Sạc nhanh 100W trở lên có vô nghĩa với trải nghiệm người dùng?

Đã đến lúc chấm dứt nỗi ám ảnh về công suất sạc như 100W, 150W hay 240W, hãy chỉ quan tâm tới những trải nghiệm thực tế khi sử dụng trong thời gian dài. Gần đây các hãng smartphone đua nhau giới thiệu các công nghệ sạc siêu nhanh với công suất cao. Điều này khiến không ít người dùng cảm thấy hoang mang và không biết nên chọn công suất sạc bao nhiêu là vừa. Chưa kể nhiều người hẳn sẽ cảm thấy lo lắng về độ an toàn của những chiếc điện thoại có công suất sạc cao như vậy.
Sạc nhanh 100W trở lên có vô nghĩa với trải nghiệm người dùng?
Từ ý tưởng sạc siêu nhanh SuperVOOC 240W của Oppo đến công suất 100W của Honor. Có thể thấy các hãng đang ngày càng đánh vào thông số công suất sạc để gây ấn tượng. Tuy nhiên, rõ ràng công suất sạc không thể nói lên sức mạnh sạc thực sự của một chiếc máy. Thế nhưng, nhiều người lại cảm thấy bị ám ảnh với những con số giống như cuộc đua về số chấm trên camera. Dù rằng nỗi ám ảnh đó cũng sẽ mất dần đi khi công nghệ dần trở nên phổ biến. Nhưng trước khi nhiều người có thể loại bỏ sự ám ảnh đó, có một số lý do sau đây để bạn thôi không đau đáu về công suất sạc nhanh này nữa.

Công suất cao không duy trì được trong suốt quá trình sạc​

Công suất là một chỉ số mà chúng ta không nên quá tập trung. Ví dụ công suất ở trên cục sạc và điện thoại luôn khác nhau do chuyển đổi và mất nhiệt. Công suất trên cục sạc là 100W có thể chỉ còn 80W khi đi vào điện thoại. Đừng tin rằng bạn có thể so sánh các chỉ số giữa các thương hiệu vì ai biết họ đang đo lường những gì. Nhưng quan trọng hơn, người tiêu dùng cần hiểu rằng mức công suất sạc rất cao chỉ được sử dụng tới trong những khoảng thời gian giới hạn của chu kỳ sạc đầu.
Sạc nhanh 100W trở lên có vô nghĩa với trải nghiệm người dùng?
Nếu pin của bạn đầy hơn 1/4 dung lượng, đừng mong đợi máy sẽ tiếp tục sạc với công suất sạc cao như vậy. Sau khi thử nghiệm nhiều công nghệ sạc nhanh từ Oppo, Huawei, Samsung,… tôi có thể nói với bạn rằng, mức công suất sạc trích dẫn trong các tài liệu tiếp thị hầu như chỉ được ứng dụng trong vài phút đầu và giảm dần sau đó. Như bạn có thể thấy từ biểu đồ đo, các mẫu smartphone hỗ trợ sạc nhanh như OnePlus 9 Pro và Xiaomi Mi 11 Ultra giữ tốc độ sạc cao nhất trong ba hoặc bốn phút. Công suất sạc này đủ để nhanh chóng đưa pin lên khoảng 20% trước khi giảm dần mức công suất xuống mức thấp hơn. Tuy nhiên, Oppo Find X5 Pro 80W và Samsung Galaxy S22 Ultra 45W thậm chí không duy trì được công suất như đã quảng cáo trong một phút. Điện thoại 240W có lẽ sẽ may mắn duy trì được mức công suất sạc cao nhất trong khoảng vài giây. Do đó, mức công suất cao mà các hãng đang quảng cáo chỉ cho bạn biết rất ít về tốc độ sạc thực tế của máy. Công suất trung bình mới là chỉ số hữu ích hơn nhưng rõ ràng chẳng hãng nào muốn lấy thông số này ra để tiếp thị. Các chỉ số như thời gian sạc lên đến 50% trong vòng bao nhiêu phút và thời gian sạc đầy 100% pin là bao nhiêu lâu mới là những thước đo tốt hơn nhiều so với công suất sạc. Bên cạnh đó, công suất sạc cũng không cho bạn biết nhiều điều về những gì có thể xảy ra khi bạn chỉ cắm sạc một lúc và không sạc đầy pin, một thói quen sạc khá phổ biến của nhiều người.
Sạc nhanh 100W trở lên có vô nghĩa với trải nghiệm người dùng?

Dung lượng và tuổi thọ của pin quan trọng hơn việc sạc nhanh​

Việc tăng dung lượng pin và nâng cấp cell pin cho smartphone luôn đi kèm với những “thỏa hiệp”. Nhiệt độ quá cao và dòng điện công suất cao có thể hại cho pin về lâu dài và có thể làm giảm tuổi thọ của pin. Để khắc phục vấn đề này, Oppo và các hãng đã thay đổi thuật toán sạc và đánh giá lại tuổi thọ pin. Theo đó các hãng có thể đảm bảo cung cấp 80% dung lượng ban đầu cho pin sau 800 chu kỳ sạc đầy. Con số này có thể tương đương với khoảng hơn 2 năm nếu như người dùng tuân thủ một chu kỳ sạc hoàn chỉnh. Pin Health Engine mới nhất của Oppo được sử dụng trên Find X5 Pro có thể cải thiện chu kỳ sạc đầy lên tới 1600 lần, tức là khoảng 4 năm mà vẫn giữ được mức dung lượng pin khoảng 80% so với ban đầu. Tuy nhiên không phải nhà sản xuất nào cũng minh bạch về ước tính tuổi thọ pin và rất khó để các hãng triển khai công nghệ sạc nhanh cao cấp như vậy trên các sản phẩm có mức giá rẻ hơn. Các loại pin có khả năng sạc nhanh thường sẽ có dung lượng nhỏ hơn, đồng nghĩa với việc thời lượng pin ít hơn. Pin C-rate cao được chế tạo để chịu được dòng sạc nhanh hơn nhưng sẽ đắt hơn và có dung lượng nhỏ hơn ở một số kích thước nhất định. Nói cách khác, một chiếc smartphone sạc nhanh hơn cũng đồng nghĩa với việc phải hy sinh dung lượng và kích thước viên pin để dành không gian cho các bộ phận khác. Không gian để lại từ viên pin sẽ dùng cho cảm biến máy ảnh, chip xử lý và nhiều bộ phận khác.
Sạc nhanh 100W trở lên có vô nghĩa với trải nghiệm người dùng?
Hãy tự hỏi bản thân, bạn muốn điện thoại của mình sạc nhanh hơn 10 phút hay bạn muốn sử dụng thêm một giờ.

Tiêu chuẩn chung cần sớm phổ cập và thay thế công nghệ độc quyền​

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với sạc công suất cao là chúng đều dựa trên công nghệ độc quyền, tức là máy bạn sẽ chỉ có thể sạc nhanh được nếu như sử dụng cục sạc và dây sạc đi kèm máy. Mặc dù điều này không quá khó khăn nếu như bạn sử dụng máy ở nhà nhưng sẽ khá bất tiện nếu như bạn di chuyển bên ngoài, đi du lịch, sạc máy trên ôtô hoặc qua pin dự phòng. Tức là với những bộ sạc không phải độc quyền, chiếc điện thoại hỗ trợ sạc nhanh 100W của bạn sẽ chỉ có thể sạc tối đa ở mức 10W, 18W hoặc 33W trở nên tùy thiết bị hỗ trợ. Nhưng các nhà sản xuất đang nỗ lực biến các cục sạc của họ tương thích với các chuẩn sạc USB Power Delivery và Quick Charge. Vì vậy, cục sạc SuperVooc 150W hoàn toàn có thể dùng để sạc cho điện thoại và máy tính hỗ trợ USB-PD. Nhưng không phải tất cả các nhà sản xuất đều hỗ trợ các chuẩn sạc này. Cuối cùng, sự phân mảnh không hề tốt cho toàn bộ hệ sinh thái. Người tiêu dùng không cần phải đi tìm những cục sạc dành riêng cho thiết bị của họ bởi đã có những chuẩn sạc chung. Rốt cuộc chuẩn sạc USB-C sinh ra nhằm giải quyết mớ hỗn độn liên quan đến tiêu chuẩn độc quyền và tạo ra trải nghiệm đơn giản hóa, cắm và sử dụng ngay cho người dùng.
Sạc nhanh 100W trở lên có vô nghĩa với trải nghiệm người dùng?
Bên cạnh đó, rác thải điện tử đang là một vấn đề ngày càng nóng và những cục sạc cũ, không còn tương thích sẽ nhanh chóng bị vứt bỏ đi một cách đầy lãng phí. Đặc biệt là sau khi bạn nâng cấp điện thoại, những cục sạc độc quyền sẽ trở nên vô dụng nên càng tăng thêm áp lực cho môi trường. Điều này không có nghĩa là sạc nhanh không phải là một tính năng quan trọng và có giá trị đối với smartphone. Rõ ràng không ai muốn phải đợi sạc điện thoại cả ngày. Tuy nhiên thực tế bạn sẽ không cần đến công suất sạc 100W chứ chưa nói đến 240W để có thể sử dụng chỉ sau vài phút. Cũng có một số nhược điểm của công nghệ sạc nhanh hiếm khi được nhắc đến. Chính vì vậy người tiêu dùng cần nhận thức rõ hơn để đưa ra quyết định mua smartphone cho riêng mình. Đã đến lúc chúng ta nên thôi ám ảnh bởi những mức công suất sạc cao ngất ngưởng và chỉ nên tập trung vào những điều quan trọng nhất, đó là trải nghiệm người dùng. Nguồn: Androidauthority
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top