14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại

Việc chọn mua một chiếc màn hình mới chưa bao giờ là dễ. Giữa vô vàn các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật, rất khó để người dùng có thể chọn ra sản phẩm nào tốt hơn. Thậm chí kể cả những dòng sản phẩm khác nhau của cùng một nhà sản xuất cũng có thể có sự khác biệt rất đáng kể.
14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích về 14 thông số kỹ thuật thường gặp nhất của màn hình, kể cả màn hình máy tính, TV hay điện thoại. Hãy cùng tìm hiểu nhanh về khái niệm và bạn cần chú ý những thông số nào khi lựa chọn màn hình nhé.

1. Độ phân giải​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Đến nay, độ phân giải màn hình vẫn là đặc điểm kỹ thuật nổi bật nhất. Không nói đến các thuật ngữ dùng trong tiếp thị, độ phân giải chỉ đơn thuần là số lượng điểm ảnh tính theo chiều cao và chiều rộng màn hình. Ví dụ, độ phân giải 1920 x 1080 pixel có nghĩa là màn hình này có 1920 điểm ảnh trên cạnh ngang và 1080 điểm ảnh trên cạnh dọc.
Nói một cách khái quát thì độ phân giải càng cao thì màn hình càng sắc nét, dù vậy, để chọn độ phân giải lý tưởng thì còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn. Ví dụ với TV, chọn màn hình có độ phân giải cao quan trọng hơn nhiều so với điện thoại hay thậm chí là máy tính xách tay.
Ngày nay, độ phân giải của TV có chuẩn phổ biến là 4K, ứng với 3840 x 2160 pixel. Ngoài ra, chuẩn này còn được gọi bằng những tên khác như UltraHD (UHD) hay 2160p. Các nội dung được trình chiếu ở độ phân giải 4K ngày nay không còn hiếm có khó tìm như trước. Hầu hết các dịch vụ phát trực tuyến, như Netflix, Amazon Prime, Disney+… đều có hỗ trợ độ phân giải 4K.
Mặt khác, với điện thoại thông minh, độ phân giải tiêu chuẩn trên dòng thiết bị này thấp hơn một chút. Bạn sẽ phải tìm mỏi mắt với thấy vài dòng sản phẩm điện thoại sử dụng màn hình có độ phân giải 4K, như Xperia 1 chẳng hạn. Các dòng điện thoại cao cấp phổ biến, như Samsung Galaxy S21 Ultra hay OnePlus 9 Pro, chỉ được trang bị màn hình 1440p. Cuối cùng, đa số thiết bị di động có giá dưới 20 triệu chỉ được trang bị màn hình 1080p.
Việc trang bị màn hình có độ phân giải thấp hơn trên các thiết bị cầm tay có 2 điểm cộng. Một là màn hình có ít điểm ảnh hơn sẽ ít tốn điện năng hơn, từ đó mang lại thời lượng sử dụng thiết bị lâu hơn. Bằng chứng thực tế là Nitendo Switch chỉ sử dụng màn hình 720p để giảm tải cho bộ chip xử lý tích hợp trên thiết bị này.
Cũng với lý do tương tự, đại đa số màn hình máy tính và máy tính xách tay hiện nay chỉ được trang bị màn hình 1080p. Một lý do là vì màn hình 1080p có giá thành rẻ hơn so với các dòng có độ phân giải cao hơn. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là màn hình có độ phân giải càng cao thì yêu cầu bộ xử lý độ họa càng mạnh để có thể hoạt động tối ưu.
Vậy độ phân giải lý tưởng là bao nhiêu? Với những thiết bị di động như điện thoại hay máy tính xách tay, bạn chỉ cần chọn màn hình với độ phân giải 1080p hoặc 1440p là đủ. Chỉ khi nào bạn cần một màn hình kích thước lớn thì mới nên cân nhắc đến việc nâng độ phân giải tối thiểu lên mức 4K.

2. Tỷ lệ màn hình​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Tỷ lệ màn hình là một thông số kỹ thuật khác thể hiện cho hình dáng vật lý của màn hình. Thay vì một phép tính chính xác như độ phân giải, tỷ lệ màn hình chỉ đơn thuần cho bạn biết tỷ lệ giữa chiều cao và chiều rộng của màn hình.
Màn hình tỷ lệ 1:1 có nghĩa là nó có chiều cao và chiều rộng bằng nhau, hay cụ thể là một hình vuông. Tỷ lệ phổ biến nhất hiện nay là 16:9 với hình chữ nhật.
Khác với những loại thông số kỹ thuật khác, tỷ lệ màn hình không thể lấy ra so sánh cái này tốt hơn cái kia. Thay vào đó, nó gần như phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu cá nhân của người sử dụng. Từng loại nội dung hiển thị khác nhau sẽ phù hợp với những tỷ lệ màn hình cụ thể, vì vậy nó phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn.
Ví dụ với mục đích xem phim, đa số các bộ phim trên thế giới được quay với tỷ lệ khung hình là 2,39:1. Tình cờ là tỷ lệ này phù hợp với các dòng màn hình siêu rộng có tỷ lệ 21:9. Mặt khác, hầu hết các nội dung phát trực tuyến được sản xuất ở tỷ lệ khung hình 16:9 để phù hợp với tỷ lệ màn hình TV.
Với mục đích sử dụng cho công việc, tỷ lệ màn hình 16:10 hoặc 3:2 đang ngày càng phổ biến. Ví dụ như dòng sản phẩm Surface Laptop của Microsoft được trang bị màn hình có tỷ lệ 3:2. Với tỷ lệ này, màn hình có thể hiển thị nhiều nội dung theo chiều dọc hơn so với tỷ lệ 16:9. Đồng nghĩa với việc bạn có thể đọc được nhiều nội dung hơn mà không cần cuộn xuống. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên làm việc đa nhiệm, có thể bạn sẽ cần đến màn hình siêu rộng có tỷ lệ 21:9 hoặc 32:9 để có thể mở nhiều tác vụ trên màn hình cùng một lúc.
Mặt khác, điện thoại di động có khá nhiều mức tỷ lệ màn hình. Bạn có thể tìm thấy một chiếc điện thoại có tỷ lệ màn hình là 21:9, như Xperia 1 III. Với tỷ lệ này, Xperia 1 III có hình dáng dài và chiều ngang hẹp hơn. Nếu bạn muốn có một chiếc điện thoại thấp và có chiều ngang rộng hơn, bạn có thể chọn thiết bị có tỷ lệ màn hình là 18:9. Dù sao thì việc lựa chọn đối với thông số này hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bạn.

3. Góc nhìn​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Việc nắm được góc nhìn của màn hình là cực kỳ quan trọng. Đây là thông số giúp bạn biết được khả năng hiển thị của màn hình từ các góc nhìn khác nhau. Thông thường, việc nhìn từ góc chính diện với màn hình là lý tưởng nhất, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm được điều đó.
Màn hình có góc nhìn hẹp có nghĩa là mỗi khi bạn di chuyển đầu qua trái hay phải cũng có thể khiến hình ảnh giảm độ chính xác cả về độ sáng lẫn màu sắc. Tương tự, việc đặt màn hình cao hơn hoặc thấp hơn tầm mắt của bạn cũng có thể gây ảnh hưởng đến độ chính xác của hình ảnh. Và tất nhiên là việc chọn màn hình có góc nhìn hẹp không phù hợp với mục đích sử dụng cho nhiều người xem cùng lúc.
Tấm nền IPS và OLED là hai loại mang lại góc nhìn rộng nhất, trong một số trường hợp có thể đạt đến 180o. Mặt khác, tấm nền VA và TN lại cho góc nhìn hẹp hơn.
Tuy nhiên, thông số này trên lý thuyết không phải lúc nào cũng truyền tải hết được vấn đề trên thực tế vì mức độ suy giảm chất lượng hình ảnh có thể tăng dần khi thay đổi góc nhìn từ hẹp đến rộng. Vì vậy, đối với khía cạnh này, xem xét các bài đánh giá sản phẩm độc lập sẽ giúp kiểm chứng tốt hơn việc đọc thông số trên giấy.

4. Độ sáng​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Độ sáng thể hiện cho lượng ánh sáng mà màn hình có thể phát ra. Về mặt kỹ thuật, thông số này là thước đo độ chói của màn hình.
Thông thường, màn hình có độ sáng lớn hơn có thể hiện thị nội dung nổi bật hơn, cho phép mắt của bạn nhận diện và cảm nhận hình ảnh chi tiết hơn. Ngoài ra, màn hình có độ sáng cao cũng có một lợi ích khác là bạn vẫn có thể dùng nó khi tiếp xúc với các nguồn sáng khác.
Lấy ví dụ với điện thoại di động, thiết bị này có màn hình với độ sáng ngày càng cao qua những năm gần đây. Lý do nhà sản xuất cần cải thiện thông số này là để tăng khả năng hiển thị dưới ánh sáng Mặt Trời. Chỉ khoảng 10, 20 năm trước, rất nhiều điện thoại gần như không thể nhìn thấy gì trên màn hình khi sử dụng ngoài trời.
Độ sáng được tính bằng đơn vị cd/m2 hoặc nits. Một số dòng điện thoại cao cấp như Samsung Galaxy S21 có độ sáng tối đa đạt trên 1000 nits. Trong khi đó, bạn cũng sẽ tìm thấy một số thiết bị (như máy tính xách tay giá rẻ) có độ sáng màn hình tối đa chỉ 200 đến 300 nits.
Với thông số này, có 2 con số bạn cần chú ý đó là độ sáng tối đa và độ sáng duy trì. Hầu hết các nhà sản xuất đều sẽ quảng cáo với độ sáng tối đa, nhưng con số này chỉ được đo trong một thời gian hiển thị ngắn. Trong đa số trường hợp, bạn sẽ cần xem các bài kiểm nghiệm độc lập để tìm ra độ sáng thực tế của màn hình.
Hiệu suất màn hình giảm dần khi độ sáng càng cao, vì vậy mức độ sáng cơ bản nên nằm trong khoảng 350 đến 400 nits. Độ sáng này đảm bảo màn hình vẫn có thể sử dụng trong môi trường sáng, như dưới trời nắng hoặc trong một căn phòng có nhiều đèn.
Ngoài ra, độ sáng còn ảnh hưởng đến độ tương phản của màn hình, chúng ta sẽ bàn đến thông số này ở ngay bên dưới. Khái quát lại thì màn hình sáng nhất là sự lựa chọn tốt nhất, phần còn lại đều như nhau cả.

5. Độ tương phản​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Độ tương phản là thông số thể hiện sự phân biệt giữa vùng sáng và vùng tối trên màn hình. Nói cách khác, độ tương phản là tỷ lệ giữa màu trắng sáng nhất và màu đen tối nhất hiển thị trên màn hình.
Trên thực tế, độ tương phản trung bình nằm trong khoảng giữa 500:1 đến 1500:1. Hiểu một cách đơn giản thì vùng màu trắng trên màn hình sáng gấp 500 lần (hoặc 1500 lần) so với vùng màu đen. Độ tương phản càng cao thì càng được ưa chuộng hơn vì nó tạo được chiều sâu của màu sắc hiển thị.
Nếu màn hình không thể tái tạo màu đen hoàn hảo, các khu vực tối của hình ảnh thường sẽ hiển thị thành màu xám. Thông thường, xét trên quan điểm tái tạo hình ảnh thì hiện tượng này không đạt được sự lý tưởng. Độ tương phản thấp cũng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận chiều sâu của người xem và độ chi tiết, khiến toàn bộ hình ảnh hiển thị phẳng lì, không có chiều sâu.
Kiểm tra bằng hình ảnh ô bàn cờ là một cách giúp trực quan hóa sự khác biệt giữa độ tương phản cao và độ tương phản thấp. Ở hình ảnh bên dưới, đây là hình ảnh chụp lại từ hai màn hình khác nhau cho thấy sự khác biệt rõ rệt về độ tương phản giữa hai màn hình.
14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Bạn hãy thử tưởng tượng một khung cảnh tối đen, như bầu trời đêm chẳng hạn. Khi chiếu hình ảnh này lên một màn hình có độ tương phản thấp, bầu trời sẽ không đen hoàn toàn. Do đó, các ngôi sao trên bầu trời sẽ không thể hiển thị một cách nổi bật và làm giảm trải nghiệm của người dùng.
Độ tương phản thấp tác động đến người xem rõ rệt nhất là khi xem trong phòng tối, khi đó toàn bộ căn phòng vẫn sẽ tràn ngập ánh sáng dù hình ảnh đang chiếu lẽ ra phải là một bầu trời tối đen. Tuy nhiên, khi ở trong điều kiện môi trường sáng, mắt của bạn gần như không thể phân biệt giữa màu xám đen và màu đen. Trong trường hợp này, có lẽ bạn không nên chọn mua màn hình có độ tương phản thấp.
Tối thiểu, màn hình phải có độ tương phản từ 1000:1 trở lên. Một số màn hình có thể đạt độ tương phản cao hơn nhiều nhờ các công nghệ mới. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm với tính năng Local dimming (Giảm sáng cục bộ) bên dưới.

6. Local dimming​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Local dimming, hay giảm sáng cục bộ hoặc làm mờ cục bộ, là tính năng tiên tiến giúp cải thiện độ tương phản trên màn hình sử dụng tấm nền LCD.
Hiện tại, công nghệ OLED được xem là có độ tương phản tốt nhất, nhiều nhà sản xuất cho rằng độ tương phản của màn hình OLED ở mức “vô cực:1”. Lý do là vì tấm nền OLED được cấu tạo từ những điểm ảnh độc lập nên chúng có thể tắt hoàn toàn để đạt màu đen tuyệt đối.
Tuy nhiên, với những màn hình thế hệ cũ, như LCD, lại không được tạo thành từ những điểm ảnh độc lập. Thay vào đó, chúng sử dụng một một tấm nền màu trắng đồng nhất (hoặc đã được lọc màu xanh lam) để chiếu qua bộ lọc và tạo ra màu sắc. Bộ lọc kém sẽ không thể chặn toàn bộ ánh sáng và kết quả là tạo ra màu xám thay vì màu đen.
Local dimming là một giải pháp mới để cải thiện độ tương phản bằng cách chia tấm nền LCD thành các vùng tách biệt. Mỗi vùng này được cấp sáng bởi một cụm đèn LED có thể bật và tắt theo yêu cầu. Nhờ đó, màn hình có thể tạo ra màu đen sâu hơn bằng cách tắt đèn LED ở các vùng tối.
14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Mức độ hiệu quả của tính năng này phụ thuộc phần lớn vào số lượng vùng phân tách trên tấm nền. Nếu có càng nhiều vùng thì kiểm soát độ sáng sẽ càng tốt hơn. Mặt khác, nếu chỉ có một số ít vùng phân tách, kết quả sẽ tạo thành một vầng hào quang xung quanh vật thể sáng trên màn hình.
Hầu hết các hãng sẽ chỉ quảng cáo về tính năng Local dimming nói chung, tuy vậy, bạn cần chú ý vào số lượng vùng phân tách và loại công nghệ. Full array local dimming là loại công nghệ mang lại kết quả tốt nhất. Trong khi đó hai công nghệ Edge-litBacklit local dimming thường không cải thiện độ tương phản quá nhiều, thậm chí còn chẳng có tác dụng là mấy.

7. Gamma​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Bạn có thể tìm thấy cài đặt Gamma trong phần cài đặt nâng cao của màn hình.
Hiểu một cách đơn giản nhất, chỉ số Gamma đề cập đến mức độ chuyển đổi màn hình từ đen sang trắng. Vì sao cần bạn quan tâm đến chỉ số này? Đó là bởi vì thông tin màu sắc không thể truyền tải thành ánh sáng màn hình theo tỷ lệ 1:1. Thay vào đó, công thức chuyển đổi được thể hiện thông qua một hàm số có đồ thị là đường cong.
Việc thử nghiệm các giá trị Gamma khác nhau sẽ mang lại kết quả khá thú vị đấy. Khi chỉ số này gần bằng 1,0 hoặc biểu thị bằng một đường thẳng, bạn sẽ có một hình ảnh rất sáng và phẳng. Nếu chỉnh lên chỉ số ở mức cao hơn, 2,6 chẳng hạn, hình ảnh hiển thị sẽ tối đi một cách giả tạo. Trong cả hai trường hợp, hình ảnh đều sẽ mất đi các chi tiết nhỏ.
Chỉ số Gamma lý tưởng khoảng 2,2 vì giá trị này tạo thành một đồ thị đường cong chính xác với đường cong nghịch đảo của đồ thị Gamma trên máy ảnh kỹ thuật số. Cuối cùng, hai đường cong kết hợp với nhau tạo thành một đường tuyến tính, là chính xác những gì mắt chúng ta nhìn thấy.
Một số giá trị Gamma khác thường dùng trên màn hình như 2,0 và 2,4 ứng với điều kiện môi trường xung quanh sáng hay tối. Nguyên nhân là vì cách mắt của chúng ta cảm nhận hình ảnh phụ thuộc rất lớn vào độ sáng môi trường.

8. Bit-depth​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Bit-depth hay độ sâu màu là thông số biểu thị cho số lượng thông tin màu sắc mà màn hình có thể xử lý. Ví dụ, một màn hình có độ sâu màu là 8 bit thì nó có thể hiển thị 28 (= 256) cấp độ của màu đỏ, xanh lục và xanh dương. Như vậy, tổng cộng màn hình này có thể hiển thị 16,78 triệu màu!
Mặc dù con số này có vẻ khá là khủng đấy, và nó khủng thật, nhưng chưa là gì đâu. Bạn sẽ cần có số lượng màu lớn hơn nhiều để đảm bảo rằng màn hình có thể hiển thị ngay cả những thay đổi màu sắc nhỏ nhất.
Lấy ví dụ hình ảnh một bầu trời xanh, đây là hình ảnh dạng gradient, có nghĩa là bầu trời được tạo thành từ rất nhiều màu xanh dương ở những mức độ đậm nhạt khác nhau. Nếu khả năng tái hiện màu sắc của màn hình không đáp ứng được, hình ảnh hiển thị sẽ rất xấu. Bạn sẽ có thể nhìn ra những vệt màu xanh khác nhau rõ rệt. Hiện tượng này được gọi là vệt màu.
Thông số độ sâu màu không cho bạn biết nhiều thông tin khác về phần mềm giảm thiểu hiện tượng vệt màu. Chỉ có thực hiện kiểm nghiệm trên sản phẩm thực tế mới có thể xác định chính xác khả năng này. Dù vậy, trên lý thuyết, màn hình có độ sâu màu đạt 10 bit có thể xử lý hình ảnh gradient tốt hơn màn hình 8 bit. Đó là vì màn hình 10 bit có thể hiển thị 210 (= 1024) cấp độ của 3 màu cơ bản, ứng với 1,07 tỷ màu khác nhau.
Dù vậy, bạn cần nhớ rằng để màn hình có thể hiển thị hết khả năng của 1,07 tỷ màu, nội dung trình chiếu cũng phải đạt mực độ thông tin màu sắc tương ứng. Nhưng đừng quá lo, rất nhiều nguồn cấp nội dung cho ra chất lượng màu sắc cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Ngay cả thiết bị chơi game PlayStation 5, dịch vụ phát trực tuyến, hay thậm chí là đĩa UHD Blu-rays đều đã cung cấp nội dung có độ sâu màu đạt 10 bit. Bạn chỉ cần nhớ kích hoạt tùy chọn tính năng HDR, vì chuẩn sử dụng mặc định thường chỉ ở mức 8 bit.
Kết lại, nếu bạn thường xem các nội dung HDR, hãy cân nhắc chọn màn hình có độ sâu màu 10 bit. Đó là vì chỉ có những hình ảnh đạt chuẩn HDR mới có thể tận dụng hết toàn bộ dải màu mà màn hình cung cấp. Trong các trường hợp còn lại, một màn hình 8 bit là quá đủ.

9. Độ bao phủ màu​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Thông số về độ bao phủ màu cho bạn biết một màn hình có thể tái hiện bao nhiêu phổ màu mà bạn nhìn thấy được. Bạn có thể hiểu độ bao phủ màu như một bảng màu của màn hình vậy. Mỗi khi cần tái hiện một hình ảnh, màn hình sẽ chọn màu từ bảng màu này và nó có số lượng màu giới hạn.
Phổ màu khả kiến, hay những màu mà mắt có thể nhìn thấy được, thường được biểu thị bằng một hình móng ngựa như hình ảnh dưới đây:
14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Với màn hình TV, không gian màu tiêu chuẩn là Rec. 709. Điều bất ngờ là chuẩn này chỉ bao phủ khoảng 25% lượng màu sắc mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy được. Mặc dù vậy, đây là tiêu chuẩn được chấp nhận cho các chương trình truyền hình và video có độ phân giải HD. Như vậy, bạn cần hiểu rằng độ bao phủ màu đạt 95 – 99% của không gian màu này chỉ là mức tối thiểu, không phải tính năng.
Trong những năm gần đây, một số tiêu chuẩn mới có độ bao phủ màu rộng hơn đã trở thành con bài quảng cáo chủ chốt của nhiều hãng, như DCI-P3 và Rec. 2020. Nhiều dòng màn hình có thể có độ bao phủ màu rộng hơn nữa, nhưng thường chỉ có trên các dòng sản phẩm dành cho mục đích chuyên dụng. Nếu bạn là nhiếp ảnh gia hay dựng phim, có thể bạn sẽ cần đến những dòng màn hình có không gian màu rộng nhất có thể.
Tuy nhiên, hầu hết các nguồn nội dung tiêu chuẩn như dịch vụ phát trực tuyến không tận dụng được độ bao phủ màu lớn hơn. Điều đó cho thấy rằng chuẩn HDR đang dần trở nên phổ biến hơn và có thể sẽ làm cho các sản phâm có độ bao phủ màu lớn hơn dễ tiếp cận với người dùng hơn.
Với TV, hầu hết các nội dung liên quan đến máy tính được thiết kế trên tiêu chuẩn RGB (sRGB) hàng chục năm tuổi. Trong khi đó, chuẩn sRGB gần tương đương với chuẩn Rec. 709 khi xét về độ bao phủ màu. Khi xét đến chỉ số Gamma, chuẩn sRGB có giá trị 2,2, trong khi đó chuẩn Rec. 709 có giá trị 2,0. Dù vậy, một màn hình với độ bao phủ màu đạt gần 100% các chuẩn trên đã có thể phục vụ tốt các nhu cầu của người dùng.
Ngày nay, chỉ có các dòng máy tính xách tay giá rẻ mới bỏ qua độ bao phủ màu. Nếu bạn cần màn hình có màu sắc chính xác, hãy cân nhắc không chọn những sản phẩm có độ bao phủ màu chỉ đạt 45-70% chuẩn sRGB.

10. HDR​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
High Dynamic Range hay HDR cho biết màn hình có khả năng hiển thị dải màu rộng hơn và cung cấp nhiều chi tiết ở các vùng sáng và tối.
Có ba thành phần thiết yếu đối với chuẩn HDR, gồm: độ sáng, độ bao phủ màu và độ tương phản. Tóm lại, màn hình HDR tốt nhất là màn hình có độ tương phản và độ sáng đặc biệt cao, trên 1000 nits. Đồng thời, màn hình cũng phải hỗ trợ độ bao phủ màu lớn hơn, ví dụ như không gian màu DCI-P3.
Ngày nay, các thiết bị điện thoại di động hỗ trợ HDR khá phổ biến. iPhone 8 ra mắt từ năm 2017 đã có thể hiển thị các nội dung chuẩn Dolby Vision. Tương tự, màn hình trên các sản phẩm flagship của Samsung cũng có độ sáng, độ tương phản rất cao và độ bao phủ màu rộng.
Không may là HDR trở nên thông dụng trong ngành công nghiệp này với nhiều tên gọi khác nhau. Dù vậy, vẫn có một số cách giúp bạn có thể chọn TV hoặc màn hình HDR dễ dàng hơn.
Dolby Vision và HDR10+ là hai chuẩn mới ra mắt gần đây với định dạng tiên tiến hơn HDR10. Nếu sản phẩm bạn định chọn chỉ hỗ trợ HDR10, hãy nghiên cứu thêm những khía cạnh khác của nó. Nếu sản phẩm đó không hỗ trợ độ bao phủ màu lớn hoặc không đủ sáng, thì nó cũng không phù hợp với HDR.

11. Tốc độ làm tươi​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Refresh rate, hay tốc độ làm tươi, của màn hình là thông số chỉ số lần màn hình cập nhật thông tin mỗi giây. Thông số này sử dụng đơn vị hertz (Hz). Đại đa số màn hình trên thị trường hiện nay có tốc độ làm tươi là 60Hz, tương ứng với việc cập nhật thông tin 60 lần/giây.
Vì sao thông số này là cần thiết? Đó là vì màn hình có Refresh rate càng lớn thì chuyển động và hoạt họa được hiển thị càng mượt mà. Ở khoản này, có hai thông số tác động đến trải nghiệm của người dùng, đó là Refresh rate và Frame rate (tốc độ khung hình) của nội dung hiển thị, như trò chơi điện tử hay một bộ phim.
Thông thường, các bộ phim hay đoạn phim được quay với tốc độ là 24 hoặc 30 khung hình/giây (fps). Rõ ràng là màn hình hiển thị cần có tốc độ làm tươi tương ứng hoặc lớn hơn tốc độ khung hình của nội dung. Tuy nhiên, khi tốc độ làm tươi lớn hơn tốc độ khung hình sẽ mang lại những lợi ích nhất định. Đầu tiên, hoàn toàn có những đoạn phim có tốc độ khung hình cao hơn thông thường. Ví dụ với điện thoại thông minh hiện nay, đa số đều có thể quay phim ở mức 60fps hay một số kênh truyền hình thể thao cũng phát sóng nội dung có tốc độ khung hình cao hơn chuẩn phổ thông.
Tốc độ làm tươi cao hơn cũng giúp cho trải nghiệm của người dùng khi tương tác với màn hình mượt mà hơn. Đơn giản như việc di chuột trên màn hình 120Hz cũng tạo cảm giác khác biệt rõ rệt với những màn hình 60Hz hay thấp hơn. Với màn hình cảm ứng cũng mang lại hiệu quả tương tự, màn hình có tốc độ làm tươi cao hơn sẽ cho phản hồi nhanh hơn.
Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều dòng điện thoại cao cấp chuyển sang sử dụng màn hình có tốc độ làm tươi lớn hơn 60Hz. Gần như tất cả các hãng điện thoại lớn, như Google, Samsung, Apple hay OnePlus, đều đang trang bị màn hình 90Hz hoặc 120Hz cho các sản phẩm của mình.
Màn hình có tốc độ làm tươi lớn cũng mang lại lợi thế cạnh tranh cho các game thủ. Chính vì vậy, màn hình máy tính và máy tính xách tay dành cho game thủ có tốc độ làm tươi lên đến 360Hz. Tuy nhiên, thông số này cũng có hiệu suất giảm dần khi càng lớn.
Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt khi chuyển từ màn hình 60Hz sang 120Hz. Tuy nhiên, nếu tiếp tục chuyển sang màn hình 240Hz hoặc lớn hơn thì cảm nhận gần như không mấy khác biệt so với khi ở mức 120Hz.

12. Tùy biến tốc độ làm tươi​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Màn hình có khả năng tùy biến tốc độ làm tươi (Variable refresh rate - VRR) không bị ràng buộc bởi một giá trị cố định. Thay vào đó, chúng có thể thay đổi tốc độ làm tươi để phù hợp với nội dung hiển thị.
Đối với màn hình thông thường, khi hiển thị các nội dung có tốc độ khung hình khác nhau, nó sẽ kết hợp các khung hình lại để phù hợp với tốc độ làm tươi. Kết quả là hình ảnh hiển thị sẽ xuất hiện hiện tượng rách hình. VRR có thể giảm thiểu hiệu ứng này một các đáng kể. Nó cũng có thể mang lại trải nghiệm mượt mà hơn bằng cách loại bỏ hiện tượng rung và cải thiện tính nhất quán của khung hình.
Công nghệ VRR có nguồn gốc từ các dòng máy tính dành cho game thủ. Công nghệ G-Sync của Nvidia hay FreeSync của AMD đã được ứng dụng rộng rãi trong gần một thập kỷ qua.
Gần đây, công nghệ này mới bắt đầu được ứng dụng trên các thiết bị chơi game và các dòng TV trung, cao cấp như dòng sản phẩm OLED TV của LG. Để làm được điều đó, phần lớn nhờ vào sự thay đổi trong chuẩn HDMI 2.1 cho phép hỗ trợ công nghệ VRR. Cả hai thiết bị chơi game PlayStation 5 và Xbox Series X đều có hỗ trợ chuẩn này.
Công nghệ VRR cũng trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Việc giảm tốc độ làm tươi màn hình khi hiển thị ảnh tĩnh cho phép thiết bị tiết kiệm pin hơn. Ví dụ như khi bạn xem bộ sưu tập hình ảnh, màn hình không cần cập nhật thông tin đến 120 lần/giây cho đến khi bạn chuyển sang ảnh kế tiếp.
Mức độ quan trọng của việc thiết bị của bạn có hỗ trợ VRR hay không phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn. Như vậy, nếu bạn mua một chiếc màn hình treo tường, gần như VRR không mang lại quá nhiều lợi ích, trừ khi bạn dùng màn hình đó để chơi game.

13. Thời gian phản hồi​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
Thời gian phản hồi của màn hình là khoản thời gian màn hình chuyển từ màu này sang màu khác. Thông số này thường được đo khi chuyển từ màu đen sang trắng hoặc xám sang xám (GtG) và đơn vị tính là mili-giây (ms).
Bạn cần chọn những màn hình có thời gian phản hồi thấp vì nó giúp loại bỏ hiện tượng bóng mờ. Hiện tượng này xảy ra khi màn hình không bắt kịp tốc độ thay đổi của nội dung.
Hầu hết các màn hình hiện nay có thời gian phản hồi khoảng 10ms. Giá trị này phục vụ hoàn hảo cho việc xem các loại nội dung, nhất là khi xem trên màn hình 60Hz, tương ứng với việc cập nhật thông tin mỗi 16,67ms. Tuy nhiên, nếu màn hình này mất nhiều hơn 16,67ms để phản hồi, bạn sẽ thấy xuất hiện bóng mờ của các vật thể chuyển động.
TV và điện thông minh thường có thời gian phản hồi cao hơn một chút vì khối lượng thông tin hình ảnh chúng cần xử lý rất lớn. Dù vậy, bạn gần như sẽ không nhận ra sự khác biệt khi thực hiện những tác vụ đơn giản như lướt web hay xem Youtube.
Ngoài ra, bạn co thể sẽ bắt gặp một số loại màn hình dành cho game thủ được quảng cáo là có thời gian phản hồi chỉ 1ms. Trên thực tế, con số này có thể gần bằng 5ms. Dù vậy, thời gian phản hồi thấp kết hợp cùng với tốc độ khung hình cao sẽ giúp thông tin hình ảnh truyền đến mắt người dùng nhanh chóng hơn. Và trong những trò chơi có tính cạnh tranh cao, chỉ sự thay đổi nhỏ này cũng có thể giúp mang lại lợi thế cho người chơi.
Tóm lại, bạn chỉ nên xem xét mua màn hình có tốc độ phản hồi dưới 10ms khi sử dụng cho mục đích chơi game mà thôi.

14. Làm mượt chuyển động hay MEMC​

14 thông số màn hình cần biết khi chọn TV, máy tính và điện thoại
MEMC là là viết tắt của Motion Estimation and Motion Compensation (dự đoán và bù đắp chuyển động). Bạn sẽ có thể tìm thấy rất nhiều loại màn hình có hỗ trợ tính năng này, từ TV cho đến điện thoại.
Nói một cách ngắn gọn nhất thì MEMC sẽ thêm vào một số khung hình để những nội dung có tốc độ khung hình thấp trở nên mượt mà hơn. Mục đích thường là để tốc độ khung hình của nội dung tương thích với tốc độ làm tươi của màn hình.
Thông thường, các bộ phim thường được quay ở 24fps. Phim quay bằng điện thoại có thể ở mức 30fps. Tính năng làm mượt chuyển động cho phép bạn tăng gấp đôi, hay thậm chí là gấp bốn lần con số này. Đúng như tên gọi của nó, MEMC sẽ cố gắng dự đoán khung hình tiếp theo dựa trên chuyển động của khung hình hiện tại. Thông thường bộ xử lý tích hợp trên màn hình sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ này.
Cách triển khai MEMC giữa mỗi nhà sản xuất, hay thậm chí là giữa các thiết bị, rất khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả thành quả tốt nhất vẫn có thể khiến người xem cảm giác hình ảnh có phần giả tạo hoặc khiến mắt bị mất tập trung. Tính năng làm mượt chuyển động thường tạo ra hiệu ứng phim kịch (soap opera effect) khiến hình ảnh mịn một cách bất thường. Nhưng yên tâm là bạn hoàn toàn có thể tắt tính năng này đi trong trình cài đặt của màn hình.
Ngoài ra, việc sử dụng tính năng MEMC có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ phản hồi của màn hình khi phải xử lý hình ảnh thêm một bước. Vì vậy, nhiều loại màn hình hoàn toàn không tính hợp tính năng này. Thậm chí là một số nhà sản xuất, như OnePlus, còn hạn chế MEMC hoạt động trên một số ứng dụng nhất định.
Và đó là tất cả những gì bạn cần biết về các thông số kỹ thuật thường gặp khi tìm hiểu về các loại màn hình. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về công nghệ màn hình mới nhất trong bài viết dưới đây:
Micro-LED và OLED: Liệu ngôi vương trên thị trường TV của OLED có lung lay?
Công nghệ màn hình MicroLED hứa hẹn thay thế OLED hoạt động như thế nào?
Theo Android Authority
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top