Tác chiến điện tử của Nga tại Ukraine đang diễn ra như thế nào?

Tác chiến điện tử là một phần quan trọng trong học thuyết chiến tranh hiện đại của Nga nhằm vô hiệu hóa năng lực chỉ huy và kiểm soát (C2), cũng như tình báo, do thám và trinh sát (ISR) của đối phương.
Tác chiến điện tử đóng vai trò nổi bật trong lực lượng vũ trang Nga. Mỗi quân khu được biên chế một lữ đoàn tác chiến điện tử độc lập, trong khi mỗi đội hình chiến thuật lục quân đều có một đại đội tác chiến điện tử phối thuộc. Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Nga đang huy động ít nhất 30 đại đội như vậy cho các lữ đoàn, sư đoàn thiết giáp và bộ binh cơ giới tham chiến ở Ukraine.

Tác chiến điện tử của Nga tại Ukraine đang diễn ra như thế nào?
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga
Các công cụ tác chiến điện tử bao gồm các hệ thống phần cứng và phần mềm có thể làm nhiễu, đánh chặn và xác định hệ thống liên lạc của kẻ thù.
Mỗi đại đội tác chiến điện tử Nga được cho là đủ sức bao quát khu vực bán kính 50 km ở tiền tuyến, trong khi cấp lữ đoàn có thể tác chiến trong phạm vi hàng trăm km.
"Các hệ thống của Nga dường như được thiết kế để vận hành ở trạng thái cố định, nhằm cung cấp 'ô phòng thủ' bảo vệ lực lượng tác chiến trong một khu vực nhất định, thay vì bám sát đội hình chiến đấu", tiến sĩ Thomas Withington, học giả chuyên về tác chiến điện tử và liên lạc quân sự tại Mỹ, nhận xét.
Hồi tháng 6/2022, AP đưa tin các hệ thống này đang bắt đầu được sử dụng nhiều hơn ở phía Đông Ukraine, nơi những tuyến hậu cần ngắn cho phép quân đội Nga di chuyển các thiết bị tác chiến điện tử chuyên biệt gần chiến trường hơn. Một số quan chức Ukraine nhận định với AP rằng các thiết bị gây nhiễu hệ thống dẫn đường của UAV là mối đe dọa "tương đối nghiêm trọng" đối với hiệu quả của chúng.
Một phân tích mới, được công bố trên Spectrum cũng đánh giá, mặc dù EW không có vai trò quyết định trong cuộc xung đột này, nhưng nó đang làm cán cân trên chiến trường nghiêng về phía Nga nhiều hơn.
"Các chuyên gia từ lâu đã ca ngợi Nga là quốc gia sở hữu những đơn vị tác chiến điện tử được trang bị tốt nhất và giàu kinh nghiệm nhất thế giới", ông Bryan Clark, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Viện Hudson nhận định. Dù vậy, chuyên gia này cho rằng, trong những ngày đầu của chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều nhà phân tích dự báo, với gần 1 thập kỷ tiến hành các cuộc diễn tập ở phía Đông Ukraine, Nga sẽ nhanh chóng giành ưu thế, song điều đó đã không xảy ra.
Tuy nhiên, ông Clark đánh giá, hiện nay, khi Nga đã kiểm soát nhiều lãnh thổ của Ukraine hơn và đang tăng cường thực hiện "chiến thuật bao vây" quanh các thành phố của Ukraine, hệ thống tác chiến điện tử của Nga đang phát huy tác dụng. Chẳng hạn, quân đội Nga được cho là có thể gây nhiễu hệ thống radar của các UAV Ukraine, ngăn cản chúng xác định vị trí các trận địa pháo của Nga.
Trong khi đó, công nghệ đánh chặn cho phép Nga xác định và nhắm trúng pháo binh của Ukraine, tăng cường lợi thế số lượng về mặt hỏa lực.
Lục quân Nga triển khai tác chiến điện tử ngay từ ngày đầu chiến sự, nhằm chế áp lưới phòng không hiệp đồng của Ukraine. Các hệ thống Nga đã chế áp radar và liên lạc vô tuyến, hỗ trợ chiến dịch đổ bộ chớp nhoáng bằng trực thăng vào sân bay Antonov ở thị trấn Hostomel, ngoại ô thủ đô Kiev.
