Micro-LED và OLED: Liệu ngôi vương trên thị trường TV của OLED có lung lay?


Micro-LED là đối thủ thật sự đầu tiên của ông hoàng OLED trên thị trường TV, nhưng liệu cuộc chiến này sẽ có kết quả như thế nào?

2021 hứa hẹn sẽ là một năm thú vị trong lĩnh vực phát triển công nghệ TV với sự ra mắt sản phẩm MicroLED TV của Samsung trong những tháng tới. Là sản phẩm đầu tiên của Samsung sử dụng công nghệ màn hình micro-LED mới, những dòng TV sắp tới là đối thủ xứng tầm đầu tiên của công nghệ OLED đang dẫn đầu về công nghệ TV thời gian qua. Sự cạnh tranh này có thể khiến thị trường TV đảo lộn với nhiều sự cạnh tranh hơn trong phân khúc cao cấp.

Ảnh: Samsung

Hai công nghệ này có gì khác biệt và đâu là công nghệ tốt hơn?

Trang Tom's Guide đã theo dõi sự phát triển của hai công nghệ này trong một thời gian dài, cũng như tham gia các buổi giới thiệu công nghệ và quảng bá sản phẩm. Đồng thời, nhóm cũng tiến hành xem xét các báo cáo chuyên ngành và tham gia thảo luận về khía cạnh công nghệ để tìm hiểu sâu hơn về con đường sẽ giúp micro-LED vượt qua OLED trên thị trường TV cao cấp trong thời gian tới.

Dưới đây là bài viết so sánh, đánh giá hai công nghệ micro-LED và OLED đăng tải trên trang Tom's Guide được VnReview biên dịch và gửi đến quý độc giả:

Công nghệ OLED là gì?

Hiện nay, công nghệ màn hình OLED đang dẫn đầu thị trường, OLED là tên viết tắt của organic light-emitting diode. OLED TV đầu tiên trên thị trường được ra mắt vào năm 2013 tại Mỹ, vì thế đây vẫn còn là một công nghệ khá mới. So với những công nghệ trước đó, OLED là một công nghệ cao cấp, cho chất lượng hình ảnh vượt trội, nhưng mức giá cũng cao hơn nhiều so với những công nghệ cũ, như LCD chẳng hạn.

Ảnh: LG

OLED được phân biệt với các công nghệ khác với màn hình phẳng cho phép nó được ép tấm nền trực tiếp lên mặt kính, cũng như đặc điểm tự phát quang cho phép loại bỏ đèn nền. Nhờ đó, màn hình OLED có thiết kế mỏng hơn, tiết kiệm năng lượng hơn so với màn hình LCD.

Hiện tại, công ty dẫn đầu về công nghệ OLED là LG Display, cũng là nhà cung cấp duy nhất đối với tấm nền OLED có kích thước lớn dành cho TV. Tấm nền OLED của LG không chỉ được sử dụng trên các dòng smartTV của LG mà còn xuất hiện trên các sản phẩm smartTV của công ty khác như Sony hay Vizio.

Ảnh: LG

Vị thế thống trị của OLED trên thị trường là một động lực rõ ràng để Samsung phát triển công nghệ màn hình micro-LED vì nó có nhiều điểm cộng tương tự OLED. Đồng thời, Samsung cũng độc quyền về công nghệ và dây chuyền sản xuất micro-LED.

Công nghệ micro-LED là gì?

Với những thông tin Samsung công bố về sản phẩm TV thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ này, micro-LED thậm chí còn tiến bộ hơn so với OLED. Vào năm 2018, Samsung đã giới thiệu công nghệ micro-LED tại các hội chợ thương mại như CES hay IFA. Hiện tại, hai sản phẩm TV MicroLED thương mại vừa được giới thiệu ở thị trường Việt Nam có màn hình kích thước 99 inch và 110 inch.

Ảnh: Samsung

Micro-LED (khác với công nghệ mini-LED) là một công nghệ mới được phát triển, sử dụng các bóng đèn LED siêu nhỏ ứng với từng điểm ảnh trên màn hình. Nó tương tự những màn hình lớn trên sân khấu nhưng với điểm ảnh nhỏ hơn và có độ phân giải cao hơn rất nhiều. Trên thực tế, độ phân giải của micro-LED đã đạt đến 4K Ultra HD trên các TV MicroLED đầu tiên của Samsung.

Mỗi điểm ảnh trên màn hình micro-LED thật ra là sự kết hợp của 3 bóng đèn LED siêu nhỏ: đỏ, xanh dương và xanh lá. Chúng sẽ kết hợp với nhau để tạo thành bất kỳ màu sắc nào có thể nhìn thấy trên mỗi điểm ảnh, từ đó kết hợp với hàng triệu điểm ảnh khác để tạo thành độ phân giải 3840 x 2160 trên các TV 4K hiện có trên thị trường.

Ảnh: Seoul Semiconductor

Rào cản đầu tiên trong phát triển công nghệ micro-LED phù hợp là kích thước của bóng đèn LED. Một bóng đèn LED thông thường có kích thước quá lớn, do vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm cách giảm kích thước của chúng xuống 100 lần. Với kích thước chỉ 0,05mm đường chéo, những bóng micro-LED gần như vô hình với mắt thường và chúng có thể kết nối với nhau thành một màn hình khổng lồ ở độ phân giải cực kỳ cao.

Ảnh: Samsung

Ngoài việc có một đèn LED đủ nhỏ để sử dụng, quá trình kết nối hàng triệu điểm ảnh này vào một bề mặt có thể hoạt động được là một thách thức khác đối với Samsung. Một quy trình sản xuất hoàn toàn mới đã được phát triển cùng những công nghệ mới được tạo ra để sản xuất màn hình micro-LED.

Ảnh: Lextar

Trước đây, chúng ta đã thấy màn hình micro-LED được kết hợp từ nhiều tấm nền đơn lẻ với nhau. Samsung quảng cáo đây là một tùy chọn cho phép sản xuất nhiều mẫu TV với những tỉ lệ màn hình khác nhau. Tuy nhiên, các TV MicroLED vừa ra mắt của Samsung sẽ gồm một tấm nền với tỉ lệ khung hình tiêu chuẩn.

Độ nét và độ phân giải

Nói đến chất lượng hình ảnh, cảm nhận về một hình ảnh đẹp phụ thuộc vào một số yếu tố. Đầu tiên là độ nét. Độ nét ở đây xét về khả năng tái hiện độ chi tiết của một hình ảnh. Với màn hình 4K Ultra HD, phần lớn độ nét được cảm nhận dựa trên độ phân giải. Và vì cả OLED và micro-LED đều có độ phân giải 4K nên mức độ chi tiết của hình ảnh sẽ tương đồng nhau.

Hiệu chỉnh độ nét lại là một vấn đề khác, quá trình xử lý hình ảnh sẽ làm cho vật thể trên màn hình trở nên nổi bật hơn bằng cách thêm một đường viền màu đen xung quanh chúng. Vì đây không phải là một chức năng của màn hình, nên nó sẽ không thể dụng để so sánh giữa công nghệ OLED và micro-LED.

Kết quả: Hòa

Độ sâu của màu đen

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa OLED TV và LCD là độ sâu của màu đen. Vì tấm nền LCD sử dụng đèn nền, nên dù hiển thị hình ảnh màu đen thì nó vẫn có độ sáng nhất định do đèn nền và thường chuyển sang màu xám.

Ảnh: LG

Mặt khác, OLED có thể tạo ra màu đen thật sự nhờ vào khả năng tắt và hạn chế độ sáng theo từng điểm ảnh khi cần. Đây là khả năng mà mọi TV trên thị trường hiện nay sử dụng tấm nền khác ngoài OLED không thể bắt kịp.

Tuy nhiên, MicroLED TV sẽ bắt kịp OLED TV về khả năng này và cho ra màu đen với độ sâu tương đương với OLED.

Kết quả: Hòa

Độ sáng và độ tương phản

Một trong những điểm yếu của công nghệ OLED là độ sáng. Mặc dù những năm gần đây, công nghệ OLED đã cải thiện hơn về độ sáng màn hình nhưng màn hình LCD vẫn vượt trội hơn về độ sáng nhờ sử dụng đèn LED siêu sáng làm đèn nền. Thậm chí, OLED TV chỉ có thể đạt độ sáng tối đa là 2.000 nit. LG đang cố gắng cải thiện độ sáng của màn hình OLED với công nghệ mới có tên OLED evo, nhưng hiện chỉ mới được áp dụng trên một mẫu TV duy nhất của hãng.

Mặt khác, micro-LED lại có thể cho độ sáng lên đến 5.000 nit, hoàn toàn đánh bại màn hình OLED sáng nhất hiện nay, thậm chí còn tạo ra độ chói trực tiếp tốt hơn so với màn hình LCD thông thường. Vì không có lớp kính lọc giữa điểm ảnh trên micro-LED và người xem, nên độ sáng của micro-LED hoàn toàn không bị hạn chế.

Độ tương phản là một phép đo sự khác biệt giữa màu đen tối nhất và màu trắng sáng nhất mà màn hình có thể tạo ra. Và micro-LED dường như cũng vượt trội hơn ở chỉ số này. Cả hai công nghệ OLED và micro-LED đều có khả năng tạo ra màu đen chân thật, do vậy độ sáng cao hơn của micro-LED sẽ giúp công nghệ này có độ tương phản cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế là cả hai đều có độ tương phản tuyệt vời và chỉ số này cũng hiếm khi phản ánh trải nghiệm thực tế của người xem.

Kết quả: micro-LED

Chất lượng màu sắc

Nói đến chất lượng màu sắc trên màn hình TV, bạn sẽ thường nghe đến những cụm từ như "gam màu" hay số lượng màu sắc mà màn hình có thể hiển thị. Chỉ số này được đo bằng các thông số kỹ thuật về những không gian màu sắc nhất định được tiêu chuẩn hóa, như Adobe sRGB, P3... Phần lớn các dòng TV trên thị trường hiện nay có thể tái tạo từ 95-100% phổ màu sRGB. Với những TV cao cấp, con số này đạt 99,99%. Tuy nhiên, các mẫu TV OLED mới nhất thường vượt tiêu chuẩn sRGB với điểm số cao hơn 100% trong các bài kiểm tra tái hiện màu sắc.

Ảnh: LG

Với độ sáng cao và khả năng điều chỉnh màu sắc của micro-LED, chúng tôi kỳ vọng chất lượng màu sắc trên MicroLED TV của Samsung sẽ vượt điểm số 100%. Chúng tôi không thể xác định chính xác chỉ số này cho đến khi được trải nghiệm sản phẩm thực tế. Tuy vậy, những đánh giá ban đầu cho thấy MicroLED TV sẽ có lợi thế cách biệt về khả năng tái tạo màu sắc.

Kết quả: micro-LED

Góc nhìn

Thông số này đề cập đến khả năng duy trì màu sắc và chi tiết hình ảnh khi thay đổi các góc nhìn khác nhau từ khu vực trung tâm. Vì chúng ta thường xem TV cùng nhiều người, trong khi chỉ một đến hai người có thể ngồi ở vị trí trung tâm. Do đó, góc nhìn rộng rất được ưu tiên lựa chọn vì chúng cho phép bạn thưởng thức trọn vẹn bộ phim dù đang ngồi trên ghế dài hay ghế tựa bên cạnh.

Ảnh: LG

Các dòng TV sử dụng màn hình LCD thường có góc nhìn tương đối hẹp, màu sắc biến đổi rõ rệt và chi tiết ảnh mất dần khi góc nhìn từ 45 độ trở lên. Ngược lại, TV OLED lại có thể duy trì hình ảnh rõ ràng và màu sắc chính xác với góc nhìn lên đến 90 độ. Việc ép tấm nền OLED trực tiếp lên lớp kính trên màn hình phần nào đã giúp mở rộng góc nhìn, đồng thời giảm thiểu hiện tượng sọc màu hay lỗi hiển thị thường thấy trên màn hình LCD khi nhìn ở một góc nhất định.

Micro-LED cũng hứa hẹn có khả năng xem từ mọi góc nhìn với mỗi điểm ảnh gắn trực tiếp lên màn hình. Trên thực tế, hoàn toàn không có lớp kính ngăn cách giữa người xem và điểm ảnh, do vậy micro-LED hoàn toàn có thể cho góc nhìn còn tốt hơn cả OLED.

Tất nhiên, tất cả chỉ mới là suy đoán dựa trên kỹ thuật, chúng ta sẽ cần trải nghiệm thực tế sản phẩm mới có thể kết luận chính xác. Nhưng với những sản phẩm mẫu mà chúng tôi đã được xem và theo các báo cáo kỹ thuật, micro-LED hoàn toàn có thể đạt được góc nhìn siêu rộng như màn hình OLED.

Kết quả: hòa

Hiện tượng lưu ảnh (burn-in)

Một vấn đề rất lớn đối với màn hình OLED là có thể xảy ra hiện lượng lưu ảnh. Khi một ảnh tĩnh được hiển thị trên màn hình OLED trong một thời gian dài sẽ khiến cho mỗi điểm ảnh có mức độ suy hao khác nhau, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của bóng mờ trên màn hình khi bạn chuyển kênh hay thay đổi hình ảnh hiển thị. Như vậy, tất cả những hình ảnh thường xuất hiện cố định trên màn hình đều có thể dẫn đến hiện tượng lưu ảnh như logo đài truyền hình, thanh tin vắn trong bản tin thời sự hay khung phụ đề…

Lưu ảnh là một vấn đề mà mọi màn hình OLED đều có nguy cơ gặp phải. Do đó, bạn không nên tiết kiệm chi phí bằng cách mua hàng trưng bày đối với TV hay điện thoại sử dụng màn hình OLED. Vì chúng liên tục chiếu đi chiếu lại những hình ảnh hay đoạn video quảng cáo trong thời gian dài nên những sản phẩm này có nguy cơ bị lưu ảnh cao hơn nhiều.

Ảnh: Shutterstock

Nhưng đối với nhu cầu giải trí gia đình, hiện tượng lưu ảnh gần như đã được khắc phục trên TV OLED. LG đã sử dụng công nghệ chuyển điểm ảnh, công nghệ này có thể phát hiện hình ảnh tĩnh trên màn hình và quyết định những điểm ảnh nào sẽ hiển thị để giảm bớt sự suy hao không đều giữa các điểm ảnh. Bên cạnh đó, tuổi thọ của màn hình OLED cũng đã được cải thiện, khả năng hiển thị chính xác màu sắc cũng được kéo dài và từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc phải hiện tượng lưu ảnh.

Như vậy, dường như micro-LED sẽ không phải đối mặt với sự cố này. Đèn LED ít bị suy giảm màu sắc hơn và sự biển đổi màu sau thời gian dài cũng không đáng để lo ngại. Vì vậy, bạn không phải lo gặp phải hiện tượng lưu ảnh trên màn hình micro-LED.

Một lần nữa, cũng như nhiều yếu tố khác về mặt hình ảnh và hiệu năng, chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận chính xác. Quá trình sử dụng thực tế sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và cụ thể về micro-LED sau khi chính thức có mặt trên thị trường. Nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ báo cáo nào cho thấy cần phải quan tâm đến vấn đề lưu ảnh trên micro-LED.

Kết quả: micro-LED

Kích thước

Đối với những hạng mục bên trên, dường như micro-LED đang dẫn điểm trước OLED. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với người tiêu dùng lại là "gót chân Asin" của micro-LED.

Vì micro-LED vẫn còn là một công nghệ rất mới và nó bị ảnh hưởng bởi số lượng điểm ảnh tối đa trên một diện tích khi sử sụng nhiều đèn LED đơn lẻ tạo thành điểm ảnh. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là micro-LED có thể đạt những kích cỡ phù hợp cho đại đa số người dùng phổ thông hay không?

Ảnh: Samsung

Samsung gần đây đã giới thiệu 2 mẫu TV MicroLED 99 inch và 110 inch. Hãng cho biết sắp tới các mẫu nhỏ hơn gồm 88 inch và 76 inch sẽ ra vào cuối năm. Trong khi đó, công nghệ OLED lại trưởng thành hơn rất nhiều và các nhà sản xuất màn hình OLED đang tiếp tục tăng độ phân giải lên 8K với số điểm ảnh trên cùng một tấm nền cao gấp 4 lần. Kết quả là những sản phẩm có kích thước nhỏ hơn với độ phân giải cao hơn đã có mặt trên thị trường. Cả LG và Sony hiện nay đã có TV OLED 48 inch với độ phân giải 4K.

Trong thế giới mà độ phân giải và mật độ điểm ảnh là ưu tiên hàng đầu, thì màn hình kích thước nhỏ hơn với độ phân giải cao hơn sẽ khó sản xuất hơn. Hiện tại, công nghệ micro-LED chưa thể đạt mật độ điểm ảnh để có thể sản xuất màn hình 48 inch với độ phân giải 4K như OLED.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là kích thước TV được các hộ gia đình lựa chọn nhất là 55 – 65 inch. Như vậy, cho đến khi micro-LED có thể đạt được kích thước này, thì MicroLED TV của Samsung sẽ chỉ phù hợp với rạp chiếu phim tại gia với màn hình cực đại.

Dù vậy, nói đi cũng phải nói lại, micro-LED có thể tạo ra màn hình có kích thước siêu to khổng lồ với khả năng lấp kín cả một bức tường. Trong khi đó, OLED và LCD chỉ đạt kích thước tối đa là 75 – 85 inch.

Kết quả: Hòa. OLED cho nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng micro-LED có thể cung cấp kích thước cực đại.

Giá cả

Về mặt giá cả, TV OLED đã có giá thành giảm đáng kể so với khi ra mắt lần đầu vào 8 năm trước. Ở thời điểm đó, một chiếc OLED TV 55 inch có giá khoảng 230 triệu đồng, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 triệu đồng, giảm hơn 85% trong chưa đầy một thập kỷ.

Đồng thời, mức giá cho các dòng sản phẩm cũng phù hợp hơn theo từng phân khúc, một số dòng TV OLED có giá chỉ khoảng 20 triệu đồng. Với các chương trình khuyến mãi, bạn hoàn toàn có thể mua được một chiếc OLED TV với giá chưa đến 20 triệu đồng.

Samsung vừa công bố giá bán MicroLED TV tại thị trường Việt Nam với hai tùy chọn kích cỡ 99 inch và 110 inch với giá cao ngất ngưởng, lần lượt là 2,9 tỷ đồng và 3,5 tỷ đồng, cao gấp hàng chục lần TV OLED. MicroLED là một công nghệ hoàn toàn mới, được thực hiện trên dây chuyền sản xuất mới, do vậy nó chưa thể đạt hiệu quả kinh tế như quy mô sản xuất OLED mà LG đã phát triển trong nhiều năm qua. Tuy vậy, ngay cả khi tính đến vấn đề này, chúng tôi cho rằng giá bán của Samsung MicroLED TV vẫn đang quá cao so với thị trường.

Trong khi đó, LG đã thông báo giá bán cho các sản phẩm OLED TV ra mắt trong năm 2021 với mức giá từ trung bình đến cao tương đối hợp lý. Mức giá thấp nhất là một dòng sản phẩm mới, A1 OLED TV 48 inch, đến khoảng 100 triệu cho G1 OLED evo TV 77 inch, và khoảng 140 triệu đồng cho sản phẩm C1 OLED TV 83 inch, đây là chiếc OLED TV lớn nhất trong tất cả sản phẩm ra mắt năm nay của LG. Mức giá này hoàn toàn cách biệt so với mức giá thấp nhất của MicroLED TV được Samsung công bố.

Kết quả: OLED

Có nên chờ mua Samsung MicroLED TV?

Nếu bạn đang phân vân có nên mua OLED TV không hay chờ Samsung MicroLED TV ra mắt, thật ra bạn cũng không cần phải đau đầu vì vấn đề này. Dù micro-LED được cho là sẽ làm thay đổi vị thế của OLED trên thị trường TV, nhưng đó là về dài hạn. Hiện tại, không có lý do gì để chi một số tiền lớn như vậy để mua MicroLED TV.

Những điểm cộng mà micro-LED mang lại hầu hết đã có trên OLED và những lợi thế riêng của micro-LED cũng chỉ mới là giả thuyết. Trước khi chúng ta có thể trải nghiệm một sản phẩm thương mại thật sự thì vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn micro-LED có tạo ra được khác biệt trong trải nghiệm cho người xem hay không.

Cho đến nay, những gì chúng tôi có thể chắc chắn là công nghệ micro-LED của Samsung sẽ có thể tạo ra màn hình cực lớn, siêu đắt tiền nhưng lại chỉ có độ phân giải 4K, ít nhất là trong vài năm tới. Nếu bạn muốn có một màn hình cực lớn, vậy thì chúng tôi khuyên bạn nên đầu tư cho màn hình 8K để còn có thứ để khoe với bạn bè hay gia đình.

Với hầu hết mọi người, chúng tôi vẫn giữ nguyên lời khuyên cũ: Một chiếc TV có độ phân giải 4K là lựa chọn phù hợp nhất với túi tiền của bạn và OLED là sự lựa chọn tốt nhất hiện nay.

Minh Bảo

Thành viên mới đăng
Top