Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 1

Trung Quốc hiện đang thống trị ngành khai thác và tinh chế đất hiếm, là những nguyên tố kim loại cần thiết trong hầu hết tất cả các thiết bị điện tử của thế kỷ 21. Tuy nhiên, trái với nhận thức thông thường, Trung Quốc lại không thể và cũng không hề muốn vũ khí hóa nguồn cung đất hiếm toàn cầu.
Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 1
Ảnh: Alex Santafé
Cách thành phố El Paso (Mỹ) 136km về phía Đông, cuộc thi toàn cầu về uy thế công nghệ đang hết sức náo nhiệt. Ngọn núi Round Top, ở độ cao 1524m so với mặt nước biển, nằm tại hạt Hudspeth, Texas, là một trong những nơi tập trung trầm tích đất hiếm lớn nhất nước Mỹ. Dự án Round Top đã truyền cảm hứng cho những nỗ lực khai thác đất hiếm ở Alaska, Colorado, Wyoming và Tây Úc. Những dự án này tồn tại trên khắp thế giới, từ Mỹ, Nhật Bản cho đến EU, tất cả đều đang tìm kiếm mỏ đất hiếm riêng của mình để có thể tự chủ nguồn cung, tách rời khỏi đất nước khai thác đất hiếm lớn nhất thế giới: Trung Quốc.

Đất hiếm nhưng không hiếm​

Khi căng thăng Mỹ - Trung gia tăng, đất hiếm trở thành một con bài đe dọa của Trung Quốc. Bắt đầu kỷ nguyên cải cách và mở cửa, chính sách công nghiệp của Trung Quốc và các chiến thuật thị trường đầy mờ ám đã giành lấy ngành công nghiệp đất hiếm từ Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc đang kiếm tiền bằng cách “bắt cả thế giới làm con tin” với đất hiếm. Năm 2010, Trung Quốc đã từng “lên gân” với Nhật Bản bằng một lệnh cấm vận khi hai nước xảy ra tranh chấp trên biển. Và mới đây, nhờ đất hiếm mà Trung Quốc cũng có trong tay con bài mạnh mẽ trong các thương vụ với Mỹ trong tương lai. Đối với chính phủ Mỹ, đất hiếm là quả lựu đạn cầm tay trong kho vũ khí của Trung Quốc trong cuộc chiến thay đổi trật tự tự do thế giới.
Giải pháp của chính quyền Biden là tiếp tục thúc đẩy nỗ lực trong hàng chục năm qua nhằm phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước như một vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng sự thật là các quốc gia không cạnh tranh vì đất hiếm. Đất hiếm không hiếm. Một trong những nơi có trầm tích đất hiếm giàu nhất là ngọn núi Pass ở California. Và Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu nhiều quặng đất hiếm hơn lượng xuất khẩu, nước này cũng đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm. Đất hiếm khó sản xuất, gây tổn hại đến môi trường, nhưng lại rất cần thiết cho nền kinh tế hiện đại. Đất hiếm và khai thác đất hiếm thể hiện những dấu hiệu đáng chú ý về một liên doanh hợp tác quốc tế. Vậy tại sao các nước vẫn đang bế tắc trong một mạng lưới địa chính trị sai lầm?
Một phần của câu chuyện là những gì chúng ta sẽ nói đến ở đây. Năm 1992, trong một dòng được trích dẫn, Đặng Tiểu Bình từng nói rằng “Trung Đông có dầu; Trung Quốc có đất hiếm”. Câu nói này đã tạo được sự chú ý trên mạng internet và cũng được sử dụng như một tín hiệu cho thấy sự tính toán địa chính trị của Trung Quốc. Nhưng câu nói này được Đặng Tiểu Bình đưa ra sau cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh, nên thật ra nó không phải là khoe khoang, mà là một lời cảnh báo: Cũng như việc Trung Đông trở thành nạn nhân trong trò chơi quyền lực của các nước phương Tây nhằm bổ sung tài nguyên, thì Trung Quốc cũng vậy.
Ngày nay, các mỏ đất hiếm, từ rừng Amazon cho đến đáy biển sâu, Bắc Cực hay thậm chí là Mặt Trăng, làm gợi nhớ lại chủ nghĩa đế quốc của các nước thực dân phương Tây ở thế kỷ thứ 19. Các tài liệu về đất hiếm – “giải pháp hạt nhân” hay “dầu mỏ mới” – cũng gợi lên thứ ngôn ngữ cường quốc của Mỹ ở thế kỷ 20. Để có thể xem đất hiếm gắn liền với sự cạnh tranh quyền lực lớn của thời đại này, chúng ta cần nhắc lại thói quen và dự báo của chính nước Mỹ. Sau khi Mỹ vũ khí hóa công nghệ trong lúc cuộc chiến thương mại bùng nổ, hoàn toàn không có màn “ăn miếng trả miếng” nào từ Trung Quốc, dù nhiều đồn đoán rằng nước này hoàn toàn có thể trả đũa bằng đất hiếm. Nguyên do đằng sau khá đơn giản, đó là vì Trung Quốc không phải Mỹ. Nếu có một bài học mà vấn đề đất hiếm có thể truyền đạt, thì đó là dưới bóng của một kẻ khác đang trỗi dậy, thứ sức mạnh hoang tưởng có thể tạo ra con quỷ của chính nó.
Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 1

Đất hiếm và lệnh cấm xuất khẩu​

Đất hiếm là tên gọi chung cho 17 kim loại nằm gần cuối bảng tuần hoàn hóa học. Đất hiếm có thể ví như vitamin của các ngành công nghiệp. Đất hiếm được sử dụng trong tất cả mọi lĩnh vực từ sản xuất năng lượng tái tạo, đến xe điện, cơ sở hạ tầng mạng và vũ khí quân sự, chúng khiến mọi thứ hoạt động nhanh hơn, nhẹ hơn và mạnh mẽ hơn.
Các kim loại này đã xuất hiện trên từ điển toàn cầu vào khoảng năm 2010, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai cường quốc Châu Á. Vào mùa thu năm đó, một tàu đánh cá Trung Quốc đã đâm vào tàu tuần duyên của Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang còn tranh chấp giữa hai quốc gia này. Trong thời điểm nóng bỏng này, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm khiến chuỗi cung ứng toàn cầu lâm vào khó khăn. “Chúng ta đã bị nắm thóp. Neodymium có giá 45 USD/kg đã tăng lên 450 USD/kg”, Mitch Spencer, chủ tịch của Polaris Rare Earth Materials tại Indiana, cho biết gần đây.
Kể từ khi đó, đất hiếm đã gây ra tâm lý bất an ở các nước phương Tây, cả trong tưởng tượng lẫn thực tế. Vào tháng trước, khi Taliban đoạt được Afghanistan, báo cáo về các mỏ đất hiếm trong nước này đã ngay lập tực gây ra cuộc tranh luận về khả năng Trung Quốc sẽ tham gia vào chiến sự này trong tương lai. Dù vụ việc năm 2010 có tính đặc thù riêng, nó trở thành miếng mồi hoàn hảo cho những người theo thuyết vận mạng. “Nếu Trung Quốc củng cố vị thế của mình và duy trì vị trí độc quyền lâu dài [về đất hiếm]”, quốc gia này có khả năng sẽ “hạ bệ nước Mỹ… cũng như phần còn lại của thế giới”, nhà khoa học chính trị Steve Dobransky cảnh báo hồi năm 2013. Trong trò chơi điện tử Call of Duty: Black Ops II và bộ phim House of Cards do Netflix sản xuất, lệnh cấm vận đất hiếm cũng được sử dụng là chất liệu tạo nên cốt truyện.
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc có thể dễ dàng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm. Năm ngoái, lệnh cấm của Mỹ đối với chất bán dẫn đã khiến các công ty sản xuất xe điện và điện tử khổng lồ của Trung Quốc nghẹt thở, và Huawei đã bị đánh bật khỏi vị trí nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Một cú đáp trả bằng đất hiếm sẽ có hiệu ứng tương hỗ với lệnh cấm của Mỹ và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Một lệnh cấm có thể bóp nghẹt tham vọng sản xuất năng lượng sạch của Mỹ, ngăn chặn phần lớn ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và đánh thẳng vào đầu gối của hệ thống phòng thủ nước này. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 66% nhà cung cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ phụ thuộc vào nguồn đất hiếm nhập khẩu. “Nếu bạn cho rằng sự thiếu hụt chất bán dẫn lúc này đã là tồi tệ, hãy cứ chờ xem đến khi đất hiếm không còn lọt ra khỏi Trung Quốc”, Jeff Wilson, chuyên gia thương mại và giám đốc tại Trung tâm Perth USAsia, cho biết.
Tuy nhiên, đất hiếm không phải là một cuộc chơi “hòa vốn”. Theo nhà địa lý Julie Klinger, tác giả cuốn sách Rare Earth Frontiers, tỷ trọng sản xuất đất hiếm của Trung Quốc so với toàn cầu trên thực tế đang giảm dần. Năm 2018, Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu ròng một số loại đất hiếm. Đây là một động thái cần thiết trước những lo ngại về vấn đề bảo tồn tài nguyên, ổn định chuỗi cung ứng và bảo vệ môi trường – cũng là những điều mà các nước phương Tây cũng nên quan tâm.
Klinger, phó giáo sư tại Đại học Delaware, gần đây cho biết “Điều kịch tính nhất trong cuộc tranh đấu địa chính trị này nằm ở chỗ đất hiếm là một trong số ít các lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có lợi ích bổ sung trực tiếp cho nhau. Trung Quốc không muốn chịu trách nhiệm là nhà cung cấp đất hiếm cho toàn bộ phần còn lại của thế giới”. Tuy nhiên, chừng nào phe hiếu chiến và báo lá cải của Trung Quốc còn thao thao bất tuyệt về khả năng vũ khí hóa nguồn cung đất hiếm, thì phần còn lại của thế giới vẫn sẽ còn phải canh cánh lo sợ về một nhóm các kim loại mà họ không thật sự hiểu.
Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 1
Ảnh: SCMP

Nước Mỹ đã “sảy tay” như thế nào?​

Trong suy nghĩ của nhiều chính trị gia và chuyên gia phân tích ở Mỹ, Trung Quốc là một đối thủ quen thuộc trong cuộc cạnh tranh đất hiếm. Theo Báo cáo Quốc hội Mỹ năm 2011, chính Trung Quốc đã “dần dần chuyển toàn bộ ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ ra nước ngoài”. Nhưng đúng như tác giả Kingler tiết lộ trong Rare Earth Frontiers, các chính sách và hành động của Mỹ đều đã được tính toán kỹ lưỡng. Ở mức độ cao nhất, kỷ nguyên Thatcher-Reagan chứng kiến sự đổi mới, cam kết tỷ suất lợi nhuận của khối tư nhân được đặt trên tất cả. Và các doanh nghiệp đã lùng sục khắp thế giới để tìm ra những nơi quốc gia có sự kết hợp lý tưởng giữa quy định lỏng lẻo về môi trường và nhân công giá rẻ. Đất hiếm cũng đi theo cùng một quỹ đạo đó, và Trung Quốc đã mở cửa cho các công ty nhảy vào.
Nhà môi trường học Edward Nixon đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Vào thập niên 80, hầm mỏ Pass Mountain ở California (nơi đã chịu trách nhiệm cho 70% nguồn cung đất hiếm trên toàn cầu lúc này) đã bắt đầu chuyển sang Trung Quốc do những lo ngại về môi trường và chi phí. “Ông ấy rất quan tâm đến việc bảo tồn một ‘nước Mỹ xinh đẹp’”, Kingler trả lời phỏng vấn trên đài Sinica. “Và cách bạn làm được điều đó là xuất khẩu những ngành công nghiệp gây ô nhiễm, và ông ấy tình cờ có quan hệ tốt với Trung Quốc”. Năm 1970, theo lệnh của ông, người anh trai là Richard Nixon (và cũng là Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ) đã thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường và mở ra một loạt chính sách mới về môi trường khiến các dự án khai thác đất hiếm bị nhấn chìm. Nhưng Kingler tin rằng các chính sách đã có tác động đúng như dự định, chúng đẩy những công việc bẩn thỉu nhất ở Mỹ ra nước ngoài, để quốc gia này có thể phát triển một nền kinh tế tiêu dùng cao và theo hướng dịch vụ.
Việc tháo dỡ Magnequench, nhà máy sản xuất nam châm neodymium cuối cùng của Mỹ, là động thái mà bản Báo cáo Quốc hội năm 2011 gọi là “hành động cuối cùng” đánh dấu việc Trung Quốc chiếm lĩnh ngành đất hiếm của Mỹ. Nhưng với Spencer, người từng là nhân viên của Magnequench và sau này thành lập công ty riêng, thì anh cho rằng trách nhiệm thuộc về cả hai bên. “Ở Trung Quốc có những bên quan tâm muốn đầu tư [vào công ty], nhưng họ không thực sự biết cách làm việc đó – vậy nên họ đã tranh thủ sự giúp đỡ”, Spencer nói. Sự trợ giúp đến từ một chủ ngân hàng đầu tư tên là Archibald Cox Jr., là con trai của công tố viên Watergate nổi tiếng.
Là CEO của ngân hàng đầu tư, Cox mua lại công ty nam châm sở hữu những nhà máy cuối cùng thuộc loại này, và bắt đầu bán từng phần cho Trung Quốc trong suốt những năm sau đó. Ông đóng cửa một nhà máy và chuyển thiết bị ra nước ngoài vào năm 1998, tiếp đến là một nhà máy khác ở Idaho vào năm 2000, và nhà máy cuối cùng tại Indiana đóng cửa vào năm 2003. Vào thời điểm đó, một thành viên cấp cao trong công đoàn Indiana đã gọi Cox là “kẻ phản bội đất nước” và các giao dịch của ông là “hành vi phạm tội”. (Quốc hội đã yêu cầu xem xét lại việc tiếp quản, nhưng quá trình này bị trì trệ do thiếu quyết tâm.) Cũng trong khoảng thời gian đó, Wilson, người đã theo dõi chặt chẽ ngành công nghiệp đất hiếm ở Trung Quốc trong nhiều năm, cho biết chính phủ Mỹ đã bán bớt kho dự trữ đất hiếm của mình từ sau Chiến tranh Lạnh; chúng tràn ngập trên thị trường, làm giảm giá thành và ngăn những công ty mới tham gia thị trường. Kết quả là ngành công nghiệp đất hiếm trong nước hoàn toàn sụp đổ. “Người Mỹ đã buông tay và cứ thế quay đi”, Wilson nói.
Xem tiếp phần hai...
Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 2
Theo SupChina
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top