Các chuyên gia phương Tây nhận định hoạt động tác chiến điện tử của Nga "mạnh mẽ và hiệu quả" trong giai đoạn đầu, buộc quân đội Ukraine sử dụng những biện pháp liên lạc như truyền thư tín hoặc liên lạc hữu tuyến. Tuy nhiên, dường như các đơn vị Nga cũng gặp sự cố gây nhiễu lẫn nhau trong nỗ lực chế áp đối phương, đồng thời đạt hiệu quả thấp khi đối phó với bộ đàm đơn kênh SINCGARS bảo mật được Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Tác chiến điện tử Nga cũng nhắm mục tiêu vào tín hiệu định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS), ngăn cản khả năng thu phát và sử dụng các hệ thống định vị vệ tinh như GPS của Mỹ và Galileo châu Âu. Không chỉ giới hạn trong gây nhiễu và chế áp điện tử, hoạt động này có bao gồm những cuộc tấn công mạng, sử dụng mã độc để vô hiệu hóa các thiết bị điện tử.
Công ty phân tích dữ liệu vô tuyến Hawkeye 360 của Mỹ hôm 3/4 công bố báo cáo cho thấy tín hiệu GNSS đã bị gây nhiễu ở Ukraine. Tín hiệu chế áp được phát hiện tại những khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine từ tháng 11/2021. Hoạt động này được đẩy mạnh từ tháng 2, khi GNSS bị gây nhiễu ở biên giới Ukraine - Belarus và gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở miền bắc Ukraine.
Dù vậy, GNSS dường như chỉ bị gây nhiễu ở mức cục bộ, không gây gián đoạn tín hiệu trên toàn lãnh thổ Ukraine. "Lực lượng Ukraine vẫn dễ dàng triển khai máy bay không người lái Bayraktar TB2, vốn dựa vào tín hiệu GPS, trên chiến trường. Hoạt động đối phó GNSS của Nga có thể không mang tính liền mạch hoặc họ không tác động được vào tín hiệu mã hóa quân sự M-Code của GPS", tiến sĩ Withington nhận định.
Quân đội Nga sở hữu nhiều hệ thống chuyên tấn công tín hiệu SATCOM như Leer-3, Zhitel và RP-377L/LA Lorandit, nhưng dường như họ chỉ tập trung vào các đòn tấn công mạng, thay vì chế áp trên chiến trường.
Mỹ, Canada, Anh, Estonia và Liên minh châu Âu (EU) hồi giữa tháng 5 ra tuyên bố cáo buộc Nga thực hiện cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống Internet vệ tinh tại Ukraine của công ty Viasat. Các thiết bị kết nối vệ tinh Starlink do tỷ phú Elon Musk cung cấp cho Ukraine cũng hứng chịu đòn tấn công mạng tương tự.
Musk đã được Lầu Năm Góc ca ngợi vì đã cập nhật phần mềm nhanh chóng, giúp thiết bị Starlink chống lại đòn tác chiến điện tử của Nga. Tuy nhiên, tỷ phú này cảnh báo binh sĩ Ukraine cần tắt thiết bị Starlink bất cứ lúc nào có thể vì mối đe dọa từ "sát thủ vô hình" Nga.
Quân đội Nga thừa nhận hoạt động tác chiến điện tử tại Ukraine vẫn còn nhiều hạn chế. "Mạng lưới chỉ huy của lực lượng tác chiến điện tử chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Các tổ hợp chỉ huy và kiểm soát vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm về kỹ thuật và hệ thống", bài viết đăng trên tạp chí khoa học Tư tưởng Quân sự của Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 5 có đoạn.
Giới phân tích cũng nhận định khó khăn hậu cần và đường sá bị phá hủy cũng khiến các đơn vị tác chiến điện tử Nga không theo kịp đội hình chiến đấu khi tiến tới Kiev trong giai đoạn đầu chiến dịch, khiến hoạt động hiệp đồng giữa các đơn vị trở nên gián đoạn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây cho rằng quân đội Ukraine khó lòng đối phó với lực lượng Nga trên chiến trường nếu không thể chống trả đòn chế áp điện tử. NATO và các đồng minh cũng không thể coi thường tình hình hiện nay. Hoạt động tác chiến điện tử của Nga có vẻ hỗn loạn trong giai đoạn đầu chiến sự, nhưng điều đó đang dần thay đổi khi xung đột chuyển sang hình thái mới. NATO, các đồng minh và Ukraine không được phép chủ quan.

>> Quân đội Nga triển khai thiết bị gây nhiễu điện tử lớn ở khu vực biên giới Ukraine, có khả năng làm tê liệt liên lạc trực tiếp trong phạm vi 5.000 km

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top