Chip bán dẫn sẽ có quyền lực chi phối hơn cả dầu mỏ

Người ta thường nói rằng có 3 thứ ảnh hưởng quan trọng đối với chính trị toàn cầu (và chiến tranh) là dầu mỏ, đất đai và tôn giáo. Và theo CEO Intel Pat Gelsinger, ngành bán dẫn sẽ tham gia danh sách đó và trở nên quan trọng hơn vị trí của trữ lượng dầu trong 5 thập kỷ tới.
Chip bán dẫn sẽ có quyền lực chi phối hơn cả dầu mỏ
Trao đổi với phóng viên Julia Chatterley của CNN tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Pat Gelsinger lưu ý rằng vị trí của trữ lượng dầu đã định hình địa chính trị trong 50 năm qua. Nhưng vị CEO này giải thích rằng, sẽ có một yếu tố quan trọng hơn trong nửa thế kỷ tới: "Chuỗi cung ứng công nghệ nằm ở đâu và bán dẫn được chế tạo ở đâu.”
Ngoài các cơ sở sản xuất lớn ở Oregon, New Mexico và Arizona (vốn đang được mở rộng), Intel đang xây dựng các cơ sở mới ở Ohio, đồng thời mở rộng các hoạt động quốc tế của mình ở Israel, Ireland, Malaysia, Đức và Ý. Công ty cho biết họ đang đầu tư 20 tỷ USD vào 2 nhà máy của Mỹ và lên tới 90 tỷ USD vào các nhà máy mới ở châu Âu. Gelsinger cho biết, khoản đầu tư này không chỉ mang lại lợi ích cho Intel mà còn rất cần thiết cho "sự toàn cầu hóa nguồn tài nguyên quan trọng nhất đối với tương lai của thế giới."
Ông cho biết: “Chúng tôi cần chuỗi cung ứng linh hoạt và cân bằng về mặt địa lý này.”
Chip bán dẫn sẽ có quyền lực chi phối hơn cả dầu mỏ
Sự thiếu hụt bán dẫn do đại dịch gây ra, đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi sản phẩm tích hợp chip, kể cả xe cộ. Điều đó khiến Mỹ thông qua Đạo luật Khoa học và CHIP trị giá 280 tỷ USD, với 52 tỷ USD trong số đó sẽ được dùng để trợ cấp cho các nhà sản xuất chip.
Pat Gelsinger cho hay: “Nếu có một bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng COVID và hành trình kéo dài nhiều năm mà chúng ta đã trải qua, đó là chúng ta cần khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng của mình.”
CEO Intel cho biết, công ty của ông và những công ty khác hiện đang chờ số tiền từ Đạo luật CHIPS được giải ngân mà ông mong đợi sẽ diễn ra trong năm nay.
Một yếu tố khác đằng sau nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn chính là Đài Loan. Xuất khẩu chip vi mạch của nước này, vốn cung cấp khoảng 50% thị trường thế giới, đã tăng 18,4% trong năm ngoái. Trước đó, Gelsinger đã cảnh báo về những mối nguy hiểm đến từ việc dựa vào đảo quốc này trước các động thái gây hấn từ phía Trung Quốc. Hồi năm 2021, ông tiết lộ: "Đài Loan không phải là một nơi ổn định. Bắc Kinh đã gửi 27 máy bay chiến đấu đến vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Điều đó liệu có khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn?"
Những lo ngại đó ngày càng tăng lên khi Trưởng kinh tế Chen Wenling tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, do chính phủ điều hành tuyên bố rằng Trung Quốc phải tịch thu TSMC nếu Hoa Kỳ áp đặt "các biện pháp trừng phạt hủy diệt" đối với Trung Quốc. Điều này đã xảy ra trước khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn liên quan đến chip đối với quốc gia tỉ dân này. Kể từ đó, chủ tịch của TSMC cho biết, không ai có thể kiểm soát công ty bằng vũ lực, trong khi Đài Loan khẳng định không cần phải phá hủy các cơ sở của TSMC trong trường hợp Trung Quốc xâm lược.
>>> Các hãng bán dẫn Trung Quốc lách luật hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ như thế nào?
Nguồn: Tech Spot
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top