thumbnail - Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời
Hùng Lê
Hà Nội

Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời

Không ít người muốn Apple bán màn hình 5K thay cho chiếc iMac 27 inch hiện đã ngừng sản xuất. Khi iMac 27 inch 5K đầu tiên ra mắt vào năm 2014, màn hình này đã vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Nói đúng hơn, chỉ việc mua phần màn hình của iMac 5K 27 inch đã là một món hời, chưa nói đến việc nó tích hợp cả 1 cỗ máy tính bên trong.

Giờ đây, Apple đã chính thức ngừng sản xuất chiếc iMac 27 inch. Về cơ bản, họ thay thế chiếc máy tính tất cả trong một này bằng cỗ máy Mac Studio và màn hình Studio Display 27 inch. Nếu Mac Studio đại diện cho sự hoàn thành ước mơ của những người cần cỗ máy Mac mạnh mẽ hơn, thì Studio Display lại thực hiện giấc mộng đã có từ năm 2014: chỉ cần cung cấp 1 màn hình trong iMac 27 inch 5K.

Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời 

Đáng tiếc! Hiện nay, tính năng webcam nổi bật của Studio Display lại hoạt động kém đến mức gần như không thể sử dụng được. Điều đó biến giấc mơ này trở nên ác mộng. 

Màn hình 5K hiếm hoi cho dân Mac

Studio Display đánh dấu lần đầu Apple gia nhập vào thị trường màn hình phổ thông sau một thời gian dài. Thực tế, nhà Táo đã đã phát hành Pro Display XDR vào năm 2020 nhưng mức giá 4.999 USD khiến nó khó với tới. Studio Display có giá dễ tiếp cận hơn khi bán ở mức 1.599 USD. Con số này tuy còn đắt đỏ nhưng ít nhất bạn vẫn có thể cân nhắc khi xét đến việc, chiếc màn hình 5K còn lại là LG UltraFine 5K, vốn có giá bán lẻ 1.299 USD.

Apple cũng đưa ra một số hứa hẹn lớn về khả năng âm thanh và video của Studio Display: nó có 6 loa, 3 micrô cùng 1 camera 12MP. Tất cả chúng đều được điều khiển bởi con chip A13. Cả camera trước lẫn chip đều hoàn toàn giống hệt trên iPad.

Về mặt lý thuyết, bạn sẽ được một màn hình 5K có khả năng hiển thị macOS hoàn hảo từng pixel mà không gặp bất kỳ vấn đề nào. Kết hợp với chất lượng webcam tương đương với phần cứng iOS khác. Xem xét đến lịch sử webcam tồi tệ trên Mac đang dần được cải thiện gần đây, đó là một nâng cấp giá trị.

Đến chân đế cũng đậm chất Apple

Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời 

The Verge đã thực hiện đánh giá cả 2 phiên bản Studio Display: phiên bản tiêu chuẩn với giá 1.599 USD cùng phiên bản phủ lớp kính mờ kết cấu nano có giá 1.899 USD. Cả 2 đều được tặng sẵn chân đế gốc và người dùng cần chi thêm 400 USD nếu muốn một chân đế có thể điều chỉnh độ cao. Bạn có thể chọn chuẩn VESA để đặt màn hình vào bất kỳ chân đế nào muốn, thay chân đế ban đầu mà không tính thêm phí.

Nhưng, thực tế là bạn sẽ không thể đổi từ chân đế gốc sang VESA sau khi đã mua. Bạn phải quyết định cách gắn màn hình này ngay từ đầu, trước khi nhấn nút mua. Đã lâu rồi Apple không sản xuất màn hình, và phương pháp tiếp cận của công ty là hướng đến... chân đế màn hình.

Rõ ràng chẳng giống bất kì cái màn hình nào khác trên thị trường. Chi thêm 400 USD để chỉnh độ cao? Apple thật là biết kinh doanh!

Chất lượng hiển thị

Nhìn chung, Apple là một cái tên đáng tin cậy khi nói đến màn hình trên các thiết bị của mình. Studio Display làm rất tốt những thứ cơ bản: hiển thị rõ ràng, hình ảnh sắc nét và chi tiết bừng sáng. Nếu đã từng nhìn vào chiếc iMac 27 inch 5K, bạn sẽ biết chính xác màn hình này  trông như thế nào. 

Giống với iMac, Studio Display cũng có kích thước 27 inch, độ phân giải 5120 x 2880 pixel (5K3K), mật độ 218ppi, tần số quét 60Hz cùng đèn nền LED thông thường. Điểm khác biệt lớn nhất về thông số kỹ thuật chính là Studio Display có độ sáng thông thường 600 nits, thay vì 500 nits trên iMac. Thế nhưng, khi The Verge đặt bên cạnh chiếc iMac 2015 cổ điển, sự khác biệt đó khó có thể nhận ra.

Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời 

Vấn đề thực sự là con số 1.599 USD khá cao và bạn đang mua một sản phẩm trang bị công nghệ tấm nền tụt hậu một cách... thậm tệ. So với các màn hình khác của Apple trên dòng Mac, iPhone và iPad, Studio Display trở nên tầm thường khi thực sự không có gì cả.

Hãy bắt đầu với đèn nền. Các màn hình tốt nhất bây giờ đều tạo ra màu đen bằng cách tắt mọi ánh sáng nhiều nhất có thể. Có một số cách để làm điều này và bản thân Apple cũng sử dụng nhiều công nghệ khác biệt nhằm tạo ra màu đen thực sự: màn hình OLED trên iPhone; làm mờ cục bộ trên Pro Display XDR (LED FALD); đèn nền miniLED trên MacBook Pro và iPad Pro.

Studio Display lại không có những điều đó. Màn hình này sử dụng đèn nền LED cũ thông thường, chiếu sáng toàn toàn bộ màn hình và vùng tối nhất có thể tạo ra bị ngả xám. Khi sử dụng bình thường trong phong đủ ánh sáng, chất lượng hiển thị hoàn toàn ổn, vốn dĩ màn hình LCD đã như vậy từ lâu rồi. Nhưng nếu bạn đang xem phim trong phòng tối, chúng sẽ có màu xám nhạt. Trên thị trường có những TV dưới 1,000 USD sở hữu hệ thống đèn nền làm mờ cục bộ tiên tiến hơn thế này.

Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời 

Công nghệ đèn nền lạc hậu của Studio Display: không miniLED, không làm mờ cục bộ

Một điều thất vọng khác, Studio Display chỉ là màn hình SDR và không có bất kỳ chế độ HDR nào. Những chiếc iPhone, iPad và laptop cao cấp của Apple đều hỗ trợ HDR. Trong khi đó, Studio Display đạt độ sáng 600 nits nhưng Apple hoàn toàn không cung cấp chế độ HDR trong phần mềm. Một lần nữa, điều này xuất phát từ công nghệ đèn nền cổ xưa: HDR thực sự hiệu quả yêu cầu khả năng làm mờ cục bộ mà Studio Display thì không có.

Studio Display cũng chỉ cung cấp tần số quét 60Hz, tức ở mức tiêu chuẩn thông thường thua kém nhiều so với những phần cứng hàng đầu khác của Apple như iPhone 13 Pro, iPad Pro và MacBook Pro đều đã có 120Hz. 60Hz hoàn toàn ổn với hầu hết các màn hình, nhưng không hề xứng đáng với một chiếc có giá 1.599 USD. Có rất nhiều màn hình rẻ hơn tích hợp tần số quét cao hơn 60Hz, công nghệ HDR, được macOS hỗ trợ ngay khi xuất xưởng.

Mua vì điều gì?

Thực sự, chúng ta chỉ có một lý do duy nhất để chọn màn hình này. Đó là trường hợp bạn thực sự quan tâm đến việc có 1 màn hình 5K, có thể hiển thị macOS hoàn hảo từng pixel mà không muốn bị lệch tỉ lệ. Thực tế, có rất nhiều người quan tâm đến điều đó và mức giá 1.599 USD dường như hợp lý đối với họ. Đặc biệt khi xem xét rằng lựa chọn 5K duy nhất khác trên thị trường là chiếc LG UltraFine đã khá lỗi thời.

Đối với những người không quan tâm đến việc hiển thị từng pixel hoàn hảo mà không cần scaling trên macOS, 1.599 USD lại là một mức giá nực cười. Họ có rất nhiều lựa chọn màn hình hấp dẫn khác, bao gồm một số màn hình OLED, vài tùy chọn UltraWide hay màn hình hỗ trợ tần số quét cao hơn.

Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời 

Có những lý do khác mà bạn có thể nghĩ đến việc chi 1.599 USD cho màn hình Studio Display. Đó là webcam, micrô và loa. Đó là những thứ mà Apple rất tự hào. Con chip A13 Bionic bên trong có nhiệm vụ cung cấp sức mạnh cho hệ thống âm thanh và camera này. Bản thân camera lại sử dụng cảm biến 12MP kết hợp cùng ống kính f/2.4. Về lý thuyết, nó gần tương đồng với camera trước trên iPhone hoặc iPad. Studio Display cũng có 3 micrô và 6 loa, bao gồm 4 loa trầm và 2 loa tweet. Nhờ hệ thống đó, màn hình này hỗ trợ Spatial Audio.

Chất lượng âm thanh và camera

Micrô và loa mang đến chất lượng âm thanh rất tuyệt vời. Bạn có thể điều chỉnh cụm 3 micrô để thực hiện cách ly giọng nói, không ở trong Control Center và bạn sẽ có âm thanh tốt hơn trong các cuộc gọi như bất kỳ micrô hội nghị nào. Lý do duy nhất khiến bạn cần thứ gì đó tốt hơn là nếu bạn thường xuyên ghi âm podcast hoặc phát trực tuyến cho khán giả. Loa rất to và rõ ràng. Mọi thứ còn thú vị hơn khi tận dụng hệ thống âm thanh không gian: nếu phát một clip hỗ trợ Dolby Atmos, bạn sẽ nghe thấy một số tiếng động kịch tính, cực kỳ thú vị. Đây có lẽ là một trong những hệ thống loa tích hợp tốt nhất trên màn hình.

Thú vị nhất, dù webcam là tính năng nổi bật nhất trên Studio Display nhưng nó lại là thứ tồi tệ nhất của màn hình này. Apple có một bề dày lịch sử trong việc tạo ra chất lượng hình ảnh tuyệt vời từ cảm biến 12MP kết hợp với con chip A-series. Thế nhưng, kết quả từ sự kết hợp này trên Studio DIsplay lại trông... rất kinh khủng.

Trên thực tế, nó mang đến chất lượng cực kỳ tệ hại trong cả điều kiện đủ sáng lẫn thiếu sáng. The Verge đã thử kết nối Studio Display với cả Mac Studio lẫn MacBook Pro chạy macOS 12.3, và trên cả 2 máy, camera tạo ra những hình ảnh đầy nhiễu hạt, gần như mất hết chi tiết.

Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời 


Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời 

Chất lượng hình ảnh từ webcam trên Apple Studio Display

Họ đã thử nó trong FaceTime, trong Zoom, trong Photo Booth, trong QuickTime và chất lượng hình ảnh đều thất vọng như nhau. Tắt tính năng Center Stage vốn theo dõi bạn trong phòng cũng không giúp ích được gì. Bất tắt chế độ chân dung cũng không .

Các phóng viên của The Verge đã gửi cho Apple vô số ảnh chụp màn hình trong những điều kiện ánh sáng khác nhau. Tại thời điểm viết bài, đại diện của Apple đều xác nhận rằng “công ty đang xem xét những hình ảnh mà bạn chia sẻ và phát hiện ra một sự cố, trong đó hệ thống hoạt động không như mong đợi. Chúng tôi sẽ mang đến một số cải tiến trong bản cập nhật phần mềm.”

Hiện chưa có thời gian cụ thể về bản cập nhật đó cũng như không có bất kỳ chi tiết nào liên quan đến những gì nó có thể cải thiện. Rõ ràng, webcam trên MacBook Pro và iMac M1 mới đều vượt trội hơn nhiều so với những gì chúng ta đang thấy ở đây với màn hình Studio Display. Thậm chí, camera trước của iPhone còn tốt hơn nhiều. Nhiều người chắc chắn sẽ không chi 1.599 USD cho màn hình này, trừ khi bản cập nhật thực sự xảy ra.

Kết luận

Một số điều đáng lưu ý khác: tùy chọn cấu trúc nano trị giá 300 USD dễ hằn dấu và khó làm sạch, nhưng đây cũng có thể là thứ mà nhiều người yêu thích. Studio Display đi kèm với một sợi cáp Thunderbolt 4 bên bên trong hộp. Sợi cáp đó còn có khả năng cung cấp 96W cho laptop, đủ để sạc chiếc MacBook Pro 16 inch. 



Toàn bộ video đánh giá của The Verge về cặp đôi Mac Studio và Studio Display

Hiếm có sản phẩm nào của Apple lại xuất hiện nhiều thiếu sót như vậy, nhưng Studio Display ở trạng thái hiện tại là một sản phẩm thiếu sót đáng kinh ngạc. Kể cả khi webcam thực sự cung cấp chất lượng video tương tự iPhone hoặc iPad như đã hứa, lại có một vấn đề khác cần phải tranh luận: liệu có đáng để chi 1.599 USD cho chiếc màn hình không có khả năng làm mờ cục bộ, HDR và tần số quét cao hay không?

Rõ ràng ở hiện tại, bạn sẽ nhận được 1 sản phẩm tụt hậu về công nghệ panel, một webcam tích hợp tồi tệ, chỉnh độ cao phải tốn thêm 400 USD nữa. Nếu kiên quyết muốn kết nối màn hình 5K với máy Mac, Studio Display vẫn có thể là lựa chọn hợp lí. Còn không, tốt nhất là bạn nên chọn sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng khác.

Nguồn: The Verge

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác