Anh ra tuyên bố rõ ràng về xung đột ở Biển Đỏ

Trung Đào
Trung Đào
Phản hồi: 0

Trung Đào

Writer
Anh đưa ra tuyên bố về Biển Đỏ trong bối cảnh có những đồn đoán cho rằng Mỹ, Anh và một số quốc gia châu Âu khác đang chuẩn bị thực hiện làn sóng không kích nhằm vào lực lượng Houthi do những căng thẳng gia tăng tại vùng biển này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc Anh tham gia vào kế hoạch tấn công Houthi của phương Tây sẽ đặt nước này vào tình thế nguy hiểm, đồng thời khiến cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Trung Đông lan rộng. Vậy vì sao Anh lại “sẵn sàng can thiệp trực tiếp tại Biển Đỏ”, liệu đó chỉ là cách Anh thể hiện sự sát cánh với đồng minh Mỹ trong việc ủng hộ Israel hay do những lợi ích của Anh liên quan đến tuyến vận tải này?

Nước Anh và cảnh báo “sẵn sàng can thiệp trực tiếp”​

Kể từ khi thực hiện lời đe dọa tấn công các tàu thương mại có liên quan đến lợi ích của Israel, phiến quân Houthi đã tiến hành 23 cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại tham gia giao thông hàng hải ở Biển Đỏ. Và các cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại ngày càng có xu hướng thường xuyên hơn. Nhiều công ty vận tải biển nhận định việc đi qua Biển Đỏ bao hàm rủi ro quá lớn, nên quyết định tạm ngưng khai thác tuyến đường này. Hơn một tuần qua, các công ty vận tải biển lớn như Maersk, Hapag-Lloyd và Mediterranean Shipping… đều tạm dừng đi qua Biển Đỏ. Tổ chức tư vấn chính sách “Hội đồng Đại Tây Dương” cho biết, có 7/10 công ty vận tải biển lớn trên toàn cầu đã lựa chọn phương án như vậy.
Trong khi đó, đối với những công ty vận chuyển vẫn còn đang cố gắng duy trì, thì phí bảo hiểm của tàu thuyền đi qua Biển Đỏ đã tăng gấp đôi, chi phí bổ sung cần thiết cho mỗi hải trình có thể lên đến hàng trăm nghìn USD. Nhiều quốc gia có lượng hàng hóa lớn chuyên chở qua khu vực này đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng, trong đó có Vương quốc Anh. Trước tình thế đó, phía Anh đã phái 2 tàu khu trục đến Biển Đỏ nhằm bảo vệ lợi ích cũng như bảo đảm an toàn cho các tàu có liên quan đến nước này. Và hồi trung tuần tháng 12/2023, tàu khu trục HMS Diamond của Anh đã bắn hạ một máy bay không người lái tấn công nhắm vào các tàu vận tải thương mại.
Tuy nhiên, tình hình tại khu vực vẫn không có nhiều cải thiện khiến Vương quốc Anh phải có những biện pháp mạnh hơn. Mới đây, trong bài viết có tiêu đề “Chúng ta phải bảo vệ Biển Đỏ ”, được đăng trên tờ nhật báo Daily Telegraph hôm 1/1, Bộ trưởng quốc phòng Anh Grant Shapps nhấn mạnh nước này sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp bổ sung chống lại các mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đỏ. Điều này càng được củng cố hơn khi một đồng minh lớn của Anh, là Mỹ đã thành lập trước đó không lâu liên minh an ninh và phát động chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng".
Với bối cảnh như vậy, các chuyên gia đều cho rằng nhiều khả năng Vương quốc Anh sẽ hiện thực hóa những cảnh báo của mình. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là những hành động can thiệp của Anh sẽ diễn ra ở mức độ nào và giới hạn sẽ là ở đâu?
Trên thực tế, việc các nước điều động tàu của mình đến đảm bảo an toàn cho các tàu chở hàng bằng cách giám sát, áp tải hay bắn hạ những tên lửa, UAV của lực lượng Houthi đều tỏ ra kém hiệu quả. Thứ nhất, điều này yêu cầu một lượng nhân lực, tài lực khổng lồ bởi không một lực lượng nào có thể giám sát 24 trên 24 một vùng biển lớn như vậy. Ngoài ra, khi không có thông tin cụ thể về những vụ tấn công của phiến quân Houthi thì đây chỉ là phương án bị động, đẩy các lực lượng gìn giữ an ninh vào tình thế khó khăn, chịu nhiều rủi ro. Không những thế, việc duy trì điều này cũng không khả thi bởi theo thời gian, các lực lượng này sẽ đều mệt mỏi và buộc phải luân chuyển. Việc dồn tài lực cũng như sức lực vào một khu vực trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn như hiện nay là không khôn ngoan.
Anh ra tuyên bố rõ ràng về xung đột ở Biển Đỏ
Và nếu Vương quốc Anh quyết định can thiệp bằng các cuộc tấn công trực diện vào lực lượng Houthi thì điều này chỉ là biện pháp nhất thời. Trong ngắn hạn, biện pháp này sẽ có những hiệu quả nhất định như làm giảm tần suất các cuộc tấn công của phe phiến quân. Nhưng về lâu dài, thì đây chỉ có thể được coi là biện pháp đổ thêm dầu vào lửa. Điều này có thể lý giải bởi lực lượng Houthi hoàn toàn có thể lẩn trốn trước các cuộc tấn công. Tất nhiên là sẽ có thương vong nhưng việc xé lẻ lực lượng, lẩn trốn sâu vào đất liền sẽ giúp phía Houthi không phải chịu quá nhiều thiệt hại. Và một khi mọi chuyện qua đi, phiến quân Houthi hoàn toàn có thể quay lại và tổ chức các cuộc tấn công mới nhắm vào tàu bè đi qua Biển Đỏ.
Tóm lại, đây là một bài toàn khó không chỉ cho Vương quốc Anh mà còn cho cả liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu. Cần nhiều cuộc đàm phán kỹ lưỡng và cụ thể hơn trước khi có thể triển khai một kế hoạch mang tính tổng thể.

Vì sao Anh lại cứng rắn đến như vậy?​

Anh dần có quan điểm cứng rắn hơn khi các tàu thương mại có liên quan đến nước này đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công trên Biển Đỏ. Chúng ta nên nhớ rằng Anh là một quốc đảo, thế nên đại đa số hàng hóa nhập khẩu đến nước này đều đi qua đường biển. Pháp là quốc gia duy nhất có đường hầm thông qua biển nối tới Anh, nhưng chi phí cầu đường rất đắt đỏ, việc vận chuyển đường bộ khá tốn kém và không hiệu quả bằng đường biển. Chưa kể đến, Anh cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa, nguyên liệu cũng như nhiên liệu từ châu Á và Trung Đông. Thế nên việc tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á đi qua kênh đào Suez và Biển Đỏ bị gián đoạn cũng khiến chính phủ Anh quan ngại sâu sắc. Điều này có thể kéo theo nhiều tổn thất kinh tế không thể đong đếm được nếu vấn đề này không được giải quyết.
Về lâu dài, việc này có thể ảnh hưởng đến mọi tầng lớp người dân Anh và hoàn toàn có thể làm tê liệt nền kinh tế Vương Quốc Anh (bao gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland), một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhất là trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay, các cuộc xung đột Nga - Ukraine hay Israel - Hamas đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến vận chuyển đường bộ kết nối Á – Âu hay Trung Đông với châu Âu.
Ngoài ra, Anh còn là một đồng minh lớn của Mỹ. Thế nên việc nước này có những biểu hiện quyết liệt ủng hộ các ý tưởng cũng như chiến dịch của Mỹ là điều có thể hiểu được. Tất nhiên là sự ủng hộ này đều dựa trên những lợi ích thiết thực mà hai bên có thể đạt được tại khu vực Biển Đỏ. Chúng ta nên nhớ rằng kênh đào Suez là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới. Theo số liệu công bố, có khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này. Việc có thể gia tăng tầm ảnh hưởng hay có thể can thiệp vào khu vực này hoàn toàn có thể đem lại một lợi ích khổng lồ không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị. Chưa kể đến việc có thể thiết lập được một căn cứ quân sự trong khu vực, dù thuộc về liên minh hay bất kỳ quốc gia nào, cũng sẽ là một thành công lớn và nâng cao tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Mối nguy hiểm đối với nước Anh nếu “can thiệp trực tiếp”​

Việc Anh quyết định “can thiệp trực tiếp” vào Biển Đỏ sẽ mang đến một số rủi ro nhất định. Đầu tiên, Anh hoàn toàn có thể bị lún sâu vào các cuộc giao tranh tại khu vực. Việc chỉ đơn thuần bảo vệ các tàu bè sẽ là phương án kém hiệu quả nhất. Trong khi việc triển khai các cuộc tấn công trực diện vào lực lượng Houthi sẽ có thể gây ra các phản ứng tiêu cực. Đơn cử như việc phiến quân Houthi sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa như tấn công vào lực lượng quân đội hay gây ra các cuộc khủng bố đối với người dân Anh cũng như các quốc gia nằm trong Khối Thịnh vượng chung do Anh dẫn đầu. Không những thế, việc can thiệp quá sâu vào khu vực Biển Đỏ có thể khiến các căng thẳng ở Trung Đông leo thang và biến tướng thành một cuộc xung đột cấp khu vực. Khi đó, Anh sẽ ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Không những không giải quyết được vấn đề vận chuyển hằng hải mà còn khiến con đường này không thể sử dụng được. Tiền mất, tật mang.
Ngoài ra, việc tuyến đường Biển Đỏ bị tê liệt cũng có thể dẫn đến việc giá dầu trên thế giới leo thang, gây ra một cuộc khủng hoảng mới về nhiên liệu cho châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Đây cũng là lý do mà các quốc gia châu Âu hiện vẫn còn “dè dặt” trong nhận định về vấn đề Biển Đỏ. Việc Anh tuyên bố “can thiệp trực tiếp” được nhiều chuyên gia đánh giá là khá liều lĩnh trong bối cảnh hiện tại. Thế nên, điều quan trọng nhất lúc này đối với Vương quốc Anh là phải xác định cụ thể cách thức và cường độ của các biện pháp can thiệp để có thể tìm ra một phương án hài hòa, không khiến quốc gia này bị chịu quá nhiều mất mát về mặt tài chính cũng như quân sự.
Chưa kể đến, phương án này còn phải tỏ ra bền vững về lâu dài, bởi cuộc xung đột ở Trung Đông hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúng ta không loại trừ khả năng các cuộc tấn công của phiến quân Houthi sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian dài và các bên liên quan sẽ phải cắt cử một lực lượng trú đóng thường trực tại khu vực. Và nếu trong tình hình ấy, chính phủ Anh không có những khoản tài chính dự phòng từ trước, thì việc phải huy động một nguồn kinh tế mới để trang trải cho những phát sinh nhiều khả năng sẽ đẩy Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak vào tình huống rối ren khi vấp phải phản đối từ phe đối lập. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn toàn cầu hiện nay và chính phủ của Thủ tướng Anh vẫn đang đứng trước thử thách về dự luật cho phép trục xuất người di cư về Rwanda. Việc bị động khi không dự đoán được tình hình sẽ chỉ khiến Vương quốc Anh buộc phải “ngừng cuộc chơi” sớm và tổn thất cả nhân lực cũng như tiền bạc trong khi không đem về bất kỳ lợi ích cụ thể nào cho quốc gia.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top