Nếu Bàng Thống chỉ huy nhà Thục Bắc phạt đánh Ngụy, liệu có chiến thắng được Tư Mã Ý?

Trung Đào
Trung Đào
Phản hồi: 0

Trung Đào

Writer
Trong Tam Quốc, so với Tào Tháo, Tôn Quyền, quá trình gây dựng cơ nghiệp của Lưu Bị là khó khăn nhất. Mặc dù tự xưng là dòng dõi của hoàng tộc nhà Hán, nhưng gia cảnh lại khó khăn, cha mất sớm, Lưu Bị phải cùng mẹ vất vả bện giày cỏ, chiếu cỏ để kiếm sống. Tuy nhiên, Lưu Bị luôn ấp ủ hoài bão lớn sẽ xây dựng cơ nghiệp, phục hưng Hán thất.
Để hiện thực hóa được tham vọng này, nhân tài là yếu tố đặc biệt quan trọng. Bên cạnh các vị tướng dũng mãnh như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… , trong quá trình xây dựng sự nghiệp, Lưu Bị may mắn có được hai mưu sĩ, quân sư kỳ tài là Gia Cát Lượng với biệt hiệu "Ngọa Long", Bàng Thống với biệt hiệu là "Phượng Sồ".
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, danh sĩ Tư Mã Huy, hay được gọi là Thủy Kính tiên sinh, từng nói một câu với Lưu Bị rằng: "Ngọa Long Phượng Sồ, được một trong hai có thể an định thiên hạ".
Câu nói này cho thấy tài năng hiếm có của Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Hai người này chắc chắn là hai cánh tay đắc lực cho Lưu Bị trong hành trình gây dựng cơ nghiệp.
Thế nhưng, đáng tiếc trong quá trình chiếm đánh Ích Châu, Bàng Thống không may trúng tên độc mà qua đời.
Nếu Bàng Thống chỉ huy nhà Thục Bắc phạt đánh Ngụy, liệu có chiến thắng được Tư Mã Ý?
Bàng Thống ra đi đầy tiếc nuối khi còn quá trẻ.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Bàng Thống không may lọt vào trận mai phục của Trương Nhiệm (thuộc hạ của Thái thú Ích Châu Lưu Chương) nên tử trận ở dưới chân gò Lạc Phượng (năm 214). Lúc bấy giờ Bàng Thống chỉ mới 36 tuổi.
Sau khi chiếm được Ích Châu, Lưu bị nhớ tới công lao của Bàng Thống nên đã truy tặng cho ông làm Quan nội hầu, đặt tên thụy là Tĩnh hầu.
Trong khi đó, Gia Cát Lượng được coi là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất thời Tam Quốc. Ông có tài năng ở rất nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quân sư, phong thủy, phát minh…
Về năng lực trị quốc, trong Tam Quốc chí, sử gia Trần Thọ từng ca ngợi và so sánh Gia Cát Lượng với Quản Trọng (chính trị gia, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Xuân Thu) và Tiêu Hà, vị thừa tướng từng có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang gây dựng sự nghiệp trong thời Hán Sở tranh hùng.
Về tài năng quân sự, trong Tam Quốc diễn nghĩa, tác giả La Quán Trung mô tả Gia Cát Lượng là vị thừa tướng cái tài dùng binh "xuất quỷ nhập thần", đoán mưu lập kế, có thể bấm quẻ đoán được trước tương lai, trên thông thiên văn dưới tường địa lý…
Đặc biệt, Gia Cát Lượng nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Đáng tiếc, Gia Cát Lượng lâm bệnh qua đời tại gò Ngũ Trượng vào năm 234 trong khi chiến dịch Bắc phạt vẫn còn dang dở.
Vậy, giả sử nếu Gia Cát Lượng không may tử trận ở gò Lạc Phượng, Bàng Thống chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch Bắc phạt, liệu vị mưu sĩ tài năng này có thể đánh bại Tư Mã Ý?

Nếu Bàng Thống thay Gia Cát Lượng bắc phạt, kết cục thế nào?​

Nếu Bàng Thống chỉ huy nhà Thục Bắc phạt đánh Ngụy, liệu có chiến thắng được Tư Mã Ý?
Giả sử Bàng Thống thay Gia Cát Lượng chỉ huy Bắc phạt, có lẽ kết quả có sự thay đổi.
Nếu Bàng Thống không chết ở gò Lạc Phượng, vị mưu sĩ này chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục phò tá cho Lưu Bị. Cục diện trong Tam Quốc vì thế có lẽ cũng có sự thay đổi. Tài năng của ông là điều không cần phải bàn cãi, do đó việc thực hiện Bắc phạt cũng có thay đổi.
Qua những lần Bàng Thống hiến kế cho Lưu Bị, có thể thấy rằng vị mưu sĩ này là người luôn biết cách nắm bắt chính xác tình hình thời cục. Chiến thuật của ông đưa ra tuy đơn giản nhưng lại thực dụng và đạt được những thành quả ngoài dự kiến.
Hơn nữa, Bàng Thống cũng thường có các đối sách để ứng phó với các biến cố bất ngờ có thể xảy ra. Về điểm này, Bàng Thống quả thực hơn hẳn Gia Cát Lượng. Do đó, nếu là người dẫn quân đi Bắc phạt, trực tiếp đối đầu với Tư Mã Ý, có lẽ Bàng Thống sẽ giúp Thục Hán đạt được một số thắng lợi nhất thời.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bàng Thống không thể giành được chiến thắng cuối cùng và không thể thay thế được vai trò của thừa tướng Gia Cát Lượng trong chiến dịch này.
Nếu Bàng Thống chỉ huy nhà Thục Bắc phạt đánh Ngụy, liệu có chiến thắng được Tư Mã Ý?
Gia Cát Lượng là người tài đức song toàn, hết lòng vì nhà Thục Hán.
Gia Cát Lượng dù thực hiện đến 5 lần Bắc phạt nhưng ông vẫn đồng thời phát triển nông nghiệp của Thục Hán và chú trọng huấn luyện binh lính. Với điều kiện này, ông hoàn toàn có thể thực hiện thêm một số lần Bắc phạt nữa.
Bàng Thống không thể thay thế Gia Cát Lượng trong chiến dịch Bắc phạt bởi 3 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, Gia Cát Lượng nổi tiếng là người cẩn trọng, suy tính sâu xa, nhưng Bàng Thống thì khác. Ngay từ việc hiến kế cho Lưu Bị chiếm Ích Châu, có thể thấy được tính cách khác biệt của Bàng Thống. Vị mưu sĩ này rất nóng vội, có thể hy sinh tính mạng vì sự nghiệp. Tuy nhiên, trên chiến trường, với tư cách là người chỉ huy, tính cách chỉ quan tâm tới thắng lợi trước mắt thì rất nguy hiểm, đặc biệt là khi Bàng Thống phải đối mặt với một người ẩn nhẫn, nổi tiếng mưu lược thâm sâu như Tư Mã Ý.
Cả đời chịu dựng dưới trướng Tào gia, Tư Mã Ý ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ. Đến tuổi 70, vị chiến lược gia này moi thực hiện một cuộc lật đổ ngoạn mục, sử sách gọi là Sự biến lăng Cao Bình, từ đó chuyển giao quyền lực, tạo nền tảng vững chắc cho con cháu sau này lập nên nhà Tấn. Tính tình thận trọng như vậy nên nhiều lần đối mặt với các đợt tấn công của Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý chỉ ở thế phòng ngự, cố thủ, không hề có ý định mở chiến dịch phản công.
Nếu Bàng Thống chỉ huy nhà Thục Bắc phạt đánh Ngụy, liệu có chiến thắng được Tư Mã Ý?
Tư Mã Ý là người vừa túc trí đa mưu vừa ẩn nhẫn nên rất khó ứng phó.
Thứ hai, Tư Mã Ý có thể sống sót trước một người tính tình trầm ổn, túc trí đa mưu như Gia Cát Lượng, thì lẽ đương nhiên cũng không khó để ứng phó với người như Bàng Thống. Với tính cách của Bàng Thống, rất có thể vị mưu sĩ này sẽ tung toàn lực lượng để Bắc phạt, ép Tư Mã Ý phải xuất binh phản công.
Thế nhưng, vấn đề là Tào Ngụy vốn nổi tiếng là nước mạnh nhất trong Tam Quốc. Do đó, nếu Tư Mã Ý quyết định phản công thì chắc hẳn cũng đã chuẩn bị đầy đủ cho trận chiến. Bàng Thống có thể thắng về sách lược, nhưng về lực lượng thì sẽ thua. Hơn nữa, nhân tài của Thục Hán trong bối cảnh diễn ra Bắc phạt có rất ít, trong khi Tào Ngụy lại nhiều vô số.
Ngược lại, với tình cách cùng sự nhẫn nại của Gia Cát Lượng, cho dù trận chiến giữa hai bên không có đột phá lớn, nhưng cũng sẽ không chịu tổn thất nặng nề.
Thứ ba, Gia Cát Lượng không chỉ am hiểu chính trị, giỏi việc điều binh khiển tướng, ông còn có tài dùng người, giúp người đó thể hiện được tài năng và năng lực của mình. Trong khi đó, Bàng Thống là người kiêu ngạo. Ông khó có thể làm tốt như Gia Cát Lượng trong việc xử lý quan hệ giữa người với người, sự đoàn kết và tin tưởng của binh lính.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, QQ, 163
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top