minhbao171
Pearl
Trong những năm gần đây, nếu bạn mua tai nghe, đồng hồ thông minh hay thậm chí là một chiếc điện thoại đời mới, chắc hẳn bạn đã bắt gặp một cụm ký tự khá lạ có dạng IPXY, trong đó X hoặc/và Y thường được thay bằng các con số, ví dụ như IPX5 hay IP68. Chúng thường được gọi là chuẩn IP. Các nhà sản xuất thường sẽ đưa chuẩn này vào phần mô tả sản phẩm của họ để thể hiện khả năng kháng nước và kháng bụi của sản phẩm đó.
Vậy những con số đó có nghĩa là gì? Và nó có ý nghĩa như thế nào trong thực tế? Chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp bằng cách giải thích cặn kẽ về mặt kỹ thuật của chuẩn xếp hạng kháng nước, kháng bụi thường dùng, nhưng lại ít khi được đề cập đến.
IP, IPX hay IPXY đều là tiêu chuẩn đánh giá khả năng ngăn chặn chất rắn và chất lỏng xâm nhập vào bên trong sản phẩm, có khả năng gây hại cho hệ thống điện tử bên trong. IP là tên viết tắt chính thức của “International Protection” vì đây là tiêu chuẩn được phát triển và khai thác bởi International Electrotechnical Commission (Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế - IEC). Tuy nhiên, nó thường được biết đến là “Ingress Protection” nhiều hơn. Hai con số theo sau IP thể hiện cho khả năng bảo vệ. Chữ cái X là mức độ ngăn ngừa chất rắn/bụi được xếp hạng từ 0 đến 6, trong đó số 0 ứng với không thể kháng chất rắn/bụi và số 6 là ngăn ngừa hoàn toàn chất rắn/bụi xâm nhập, thậm chí là trong điều kiện xấu với thời gian lên đến 8 giờ đồng hồ. Vì có rất ít thiết bị điện tử tiêu dùng có thiết kế kháng bụi (vì đây không phải là thứ khách hàng thật sự cần), nên thường thì phần này được lược bỏ. Đó là lý do vì sao chúng ta thường thấy cụm IPX – có nghĩa là không xếp hạng khả năng kháng bụi. Chữ cái Y thể hiện mức độ ngăn ngừa chất lỏng xâm nhập, được xếp trên thang đo từ 0 đến 8, trong đó số 0 là hoàn toàn không có khả năng ngăn ngừa và số 8 là có thể ngâm trong nước, thường là ở độ sâu lên đến 3 mét trong thời gian tối thiểu 30 phút. Về mặt kỹ thuật, có 9 cấp độ kháng chất lỏng, nhưng cấp độ thứ 9 không được dùng trong các thiết bị điện tử tiêu dùng. Không có cấp độ “X” dành cho phần kháng chất lỏng nên bạn sẽ chẳng bao giờ bắt gặp một chuẩn kháng IP được viết là IP2X chẳng hạn – thay vào đó, nó sẽ được viết là IP20 nếu không có khả năng kháng chất lỏng. Đừng lo, bên dưới bài viết sẽ có bảng thống kế tất cả các thông tin về những chuẩn IP thường gặp nhất để bạn tra cứu.
Samsung Galaxy Buds (Ảnh: Dan Baker/Digital Trends) Với chuẩn IPX2, thiết bị của bạn có thể chịu được một lượng nhỏ nước nhỏ giọt mà không bị hư hại. Vì hầu như chẳng ai lại để đồ điện tử bên dưới ống nước bị rò rỉ, nên chuẩn này cũng có thể hiểu là “kháng mồ hồi ở mức trung bình”. Khi trang Digital Trends thử nghiệm tai nghe không dây Samsung Galaxy Buds có chuẩn IPX2 – các biên tập viên cho biết sản phẩm này vẫn hoạt động tốt sau bài chạy 10km của người thử nghiệm với rất nhiều mồ hôi. Bạn không nên rửa những sản phẩm có chuẩn IPX2 dưới vòi nước chảy, tốt nhất là làm sạch chúng bằng khăn ướt.
Bose Sport Open (Ảnh: Bose) IPX4 thường được mô tả là có khả năng kháng nước bắn. Bạn cần nhớ rằng đây không phải là chuẩn chống nước – bạn không nên nhúng các sản phẩm có chuẩn IPX4 vào trong nước. Tuy nhiên, chuẩn này rất phù hợp cho các các hoạt động thể dục, thể thao nặng, thậm chí là trong bài chạy đường dài dưới thời tiết cực đoan. Hầu hết các dòng tai nghe, kể cả không dây và có dây, hướng đến đối tượng sử dụng là người chơi thể thao hay thường xuyên vận động đều được trang bị chuẩn IPX4. Và người dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi thường xuyên sử dụng chúng trong những hoạt động này. Và lưu ý một lần nữa, đừng ngâm thiết bị có chuẩn IPX4 trong nước.
Tile Sticker Bluetooth tracker IPX6 được cho là có khả năng kháng tia nước mạnh, có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể mang những thiết bị có chuẩn IPX6 đi tắm mà không lo sợ bị hư hỏng, nhưng bạn cũng đừng nên làm vậy quá thường xuyên. Thật ra, bạn đừng nên để chúng trực tiếp dưới vòi nước, không mang theo khi bơi, hay đừng hy vọng quá nhiều nếu nó vô tình rơi xuống toilet.
iPhone 13 (Ảnh: Dan Baker/Digital Trends) Nếu bạn là người vụng về hay làm rơi điện thoại, máy ảnh hay đồng hồ xuống nước, dù là trong nhà hay ngoài trời, đừng chọn sản phẩm có chuẩn kháng nước thấp hơn IPX7. Chuẩn này sẽ giúp bạn bảo vệ thiết bị khỏi những tình huống oái oăm này với độ sâu 1m và trong thời gian lên đến 30 phút. Chuẩn IPX8 còn cho khả năng kháng nước trong thời gian tương tự với độ sâu lớn hơn (con số chính xác theo thông số của nhà sản xuất). Các dòng loa Bluetooths dành cho hoạt động gần nước thường có chuẩn kháng nước tối thiểu là IPX7, ví dụ như chiếc loa JBL Flip 6, cho nên bạn hoàn toàn có thể mang chúng đặt cạnh hồ bơi mà không cần băn khoăn. Nhiều dòng máy đọc sách cũng được trang bị chuẩn kháng nước IPX7 và IPX8. Các dòng iPhone 13 và Samsung Galaxa S21 đều được trang bị chuẩn IP68, có nghĩa là hoàn toàn kháng bụi và có thể kháng nước trong một khoảng thời gian tương đối dài. Những sản phẩm này có thể rửa dưới vòi nước chảy nhẹ, tuy nhiên người dùng cần lưu ý hướng dẫn cụ thể của nhà sản xuất.
Với thiết bị sử dụng cho bộ môn lặn, bạn nên tìm kiếm các sản phẩm được phân loại theo chuẩn ISO 6425 dành cho đồng hồ lặn. Những sản phẩm này được kiểm nghiệm đơn lẻ và phải đảm bảo hoạt động tốt ở độ sâu thấp hơn 25% so với độ sâu công bố của nhà sản xuất. Các dòng đồng hồ được chứng nhận theo chuẩn ISO 6425 thường được nhà sản xuất cam kết có thể hoạt động ở độ sâu khuyến cáo trong thời gian dài và có thể sử dụng nhiều lần, cũng như có khả năng chống chịu tác động gây ra do sự tăng, giảm áp suất theo độ sâu.
Sự khác biệt giữa kháng bụi và chống bụi thật ra vẫn khá là mơ hồ. Có thể hiểu căn bản rằng chống bụi có mức độ đánh giá khắt khe hơn liên quan đến bụi, luồng khí, thời gian tiếp xúc dài và khoá chân không.
Hoàn toàn sai. Khái niệm chống nước nó mang tính ý niệm nhiều hơn là một tiêu chuẩn. Một sản phẩm chống nước thật sự là sản phẩm không bị nước thâm nhập vào bên trong dưới bất kỳ điều kiện nào. Vì một sản phẩm như thế hiếm khi xuất hiện nên chúng ta chủ yếu bàn về khả năng kháng nước. IPX7/8 được xem là chuẩn an toàn cho thiết bị nếu bị ngâm hoặc rơi xuống nước trong thời gian ngắn – hoàn toàn không có nghĩa là bạn có thể sử dụng chúng liên tục ở dưới nước. Trên thực tế, kể cả khi bạn thấy những thiết bị (thường là đồng hồ) có ký hiệu kháng nước (WR), ví dụ như 30M chẳng hạn, thì nó cũng không đảm bảo rằng thiết bị có thể tồn tại trong môi trường dưới nước. Trừ khi có quy định riêng, những sản phẩm này không được kiểm tra riêng lẻ. Khi nghiên cứu một sản phẩm mới, chỉ cần một sản phẩm mẫu vượt qua được bài kiểm tra là tất cả các sản phẩm cùng thiết kế đều được đóng dấu WR.