Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 2)


(Phần 1)

Nokia tiếp tục xây dựng một mối quan hệ bền chặt với các nhà cung ứng trên toàn nước Mỹ và châu Âu, đồng thời xây thêm nhiều nhà máy ở Trung Quốc và Mexico. Đó là một yếu tố quan trọng giúp công ty liên tục tăng trưởng, nhưng cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố khác mà thôi. Giám đốc Nokia Mobile Phone, Ala-Pietila, đặt mục tiêu biến điện thoại di động trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng, và để làm được điều đó, ông đã cùng các kỹ sư nghiên cứu nhiều giải pháp đưa điện thoại Nokia lên những chuẩn mực mới về chất lượng và tính khả dụng, đồng thời còn mang lại cho chúng một thiết kế và trải nghiệm độc đáo khác hẳn các đối thủ.

VNReview.vn 

Kết quả đầu tiên của nỗ lực đó là chiếc Nokia 1011 ra mất năm 1992 (còn có tên là Mobira Cityman 2000), cũng là chiếc điện thoại GSM được sản xuất đại trà đầu tiên của Nokia. Nó có dạng cục gạch, với một ăng-ten ngắn, kéo dài ra được ở trên đỉnh, dày 45mm, nặng 495g, mà vào thời điểm đó được xem là mỏng và nhẹ. Máy có màn hình LCD đơn sắc và có thể lưu được 99 tên trong bộ nhớ. Viên pin 900mAh chỉ giúp nó gọi điện được 90 phút hoặc chờ khoảng 15 giờ. Những người mua máy ở thời điểm ra mắt đã phải bỏ ra số tiền tương đương 3.060 USD tính theo tỉ giá ngày nay.

Hai năm sau đó, Nokia 2110 ra mắt thay thế Nokia 1011, với thiết kế bánh xà phòng nhỏ hơn, mỏng hơn, nặng bằng một nửa người tiền nhiệm, và chỉ dày 28mm. Nó có menu chữ cuộn, và màn hình hiển thị mức pin cũng như vạch sóng, một biểu tượng thông báo cho các tin nhắn SMS chưa đọc, và hơn thế nữa.

Các tính năng đáng chú ý khác bao gồm khả năng hiển thị danh sách 10 số đã gọi gần nhất, 10 cuộc gọi vừa nhận, và 10 cuộc gọi nhỡ cuối cùng. Pin máy cho phép gọi điện từ 70 - 150 phút và chờ 20 - 40 giờ. Đây là một chiếc điện thoại đắt đỏ, hướng đến người dùng doanh nhân, do đó hầu hết mọi người đã chọn mẫu Nokia 232 giá rẻ, tương đương 730 USD theo tỉ giá ngày nay.

VNReview.vn 

Đến năm 1995, đội ngũ nhân viên của Nokia đã tăng gần gấp đôi, và lợi nhuận hoạt động của công ty đã tăng gần 40% so với năm trước. Tuy nhiên, họ lại mất quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng của mình khi chuỗi cung ứng này không còn đáp ứng được nhu cầu của công ty nay đã vượt quá con số 300.000 điện thoại mỗi năm mà Ollila cho là một mục tiêu thực tiễn vào năm 1992. Cộng với việc một trong các nhà cung ứng của công ty đang gặp vấn đề về năng suất sau khi thiết kế lại một trong những nhà máy sản xuất của mình, Nokia không thể hoàn thành những đơn hàng số lượng lớn vốn có tầm quan trọng không thể ngó lơ. Các giám đốc sản xuất tại Nokia không có được dữ liệu doanh số thời gian thực, do đó họ đơn giản cứ đẩy các sản phẩm với số lượng lớn nhất có thể đến nhiều thị trường khác nhau mà không nắm được những phản ứng quan trọng của thị trường.

Frank McGovern đã chọn Pertti Korhonen, người đang điều hành các nhà máy sản xuất trọng điểm của Nokia vào thời điểm đó, đi tìm một đối tác có thể giúp giải quyết vấn đề kho vận. Đối tác đó chính là SAP, người đã thiết kế và lắp đặt một hệ thống ERP nhằm mang lại cái nhìn bao quát về toàn bộ hoạt động kho vận của Nokia trên toàn cầu và cho phép các giám đốc sản xuất theo dõi chính xác những yêu cầu về thanh toán, sản xuất, kho bãi, và giao nhận hàng.

Hệ thống mới này đi vào hoạt động hoàn chỉnh chỉ trong chưa đầy 6 tháng, giúp Nokia Mobile Phones nắm lại quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng của mình. Tác động của hệ thống này là rất lớn: chu kỳ trữ hàng đã được thu ngắn từ 154 xuống còn 68 ngày, chi phí lưu trữ mỗi sản phẩm giảm 50%, và nhà máy sản xuất điện thoại chính của Nokia ở Salo (Phần Lan) trước đây mất nhiều tháng mới triển khai được một dây chuyền sản xuất thì nay có thể hoạt động hết công suất trong chưa đầy một tuần.

Trong nhiều năm trời, đây được xem là một trong những lợi thế chiến lược của Nokia so với các đối thủ vốn vẫn đang mắc kẹt với những tư duy cũ rích của ngành công nghiệp điện thoại.

VNReview.vn 

Cuối thập niên 1990, Nokia tung ra chiếc smartphone đầu tiên của mình là Nokia 9000 Communicator. Đây là kết quả của hơn 4 năm R&D tập trung vào một “chiếc máy tính bỏ túi”. Khi thiết bi này ra mắt vào tháng 8/1996, nó không còn là một concept mới nữa, bởi Apple đã thử nghiệm ý tưởng tương tự với chiếc Newton, còn IBM đã tạo ra chiếc Simon Personal Communicator. Tuy nhiên, cả hai đều thất bại trên thị trường vì mức giá quá cao và đi trước thời đại quá xa.

Nokia 9000 Communicator là một chiếc smartphone trong thời đại mà “smartphone” vẫn chỉ là một từ dùng để miêu tả một concept mà thôi. Bản thân khái niệm này đã xuất hiện vào năm 1995 để chỉ thiết bị PhoneWriter Communicator của AT&T, nhưng một năm sau đó, Ericsson cũng tung ra một thiết bị mà họ gọi là “smart-phone” - chiếc GS 88 “Penelope”. Những thiết bị sở hữu tính năng giống máy tính bên trong một thân hình nhỏ gọn như viên gạch, lại có cả bàn phím QWERTY, mới chỉ bắt đầu nổi lên, và phải mất nhiều năm để trở nên hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng thông thường.

VNReview.vn 

Thiết bị Communicator đầu tiên của Nokia được trang bị cấu hình cao cấp, bao gồm CPU Intel 24MHz, RAM 4MB, ROM 4MB - trong đó người dùng được sử dụng 2MB. Khi mở ra, nó sẽ có màn hình đơn sắc 4.5-inch với độ phân giải 640 x 200 pixels và một bàn phím QWERTY thu nhỏ mà bạn có thể sử dụng để gửi và nhận email/fax thông qua một modem GSM với tốc độ tối đa về lý thuyết lên đến 9,6 kilobits/giây - thua rất xa so với hàng megabits/giây ngày nay, và chậm đến khó tin so với tốc độ tối đa về lý thuyết là 10 gigabits/giây mà công nghệ mạng di động 5G hứa hẹn đạt được.

Nokia 9000 còn có một trình duyệt web cơ bản. Khuyết điểm lớn nhất của thiết bị này là nó chạy hệ điều hành PEN/GEOS 3.0, một hệ điều hành mang lại cảm giác như Windows 95 trên PC, với các ứng dụng như Notes, Calendar, Calculator, Composer, Serial Terminal, Telnet, và một đồng hồ hiển thị giờ thế giới.

VNReview.vn 

Khi không muốn sử dụng chức năng này, bạn có thể gập nó lại và sử dụng như bất kỳ chiếc điện thoại thông thường nào. Bạn có thể tắt phần điện thoại và sử dụng phần giống PC cùa Nokia 9000 Communicator và ngược lại, nhưng cả hai phần này có kết nối với nhau để bạn có thể soạn tin nhắn SMS trên phần điện thoại và tiếp tục soạn thảo nó trên phần PC. 

Công ty cải thiện concept nguyên bản này với một vài mẫu đời sau, trong đó mẫu đầu tiên ra mắt năm 1998 với tên mã Nokia 9110 và 9110i. Chúng sử dụng CPU AMD Elan SC450 xung nhịp 33MHz, nặng chỉ bằng một nửa Nokia 9000, và khắc phục được nhiều vướng mắt của người tiền nhiệm, bao gồm việc cần đến một adapter đặc biệt để vừa sạc, vừa kết nối đến máy tính. Nó thậm chí còn có cả khe MMC để mở rộng bộ nhớ trong.

Một trong những lý do tại sao Nokia lại đổ quá nhiều nguồn lực vào phát triển các điện thoại kết nối dữ liệu di động là bởi các lãnh đạo công ty vào thời điểm đó nhận ra tiềm năng tương lai của các thiết bị bỏ túi vừa phục vụ kinh doanh vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thông thường. Và đừng quên mối đe doạ đến từ các công ty khác, như Apple và IBM, những cái tên trước đó từng thất bại khi đi tìm “công thức” đúng đắn nhưng luôn đưa ra được một phiên bản mới hơn và hoàn chỉnh hơn.

Các lãnh đạo Nokia cũng nhận ra rằng Microsoft đang tìm kiếm đối tác với các nhà sản xuất thiết bị và các nhà mạng di động để đưa Windows lên các thiết bị di động. Gã khổng lồ Redmond trước đó đã chiếm đa số thị trường PC nhờ chiến thuật này, nhưng công ty lại không muốn trở thành một “nhà cung ứng phần cứng” bởi không có hứng thú với mức lợi nhuận biên khá thấp.

VNReview.vn 

Dòng Communicator đi ngược truyền thống tạo ra những chiếc điện thoại truyền thống với giao diện văn bản đơn giản, có thể dễ dàng thích nghi với các thị trường khác nhau. Loạt điện thoại Communicator có độ phức tạp cao, đòi hỏi nhiều tài nguyên phục vụ cho quá trình phát triển và duy trì một hệ điều hành với giao diện đồ hoạ, nhiều ứng dụng đa dạng, và hỗ trợ nhiều chuẩn mạng khác nhau.

Mặc cho ngày càng phổ biến ở châu Âu, những chiếc điện thoại Communicator đầu tiên lại là một loại sản phẩm khá kén người dùng tại Mỹ, khi mà Nokia không thể thuyết phục được các nhà mạng chuyển sang chuẩn GSM. Về mặt phần mềm, công ty nhanh chóng nhận ra sau hai đời máy Nokia 9000 và 9110 rằng họ phải chuyển từ GEOS vốn tiêu tốn quá nhiều tài nguyên sang một hệ điều hành di động hiệu quả hơn. Hệ điều hành đó là EPOC, một OS 32-bit phát triển bởi công ty Psion của Anh, và là một dự án đầy tham vọng nhằm hình thành nên nền tảng cho một thứ lớn hơn nhiều trong những năm tiếp theo.

Nokia không phải là công ty duy nhất thấy được mối đe doạ từ việc Microsoft lấn sân sang thị trường di động với loạt điện thoại Windows Mobile. Ericsson và Motorola cũng lo sợ tác động của điều đó lên tình hình kinh doanh của họ, do đó cùng với Nokia, họ đã thành lập nên liên doanh Symbian để phát triển một hệ điều hành di động mở, mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi công ty trong thị trường điện thoại.

Hệ điều hành Symbian sẽ mang lại cho Nokia những gì? Hãy đón chờ phần 2.

Thành viên mới đăng
Top