Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Hầu hết mọi người khi nghe đến từ “Nokia” sẽ mặc định nghĩ đến những chiếc điện thoại di động, nhưng đằng sau công ty này là cả một lịch sử đầy thú vị.
Trên thực tế, Nokia đã đặt chân vào khá nhiều thị trường khác nhau kể từ khi ra đời hơn 150 năm về trước, và trong suốt quá trình đó đã nhiều lần tự làm mới chính mình.
Nhãn hiệu Phần Lan này có tuổi đời già hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ, nhưng công ty chỉ thực sự trở nên nổi tiếng trong vài thập kỷ trở lại đây nhờ những thiết bị di động mang tính biểu tượng với thiết kế và công nghệ táo bạo. Chúng đa dạng từ một concept trông không khác cục gạch là bao, đến những hình dáng ngược đời, tinh vi, bất đối xứng.
Không thể phủ nhận rằng Nokia đã góp phần định hình nên lịch sử ngành viễn thông nói chung và điện thoại di động nói riêng, biến nó thành cái tên mà cả thế giới biết đến. Ấy thế nhưng, họ lại bị chững lại bởi chính cái tôi của mình và buộc phải đưa ra hàng loạt lựa chọn dẫn đến sự sụp đổ không tránh khỏi.
Ngày nay, Nokia vẫn còn tồn tại, nhưng những ưu tiên của họ đã khác trước rất nhiều, đến nỗi cái tên lừng lẫy một thời nay dường như biến mất khỏi thị trường tiêu dùng. Một số cựu kỹ sư Nokia chuyển sang làm việc cho một công ty Phần Lan khác có văn phòng ngay bên kia đường, đối diện với trụ sở Nokia; số khác tìm bến đỗ mới ở những công ty lớn như Apple và Qualcomm.
Dẫu vậy, Nokia vẫn đang bán giấy phép sử dụng tài sản trí tuệ của mình cho các bên thứ ba, và ngày nay bản thân họ chủ yếu tập trung vào phát triển và bán trang thiết bị viễn thông cho các mạng 4G và 5G.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm lại lịch sử của Nokia, từ khởi đầu đầy khiêm tốn cho đến khi “lên voi” trở thành thế lực thống trị công nghệ di động và sở hữu nhiều nhà máy cho riêng mình, để rồi “xuống chó” khi chỉ còn là cái tên dập trên vỏ loạt điện thoại Android với doanh số thường thường bậc trung, được người tiêu dùng lựa chọn chỉ vì tính hoài cổ.

Những ngày đầu tiên​

Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Nokia được thành lập vào năm 1865 bởi kỹ sư khai khoáng người Phần Lan Fredrik Idestam, và công việc kinh doanh ban đầu của hãng là vận hành nhà máy giấy ở Tampere, một thành phố nằm ở phía nam của miền tây Phần Lan. Không lâu sau đó, Idestam mở rộng nhà máy sang thị trấn Nokia ở gần đó, cạnh sông Nokianvirta. Năm 1871, công ty chính thức đổi tên thành Nokia, dựa trên tên của địa điểm này.
Năm 1898, Eduard Polon thành lập Nhà máy cao su Phần Lan (còn được gọi là Suomen Gummitehdas Oy), một công ty sản xuất mọi thứ từ giày cao su đến lốp xe hơi. Năm 1912, Arvid Wickstrom thành lập Nhà máy cáp Phần Lan (còn được gọi là Suomen Kaapelitehdas Oy), nổi tiếng với các sản phẩm như cáp điện, máy điện thoại, và máy điện báo. Năm 1967, cả hai sáp nhập vào Nokia Corporation, một tập đoàn đa lĩnh vực, chuyên cung cấp các sản phẩm giấy và cao su, cáp điện tử, máy phát điện, trang thiết bị liên lạc quân sự và trang thiết bị nhà máy điện hạt nhân, máy tính, TV, và nhiều thứ khác nữa.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Năm 1979, Nokia bắt đầu chuyển mình thành một gã khổng lồ viễn thông thông qua một công ty con gọi là Mobira Oy - một liên doanh với nhà sản xuất TV Phần Lan Salora. Hai năm sau đó, hãng tung ra dịch vụ Nordic Mobile Telephone (NMT), một thành tích đáng nhớ trong lịch sử của hãng khi mà dịch vụ này có tầm phủ sóng trên toàn quốc gia, và là hệ thống mạng di động tự động đầu tiên trên thế giới, cũng như là dịch vụ đầu tiên cho phép roaming quốc tế. Mạng di động của Nokia là nền móng cho 1G, bộ các tiêu chuẩn dành cho công nghệ di động không dây thế hệ đầu tiên vốn sử dụng tín hiệu tương tự (analog).

