Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)

(Phần 1) (Phần 2) (Phần 3)
Nếu bạn cho rằng N-Gage chưa phải là mẫu điện thoại có thiết kế gây tranh cãi, thì Nokia 7600 ra mắt năm 2004 là minh chứng cho thấy hãng không ngại tiếp tục thử nghiệm với những thiết kế quái gở. Tuy nhiên, lần này, sản phẩm mới của họ lại được định hướng như một sản phẩm thời trang nhằm tạo nên xu thế chớp nhoáng, để rồi nhanh chóng bị thay thế bởi một thiết kế còn lạ lẫm hơn nữa, buộc người tiêu dùng phải nâng cấp điện thoại thường xuyên hơn.
Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)
Thiết kế hình giọt nước cùng bộ vỏ nhựa màu mè có thể thay đổi được không thực sự được xem là “đỉnh cao” thiết kế, nhưng cũng đủ để mọi người phải ngoái nhìn khi thấy bạn sử dụng nó. Bàn phím của 7600 được chia thành hai hàng, khiến việc sử dụng nó bằng một tay trở thành điều bất khả thi, và sử dụng bằng hai tay cũng không thú vị như Nokia 6800. Kích thước của 7600 cũng không lớn, nhưng mặc cho chỉ nặng 123 grams, thiết kế bề ngang khá rộng khiến bạn khó mà giữ máy một cách thoải mái khi nghe điện thoại.
Nokia 7600 là một chiếc điện thoại 3G thứ hai của Nokia sau 6650, nhưng cấu hình của nó lại tương đối kém và mức giá cao đồng nghĩa người tiêu dùng khó tiếp cận được nó hơn những mẫu đối thủ. Thời lượng pin cũng không quá đặc sắc, và mặc dù được tặng miễn phí nếu người dùng chọn đăng ký một số gói cước di động nhất định, 7600 chưa bao giờ thoát khỏi cái mác “sản phẩm thời trang” dành cho một số tương đối ít người tiêu dùng.
Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)
Một chiếc điện thoại Nokia đáng chú ý khác xuất hiện trên thị trường vào năm 2004 là Nokia 7280, hay “điện thoại son môi”. Giống như điện thoại giọt nước, mẫu máy này cũng được thiết kế để khiến người dùng nổi bật giữa đám đông - tất nhiên đổi lại là một vài nhược điểm khá đau đầu!
Cấu hình và màn hình của 7280 dừng lại ở mức khá ở thời điểm đó, nhưng thiết kế lập dị đồng nghĩa Nokia 7280 không có bàn phím - thay vào đó, bạn buộc phải sử dụng một bánh xe cuộn đa chức năng mà muốn làm quen được, bạn phải cực kỳ cố gắng, chẳng khác gì một bài test về tính kiên nhẫn. Dưới một góc độ nào đó, bánh xe cuộn này như một phiên bản vật lý của bánh xe bấm trên iPod, với 18 mức phản hồi xúc giác, nhưng không hề lý tưởng cho việc soạn tin nhắn - thậm chí bấm số để gọi điện cũng tốn thời gian hơn mức cần thiết!
Trượt điện thoại lên trên sẽ làm lộ ra một camera VGA ở mặt lưng, và cầm nắm chiếc điện thoại này trong quá trình gọi điện cũng dễ dàng hơn nhiều nhờ hình dạng đặc biệt của nó. Thời lượng pin ở mức trung bình, nhưng thứ thực sự huỷ diệt sức hút của Nokia 7280 là mức giá lên đến 600 USD (hơn 860 USD nếu tính lạm phát). Dẫu sao đi nữa, 7280 chẳng khiến tình hình tài chính của Nokia bị ảnh hưởng, khi mà công ty bán được hơn 66 triệu điện thoại trong năm đó và thu về hơn 1 tỷ lợi nhuận dù thị phần tại Mỹ và châu Âu bị suy giảm, đồng thời còn bị các nhà mạng di động trừng phạt vì chậm trễ trong việc tung sản phẩm ra thị trường.
Tại sao lại có sự chậm trễ đó? Nokia đã thay đổi trọng tâm, từ việc tìm cách trở thành kẻ đi đầu sang tìm cách mở rộng quy mô mảng điện thoại di động vốn rất thành công càng nhanh càng tốt. Nói cách khác, Nokia chấp nhận chờ đợi cho đến khi các linh kiện phần cứng mới trở nên rẻ hơn để mua với số lượng lớn và ào ạt tung ra thị trường nhiều mẫu điện thoại với thiết kế đa dạng đến táo bạo mặc cho cấu hình khá nhàm chán hoặc hơi lỗi thời nữa.
Việc Nokia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ trong những năm 1990 với website Club Nokia, nơi mọi người có thể tải về nhạc chuông, game và tin nhắn hình ảnh, cũng không giúp ích cho họ là bao. Ý tưởng này có thể nói là tương tự iTunes và các cửa hàng ứng dụng mà chúng ta đã quen thuộc ngày nay, nhưng lúc bấy giờ, các nhà mạng không muốn đứng nhìn Nokia xâm phạm vào vai trò định hình trải nghiệm di động và hệ sinh thái phần mềm của họ (và cắn mất miếng bánh lợi nhuận nữa). Kết quả là, các nhà mạng quyết định “dằn mặt” công ty bằng cách quảng bá cho các thiết bị đến từ Samsung, Sharp, HTC và LG, gây ảnh hưởng đáng kể đến doanh số điện thoại của Nokia.
Năm 2004, Nokia từ bỏ chiến lược Club Nokia và cam kết với các nhà mạng sẽ không phát triển các dịch vụ đa phương tiện mới nữa. Nhờ đó, công ty đã hâm nóng lại mối quan hệ đối tác với các nhà mạng di động, và thậm chí còn đồng ý hợp tác với họ để sản xuất các mẫu điện thoại với nhãn hiệu theo yêu cầu nhằm đáp ứng từng nhu cầu cụ thể của đối tác.
Hành động này ngay lập tức có tác động tích cực lên hiệu suất kinh doanh của Nokia trên mọi thị trường, trừ Mỹ, nơi có những thách thức không hề đơn giản mà Nokia chưa thể vượt qua được. Ví dụ, thị trường Mỹ chủ yếu nằm trong tay một số ít các nhà mạng, và họ đều muốn bán những mẫu điện thoại bị khoá cứng vào mạng của riêng mình. Nokia tìm cách bán điện thoại “đã mở khoá” (hay bản quốc tế), và chúng hầu hết là các mẫu máy GSM tại một thị trường bị thống trị bởi các nhà mạng ưu ái CDMA. Kết quả là thị phần của Nokia tại Mỹ giảm xuống mức một con số và tiếp tục lẹt đẹt không thể tăng hơn nữa.
Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)
Dẫu vậy, Nokia tiếp tục tập trung sáng tạo những thiết kế điện thoại mới vào năm 2005. Một trong những mẫu máy đáng chú ý của họ là Nokia 7710, một chiếc smartphone màn hình rộng và cũng là điện thoại Nokia đầu tiên có màn hình cảm ứng. Nó có màn hình 3.5-inch với độ phân giải 640 x 320, và là chiếc điện thoại đầu tiên cũng như cuối cùng chạy giao diện Series 90 trên nền Symbian OS. Kích cỡ khổng lồ của nó khiến người dùng khó mà bỏ túi được, chipset thì ì ạch, và màn hình cảm ứng điện trở cũng không mang lại trải nghiệm tốt như màn hình cảm ứng điện dung chúng ta vẫn dùng ngày nay, đòi hỏi luôn đi kèm một cây bút stylus.
Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)
Cũng năm đó, Nokia giới thiệu N90, một chiếc điện thoại 3G với thiết kế “vặn và chụp” khiến giới đam mê nhiếp ảnh đặc biệt thích thú. Nó mở ra như những chiếc điện thoại vỏ sò, nhưng còn cho phép bạn xoay màn hình một góc nhất định để biến hình thành một máy quay phim với cảm biến 2MP và nút chụp độc lập.
Camera của N90 sử dụng thấu kính Tessar của Carl Zeiss, bởi Nokia tin rằng thấu kính đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những hình ảnh chất lượng, chứ không phải độ phân giải của cảm biến. Xem ảnh chụp dược trên màn hình máy cũng là một trải nghiệm đầy thoả mãn, khi mà màn hình này có mật độ điểm ảnh khá tốt, gần 260 ppi.
Nokia N90 chạy giao diện Series 60 trên nền Symbian OS, và bao gồm phần mềm RealPlayer cho phép người dùng chơi nhạc MP3 và AAC. Một trong những điểm trừ của máy là Nokia không trang bị jack âm thanh 3.5mm tiêu chuẩn, do đó hầu hết người dùng phải chấp nhận sử dụng headphone đi kèm vốn có chất lượng tương đối tệ và kết nối bằng một cổng cắm chẳng giống ai. Một điểm hạn chế nữa là bộ nhớ trong, chỉ 31 megabytes, mặc cho đây là chiếc điện thoại chụp hình/đa phương tiện. Ngoài ra, giá bán 600 USD của nó vào thời điểm ra mắt cũng là một rào cản khiến người tiêu dùng đại chúng khó tiếp cận sản phẩm.
Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)
Nếu như N90 là “món quà” cho người đam mê nhiếp ảnh di động, Nokia còn sản xuất một chiếc điện thoại chơi nhạc mang tên N91. Nó có bộ vỏ thép không gỉ hầm hố và bộ nhớ trong lớn hơn nhiều - phiên bản đầu tiên được trang bị HDD tí hon 4GB của Toshiba, còn phiên bản thứ hai là 8GB. Máy có nút bấm điều khiển nhạc riêng ở mặt trước, nút khoá để ngăn người dùng vô tình chạm các nút này trong khi nghe nhạc, và jack headphone 3.5mm tiêu chuẩn.
Nokia còn trang bị kết nối Wi-Fi cho N91. Trước đó, công ty đã giới thiệu ứng dụng Nokia Podcasting, cho phép người dùng duyệt, đăng ký, và tải về podcast mà không cần kết nối thiết bị với PC. Tiếp đó là một trình duyệt web di động mang lại trải nghiệm khá…hỗn độn, khi mà nó sẽ tải về trang web hoàn chỉnh dành cho máy tính, khá khó để đọc trên màn hình nhỏ xíu của điện thoại.
Nokia N91 được xem là đối thủ cạnh tranh của Apple iPod, và trên một số mặt, nó quả thực là một sản phẩm hấp dẫn với những người muốn một chiếc điện thoại/PDA có khả năng chơi nhạc và podcast. Tuy nhiên, ngày ra mắt của nó bị trì hoãn cho đến tận năm 2006 vì những vấn đề liên quan hệ thống quản lý tác quyền số (DRM), kích cỡ thiết bị không đủ gọn gàng như iPod, và các chức năng điều khiển phát nhạc cũng không trực quan như bánh xe xoay trên iPod. Chưa hết, giá N91 tương đương N90, khiến nó trở nên quá đắt đỏ với người tiêu dùng thông thường.
Dẫu vậy, Nokia vẫn tự hào về loạt điện thoại N-series của mình. Anssi Vanjoki, giám đốc lúc bấy giờ của Multimedia Business Group thuộc Nokia, cho biết công ty của ông đã trở thành một biểu tượng của di động, và các điện thoại N-series được tạo ra để “thách thức một danh mục hoàn toàn mới là multimedia”. Về phần N91, Vanjoki giải thích rằng “khả năng đa kết nối và hiệu năng mạnh mẽ của nó trên tất cả các mặt thực sự biến nó trở thành thiết bị đa phương tiện có kết nối di động tốt nhất thị trường”.
Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)
2006 cũng là năm Nokia tung ra thêm nhiều mẫu điện thoại thời trang khác thuộc bộ sưu tập “L’Amour II”, kết hợp chất liệu kim loại, da, và lụa để tạo nên những thiết kế đậm chất sang trọng. Nổi bật nhất trong số đó, Nokia 7380, là kẻ kế tục hoàn hảo của mẫu điện thoại son môi đã đề cập ở trên. Mẫu máy mới này không sử dụng cơ chế trượt, và thay bánh xe cuộn vật lý bằng một bánh xe cảm ứng không khác iPod là bao.
Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)
Một năm sau đó, Nokia tung ra N95, chiếc smartphone toàn diện thực thụ đầu tiên của công ty. Nó là một thiết bị đắt đỏ, với giá 795 USD (1.045 USD theo tỉ giá đô ngày nay), nhưng có mọi thứ bạn cần bên trong một thiết kế phong cách với cơ chế trượt hai chiều. Trượt mặt trước lên trên sẽ để lộ ra bàn phím, còn trượt xuống dưới sẽ cho thấy các nút bấm điều khiển phương tiện được thiết kế để dễ dàng tiếp cận khi giữ thiết bị ở chế độ nằm ngang.
Chạy Symbian OS với giao diện S60 3rd Edition trên màn hình rộng 2.6-inch cho một trải nghiệm tuyệt vời nhờ CPU ARM11 lõi kép và RAM 64 MB. Máy có camera sau 5 MP và camera trước độ phân giải 352 x 288 pixel để gọi điện video. Bộ nhớ trong 150 MB có thể nâng cấp được thông qua khe thẻ nhớ microSD, và bạn có đầy đủ các lựa chọn kết nối - từ USB, Bluetooth, hồng ngoại, đến Wi-Fi. Bạn thậm chí có thể gắn dây N95 vào PC để truy cập internet thông qua mạng di động nữa.
Nokia: Số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 4)
N95 còn có GPS tích hợp, ứng dụng Maps mới hỗ trợ dẫn đường bằng giọng nói, tìm tuyến đường tối ưu và nhiều chức năng khác giúp người dùng dễ dàng tra cứu hơn. Dù hệ thống menu đa phương tiện mới và các dịch vụ nhạc, radio, podcast tích hợp không biến chiếc điện thoại này thành một thiết bị thay thế thực sự cho iPod hay Zune, nó vẫn là những tính năng đỉnh cao đối với một chiếc điện thoại vào thời điểm đó.
Camera của N95 hỗ trợ lấy nét tự động và cho ra những bức ảnh lẫn thước phim chất lượng vừa phải - độ phân giải VGA, 30fps, khá ấn tượng vào thời điểm đó - tất cả là nhờ thấu kính của Carl Zeiss. Máy còn có nút chụp ảnh hai nấc, biến việc nhiếp ảnh thành một thú vui và đơn giản hoá mọi thao tác chụp. Dù đây không phải là chiếc điện thoại đầu tiên có gia tốc kế, nó lại là thiết bị đầu tiên sử dụng gia tốc kế một cách hiệu quả - bên cạnh tận dụng cảm biến này để chống rung cho video và lưu ảnh theo phương chúng được chụp, Nokia còn cho phép các ứng dụng bên thứ ba truy xuất gia tốc kế.
Để hiểu được Nokia đã tập trung biến N95 trở thành một “con dao Thuỵ Sỹ” của dân thành thị như thế nào, bạn phải nhìn thấy những thứ đi kèm bên trong hộp… một trong số các phụ kiện đó là sợi cáp xuất video 3.5mm cho phép chiếu màn hình N95 lên TV. N95 còn hỗ trợ DNLA và có thể kiêm vai trò máy chủ đa phương tiện qua mạng Wi-Fi, cho phép bạn chia sẻ ảnh, nhạc và video với các thiết bị khác trong cùng mạng.
Thời lượng pin của máy khá bèo khi so với các điện thoại ít tính năng hơn vào thời điểm đó, và tuỳ thuộc vào mức độ sử dụng của bạn, nó có thể trụ được 1 hoặc 2 ngày. Nokia đã khắc phục vấn đề này cùng một số hạn chế khác bằng phiên bản Nokia N95 thứ hai với một viên pin 1.200 mAh thay vì 950 mAh, bộ nhớ trong 8 GB (không có khe thẻ microSD) và RAM 128 MB.
Trước khi ra mắt, N95 đã bị trì hoãn nhiều lần và đối mặt với áp lực cạnh tranh từ những mẫu flagship Cybershot và Walkman của Sony cùng năm đó, chưa kể những mẫu điện thoại màn hình cảm ứng như LG KE850 (tên khác là LG Prada) và mẫu iPhone thế hệ đầu tiên. Dẫu vậy, những chiếc điện thoại này không thể thách thức được N95 về ngắn hạn, và N95 bán được đến 7 triệu máy vào cuối năm 2007, rồi 12 triệu máy cho đến khi bị ngừng sản xuất vào năm 2009.

Nokia N95 có một vị trí đặc biệt trong trái tim của các fan Nokia. Nhiều đến nỗi HMD Global, tàn tích của bộ phận kinh doanh di động của công ty ở thời điểm hiện tại, đang tìm cách hồi sinh nó với một dáng dấp hiện đại hơn. Giống như mọi dự án hồi sinh điện thoại Nokia cổ điển, chúng ta có thể sẽ được thấy linh hồn của N95 ẩn bên trong một thiết kế hiện đại bằng kính và kim loại. Trượt màn hình sang bên trái sẽ làm lộ ra cụm loa và một camera selfie kép ẩn bên dưới, cùng với đèn flash LED.
Mặt lưng của bản mẫu N95 tái sinh có cảm biến vân tay cùng cụm camera 3 ống kính, nhưng điểm nổi bật chính là vòng tròn bảo vệ quanh cụm camera kiêm luôn vai trò đế đứng, giống như một món phụ kiện cực kỳ phổ biến mà nhiều người mua cho điện thoại của họ hiện nay. Không cần phải nói nhiều, đây sẽ là một thiết bị tuyệt vời cho những người không hào hứng với điện thoại màn hình gập. Đáng tiếc là HMD đã nhanh chóng huỷ bỏ dự án này khi mọi thứ còn chưa thành hình.
(còn tiếp)
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top