thumbnail - Cách tăng tốc website WordPress
Minh.T.T
Hà Nội

Cách tăng tốc website WordPress

Trong thời đại mà người tiêu dùng luôn kỳ vọng các sản phẩm và dịch vụ luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của họ, thì chẳng có thứ gì gây khó chịu hơn một website rùa bò.

Và các doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu suất website của mình sẽ phải đối mặt với một nguy cơ cực lớn: giết chết trải nghiệm khách hàng. Nghiên cứu cho thấy, thời gian nạp trang chỉ cần tăng thêm 2 giây đã khiến tỉ lệ thoát trang tăng đến 103%, trong khi thời gian nạp trang dù chỉ 100 mili-giây cũng có thể khiến tỉ lệ chuyển đổi giảm đi 7%.

Tốc độ trang còn là một yếu tố ảnh hưởng đến thứ hạng Google trên desktop và di động. Hiệu suất kém có thể khiến website bị tụt lại đằng sau trên các trang tìm kiếm, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến lưu lượng truy cập trang.

Nhưng trong cái khó ló cái khôn. Nếu website của bạn đang chạy trên nền tảng WordPress, thì dưới đây là 6 điều bạn cần làm để đảm bảo nó luôn vận hành ở tốc độ tối đa có thể!

1. Xác định vấn đề

Dù nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng tìm ra lý do tại sao website của bạn lại ì ạch luôn là bước đầu tiên để cải thiện tốc độ của nó.

Nguyên nhân có thể là bất kỳ điều gì, từ vấn đề với nhà cung cấp host cho website, cho đến những plugin và theme WordPress nặng nề không cần thiết. Xác định rõ vấn đề nào đang khiến website chạy chậm là chìa khóa để vạch ra các biện pháp tối ưu hóa mà bạn cần ưu tiên.

Hãy bắt đầu bằng cách chạy một bài test tốc độ nạp trang, với một công cụ trực tuyến như GTmetrix, Google PageSpeed Insights, hay WebPageTest. Lưu ý rằng thời gian nạp trang chấp nhận được là dưới 1 giây.

Cách tăng tốc website WordPress 

Mỗi công cụ lại có các tiêu chí đánh giá hiệu suất riêng, có thể mang lại cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn về lý do tại sao website của bạn lại ì ạch, ví dụ như chỉ số tốc độ của trang web, hay tải trọng của mạng, vốn có thể bị ảnh hưởng do dùng CSS quá mức, nội dung trang phức tạp, hay hình ảnh chưa tối ưu.

Người dùng WordPress cũng cần kiểm tra chi tiết theme và plugin để phát hiện các vấn đề về hiệu suất. Việc này đòi hỏi phải tắt lần lượt từng theme hoặc plugin, và sau đó tiến hành các bài test nạp trang nói trên. Nhờ vậy, bạn có thể thu hẹp phạm vi nghi ngờ - rằng liệu các add-on đang cài có phải là gốc rễ vấn đề hay không.

2. Chọn một theme tinh gọn

Trong thế giới của WordPress, bạn sẽ nghe lời khuyên này khá thường xuyên: hãy chọn theme thật đẹp, và chọn plugin mang lại các chức năng mong muốn. Nhưng nói đến theme, thì bạn cần quan tâm đến nhiều khía cạnh chứ không chỉ vẻ ngoài.

Theme có nhiều kích cỡ khác nhau, xét về cả kích cỡ trang và số lượng tập tin cần nạp. Kích cỡ của theme sẽ có ảnh hưởng lớn đến thời gian nạp trang.

Và tất nhiên, bạn có thể thử theme trên website WordPress của mình bằng cách thực hiện các bài test tốc độ nạp trang như đã đề cập ở phần đầu tiên. Tất cả chỉ mất vài phút mà thôi.

3. Tối ưu hóa hình ảnh

Tương tự như cách kích cỡ theme tác động đến tốc độ nạp trang, hình ảnh trên trang web của bạn cũng gây ảnh hưởng nhất định. Bằng cách tối ưu hóa và nén hình ảnh, hoặc thu nhỏ kích cỡ tập tin, bạn có thể tăng tốc hiệu suất của trang.

Cách nhanh nhất để làm việc này là sử dụng một plugin nén hình ảnh. Nhưng bạn cũng có thể thay đổi kích cỡ ảnh để giảm số điểm ảnh, hoặc đưa ảnh qua một mạng phân phối nội dung (CDN) - về cơ bản chính là một máy chủ lưu trữ hình ảnh, video và CSS - rồi đưa chúng lên trang trong quá trình nạp trang.

Cuối cùng, bạn cũng có thể thử dọn dẹp thư viện WordPress. Khi bạn dựng các trang, hình ảnh, video, và các tập tin khác sẽ tích tụ lại, chiếm nhiều dung lượng lưu trữ. Kể cả khi bạn xóa các bài blog có ảnh nói trên, thì chúng vẫn hiện diện trong thư viện WP.

Trước khi dọn dẹp thư viện WP, hãy sao lưu website để phòng trường hợp có sự cố xảy ra.

4. Chỉ hiển thị trích đoạn bài viết

Nếu bạn định dùng website như một blog cá nhân, thì một mẹo để tăng tốc độ của trang là chỉ hiển thị các trích đoạn của bài viết trên trang chủ hoặc một số nơi khác.

Mặc định, nhiều theme WordPress hiển thị toàn bộ bài viết trên trang chủ, trang blog, và trang lưu trữ, gây ra tình trạng lag nặng cho trang. Nó cũng gây ra tác động tiêu cực đến hiệu suất SEO, bởi phần nội dung này sẽ bị tính là trùng lặp.

Khi chọn theme, hãy kiểm tra xem tùy chọn hiển thị mặc định là toàn bộ bài viết hay chỉ trích đoạn thôi. Nếu hiển thị toàn bộ, hãy chuyển sang kiểu trích đoạn. Ngoài ra, WordPress cũng cho phép người dùng tùy biến cách hiển thị trích đoạn, để bạn có thể tạo ra những trích đoạn hấp dẫn, thu hút người đọc hơn.

5. Chọn host phù hợp cho WordPress

Đặt website WordPress trong một môi trường biệt lập đồng nghĩa bạn sẽ có tốc độ cao hơn và bảo mật tốt hơn, bởi nhà cung cấp dịch vụ sẽ đảm nhận cả khâu bảo trì và bảo mật của trang.

Cách tăng tốc website WordPress 

Các nhà cung cấp WordPress thường cam kết hỗ trợ người dùng WordPress bằng cách cung cấp tất cả các tính năng bảo mật máy chủ chỉ với một mức phí nhỏ hàng tháng, khoảng 1 USD hoặc hơn một chút.

Họ đôi lúc cũng cung cấp một số plugin miễn phí bổ trợ, giúp tăng tốc độ tải trang, như plugin tạo bộ nhớ đệm chẳng hạn. 

6. Tinh chỉnh website

Sau khi đã qua 5 bước trên, bạn cần thực hiện một số tinh chỉnh nhỏ khác để cải thiện tốc độ của website WordPress.

Đầu tiên, ngắt các bài viết dài thành từng trang nhỏ hơn. Dù người đọc có thể thích hiển thị tất cả nội dung trong một trang duy nhất, nhưng điều đó đồng nghĩa tốc độ nạp trang sẽ bị ảnh hưởng.

Tiếp theo, giảm số yêu cầu HTTP ra bên ngoài trên website của bạn. Các plugin và theme WordPress thường nạp rất nhiều nội dung và tập tin từ các trang khác, như hình ảnh, script, và CSS. Nếu plugin của bạn thực hiện quá nhiều yêu cầu, tốc độ trang chắc chắn bị ảnh hưởng. Một cách để tránh điều này là kích hoạt nén GZIP để nén tất cả các tập tin được gửi đến website. Một số mã tại đây có thể giúp bạn làm việc này.

Cách tăng tốc website WordPress 

Ngoài ra, hầu hết website WordPress đi kèm một tập tin JavaScript emoji. Nếu bạn không thực sự dùng nó, hoặc tin rằng sẽ không bao giờ cần đến emoji, thì tắt nó đi sẽ cải thiện được tốc độ nạp trang.

Một tính năng khác là tải chậm (lazy loading), có nghĩa hình ảnh và video chỉ nạp khi chúng hiện ra trên màn hình người dùng trong khi họ cuộn trang, thay vì nạp tất cả một lần. Người dùng WordPress có thể kích hoạt lazy loading bằng plugin Lazy Load by WP Rocket.

Khi phải cạnh tranh với hàng ngàn website khác để chứng minh sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn là tốt nhất trên thị trường, mỗi giây đều quý giá. Đừng để thời gian nạp trang cản bước thành công của bạn!

Tham khảo: TheNextWeb

>> Tại sao WordPress lại phổ biến như vậy?

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác