Đa dạng sinh học không những cung cấp trực tiếp những phúc lợi cho xã hội như: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng, năng lượng, mà còn có giá trị đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong ứng dụng thực tiễn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, y tế, du lịch… nó còn là một cấu thành quan trọng trong chiến lược bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo.
Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất. Mặt khác sinh vật và hệ sinh thái là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, công cụ, nhiên liệu… Do vậy khi hệ sinh thái bị suy thoái sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực làm cho con người phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo, suy giảm nguồn gen và đặc biệt là biến đổi khí hậu dẫn đến hàng loạt các thảm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống của con người.
Tình hình hiện nay cho thấy việc khôi phục bảo vệ các hệ sinh thái, nguồn tài nguyên rừng, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài quý hiếm là một việc làm cấp bách.
Các biện pháp gồm:
- Ngăn chặn chặt phá rừng, đánh bắt hải sản bằng cách nổ mìn, kích điện.
- Hạn chế khai thác bừa bãi các loài thực vật quý hiếm.
- Xây dựng các vườn thực vật, vườn quốc gia, khu bảo tồn…
- Cấm buôn bán, xuất khẩu các loài thực vật, động vật quý hiếm.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về đa dạng sinh học và bảo vệ sự đa dạng sinh học.