thumbnail - Không dễ để Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào “sở hữu” và bá chủ Mặt trăng
Trần Tiến
Hà Nội

Không dễ để Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào “sở hữu” và bá chủ Mặt trăng

Rất khó để bất kỳ một quốc gia nào, trong đó có Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên vệ tinh của Trái Đất, đó là Mặt trăng.

Không dễ để Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào “sở hữu” và bá chủ Mặt trăng 

Giám đốc NASA Bill Nelson mới đây đã bày tỏ lo ngại về mục tiêu của Trung Quốc trong không gian, đó là tuyên bố quyền sở hữu Mặt trăng và ngăn các quốc gia khác khám phá nó. Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo của Đức, Nelson cảnh báo: “Chúng tôi rất lo ngại rằng Trung Quốc sẽ hạ cánh trên Mặt trăng và nói từ bây giờ đây là đất của họ và mọi người phải tránh xa nó”.

Động thái trên diễn ra vào thời điểm cả hai quốc gia đang tích cực thực hiện các sứ mệnh lên Mặt trăng và Trung Quốc không hề e ngại về tham vọng của mình đối với vệ tinh của Trái Đất.

Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ trên mặt tối của Mặt trăng. Cùng năm đó, Trung Quốc và Nga đã công bố kế hoạch chung đến Cực Nam của Mặt trăng vào năm 2026. Một số quan chức Trung Quốc thậm chí còn bày tỏ ý định xây dựng một Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế thường trực, có phi hành đoàn vào năm 2027.

Nhưng thực tế không như nhiều người nghĩ. Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào muốn thiết lập một căn cứ trên Mặt trăng và thực sự “tiếp quản” Mặt trăng đều cần phải tuân thủ luật pháp. Hai học giả chuyên nghiên cứu về an ninh không gian và chương trình không gian của Trung Quốc cho rằng, cả Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác đều không có quyền tiếp quản Mặt trăng trong tương lai gần.

Cụ thể hai học giả là Svetla Ben-Itzhak, trợ lý Giáo sư Không gian và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Hàng không và R. Lincoln Hines, trợ lý Giáo sư tại Đại học Hàng không Mỹ.

Điều đó không chỉ bất hợp pháp mà còn gây khó khăn về mặt công nghệ, chi phí đắt đỏ trong khi lợi ích thu về chưa thể chắc chắn.

Luật không gian quốc tế không cho phép Trung Quốc ngang ngược

Về mặt pháp lý, Trung Quốc không thể tiếp quản Mặt trăng vì hành động đó đi ngược lại luật không gian quốc tế hiện hành.

Hiệp ước Không gian bên ngoài được thông qua vào năm 1967 và có hơn 134 quốc gia tham gia ký kết, bao gồm cả Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rằng: “Không gian bên ngoài, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác sẽ không bị bất kỳ quốc gia nào chiếm đóng, đòi yêu sách chủ quyền bằng bất cứ cách nào”.

Các học giả pháp lý đã tranh luận về ý nghĩa chính xác của từ “chiếm đoạt” nhưng hiểu theo nghĩa đen, hiệp ước chỉ ra rằng không quốc gia nào có thể chiếm hữu Mặt trăng và tuyên bố chủ quyền với vệ tinh này. Nếu Trung Quốc cố gắng làm điều này, họ sẽ bị quốc tế lên án và trả đũa.

Mặc dù không quốc gia nào có thể yêu cầu quyền sở hữu Mặt trăng nhưng Điều I của Hiệp ước Không gian bên ngoài cho phép bất kỳ quốc gia nào khám phá và sử dụng không gian cũng như các thiên thể bên ngoài. Trung Quốc không phải là du khách duy nhất đến điểm cực Nam của Mặt Trăng trong tương lai gần.

Không dễ để Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào “sở hữu” và bá chủ Mặt trăng 

Chương trình Artemis do Mỹ khởi xướng gồm một nhóm 20 quốc gia có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025, bao gồm việc thành lập một trạm nghiên cứu trên bề mặt Mặt trăng và một trạm vũ trụ hỗ trợ trên quỹ đạo được gọi là Gateway đã được lên kế hoạch ra mắt vào tháng 11/2024.

Ngay cả khi không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp đối với Mặt trăng có thể Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác sẽ cố gắng dần dần thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với các khu vực chiến lược quan trọng bằng chiêu bài “lát cắt xúc xích”.

Chiêu bài này liên quan đến việc xâm lấn theo từng bước nhỏ, sau đó gia tăng hoạt động để đạt được một thay đổi lớn. Các bước đi riêng lẻ có thể không đem lại tác động lớn nhưng quá trình tích lũy có thể làm tăng thêm đáng kể khả năng kiểm soát của Trung Quốc. Đây cũng là chiêu bài đã được Trung Quốc sử dụng để lấn chiếm và xâm lược ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Kiểm soát Mặt trăng không hề đơn giản

Với diện tích bề mặt gần 39 triệu km vuông, tức gần gấp năm lần diện tích của nước Úc, bất kỳ sự kiểm soát nào đối với Mặt trăng sẽ chỉ là tạm thời và mang tính bản địa hóa.

Hợp lý hơn, Trung Quốc có thể cố gắng đảm bảo quyền kiểm soát các khu vực cụ thể, có giá trị chiến lược, chẳng hạn như miệng núi lửa trên Mặt trăng, nơi có nồng độ băng nước cao hơn. Băng trên Mặt trăng rất quan trọng vì nó sẽ cung cấp nước cho con người mà không cần vận chuyển từ Trái đất.

Nước đá cũng đóng vai trò là nguồn cung cấp oxy và hydro quan trọng, đồng thời được sử dụng làm nhiên liệu cho tên lửa. Nói tóm lại, nước đá rất cần thiết để đảm bảo tính bền vững lâu dài và khả năng sống sót của bất kỳ sứ mệnh nào lên Mặt trăng hoặc xa hơn.

Để đảm bảo thực thi quyền kiểm soát các khu vực chiến lược sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư tài chính lớn và các nỗ lực lâu dài. Tất nhiên không quốc gia nào có thể làm được điều này mà công luận quốc tế không nhận ra cả.

Trung Quốc có đủ nguồn lực và khả năng không?

Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào không gian. Năm 2021, nước này dẫn đầu về số lần phóng lên quỹ đạo với tổng số 55 lần so với 51 lần của Mỹ. Trung Quốc cũng nằm trong top 3 quốc gia phóng tàu vũ trụ trong năm 2021.

Công ty vũ trụ StarNet thuộc sở hữu của Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một tổ hợp gồm 12.992 vệ tinh và nước này đã gần hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung.

Đi lên Mặt trăng đã tốn kém thì việc "tiếp quản" Mặt trăng sẽ còn tốn nhiều hơn thế. Ngân sách không gian của Trung Quốc ước tính khoảng 13 tỷ USD vào năm 2020. Con số này chỉ bằng khoảng một nửa so với ngân sách của NASA. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng ngân sách không gian vào năm 2020. Nếu như Mỹ tăng 5,6% thì Trung Quốc tăng tới 17,1% so với năm trước.

Không dễ để Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào “sở hữu” và bá chủ Mặt trăng 

Nhưng ngay cả khi chi tiêu tăng lên, Trung Quốc sẽ không bỏ số tiền quá lớn để thực hiện sứ mệnh tốn kém, táo bạo và không chắc chắn là “tiếp quản” được Mặt trăng.

Nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát một phần nào đó của Mặt trăng, đó sẽ là một hành động mạo hiểm, tốn kém và cực kỳ khiêu khích. Trung Quốc sẽ có nguy cơ làm hoen ố hình ảnh quốc tế của mình vì vi phạm luật pháp quốc tế và có khi còn bị trả đũa.

Tổng hợp tất cả những yếu tố bất lợi trên càng khiến nhiều người tin rằng, Trung Quốc không dại độc chiếm toàn bộ Mặt trăng tại thời điểm này và trong tương lai gần.

Nguồn: Theconversation

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác