thumbnail - Phát hiện Samsung làm sai lệch kết quả đo màn hình TV, hứa tung ra bản cập nhật
Tử Hà Tiên Tử
Hà Nội

Phát hiện Samsung làm sai lệch kết quả đo màn hình TV, hứa tung ra bản cập nhật

Bạn hẳn đã nghe nhiều về những vụ gian lận benchmark trên smartphone, khi các hãng cố tình tinh chỉnh hiệu năng smartphone hòng qua mặt người dùng. Song, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc tinh chỉnh phần mềm để làm sai lệch các kết quả đo đạc màn hình TV chưa? Điều đáng nói, nó lại bị phát hiện trên sản phẩm của 1 ông lớn trên thị trường TV.

Thủ thuật qua mặt giới reviewer

Trang công nghệ FlatpanelsHD cho biết, thông thường các reviewer và calibrator (người cân màu màn hình) sẽ sử dụng mẫu cửa sổ 10% diện tích màn hình để test hiệu năng HDR. Song, Samsung biết rõ việc này và đã tìm cách qua mặt những người có chuyên môn. Công ty đã thiết kế phần mềm TV sao cho nó nhận ra những mẫu cửa sổ hay được sử dụng để đánh giá.

Phát hiện Samsung làm sai lệch kết quả đo màn hình TV, hứa tung ra bản cập nhật 

Samsung bị "bắt quả tang" đã can thiệp phần mềm để làm sai lệch kết quả đo đạc màn hình TV (ảnh: FlatpanelsHD)

Sau khi đã xác định được điều kiện đo đạc cụ thể, TV sẽ điều chỉnh màn hình để cho ra những thông số tốt nhất, hình ảnh chính xác hơn hẳn - giống như gian lận điểm benchmark hiệu năng trên smartphone. Và nếu reviewer thử test ở 1 mẫu cửa số không được lập trình - ví dụ chiếm 9% diện tích màn hình, thuật toán lập tức bỏ qua và chính lúc này, màu sắc TV được thể hiện rõ nét nhất như những gì sẵn có.

Và theo FlatpanelsHD, đây rõ ràng là hành vi gian lận bởi hãng đã cố tình chọn những mẫu đo đạc thông dụng trong ngành. Những kết quả đo ra không còn chính xác nữa, khiến reviewer đưa ra nhận định sai lầm về hiệu năng hiển thị của màn hình. Nó được thực hiện một cách có chủ đích rõ ràng chứ không phải lỗi của phần mềm.

Minh chứng tố cáo

Kênh YouTube công nghệ quen thuộc là HDTVTest là đơn vị đầu tiên phát hiện ra vấn đề này. Trong video đánh giá mẫu flagship TV OLED S95B sử dụng tấm nền OLED của Samsung Display (QD-OLED), họ đã nhấn mạnh hành vi gian lận của ông lớn đến từ Hàn Quốc. Với diện tích cửa số 10% thường dùng để đo đạc màu sắc và độ sáng, trong khi các TV khác sẽ có kết quả phản ánh chính xác thì sản phẩm của Samsung lại không. TV sẽ tự nhận diện mẫu cửa sổ 10% để biết là đang có người đo đạc hiệu năng hiển thị, từ đó tinh chỉnh chất lượng hình ảnh để các số đo được chính xác bất chấp nó sẽ không phản ánh thực tế.



HDTVTest đã thử đánh lừa hệ thống gian lận này bằng cách test ở cửa sổ 9%. Phần mềm không xác định được nó đang trải qua đo đạc nên đã cho ra kết quả đúng như thực tế vốn có - “true colors”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là của mẫu flagship TV OLED của Samsung do HDTVTest thực hiện, chính kênh công nghệ FlatpanelsHD sau đó cũng đã xác nhận rằng, ngay cả flagship TV LCD Neo QLED QN95B cũng áp dụng thuật toán tương tự. Cho thấy có vẻ Samsung đã thiết lập hệ thống gian lận trên nhiều mẫu TV của họ, không kể là loại OLED hay LCD.

