Thời người dùng có thể tự sửa điện thoại đã đến rất gần rồi

Kyle Wiens, CEO của iFixit, dường như đang vui mừng vì sau nhiều năm trời đấu tranh cho quyền được tự sửa chữa, những công ty lớn như Google và Samsung đột nhiên đồng ý cung cấp linh kiện thay thế cho điện thoại của hãng. Không chỉ vậy, hai công ty này còn ký thoả thuận với Wiens để bán những linh kiện đó thông qua iFixit, kèm với đó là hướng dẫn và bộ dụng cụ sửa chữa.
Thời người dùng có thể tự sửa điện thoại đã đến rất gần rồi
Tuy nhiên, Wiens cho biết hiện anh vẫn chưa chính thức ký kết bất kỳ thỏa thuận nào. “Có nhiều công ty khác đang rục rịch”, anh cho biết, nhanh nhất là một vài tháng nữa. (Và không phải Apple đâu). Khoảng 4 năm trước, Motorola là hãng đầu tiên ký kết thoả thuận tương tự. Và nếu Apple thật sự có ý định bán linh kiện thay thế cho người dùng – như những gì hãng đã hứa hồi đầu năm nay – thì dường như thời kỳ người dùng có thể tự sửa chữa điện thoại đã đến rất gần rồi.
Tháng 10/2021, Mỹ đã chính thức hợp pháp hoá việc mở nhiều loại thiết bị phục vụ cho mục đích sửa chữa mà không bị vi phạm Đạo luật Bản quyền Kỹ thuật số Thiên niên kỷ (Digital Millennium Copyright Act). Và giờ thì các hãng công nghệ đã bắt đầu cung cấp linh kiện ra thị trường.
Điều gì đã thay đổi quyết định của các hãng công nghệ? Chẳng phải các công ty này đã phải “nhe nanh, giơ vuốt” để loại bỏ “quyền được sửa chữa”, và đôi lúc còn tìm cách ngăn chặn việc thông qua dự luật vào ngay phút chót sao? Đúng vậy. Nhưng bằng cách nào đó, một số dự luật đã được thông qua và trong số đó, một luật mới của Pháp chính là mũi giáo tiến công.
“Thứ đã làm thay đổi cuộc chơi này chính là thẻ điểm mức độ dễ sửa chữa của Pháp”, Wiens cho biết. Theo luật mới được Pháp thông qua năm 2021, các công ty công nghệ phải thể hiện khả năng sửa chữa của sản phẩm điện thoại theo thang điểm từ 0,0 đến 10,0 ngay bên cạnh bảng giá. Ngay cả Apple cũng buộc phải thêm thông tin này vào các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, Wiens cho biết bản thông cáo báo chí của Samsung mới là điều đáng quan tâm. Khi Samsung thực hiện nghiên cứu về thẻ điểm của Pháp có ý nghĩa như thế nào thì kết quả là nó không chỉ thể hiện tính tiện dụng của sản phẩm, mà 80% người được khảo sát cho biết họ sẵn sàng từ bỏ thương hiệu yêu thích của mình để chuyển sang sản phẩm có điểm số cao hơn.
Thời người dùng có thể tự sửa điện thoại đã đến rất gần rồi
“Đã có những nghiên cứu rộng hơn về thẻ điểm và nó có hiệu quả. Nó làm thay đổi hành vi, thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng”, Wiens cho biết.
Cây gậy đã trở thành củ cà rốt. Wiens cho rằng các công ty đã nhận thấy cơ hội này và liên lạc với iFixit để lập thoả thuận.
Nathan Proctor, giám đốc Chiến dịch cho Quyền được sửa chữa tại Nhóm Nghiên cứu Lợi ích Công cộng Mỹ (US PIRG), cho rằng cây gậy chủ yếu vẫn là để buộc các công ty phải có trách nhiệm. “Khó có thể khẳng định 100%... nhưng sẽ chẳng thể đạt được điều gì nếu không có sự ràng buộc về mặt pháp lý”.
“Những công ty này từ lâu đã nắm được vấn đề, nhưng trước khi chúng ta có đủ ảnh hưởng để bắt đầu một quá trình không thể tránh khỏi, thì không có một công ty lớn nào có một chương trình sửa chữa thật sự tốt, và giờ thì tất cả đều thông báo về chúng”, Proctor cho biết. Và anh cũng cho biết Hội đồng Châu Âu vừa thông qua yêu cầu Liên minh Châu Âu phải buộc các nhà sản xuất làm cho thiết bị của họ dễ sửa chữa hơn.
“Hiện nay, tôi nghĩ tâm lý người dùng cho rằng điện thoại sẽ có tuổi thọ lâu hơn và họ không thể can thiệp gì đang ngày một phát triển”, Wiens cho biết.
