Mua sắm trực tuyến khiến Trái Đất ngập trong rác quần áo!

M
Minh Bảo
Phản hồi: 0
Quần áo cũ của bạn có thể đi thẳng từ nhà bạn ra bãi rác, hoặc chúng cũng có thể đi vòng quanh Trái Đất để rồi bị thiêu rụi ở đâu đó. Vì sao ư?
Mua sắm trực tuyến khiến Trái Đất ngập trong rác quần áo!
Các chuyên gia cho biết điều cần làm để hạn chế tác hại của quần áo cũ là cắt giảm mua đồ mới (Ảnh: Getty Images)
Vài năm trước, tôi từng đi ******** nguyện viên tại trung tâm Saint Vincent de Paul. Công việc của tôi là phân loại núi quần áo được cho làm từ thiện, tìm những chiếc áo choàng, áo khoác và những thứ quý giá khác có thể giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều có thể mang đi trao tặng. Và những món đồ đó, như một chiếc áo thun đầy vết bẩn, hay một chiếc quần rách tả tơi, sẽ bị ném vào thùng rác.
Rất nhiều quần áo cũ đang bị vứt ra bãi rác. Chúng ta mua sắm thời trang “ăn liền” ngày càng nhiều, vòng đời của phong cách thời trang này xuất hiện và biến mất rất nhanh. Ngay cả khi doanh số bán hàng của ngành thời trang nói chung giảm mạnh trong mùa dịch, doanh số của ngành thời trang trên nền tảng thương mại điện tử vẫn tăng trưởng ổn định. Để mua được đồ mới thì chúng ta phải dọn dẹp đống đồ cũ, và giai đoạn giãn cách xã hội quả là khoảng thời gian lý tưởng để chúng ta dọn dẹp lại tủ đồ của mình. Nhiều người đã bán lại, hoặc đem cho những bộ quần áo mà họ không còn sử dụng.
Với những ai mang quần áo đi làm từ thiện, chắc hẳn họ đều hy vọng rằng chúng sẽ có thể giúp cuộc sống của ai đó đỡ khó khăn phần nào. Tuy vậy, vẫn có khả năng chúng sẽ được tái chế thành vụn vải công nghiệp, đệm, thảm hoặc miếng nhấc nồi cách nhiệt. Đôi lúc, chúng còn được chuyển đến các nước như Ghana, Uganda, Malaysia… và được các tay buôn chọn lựa để bán lại. Theo Rest of World, một số hàng đổi trả từ các trang thương mại điện tử cũng bị chuyển ra nước ngoài. Do vậy, thỉnh thoảng sẽ có một số nhà bán hàng ở nước ngoài bán những sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng tại Mỹ thông qua các trang như Etsy hay eBay.
Mua sắm trực tuyến khiến Trái Đất ngập trong rác quần áo!
Thương mại điện tử được thúc đẩy nhờ vòng lặp này. Theo Digital Commerce 360, trong năm 2021, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần một nửa tổng số đơn hàng may mặc. Cũng trong năm 2021, số đơn hàng may mặc từ các kênh thương mại điện tử tăng 25%, ước tính đạt 181 tỷ USD.
Khi mua hàng qua mạng, khách hàng có xu hướng mua nhiều quần áo hơn dự định của họ. Năm 2021, hơn một nửa số khách hàng được hỏi trả lời công ty CSKH thương mại điện tử Narvar rằng họ đặt mua cùng một sản phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau và sẽ trả lại những cái không vừa. Một số công ty thậm chí còn cho khách hàng giữ luôn những bộ quần áo không vừa, và góp phần vào số quần áo dư thừa trong tủ đồ.
Neil Saunders, chuyên gia phân tích lĩnh vực bán lẻ tại GlobalData cho biết dù khó để định lượng nhưng thương mại điện tử dường như thúc đẩy khách hàng mua sắm quần áo nhiều hơn. Mua hàng qua mạng giúp khách hàng tiếp cận được nhiều thương hiệu thời trang hơn so với cửa hàng truyền thống, bên cạnh đó họ còn có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi, Saunders cho biết.
“Khi việc chọn lựa càng thuận lợi, thì càng thúc đẩy mua sắm”, Saunders nói về ngành may mặc.
Dưới đây là bốn kết cục thường gặp của số quần áo bạn bỏ đi.

Tái chế… nhưng chưa chắc đã thành quần áo mới​

Đống quần áo cũ của bạn có thể bị biến thành vải vụn. Theo Hiệp hội Vật liệu thứ cấp và Vải tái chế (SMART), các công ty tái chế thu mua quần áo cũ và biến chúng thành vải vụn để sử dụng trong một số bộ phận của xe ô tô, như nhồi bên trong đồ nội thất hoặc dùng để cách âm cho xe. Các công ty tái chế vải lấy nguyên liệu đầu vào trực tiếp từ các thùng thu gom quần áo cũ, hoặc là mua lại từ các tổ chức từ thiện.
Jackie King, người đứng đầu SMART, cho biết đây có thể không phải là cái kết mong muốn của những người đã mang đồ đi từ thiện.
“Nhiều người nghĩ rằng quần áo cũ cứ thế quay trở lại trên kệ hàng”, cô nói. “Nhưng không phải lúc nào cũng vậy”.
Tuy vậy, King nhấn mạnh rằng việc tái chế sợi vải cũng có mặt tốt. Nguồn tài nguyên tiêu hao ít hơn do cần ít sợi dệt mới hơn để sản xuất những sản phẩm đó. Sợi tái chế cũng giúp đống quần áo bỏ đi không bị đốt bỏ hoặc thải ra môi trường, đồng thời trở thành nguồn tiền mặt hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức từ thiện đã bán số quần áo cũ đó.
Hiếm khi quần áo cũ được tái chế thành quần áo mới. Lý do là vì hầu hết sản phẩm may mặc ngày nay được làm từ hỗn hợp các sợi dệt tự nhiên và tổng hợp, do đó khó có thể phân tách chúng để tạo ra một tấm vải mới.

Bày bán tại các chợ trời​

Đến các khu chợ trời tại Accra, Ghana… chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp quần áo cũ được bày bán rất nhiều. Bạn cũng có thể bắt gặp những khu chợ tương tự ở các nước Châu Phi, hay ngay cả ở Việt Nam. Các đầu mối nhập quần áo cũ về theo kiện lớn và bán lại cho các cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng tiến hành phân loại chúng theo chất lượng và bán lại cho khách hàng.
Mua sắm trực tuyến khiến Trái Đất ngập trong rác quần áo!
Một khu chợ đồ cũ tại Tunisia. Các khu chợ này cung cấp việc làm nhưng cũng tạo ra lượng chất thải được các chuyên gia đánh giá là gây hại cho cộng đồng dân cư tại đây (Ảnh: Getty Images)
Tuy vậy, không phải ai ở các quốc gia nhập quần áo cũ cũng thích mua đồ ‘secondhand’, nhất là những thương hiệu thời trang nội địa. Nhóm bốn nước Đông Phi đã tìm cách cấm hoạt động nhập khẩu quần áo cũ để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất sợi nội địa. Tuy nhiên, hiện chỉ còn Rwanda thực thi lệnh cấm sau khi Mỹ đe doạ đánh thuế quần áo xuất khẩu của bốn quốc gia này.
Quần áo cũ cũng có thể trở thành một mối nguy hại. Theo nghiên cứu của OR Foundation, một nhóm hoạt động cho ngành thời trang ở Mỹ và Ghana, phát hiện quần áo cũ đang tràn ngập tại các bãi rác và gây ô nhiễm môi trường khi bị đốt cháy tại Accra.

Bãi rác​

Theo Cục Bảo vệ Môi trường, năm 2018, người Mỹ vứt bỏ 9 triệu tấn quần áo và giày dép. Thậm chí dù bạn có mang quần áo cho các tổ chức thiện nguyện, nó vẫn có khả năng đi thẳng ra bãi rác.
Hàng may mặc xuất khẩu ra nước ngoài cũng có nguy cơ cao bị loại thải. Mỗi một kiện hàng nhập về, người mua phải chịu rủi ro vì họ không thể kiểm tra sản phẩm trong đó. Nếu mua phải hàng kém chất lượng, khả năng cao là chúng sẽ bị chuyển đến bãi rác. OR Foundation ước tính có khoảng 40% hàng may mặc nhập khẩu trở thành rác thải. Theo Đài phát thanh Truyền hình Úc, năm 2019, những núi quần áo đã góp phần tạo ra các đám cháy lớn ở Accara và những tảng quần áo bện vào nhau thường trôi dạt đến bờ biển Ghana.
VNReview.vn

Mua sắm trực tuyến khiến Trái Đất ngập trong rác quần áo!
Ảnh chụp từ phim tài liệu "Environment Special" cho thấy đàn bò đang kiếm ăn trên núi quần áo bị vứt bỏ ở Accra, Ghana (Ảnh: KBS)
“Quần áo từ Bắc bán cầu được đem đi vứt bỏ ở Nam bán cầu là điều rất vô lý”, Liz Ricketts, người đứng đầu tổ chức OR Foundation, cho biết trong một bài viết về những nguy cơ từ việc chuyển quần áo cũ đến Ghana. “Thậm chí còn phi lý hơn nữa khi gọi đây là giải pháp hay xem nó là tái chế”.

Instagram và Etsy​

Tất nhiên, vẫn có những bộ quần áo còn tốt. Một số cửa hàng sẽ săn tìm những món đồ có chất lượng cao tại các khu chợ trời và bán lại chúng trên mạng xã hội.
Lia Akuoko, sống tại Accara, đăng những món đồ đã qua sử dụng mà cô tìm thấy từ chợ đồ si lên tài khoản Instagram @lias_prettyfinds của cô. Trong đó có những món độc đáo như một chiếc áo khoác in hoạ tiết da báo, một chiếc váy hai dây màu đỏ, chiếc quần jean dập hoạ tiết hình con bướm, hay những món được thiết kế bởi chính Akouko.
“Ai cũng thích một chiếc váy suôn đầy màu sắc”, Akouko chia sẻ về khách hàng của mình.
Ở Malaysia, một số cửa hàng nhập đồ từ Nhật Bản và đăng lại trên các trang bán hàng trực tuyến để nhắm đến đối tượng khách hàng ở Mỹ. Khi có đơn hàng, số quần áo đó lại tiếp tục có một chuyến đi vòng quanh Trái Đất. Tháng 2, tờ New York Times ghi nhận nhiều cửa hàng từ Malaysia đăng tải các sản phẩm của họ trên trang thương mại điện tử là Etsy và eBay. Ngoài ra, còn có một cửa hàng Malaysia chuyên bán các sản phẩm sang trọng nhập từ Nhật Bản trên trang Grailed, một chuyên trang bán quần áo nam tại Mỹ.

Làm gì với quần áo cũ?​

Giải pháp đầu tiên mà các nhà hoạt động đề xuất để hạn chế những nguy hại do quần áo cũ gây ra là giảm mua sắm quần áo mới. Ngoài ra, khi dọn dẹp tủ quần áo cũ, bạn cũng có những sự lựa chọn khác thay vì vứt bỏ chúng. Trong đó, tìm một người chủ mới cho chúng cũng là một ý tưởng không tồi.
Bạn có thể đăng bán quần áo cũ của mình trên các trang bán hàng như eBay, Chợ Tốt… hoặc các trang bán hàng dành cho cá nhân không chuyên. Bạn cũng có thể tìm kiếm các hội nhóm chuyên mua bán, trao đổi quần áo cũ trên mạng xã hội Facebook. Nếu bạn tự tin về khả năng sáng tạo và độ khéo tay của mình, bạn cũng có thể tự ‘chế’ lại những bộ quần áo cũ của mình.
Nếu quần áo của bạn đã quá cũ, không thể tái sử dụng, tốt nhất là bạn nên chọn giải pháp tái chế. Cách nhanh nhất là chuyển chúng đến các cơ sở từ thiện hoặc thùng thu gom quần áo cũ. Tuy nhiên, những cách này không thể đảm bảo 100% rằng chúng sẽ được tái chế thay vì bị vứt bỏ ở một bãi rác nào đó cách bạn nửa vòng Trái Đất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt gặp các thương hiệu thời trang sử dụng các loại vải thân thiện với môi trường. Trong đó, phổ biến là vải viscose rayon có giá thành rẻ và bền hơn lụa, và được quảng cáo trong ngành thời trang là loại vật liệu bền vững với khả năng phân huỷ sinh học. Tuy nhiên, loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Theo CNET
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top