối lượng giao dịch như vậy, và chốt mức giá trần như vậy, nhà đầu tư F0 ít kinh nghiệm nhất cũng không thể không thấy ngờ ngợ. Còn những nhà đầu tư lâu năm và nhiều kinh nghiệm, đương nhiên là thấy không bình thường chút nào, và chắc chắn không tin vào mức giá tăng trần liên tục như thế của mã cổ phiếu CFV là xuất phát từ nhu cầu giao dịch thực sự trên thị trường.
Trên thực tế, những mã cổ phiếu có thanh khoản càng thấp thì càng dễ dàng bị thao túng giá, theo hướng đẩy giá hoặc đè giá. CFV có đang bị thao túng hay không chỉ có các cơ quan chức năng mới có thể kết luận được. Song về các dấu hiệu thì đã quá đủ để thấy rằng, khả năng kích giá hay thao túng giá là rất cao.
Nhưng đáng nói, hành vi đó thực hiện một cách đầy lộ liễu và kéo dài, bất chấp dư luận thị trường và các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng.
Trên thực tế, cổ phiếu CFV của Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi cũng không có tiềm năng, triển vọng gì nổi bật để có thể tăng giá đến mức như vậy. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này thậm chí còn có mức lỗ khoảng 4 tỉ đồng.
Đối tượng đang đùa giỡn với pháp luật?
Doanh nghiệp kinh doanh lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng giá cổ phiếu tăng gấp vài chục lần. Doanh nghiệp cho biết không có giao dịch cổ phiếu CFV, nghi ngờ các cá nhân làm chiêu trò gây ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp và sự lành mạnh của giá cổ phiếu.
Vậy ai làm? Ai đang làm chiêu trò với mã cổ phiếu CFV? Ai đang đùa với các cơ quan chức năng và luật pháp?
Trước đây, nhóm cổ phiếu “họ Louis” từng gây sóng gió trên thị trường khi cũng bỗng dưng tăng giá trần nhiều phiên liên tiếp mà chẳng từ thông tin tích cực, hay ho nào hỗ trợ, tình hình kinh doanh cũng chẳng nổi bật gì. Mới đây, từ kết luận điều tra của cơ quan chức năng đã làm rõ: Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings – đã cấu kết với các cá nhân thuộc Công ty chứng khoán Trí Việt để vay vốn vượt hạn mức, mở nhiều tài khoản giao dịch chéo thao túng giá 2 mã cổ phiếu BII, TGG thu lợi bất chính số tiền 153 tỉ đồng.
Còn nhớ dạo dư luận lên tiếng nghi ngờ và bức xúc về tình trạng tăng trần liên tiếp của cổ phiếu “họ Louis”, Đỗ Thành Nhân đã lên tiếng trên báo chối đây đẩy.
Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch FLC – cũng đã từng sử dụng hàng trăm tài khoản tại hàng chục công ty chứng khoán để giao dịch và thao túng thị trường, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng.
Không điều tra thì thôi, chứ điều tra thì “trò hề” đẩy giá như đối với mã cổ phiếu CFV những phiên vừa qua, sao có thể che mắt thiên hạ được.
Gọi là “trò hề” là có cơ sở, vì sau khi dư luận lên tiếng trong 3 ngày từ 16-18.9.2022, hành vi đẩy giá mã cổ phiếu CFV đã ngừng lại.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 19.9, CFV giữ nguyên mức giá tham chiếu 90.700 đồng khi thị trường đóng cửa.
Sang phiên giao dịch ngày 20.9, mã cổ phiếu CFV không có khối lượng nào được mua bán.
Ngày 21.9, CFV chỉ giao dịch 100 cổ phiếu, và giá giảm nhẹ 900 đồng tương ứng mức giảm 0,99%.
Phiên ngày 22.9, CFV không có khối lượng giao dịch.
Có vẻ như việc áp dụng chiến thuật mới là phiên không – phiên có (giao dịch) với mức giá dao động nhẹ, đối tượng như nhằm “ru ngủ” dư luận cho qua vụ việc.
Dạ Thảo