Proctors thừa nhận có thể Google còn có cả động cơ về mặt tài chính. “Google là một công ty khổng lồ, nhưng điện thoại Pixel của họ lại không chiếm thị phần lớn. Một phần của củ cà rốt là họ có thể làm được điều gì đó về vấn đề chống độc quyền trên một lĩnh vực mà họ không nắm vai trò thống trị”.
Vậy trong quá khứ các công ty dùng lý do gì để ngăn chặn việc thông qua quyền được sửa chữa? Do lo ngại về việc người tiêu dùng vô tình làm hỏng pin hoặc làm hư điện thoại của họ và buộc những công ty như Google hoặc Samsung phải xử lý nhiều cuộc gọi hỗ trợ hơn? Wiens cho rằng tất cả đều có phần thổi phồng vấn đề. Nhưng anh cho rằng cũng bởi những lý do đó mà các công ty đã chọn iFixit. Vì trên trang web của iFixit có cung cấp hướng dẫn và các bộ dụng cụ chuyên dùng để người dùng dễ dàng sửa chữa thiết bị của họ hơn.
Tuy vậy, Samsung và Google không nhất thiết phải nới lỏng toàn bộ. Wiens cho biết iFixit sẽ không bán bảng mạch hay bộ vi xử lý. Vì vậy nếu thiết bị của bạn bị hư hỏng những bộ phận này, bạn vẫn phải chuyển chúng cho trung tâm bảo hành của hãng để sửa chữa.
Quan trọng hơn, hầu hết các linh kiện phổ biến nhất thật sự nên được đưa vào kho dự trữ linh kiện của iFixit, như màn hình và pin. Và iFixit cam kết sẽ hỗ trợ các dòng điện thoại kể cả khi họ phải dự trữ số linh kiện “cuối cùng” sau khi nhà máy ngừng sản xuất chúng. Dù khó để dự báo sẽ cần dữ trữ bao nhiêu linh kiện, nhưng các nhà sản xuất sẽ hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu với iFixit, ví dụ như số lượng thiết bị họ đã bán ra chẳng hạn.
Wiens cho biết sau khi đạt được những thoả thuận, iFixit đã có sẵn hàng trăm nghìn linh kiện dự trữ trong kho và hiện đang tiếp tục mở rộng quy mô. Wiens không cho biết các công ty có trợ giá hay không và người dùng sẽ phải mua linh kiện với giá bao nhiêu, nhưng chắc chắn người dùng sẽ phải bỏ tiền để mua và mức giá sẽ không rẻ.
Dù bạn không nhất thiết phải sử dụng những linh kiện được hãng phê chuẩn cho mọi nhu cầu sửa chữa, nhưng sẽ có một số đặc quyền riêng như: bộ dụng cụ sửa chữa của iFixit sẽ đi kèm ron chống thấm cắt sẵn được Google và Samsung sử dụng để chống thấm cho thiết bị của hãng.
Thời người dùng có thể tự sửa điện thoại đã đến rất gần rồi
Cho dù các công ty này đang bị buộc vào thế hay đang chủ động đi trước thì kết quả đều như nhau: đã đến lúc các thiết bị cũ nhưng còn tốt vẫn có thể kéo dài tuổi thọ của chúng so với trước. Các chính trị gia, chính phủ, cơ quan quản lý, cổ đông và các nhóm vận động như US PIRG đang gây áp lực cho các công ty, nhưng cũng có thể xem đó là một cơ hội mới.
“Nếu thị trường bắt đầu thay đổi và khách hàng sử dụng thiết bị lâu hơn nhiều so với trước… kết quả là các công ty cũng phải thay đổi và họ sẽ tìm cách để có nhiều lợi nhuận hơn trong môi trường đó”, Proctor cho biết. Anh cho rằng việc điện thoại có tuổi thọ dài hơn có thể cũng là một cách để các hãng giữ chân người dùng.
Tuy vậy, có thể các công ty công nghệ, bằng nhiều cách, vẫn sẽ tiếp tục hạn chế quyền được sửa chữa, dù ở ngoài mặt thì ủng hộ. Có nhiều cách mà các hãng điện thoại có thể làm như bán linh kiện giá trên trời hoặc đưa ra hàng loạt cảnh báo đáng sợ kèm theo phụ kiện, và dường như Apple rất thích những cách này.
Và tất nhiên, các công ty công nghệ sẽ vẫn tiếp tục khuyến khích người dùng lên đời thiết bị, như chương trình thu cũ đổi mới hay Apple gần đây đang nghiên cứu triển khai dịch vụ cho thuê iPhone chẳng hạn.
Theo The Verge
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top