Những công nghệ từng một thời phổ biến, nay bạn chẳng còn thấy ở đâu (Phần 1)

N
Giáp Lê
Phản hồi: 0

nhhgiap

Pearl
Người ta hay nói thời gian rất tàn nhẫn, những nơi nó đi qua mọi thứ sẽ dần mất đi dáng vẻ ban đầu, sau đó nhanh chóng bị lãng quên nếu không được nhắc nhớ. Con người cũng vậy, đồ vật cũng vậy, không có gì là ngoại lệ. Hôm nay tôi sẽ dẫn bạn đi ngược lại quá khứ và cùng nhớ lại những món đồ công nghệ mà ai cũng một thời khao khát sở hữu, nhưng hiện tại chỉ là câu mở đầu cho cuộc nói chuyện của nhiều người ngoài 30, 40 tuổi, “Này bạn có nhớ…”.
Những công nghệ từng một thời phổ biến, nay bạn chẳng còn thấy ở đâu (Phần 1)

Đĩa mềm

Đồ công nghệ đầu tiên trong danh sách những thứ bị điện thoại thông minh thay thế chính là đĩa mềm. Trước khi thế giới tràn ngập USB, thẻ nhớ và sao lưu đám mây, đĩa mềm từng là phương tiện lưu trữ rất nổi tiếng. Đây là phát minh của IBM vào năm 1967, họ tạo ra để thay thế ổ cứng đắt đỏ. Mặc dù có nhiều phiên bản nhưng phổ biến nhất có lẽ là loại đĩa mềm 3,5’’.
Dung lượng lưu trữ hạn chế của loại này là một nỗi đau cho cả nhà phát triển và người dùng. Đĩa mềm 3,5” chỉ có giới hạn lưu trữ khoảng 1,44 MB, và vì hầu hết các phần mềm máy tính đều yêu cầu dung lượng lớn hơn 1,44 MB nên khi cài đặt chương trình nào đó, người dùng phải sử dụng nhiều đĩa mềm. Windows NT cần 22 đĩa, trong khi Microsoft Office 97 cần 55 đĩa. Dung lượng hạn chế là yếu tố khiến phát minh nổi tiếng một thời đi vào dĩ vãng.

Những công nghệ từng một thời phổ biến, nay bạn chẳng còn thấy ở đâu (Phần 1)

Băng cassette VHS

Rất khó để giới trẻ bây giờ có thể hình dung mức độ nổi tiếng của băng cassette VHS, nhất là trong thời đại người ta có thể dễ dàng xem phim trên các phương tiện trực tuyến. Mặc dù chất lượng âm thanh chẳng quá xịn xò cùng với độ phân giải thấp, nhưng trước khi có đĩa DVD, nó là cách duy nhất để tận hưởng rạp chiếu phim tại nhà.
Ngoài ra, băng cassette VHS còn là cách để ghi lại các chương trình TV không kịp xem, miễn là bạn đặt bộ đếm thời gian trên đầu VCR. Song, cũng giống như đĩa mềm, băng cassette hay VHS dần bị thay thế, đầu tiên là bởi DVD, sau này là Netflix.
Vào tháng 7/2016, Funai Electric Company, nhà sản xuất VCR duy nhất còn lại ở Nhật Bản, đã tạo ra đầu phát VCR cuối cùng, hạ màn cho một trong những sản phẩm công nghệ mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử.

Những công nghệ từng một thời phổ biến, nay bạn chẳng còn thấy ở đâu (Phần 1)

Betamax

Băng cassette video Betamax ra mắt vào năm 1975, khoảng một năm trước VHS. Mặc dù ra đời trước nhưng nó có chất lượng hình ảnh và kết cấu tốt hơn VHS. Vậy cuối cùng, VHS đã làm thế nào để đẩy lùi định dạng cạnh tranh với nó? Có hai lý do chính: chúng rẻ hơn, bền hơn và dễ mua hơn.
Băng Betamax được Sony phát triển và phát hành tại Nhật Bản vào năm 1975. Mặc dù có nhiều lợi thế hơn VHS về kỹ thuật, bao gồm độ phân giải và âm thanh tốt, nhưng nhờ là tiêu chuẩn mở, miễn phí bản quyền, một số nhà sản xuất đã chọn VHS và VCR, khiến Betamax trở thành lựa chọn đắt tiền hơn. Mặc dù VHS khó thay sửa, nhưng lại có một điểm mạnh là băng dài hơn: 2 giờ thay vì 1 giờ trên Betamax.
Mất vài năm để VHS hoàn toàn đè bẹp Betamax, chính xác là vào cuối năm 1980. Tuy nhiên, Sony vẫn tiếp tục sản xuất máy thu Betamax cho đến năm 2002, và dây chuyền này cuối cùng kết thúc quãng đường cống hiến vào năm 2016, cùng năm với VHS.

Những công nghệ từng một thời phổ biến, nay bạn chẳng còn thấy ở đâu (Phần 1)

Máy nhắn tin/ máy bíp

Máy nhắn tin là một trong số nhiều đồ công nghệ mà điện thoại di động đã gián tiếp bỏ vào mục "lỗi thời"... Chúng được phát triển vào những năm 50 và 60, trở nên phổ biến rộng rãi vào những năm 1980 và 1990. Nếu theo dõi các bộ phim lấy đề tài bệnh viện thời kỳ cũ sẽ thấy chúng rất phổ biến với các y bác sĩ. Họ dùng chúng để liên lạc.
Máy nhắn tin có thể nhận, hiển thị và một số loại có thể gửi lại.Tin nhắn thường là dạng văn bản hoặc dạng thoại qua sóng vô tuyến. Khi máy hoạt động, sẽ có tiếng kêu "bíp bíp" báo hiệu thông báo vang lên. Máy nhắn tin bắt đầu đi vào trang cuối lịch sử khi điện thoại di động có chức năng SMS phổ biến.
Dù nhà sản xuất đã xoay sở để bám trụ trong nhiều năm, nhưng cuối cùng vẫn phải đóng cửa vào tháng 10/2019, ngành dịch vụ y tế nước Anh loại bỏ chúng vào năm 2021. Tuy nhiên, tại Mỹ, chúng vẫn đang được sử dụng rộng rãi bởi vì tính bảo mật cuộc gọi.

Những công nghệ từng một thời phổ biến, nay bạn chẳng còn thấy ở đâu (Phần 1)

Băng cassette

Mặc dù hầu hết mọi người nhớ về băng cassette như một phương tiện ghi lại những bài hát yêu thích trên radio, nhưng nó còn được dùng để lưu trữ phần mềm trên máy tính như Apple II, ZX Spectrum và Commodore 64.
Giống như những người anh em VHS, các băng cassette nhỏ gọn sử dụng băng từ để lưu trữ nội dung, đây là công nghệ định hình những năm 1980. Chúng cũng là chất dẫn để Sony tạo nên một biểu tượng khác cùng thời đại: Sony Walkman, một máy nghe nhạc di động được xem như Ferrari thời đó.
Ai còn nhớ việc dùng bút chì để cuộn lại băng cassette bị bung ra, tranh thủ ghi lại vài bản nhạc trên chiếc đài cũ. Song, giống như thời gian không ngừng trôi qua, công nghệ cũng vậy, sự xuất hiện của CD với chất lượng âm thanh tốt vượt trội nhanh chóng vượt qua doanh số bán băng cassette trong những năm 1990.
Những chiếc băng này vẫn tồn tại thêm một thời gian trên đài ôtô cho đến khi CD di động chính thức thay thế nó. Ở Ấn Độ, vì giá cả cực rẻ, âm nhạc đã được phát hành chủ yếu trên băng cassette cho đến năm 2009.

Những công nghệ từng một thời phổ biến, nay bạn chẳng còn thấy ở đâu (Phần 1)

TV 3D

Nếu có một món đồ công nghệ được kỳ vọng sẽ là bước cách mạng tiếp theo nhưng hóa ra chỉ là thứ mốt đắt tiền, thì chúng ta phải gọi tên TV 3D. Mọi người đều muốn sở hữu những dòng TV nâng tầm trải nghiệm xem phim của họ. Vậy thì tại sao một chiếc TV được quảng cáo sẽ mang đến trải nghiệm như rạp chiếu phim 3D vốn đã tồn tại hơn 1 thập kỷ, lại thất bại?
Ban đầu khán giả cũng rất hào hứng với sản phẩm trên, đã có hơn 2 triệu TV 3D được bán trong năm 2010 và con số đó tăng lên hơn 45 triệu vào năm 2013. Các kênh truyền hình 3D chuyên dụng đã xuất hiện trên khắp thế giới và ngày càng nhiều nhà sản xuất tung ra mẫu TV này.
Nhưng doanh số bán TV 3D bắt đầu giảm mạnh ngay khi đạt đỉnh. Mặc dù trông rất hoành tráng tại nơi bán, nhưng khi ở nhà, có rất ít chương trình để xem bất chấp số lượng kênh đầu tư mảng này đã tăng. Hơn nữa, không phải ai cũng thoải mái khi phải đeo cặp mắt kính nặng trịch cả ngày, nhất là sau một khoảng thời gian, bạn bắt đầu nhức đầu và đau mắt. Giống như kính VR, bạn chỉ nên sử dụng chúng trong vòng 2 giờ.
Samsung và LG đã từ bỏ công nghệ 3D vào năm 2016, trong khi Sony và Panasonic đã loại bỏ nó khỏi các mẫu TV năm 2017 của họ. Các kênh truyền hình 3D đóng cửa, và mọi người bắt đầu đổ xô vào những dòng TV tiêu chuẩn mới như 4K hoặc HDR.
(còn tiếp)
Nguồn: Techspot
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top