FlatpanelsHD cho hay, QN95B không chỉ làm giả các số liệu đo độ sáng và màu sắc để nó thật chính xác, mà còn cố tình đẩy đỉnh sáng lên thêm 80% - từ 1.300 nit lên 2.300 nit. Đỉnh sáng được “bơm" thêm này không thể duy trì lâu bởi điện áp “chảy” vào hệ thống đèn nền miniLED lúc này là cực lớn, nhiệt độ cũng tăng cao, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ linh kiện. Còn trong đánh giá thực tế, mẫu QN95B của FlatpanelsHD không bao giờ có thể vượt quá 1.300 nit ở bất kì nội dung nào.

Phát hiện Samsung làm sai lệch kết quả đo màn hình TV, hứa tung ra bản cập nhật 

Khi đo ở cửa sổ 10% diện tích màn hình, các chỉ số cho ra đều và đẹp, đỉnh sáng khoảng 2.300 nit

Phát hiện Samsung làm sai lệch kết quả đo màn hình TV, hứa tung ra bản cập nhật 

Nhưng test ở 9%, lập tức có sự khác biệt và đỉnh sáng giảm còn 1.300 nit

Bằng cách đo ở 2 cửa sổ 10% và 9%, FlatpanelsHD đã thu được hai kết quả khác nhau.

Như các bạn thấy, đồ thị đo EOTF và Luminance ở bên trái trong ảnh minh họa. Đường màu vàng là đường tham chiếu tức mục tiêu mà màn hình TV phải theo đuổi để cho ra kết quả tốt nhất, còn đường màu xám đại diện cho kết quả đo đạc của màn hình. Hai đường này càng khớp nhau thì hiệu suất hiển thị càng chính xác.

Ở cửa sổ 9%, đường màu xám lệch khỏi màu vàng và đi vống lên cao, có nghĩa QN95B đang đẩy độ sáng hình ảnh lên quá mức cần thiết. Thứ hai, trị số Y Max ở góc trên đồ thị Luminance cho biết đỉnh sáng của TV. Màn hình khi đo ở cửa sổ 10% cho ra khoảng 2.300 nit nhưng khi ở 9%, con số rớt xuống còn 1.300 nit.

Phản hồi của Samsung 

FlatpanelsHD đã phản ánh vấn đề này với Samsung Hàn Quốc và nhận được câu trả lời.

“Samsung luôn cam kết đổi mới không ngừng nghỉ để cung cấp chất lượng hình ảnh tốt nhất cho khách hàng. Nhằm mang đến trải nghiệm nghe nhìn sống động hơn, công ty sẽ tung ra 1 bản cập nhật phần mềm để đảm bảo duy trì độ sáng khi hiển thị nội dung HDR xuyên suốt qua nhiều mẫu cửa sổ khác nhau, vượt ra khỏi tiêu chuẩn ngành công nghiệp”.

Phát hiện Samsung làm sai lệch kết quả đo màn hình TV, hứa tung ra bản cập nhật 

Trái là Samsung Neo QLED QN95B và phải là Sony Bravia XR miniLED X95K (ảnh: FlatpanelsHD)

Phát hiện Samsung làm sai lệch kết quả đo màn hình TV, hứa tung ra bản cập nhật 

Trái là Sony Bravia XR X90J và phải là Samsung Neo QLED QN90A (ảnh: FlatpanelsHD)

Như các bạn thấy trên các tấm ảnh so sánh, TV Samsung thường là mẫu cho ra độ sáng cao hơn. Tất nhiên cũng có người sẽ thích cách xử lý hình ảnh này của Samsung, nhưng có vẻ họ đang áp dụng thuật toán đẩy độ sáng với HDR lên nhiều mẫu TV khác nhau. Theo FlatpanelsHD, TV của Sony có hình ảnh chính xác với video gốc hơn, còn Samsung đẩy độ sáng cao khiến khung cảnh trở nên giống như ban ngày, trong khi nó đáng ra phải là cảnh hoàng hôn. 

Chưa rõ Samsung sẽ gửi bản cập nhật như thế nào, nhưng có vẻ họ sẽ mở rộng thuật toán gian lận này ra nhiều phạm vi cửa sổ? FlatpanelsHD cho biết sẽ kiểm tra lại vấn đề trên các TV của Samsung trong tương lai. 

Còn anh em thì nghĩ sao về hành vi này của Samsung? Liệu có cần thiết phải dùng thủ thuật để qua mặt các reviewer hay không? Bạn nào đang dùng TV Samsung ở nhà có thấy màn hình có lúc đẩy độ sáng lên cao quá mức hay không?


Nguồn: FlatpanelsHD.

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác