thumbnail - Mạng internet toàn cầu sốc về video gắp ký sinh trùng khổng lồ ra khỏi con ong vò vẽ
Giáp Lê
Hà Nội

Mạng internet toàn cầu sốc về video gắp ký sinh trùng khổng lồ ra khỏi con ong vò vẽ

Gần đây, đoạn video Youtube ghi lại cảnh gắp một loài ký sinh trùng khổng lồ ra khỏi cơ thể một ong vò vẽ đã khiến nhiều người xem không khỏi rùng mình.

Đoạn video ban đầu được đăng tải trên Youtube đã thu hút hơn 10,3 triệu lượt xem. Sau đó, nó nhanh chóng được chia sẻ lại trên Reddit, thu hút hơn 60,000 upvote.

Trong video, bác sĩ Kurosyamo cũng là người quay video đã giữ con ong vò vẽ giữa các ngón tay của ông, sau đó dùng nhíp để gắp ký sinh trùng ra. 

Được biết, loài ký sinh trùng này thuộc bộ Strepsiptera (hay còn được gọi là ký sinh trùng cánh xoắn). Chúng được mô tả là thích sống tự do và thường di dộng nhiều, ký sinh bằng cách xâm nhập trực tiếp vào cơ thể vật chủ mà không cần qua phương tiện trung gian. Đầu tiên, ấu trùng Strepsiptera đục một lỗ qua lớp vỏ ngoài của vật chủ, sau đó nó chui vào trong và bắt đầu thỏa sức xâm lược, còn cái lỗ khoét bên ngoài đã nhanh chóng được cơ chế phục hồi của vật chủ lấp lại. 

Hầu hết Strepsiptera đều ưa thích “ăn bám” vào các loại côn trùng như loài ong, châu chấu, hay rầy lá.

Vào năm 2015, Wired báo cáo có hơn 600 loài Strepsiptera chia thành 9 họ. Strepsiptera đực và cái khác nhau rất nhiều. Trong khi con đực có cánh, râu, hàm dưới và mắt to, con cái giống như "một túi trứng" không có mắt, râu hay miệng và chỉ sống ký sinh.

Ban đầu, ấu trùng cái chỉ dài hơn 0,1 mm, nhưng dần dần nó to ra và lấp đầy cơ thể vật chủ. Con cái dành toàn bộ cuộc đời của nó trong cái bao vật chủ ấm áp và đẻ ra những lứa ấu trùng mới. Nhiệm vụ của con đực là bay xung quanh những con ong bị ký sinh, sau đó tìm cách giao phối với phần cơ thể của con cái nhô ra khỏi bụng vật chủ. 

Nếu có danh hiệu "người mẹ hy sinh nhất năm" trong thế giới động vật, chắc chắn Strepsiptera cái là một đối thủ nặng ký. Vì cơ thể con mẹ giống như một túi trứng nên khi ấu trùng con lớn lên, chúng sẽ bắt đầu ăn thịt mẹ mình từ trong ra ngoài, sau khi đạt đến kích thước tiêu chuẩn, chúng đục lỗ trên cơ thể vật chủ còn sống và chui ra ngoài.

Mạng internet toàn cầu sốc về video gắp ký sinh trùng khổng lồ ra khỏi con ong vò vẽ 

Một con đực Strepsiptera đang giao phối với con cái nhô ra từ cơ thể con ong.

“Không giống như các loài ký sinh khác, Strepsiptera không hứng thú với việc giữ cho vật chủ của chúng sống thật lâu. Chúng sử dụng vật chủ, lạm dụng nó và cuối cùng đục thủng cơ thể con vật tội nghiệp để chui ra ngoài. Hậu quả là để lại trên cơ thể vật chủ những vết thương không bao giờ khép miệng được, đây cũng là nguyên nhân khiến vật chủ chết sau đó không lâu”, trích bài viết của Wired.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trên Nature vào tháng 3/2021 phát hiện loài ký sinh trùng này có thể kéo dài tuổi thọ của ong bắp cày thợ để giúp chúng có cơ hội phát tán.

“Những con ong bắp cày giấy bị nhiễm ký sinh trùng Strepsipteran Xenos vesparum tránh tất cả nhiệm vụ cộng đồng, chúng tập trung trên các cánh đồng nơi xảy ra hoạt động phát tán và giao phối giữa các ký sinh trùng, sau đó ngủ đông và lây nhiễm cho thế hệ ong bắp cày giấy tiếp theo”, tác giả nghiên cứu cho biết.

Sau khi đo lường một loạt các đặc điểm của vật chủ và ký sinh trùng, các nhà nghiên cứu nói thêm rằng những con ong thợ bị lây nhiễm qua mùa đông có xu hướng to hơn những con bị ký sinh và đã chết vào mùa hè. Đây là bằng chứng củng cố giả thuyết ký sinh trùng cánh xoắn đã để vật chủ tiếp tục sống đến mùa xuân để có cơ hội lây lan cho những thế hệ ong tiếp theo. 

Người chủ kênh nói rằng: “Vì ong vò vẽ là loài côn trùng vô hại nên khi phát hiện có ký sinh trùng trong cơ thể nó, tôi chỉ muốn giúp nó cảm thấy dễ chịu hơn”. Ngoài màn giải cứu “rợn gai óc”, nhiều người xem cũng bày tỏ sự thán phục với khả năng điều chỉnh lực bàn tay của bác sĩ, vừa đủ để giữ con ong không di chuyển vừa không làm đau nó.

Nguồn: Newsweek

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác