Theo báo chí đưa tin ngày 16/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết trong cuộc hội đàm tại Samarkand rằng Nga sẵn sàng làm mọi thứ có thể để chấm dứt xung đột ở Ukraine "càng sớm càng tốt" nhưng Kyiv từ chối đối thoại.
Trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO ở Samarkand, Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bắt tay trước khi hội đàm.
Ông Putin nói với ông Modi rằng ông hiểu "những lo ngại" của ông Modi về cuộc xung đột ở Ukraine, và Putin nói rằng ông sẽ "làm mọi thứ có thể để đảm bảo điều này kết thúc càng sớm càng tốt".
Ông Putin nói thêm, "Thật không may, ở phía bên kia, các nhà lãnh đạo Ukraine đã từ chối tiến trình đàm phán. Họ tuyên bố rằng mục tiêu của họ sẽ đạt được bằng các biện pháp quân sự, hay nói cách khác là 'trên chiến trường'."
Theo báo chí đưa tin, ông Modi đã đề cập đến những thách thức mà thế giới hiện đang phải đối mặt, bao gồm các vấn đề an ninh lương thực và khủng hoảng năng lượng. Ông cũng cho biết ông coi cuộc gặp với Putin là cơ hội để thảo luận về những tiến bộ trên "con đường dẫn tới hòa bình".
Đăng trên các nền tảng xã hội sau cuộc gặp, ông Modi viết: "Cuộc gặp của tôi với Tổng thống Putin rất dễ chịu. Chúng tôi có cơ hội thảo luận về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, quốc phòng… cũng như các song phương khác và các vấn đề toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nói còn quá sớm để nói về việc chấm dứt cuộc xung đột này. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ trên chiến trường khi Kiev tái kiểm soát nhiều lãnh thổ ở khu vực đông bắc, ông Zelensky nhấn mạnh kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukrraine phụ thuộc nhiều vào việc các nước nhanh chóng chuyển giao vũ khí để hỗ trợ Kiev.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine vừa chỉ trích Đức vì không chuyển xe tăng, cho rằng Ukraine không có những thứ họ cần nhất trong lô vũ khí đã và sắp được giao. "Chúng tôi biết ơn họ, nhưng đó không phải những thứ chúng tôi cần nhất trong chiến đấu. Vấn đề là gì? Tại sao chúng tôi không thể có những gì chúng tôi cần và những gì Đức có?", ông Kuleba cho biết. "Tôi có ấn tượng rằng tồn tại bức tường ngăn trở vũ khí ở Berlin. Tôi nghĩ thời điểm đã chín muồi để phá bỏ bức tường này", ông này nói.