Từ đế chế công nghiệp đến nhà sản xuất điện thoại​

Năm 1982, Nokia giới thiệu chiếc điện thoại xe hơi đầu tiên - chiếc Mobira Senator cực kỳ cồng kềnh, trông giống như một trạm radio bán di động tiên tiến với khối lượng lên đến khoảng 10kg. Hai năm sau, công ty giới thiệu chiếc điện thoại “di động” đầu tiên của mình, Mobira Talkman 320F, nặng chỉ… 4,7kg và có màn hình đơn sắc cỡ lớn, danh bạ lưu được 184 liên hệ, và pin có thời gian chờ 10 giờ và thời gian nói chuyện 60 phút.
Đó là một khởi đầu tuyệt vời, nhưng vẫn quá phi thực tiễn đối với hầu hết người tiêu dùng.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Năm 1987, công ty công bố Mobira Cityman, chiếc điện thoại di động cầm tay thực sự đầu tiên trên thế giới. Mọi biến thể của nó đều nặng chỉ khoảng 760g, và chúng hoạt động hoàn hảo trên mạng NMT. Một số người có thể còn nhớ chiếc Mobira Cityman 900, vốn nổi tiếng nhờ bức ảnh chụp Mikhail Gorbachev (cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) sử dụng nó để gọi cho một quan chức Moscow từ Helsinki năm 1987.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Cũng vào năm đó, một bộ phận khác của Nokia đang phát triển thứ mà hiện nay họ đang kinh doanh: trang thiết bị mạng. Lúc bấy giờ, liên doanh Televa của công ty đang đứng trước áp lực phải bàn giao một bộ chuyển đổi số đủ mạnh cho NMT. Và bởi không có đủ tài nguyên để tự mình sản xuất chip riêng, họ quyết định thiết kế bộ chuyển đổi này với lõi là một vi xử lý Intel.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Năm 1982, công ty ra mắt nền tảng chuyển đổi số DX200, một sản phẩm thành công vang dội mặc cho chậm chân trên thị trường. Thiết bị này thành công suốt nhiều năm trời nhờ thiết kế mô-đun, độ tin cậy cao, và mức giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ (trong một số trường hợp là rẻ hơn đến 60%). Trên thực tế, Nokia đã liên tục bán nền tảng DX200 trên toàn cầu cho đến khi các ông lớn viễn thông bắt đầu ngừng sử dụng nó vào năm 2013.
Một năm sau khi ra mắt NMT, Liên hiệp Bưu điện và Viễn thông châu Âu (CEPT) - một cơ quan tập hợp nhiều công ty viễn thông quốc gia vào năm 1959 nhằm định hướng các tiêu chuẩn, quy tắc, và đường hướng hoạt động trên toàn khu vực - thành lập Groupe Special Mobile, về sau đổi tên thành Global System for Mobile Communications (Hệ thống liên lạc di động toàn cầu, viết tắt GSM). Nokia lúc này đã tập trung nhiều nỗ lực vào việc tiên phong nghiên cứu các hệ thống Frequency Division Multiple Access (FDMA) và Time Division Multiple Access (TDMA), do đó họ nhanh chóng trở thành đầu tàu trong đội ngũ phát triển GSM.
Cũng vào thời gian này, Nokia đang tìm mọi cơ hội để vươn tầm quốc tế. Ví dụ, năm 1983, Mobira thành lập một liên minh với Tandy, nhà bán lẻ thiết bị điện tử tiêu dùng lớn nhất lúc bấy giờ tại Mỹ, để bán các thiết bị cầm tay thông qua chuỗi 7.000 cửa hàng RadioShack của đối tác. Đó cũng là một cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu về các dây chuyền sản xuất chi phí thấp tại châu Á, bởi quá trình đàm phán khá phức tạp đã buộc họ phải thiết lập một nhà máy sản xuất ở Hàn Quốc.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Nokia còn tìm cách mở rộng sang các thị trường điện tử tiêu dùng khác thông qua nhiều thương vụ thâu tóm, nhưng cuối cùng lại thất bại trong việc sáp nhập những doanh nghiệp này và chấp nhận yên vị với lĩnh vực trang thiết bị mạng và điện thoại di động.
Năm 1983, CEO Karri Kairamo thuyết phục Bộ Lao động và Kinh tế Phần Lan thành lập Tekes - Cơ quan Tài trợ Công nghệ và Cải tiến Phần Lan - để giúp công ty tận dụng được nguồn vốn chính phủ vào hoạt động nghiên cứu & phát triển (R&D), trong bối cảnh Nokia đã và đang là một thế lực hùng mạnh trong nền kinh tế Phần Lan. Điều này, cộng với việc các bộ phận của Nhà máy cáp Phần Lan được tổ chức như một tập hợp các startup, đã cho phép Nokia tăng trưởng nhanh hơn và có khả năng theo đuổi nhiều dự án nghiên cứu táo bạo nhưng đáng giá.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Ba năm sau đó, Kairamo loại bỏ thêm một chướng ngại khác trong tầm nhìn của mình - quyền kiểm soát của các cổ đông đối với công ty. Vào thời điểm đó, các công ty lớn ở Phần Lan thường thuộc sở hữu bởi các ngân hàng địa phương. Trong trường hợp của Nokia, hai cổ đông lớn nhất của họ là Ngân hàng KOP và Ngân hàng Liên hiệp Phần Lan. Kairamo đề xuất thành lập một ban giám đốc nội bộ mới bao gồm các lãnh đạo cao cấp, đứng đầu là một giám đốc điều hành (COO). Ban giám đốc mới sẽ đảm nhiệm nhiều chức năng của ban cố vấn và đứng trên ban quản lý.
Các cổ đông đồng ý với thay đổi về mặt cấu trúc quản trị này, nhưng đó là bởi họ muốn tránh phản ứng của các nhà đầu tư, vốn có thể dẫn đến việc đề xuất của Kairamo bị khước từ. Do đó, quyền tham dự và kiểm soát công việc nội bộ của Nokia của họ đã bị giảm đi đáng kể, về cơ bản là một điều tốt - hầu hết các thành viên của ban cố vấn không hề có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp viễn thông lẫn hoạt động kinh doanh quốc tế. Thời điểm thông qua cũng không thể tốt hơn, khi mà Mỹ và Anh vừa quyết định bãi bỏ mô hình kiểm soát thị trường viễn thông.
Nokia có một lợi thế đặc biệt: họ sở hữu mọi mảnh ghép nhằm giải quyết bài toán đầu cuối - bộ chuyển đổi, trạm gốc, và thiết bị cầm tay. Tuy nhiên, một nhóm các nhà quản lý đã phân tích các cơ hội thị trường có được nhờ tự do hoá và số hoá, và kết luận rằng công ty chưa được tổ chức hợp lý để tận dụng chúng.
Một trong các nhà quản lý đó là Sari Baldauf, người sau đó lãnh đạo bộ phận mạng và hạ tầng của Nokia cho đến năm 2005. Bà khuyến nghị thành lập Nokia Mobile Phone (NMP) - một bộ phận kinh doanh độc lập tập trung vào các thiết bị di động, bởi nhận thấy chúng sẽ sớm trở nên quan trọng hơn nhiều, thay vì chỉ là những thiết bị đầu cuối đơn giản. Các bộ phận còn lại - trạm gốc và thiết bị chuyển đổi số - sẽ được nhập lại thành một bộ phận thứ hai gọi là Nokia Cellular Systems.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Đến lúc này, tương lai của Nokia trông vô cùng tươi sáng, nhưng công ty lại đang mắc kẹt trong đống nợ từ những thử nghiệm tăng trưởng bằng cách sáp nhập vào thập kỷ trước. Cấu trúc công ty còn sơ sài cũng đồng nghĩa lãnh đạo không có được bức tranh rõ nét về hoạt động kinh doanh của nhiều bộ phận khác nhau, và chỉ có được cái nhìn sơ khởi thông qua các bản báo cáo kết quả tài chính tổng quát của cả công ty. Năm 1988, Kairamo *****, và một cuộc chiến chính trị ngu ngốc nổ ra nhằm chiếm quyền lãnh đạo Nokia, bởi trước khi ra đi, ông chưa vạch ra kế hoạch đưa người lên kế nhiệm tầm nhìn của mình. Vấn đề cuối cùng được giải quyết bởi ban cố vấn của Nokia: họ “lách” qua cuộc chiến và bổ nhiệm COO Simo Vuorilehto làm CEO mới.
Vuorilehto cắt giảm đội ngũ nhân viên Nokia xuống còn 22.000 người trong hai năm tiếp theo, qua đó chia đôi tập đoàn này. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và cuộc suy thoái càn quét châu u, Nokia dưới thời Vuorilehto đứng trước áp lực bị bán cho Ericsson, nhưng công ty Thuỵ Điển không muốn gánh những rủi ro khi mua lại các bộ phận dữ liệu và điện tử tiêu dùng của Nokia. Ban cố vấn Nokia cũng tìm cách thuê Công ty Tư vấn Boston trong một cuộc tìm kiếm tuyệt vọng nhằm đưa ra những lựa chọn hợp lý, để rồi nhận ra rằng mảng kinh doanh hạ tẩng của họ là bộ phận duy nhất có tiềm năng sống sót.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Năm 1991, Vuorilehto bán một số bộ phận có kết quả kinh doanh kém, nhưng ông chưa sẵn sàng để tập đoàn Nokia bị “chia năm xẻ bảy”. Không lâu sau đó, ông hối thúc thương vụ thâu tóm nhà sản xuất điện thoại Anh là Technophone với mức giá 90,3 triệu USD (theo tỉ giá năm 2021, đã tính lạm phát). Technophone là công ty đầu tiên giới thiệu một chiếc điện thoại đủ nhỏ để bỏ vừa túi quần, và là công ty bán thiết bị cầm tay lớn thứ hai tại châu u sau Nokia.
Kết quả của thương vụ này là Nokia nắm đủ thị phần toàn cầu trong tay để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới, sau Motorola.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Harri Holkeri, cựu Giám đốc Ngân hàng Phần Lan, đang thực hiện cuộc gọi GSM đầu tiên của nước này từ Helsinki đi Tampere vào tháng 7/1991
Một năm sau đó, Jorma Ollila thế chỗ Vuorilehto làm CEO Nokia, và công ty đã thuê Anssi Vanjoki làm giám đốc bán hàng và tiếp thị mới. Vanjoki nhận thấy rằng, không như Motorola, Nokia đang bán điện thoại dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau như Mobira, Nokia, Technophone, và Radio Shack, do đó ông tìm cách thống nhất chúng thành một nhãn hiệu duy nhất là “Nokia” và giới thiệu câu slogan trứ danh “Connecting People”. Ollila thì được giao nhiệm vụ vạch ra chiến lược để cứu một công ty đang sụt giảm nhuệ khí nghiêm trọng và tương lai dường như vô cùng bất định.
May cho Nokia, Radiolinja - một liên minh các nhà mạng viễn thông của Phần Lan - đã được cấp giấy phép phát triển mạng GSM đầu tiên trên thế giới, và Nokia là lựa chọn đầu tiên của họ để làm đối tác trong dự án đó.
Năm 1992, Nokia bắt đầu cung cấp hạ tầng cũng như thiết bị GSM đầu tiên trên thế giới - một trải nghiệm vô giá giúp công ty vùng lên trong nhiều năm tiếp theo. Cũng trong năm đó, Pekka Ala-Pietila, cựu giám đốc Nokia Mobile Phones, dự báo rằng lượng người dùng điện thoại di động có thể đạt “khoảng 25% dân số tại các nền kinh tế tiên tiến bậc nhất vào năm 2000”, điều mà vào thời điểm đó có vẻ khá kỳ quặc đối với hầu hết những ai tham gia trong ngành công nghiệp này.

Trong bối cảnh các chính phủ tại châu u và trên toàn thế giới bắt đầu bán giấy phép GSM, hầu hết các đối thủ của Nokia vẫn chưa thể mang đến những giải pháp đầu cuối mang tính đột phá như họ. Ngay cả những tập đoàn lớn hơn nhiều, như Ericsson và Motorola, cũng có hiểu biết tương đối nghèo nàn về thị trường này vào những năm đầu thập niên 1990, và đó là lý do tại sao họ không ngay lập tức theo đuổi phân khúc người tiêu dùng một cách mạnh mẽ như Nokia đã làm.
Vào thời điểm đó, Motorola đã nổi tiếng là nhà cung ứng điện thoại di động lớn nhất thế giới, và cũng là cái tên đặc biệt phổ biến tại thị trường Mỹ, nơi được xem là thị trường lớn nhất của điện thoại di động. Hãng này còn sở hữu một danh sách bằng sáng thế ấn tượng và thuê được nhiều kỹ sư tài năng, giúp họ có thể gần như hoàn toàn tự sản xuất được những chiếc điện thoại. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh chính của Motorola - họ có thể dễ dàng tạo ra những chiếc điện thoại nhẹ hơn và gọn hơn. Ví dụ điển hình là chiếc Microtac giá 3.500 USD, một chiếc điện thoại cao cấp với loa thoại lật xuống mới lạ, nhưng nó vẫn là một chiếc điện thoại analog trong một thế giới đang chuyển mình nhanh chóng sang thời đại số.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 1)
Ericsson là một trong những thế lực đáng gờm trên thị trường trang thiết bị mạng, và không như Motorola, họ thấy được tiềm năng của giao tiếp số. Tuy nhiên, hai tập đoàn này có một vài điểm chung - cả hai đều xem thiết bị cầm tay như những thiết bị đầu cuối ngớ ngẩn, còn trang thiết bị hạ tầng mới là linh kiện quan trọng nhất đối với sự phát triển trong tương lai của lĩnh vực viễn thông. Đó là lý do tại sao vào năm 1989, Ericsson chuyển mảng điện thoại sang một liên doanh với General Electric tại Mỹ, để rồi phải “chuộc” lại nó vào 5 năm sau đó.
Khoảng năm 1991, Nokia nhận ra rằng phải có một hướng tiếp cận thống nhất hơn nếu muốn đạt được giấc mơ trở thành một công ty sản phẩm tiêu dùng toàn cầu. Do đó, Ala-Pietila đã vạch ra chiến lược trong đó đề cập đến một bộ phận kho vận toàn cầu, những giải pháp để tăng cường sự hài lòng của khách hàng, và kỹ thuật đồng thời, một khái niệm vay mượn từ các công ty Nhật Bản. Có nghĩa là mọi sản phẩm mới mà Nokia hình dung ra sẽ được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư phối hợp chặt chẽ hơn với các đội kho vận, sản xuất, và tiếp thị. Điều này còn cho phép công ty mời thêm nhiều đối tác vào quy tình nghiên cứu và phát triển, giúp họ có thể sản xuất hàng loạt mẫu điện thoại thử nghiệm với hiệu suất khó tin.
Đóng góp vào thành công tương lai của Nokia còn có Frank McGovern, người đã gia nhập công ty sau thương vụ sáp nhập với Technophone. Vào thời điểm đó, McGovern là một trong số ít người tại Nokia có kinh nghiệm làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia với chuyên môn về sản xuất. Cụ thể, ông từng lãnh đạo hoạt động sản xuất của Hitachi tại châu u, có nghĩa là ông nắm giữ những kỹ năng tối quan trọng cần thiết để phát triển quy trình sản xuất chuẩn Nhật Bản, biến nó thành một chức năng thiết yếu của hoạt động kinh doanh tại Nokia.
Kết quả là, từ 1991 đến 1994, công ty Phần Lan đi từ chỗ chỉ làm được 500.000 điện thoại mỗi năm lên mức 5 triệu máy, và từ chỗ báo lỗ, họ đã thu được lợi nhuận 3,6 tỷ FIM (đơn vị tiền tệ Phần Lan), tương đương 1,44 tỷ USD theo tỷ giá năm 2021 đã tính lạm phát. Và quan trọng hơn là, 64% trong số đó đến từ Nokia Telecommunications và Nokia Mobile Phones. Vào tháng 7/1994, tập đoàn này đã lên sàn chứng khoán New York, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn hỗ trợ kế hoạch phát triển quốc tế đầy tham vọng của Nokia.
Cũng trong năm 1994, ban giám đốc Nokia quyết định đã đến lúc loại bỏ những lĩnh vực kinh doanh không phù hợp với hướng đi mới. Tác động của quyết định này là vô cùng to lớn, khi mà hai phần ba số nhân viên của Nokia đã bị thay thế bằng những kỹ sư đầy nhiệt huyết từ các trường đại học kỹ thuật của Phần Lan trong quãng thời gian hai năm. Môi trường làm việc mà vị CEO mới xây dựng nên cũng rất hấp dẫn mặc cho lương tương đối thấp - lý do là bởi các kỹ sư sẽ được định kỳ xoay vòng công việc nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi những xung đột chính trị trong nội bộ công ty và cho phép họ tiếp thu thêm những kỹ năng kỹ thuật quý giá.
Ollila biết rằng Nokia không được phép phạm lỗi trong quá trình mở rộng ra quốc tế, nhưng việc ông sẵn sàng chọn một hướng đi mới lạ, phi truyền thống, đã nhanh chóng biến công ty này từ một công ty viễn thông nhỏ đang trỗi dậy từ đống tro tàn của một tập đoàn công nghiệp vướng phải rắc rối tài chính thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lĩnh vực điện thoại di động và hạ tầng viễn thông. Ông biết rằng để thành công, Nokia sẽ phải tận dụng thế mạnh về R&D và tìm cách chiếm giữ sớm những thị trường mới với trọng tâm là phải thích ứng với những nhu cầu của thị trường sở tại và xây dựng được niềm tin vững chắc vào các dịch vụ của hãng.
Một trong những thành công đầu tiên đáng nhớ nhất của chiến lược này là khi Nokia đánh bại Ericsson để giành được hợp đồng cung ứng hệ thống đầu cuối cho AIS của Thái Lan, mặc cho Ericsson là cái tên phổ biến hơn ở quốc gia châu Á này. Công ty Phần Lan còn đạt được một hợp đồng tương tự với Cellnet của Anh vào năm 1994 mặc cho Motorola cũng đưa ra những đề nghị giống hệt với mức giá thấp hơn đáng kể.
(Còn tiếp)
>> Phần 2
>> Phần 3
>> Phần 4
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top