thumbnail - Đánh giá “Ant-Man 3”: fan Marvel chưa ra khỏi hang được đâu!
Vương Phu Nhân
Hà Nội

Đánh giá “Ant-Man 3”: fan Marvel chưa ra khỏi hang được đâu!

Marvel Studios vừa ra mắt Ant-Man and the Wasp: Quantumania (Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới Lượng tử), tác phẩm mở đầu Phase 5 của MCU. Sau 1 Phase 4 gây thất vọng, hẳn nhiều người đã mong chờ 1 bộ phim có thể vực dậy niềm tin ở Marvel Studios. Liệu Ant-Man 3 có đáp ứng được kì vọng đó hay không?

Bộ phim lấy bối cảnh sau khi các Avengers trải qua cuộc chiến sống còn với Thanos trong Avengers: Endgame, tập trung vào Scott Lang và gia đình Hanks. Lúc này, Scott Lang đã gác lại công việc siêu anh hùng để tận hưởng cuộc sống, viết sách kể về hành trình của mình cùng đội Avengers. Anh được nhiều người hâm mộ, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Trong khi đó, bạn gái Hope van Dyne tập trung vào công việc tại công ty do bố sáng lập, tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân loại và giải quyết những khó khăn xã hội bằng công nghệ. Con gái Cassie thì thường xuyên gây rắc rối, đôi khi còn lạm dụng công nghệ vào mục đích riêng. Một lần tụ họp gia đình đã dẫn tới tai nạn khiến tất cả thành viên bị cuốn vào lượng Tử Giới. Từ đây, câu chuyện bắt đầu.



Để đánh giá về Ant-Man 3, có thể nhận định chất lượng tổng thể của bộ phim chỉ ở mức trung bình nếu dễ tính và yếu kém nếu chấm khó tính. Không ngạc nhiên khi giới phê bình “đánh” rất mạnh tay với bộ phim. Trên Rotten Tomatoes, phim nhận “cà chua ủng” với 47% ngang với Eternals, Metacritic chấm 48/100 điểm. Nhìn chung đều chỉ ở ngưỡng trung bình.

Vậy nên nếu bạn kì vọng 1 bộ phim hoành tráng chất lượng, đủ sức kéo người hâm mộ Marvel ra khỏi hang sau Phase 4 xuống dốc, câu trả lời có lẽ là không. Ant-Man 3 không xuất sắc đến mức ý. Còn việc nó trung bình (ở mức xem tạm ổn) hay vô cùng dở tệ phụ thuộc vào kỳ vọng của bạn. Càng hy vọng cao thì thất vọng sẽ càng nhiều thôi! Mình sẽ nói kĩ hơn ngay bây giờ đây.

*Bài viết có tiết lộ nội dung phim, nếu chưa xem thì nên dừng lại ngay tại đây!

Lượng tử giới rất giống "Star Wars"

Giống như tên gọi, bộ phim giới thiệu cho chúng ta lượng tử giới trong vũ trụ Marvel rộng lớn. Nơi đây được thiết kế với nhiều chủng loài sinh sống. Nền văn minh khác nhau và rất kì quái, khác xa hiểu biết của con người. Như tiến sĩ Hank Pym đã nói là nó viết lại toàn bộ hiểu biết con người về sự sống, vũ trụ,... Không hiểu sao mình có cảm giác nó rất giống thế giới của Star Wars, chắc là các nhà làm phim cũng đã học hỏi.

Đánh giá “Ant-Man 3”: fan Marvel chưa ra khỏi hang được đâu! 

Lượng tử giới chỉ được nói thoáng qua, chưa khai thác sâu trong phim

Song, vấn đề là giới thiệu lượng tử giới khá sơ sài nên chúng ta không có cơ hội khám phá kĩ hơn về cư dân cũng như quy luật ở đây. Thành thực mà nói, để khai thác được lượng tử giới thì sẽ cần thêm nhiều phim, thậm chí Disney có thể đầu tư hẳn 1 miniseries tập trung vào cuộc sống ở đây mới đủ. Chính vì thiếu hụt về thời lượng, khán giả gần như chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” và kết phim chả nhớ được mấy về lượng tử giới.

Dù sao, có lẽ Marvel Studios cũng có kế hoạch khai thác lượng tử giới về lâu dài. Dần dần khám phá kĩ hơn nơi không tồn tại liên kết với không gian và thời gian ở bên ngoài. Nếu bạn hy vọng sẽ được khám phá 1 chân trời mới thì hãy quên đi! Đừng vì tên phim mà nhầm lẫn.

Kĩ xảo hình ảnh chưa đột phá

Điểm trừ đầu tiên có lẽ là mặt kỹ xảo hình ảnh. Bộ phim được đầu tư tới 200 triệu USD theo tiêu chuẩn phổ biến của bom tấn Marvel, song những khán giả khó tính có thể vẫn chưa hài lòng. Thế giới lượng tử hay thành phố của Kang hiện lên chưa gây ấn tượng mạnh mẽ về mặt thị giác. Một phần bởi chúng ta vừa được tận hưởng bom tấn hoành tráng nhất lịch sử Avatar: Dòng chảy của nước, đâm ra xem Ant-Man 3 cảm giác bị dội.

Đánh giá “Ant-Man 3”: fan Marvel chưa ra khỏi hang được đâu! 

Kĩ xảo của phim sẽ không đủ để làm hài lòng khán giả khó tính

Sẽ thật bất công nếu có ai định so sánh kĩ xảo của phim với dự án hơn 10 năm ấp ủ của James Cameron. Mình khuyên các bạn nên hạ bớt kì vọng thì sẽ thấy hình ảnh phim hoàn toàn chấp nhận được. Ít nhất so với Thor 4 hay Black Panther 2 gần đây, khía cạnh hình ảnh của Ant-Man 3 vẫn làm tốt hơn, xem dễ chịu hơn. Mình dễ dãi coi như Marvel Studios đang tiến bộ vậy. Còn với ai khó tính, họ sẽ chê thẳng CGI và VFX chưa chân thật.

Diễn xuất chưa trọn

Nam chính là Paul Rudd có lẽ chẳng gặp khó khăn gì để vào vai Scott Lang/Ant-Man. Song, phản diện mới đã khiến nhân vật chính bị lu mờ. Đúng như giới phê bình khen ngợi, Kang the Conqueror được Jonathan Majors vào vai rất mượt. Thần thái, cử chỉ cho đến cả tông giọng đều có thể để lại ấn tượng với người xem, không bị lẫn với bất kì phản diện nào Marvel từng giới thiệu.

Michelle Pfeiffer và Evangeline Lilly vào vai 2 mẹ con Hope khá tốt, có những phân cảnh bộc lộ cảm xúc rõ ràng. Michael Douglas trong vai tiến sĩ Hank Pym thì tròn vai. Song, vấn đề lớn nhất là cô con gái Cassi Lang do Kathryn Newton đóng. So với 3 nhân vật kia, rõ ràng cô có nhiều đất diễn hơn nhưng lại không tận dụng tốt, gần như không bộc lộ được nhiều biểu cảm trong suốt cả phim. Điểm yếu lớn nhất dàn cast nằm ở chính Newton, khiến khán giả ngao ngán.

Đánh giá “Ant-Man 3”: fan Marvel chưa ra khỏi hang được đâu! 

Điểm yếu nhất dàn cast nằm ở cô con gái Cassie Lang

Kịch bản thiếu kịch tính

Nếu diễn xuất của Kathryn Newton là vấn đề lớn thứ 2 của phim và kéo tụt lại dàn cast vốn hầu như đều có kinh nghiệm diễn xuất dày dạn, thì kịch bản còn là điểm trừ lớn hơn.

Việc chê kịch bản của phim siêu anh hùng Marvel thực ra không mới và có thể thừa, nhất là sau Phase 4 xuống dốc nghiêm trọng vừa rồi. Song, mình nghĩ biên kịch và đạo diễn hoàn toàn có thể xử lý tốt hơn trong Ant-Man 3.

Kịch bản tuyến tính cực kì an toàn và rất dễ đoán. Thực ra nó cũng không phải điểm trừ quá lớn nếu chỉn chu. Vấn đề nằm ở chỗ, nhà làm phim đã tự làm khó mình khi ôm đồm nhiều thứ. Phim diễn biến nhanh và giới thiệu hàng loạt nhân vật mới lẫn thế giới lượng tử mới nhưng không đi sâu, thành ra 2/3 thời lượng đầu phim thiếu trọng tâm và mạch phim rời rạc, thiếu liên kết.

Phim có 1 mid-credit và theo mình thì nó phản tác dụng. Bởi nó làm giảm độ tò mò của khán giả, đi ngược lại nguyên tắc “show don’t tell.” Đáng lí chỉ cần cung cấp đủ dữ kiện trong phim để khán giả tự suy luận, cùng 1 dòng chữ “Kang sẽ trở lại” là đủ. Thay vì chiếu cả 1 đoạn phim như vậy. Nó khiến cái chết của phản diện vừa diễn ra mất hẳn sức nặng. 

Đánh giá “Ant-Man 3”: fan Marvel chưa ra khỏi hang được đâu! 

Đoạn mid-credit đã làm giảm tính tò mò của khán giả về phản diện Kang

Nhân vật fail

Cuộc chiến cuối phim thiếu sáng tạo. Kịch bản không khéo làm giảm đi độ nguy hiểm của Kang. Ban đầu, được giới thiệu là kẻ hủy diệt các dòng thời gian, 1 kẻ thù có ưu thế vượt trội về công nghệ, thế nhưng đến trận quyết định thì lại hơi… đù. Không tin nổi thành phố của Kang lại không có vũ khí nào đủ uy hiếp Ant-Man ở trạng thái khổng lồ.

Cảnh tấn công cứ như thể Attack on Titan và bên phe Kang khá thụ động, chống cự yếu ớt. Vũ khí bắn ra không làm sứt mẹ nổi bộ giáp của Ant-Man. Đã vậy, Kang công nghệ tiên tiến đầy mình lại phải bay xuống bắn tia hủy diệt quân phiến loạn. Không hề có kế hoạch nào trước sự tấn công của Ant-Man, đến khi xung trận thì vũ khí khá thất vọng. Trong khi đó, để mặc cho Cassie và thủ lĩnh phiến quân thích làm gì thì làm. 

Đặc biệt là sự xuất hiện của MODOK, nỗi thất vọng lớn nhất phe phản diện.

Cá nhân mình cảm thấy vai trò trong phim của nhân vật này đã bị lãng phí không đáng có. Mang tiếng là tay sai nhưng MODOK lại dễ dàng bị Cassie dùng “thông não chi thuật” học từ Naruto khống chế. Quay lại tấn công Kang trong sự ngỡ ngàng của người đã cứu mạng hắn, cho hắn sức mạnh mới. Kang tất nhiên chỉ coi MODOK như 1 công cụ không hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, MODOK trước thì luôn miệng hô “chủ nhân” mà sau lại dễ dàng quay đầu như vậy, thật quá thiếu thuyết phục.

Đánh giá “Ant-Man 3”: fan Marvel chưa ra khỏi hang được đâu! 

Xem xong phim bạn chắc chắn hiểu cái hình này!

Đó là còn chưa kể đến ngoại hình của hắn. Không hiểu Marvel nghĩ gì mà lại ghép mặt diễn viên thật vào với CGI “phèn” khó chấp nhận. Bom tấn 200 triệu USD mà như tát vào mặt khán giả. Lần đầu thì có thể cười, nhưng càng về sau, mình càng muốn MODOK đeo lại mặt nạ máy hơn. Và cuối cùng, vì muốn lạm dụng gây cười mà gã này có 1 màn nói chuyện khó hiểu và vô nghĩa với gia đình Ant-Man. Đoạn này bỏ đi cũng chẳng ảnh hưởng gì tới bộ phim.

Ở phía chính diện, vấn đề vẫn nằm ở Cassie. Kịch bản xây dựng cô hành động thiếu suy nghĩ và không hề biết rút kinh nghiệm. Cho đến tận hành động cuối cùng, cô vẫn khiến mình phải ngạc nhiên về độ liều mạng khi ngang nhiên bấm mở cổng tại nơi vừa chiến đấu với Kang, không cần biết tình hình ở phía bên kia ra sao. Trong khi rõ ràng nhiệm vụ hàng đầu của cả nhóm là phải ngăn chặn hắn thoát ra khỏi lượng tử giới.

Cassie thậm chí còn có màn hô hào cách mạng rất sượng trân. Một cô bé vừa đến đây chưa quen biết nhiều người, vậy mà lại có sức thuyết phục ghê gớm. Ngay cả màn “thông não” MODOK nữa, Cassie dường như có siêu năng lực thần phục người khác hơn. Bởi cô chẳng cần quá trình tương tác gì, cứ nói là họ sẽ nghe, bất chấp phải chống lại kẻ nguy hiểm đáng sợ nhất lượng tử giới.

Đánh giá “Ant-Man 3”: fan Marvel chưa ra khỏi hang được đâu! 

Cái kết cuối phim khiến cuộc chiến chống lại Kang bỗng trở nên đơn giản, thiếu đóng góp cho xây dựng nhân vật

Quân phiến loạn được cài cắm ban đầu nhằm mô tả sự nguy hiểm của Kang, gián tiếp thể hiện sức mạnh của nhân vật này. Song, giờ lại phản tác dụng khi họ có thể nghe lời hiệu triệu của 1 cô bé xa lạ để đứng lên chống lại hắn. Mình chẳng hiểu tại sao lại không phải là nữ thủ lĩnh phiến quân phát tín hiệu kêu gọi người dân ở lượng tử giới.

Ngoài ra, việc Cassie dễ dàng mở lại cổng ở trên đưa được Ant-Man và The Wasp về còn dẫn tới 1 hậu quả khác. Đó là làm giảm độ kịch tính và tò mò. Giá như cứ để họ bị kẹt lại thì sẽ hay hơn. Chứ trải qua cả cuộc chiến mà cả nhà đoàn tụ không sứt mẻ, nhân vật Cassie không có bất kì bước phát triển tâm lý nào. Thực sự đơn giản quá. Nếu cái kết thay vì cả nhà ngồi ăn bánh vô nghĩa, mà hé lộ về quá trình huấn luyện Cassie của 2 ông bà Hank và Jane để cứu Scott khỏi lượng tử giới, cũng như để cô nhận thức được những việc làm “báo nhà” của mình, sẽ chỉn chu hơn nhiều.

Kết luận

Đừng kì vọng cao thì bạn sẽ thấy phim ổn. Dù sao, đây là bước khởi đầu của Marvel tiến vào Phase 5 nên mình vẫn thấy tốt hơn 2 phim chiếu rạp cuối Phase 4 vừa rồi. Ngoại trừ diễn xuất của phản diện, mình không thấy còn gì vượt trội để khen Marvel lần này.


>>> Đánh giá "Black Adam".

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác