thumbnail - Thực phẩm bổ sung Melatonin đang đầu độc trẻ em
Minh.T.T
Hà Nội

Thực phẩm bổ sung Melatonin đang đầu độc trẻ em

Theo trang Gizmodo, một nghiên cứu mới cho biết trẻ em ngày càng bị đầu độc bởi các thực phẩm bổ sung có chứa melatonin, một loại chất trợ ngủ bán không cần kê đơn. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, số lượng các ca bệnh nhiễm độc nhi khoa liên quan đến melatonin đã tăng vọt trong thập kỷ qua, dẫn đến việc phải nhập viện cùng với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng khác. Và các nhà nghiên cứu nói rằng cần phải có những biện pháp khắt khe hơn để giúp trẻ em được an toàn trước những sản phẩm như vậy.

Được biết, melatonin là một hormone được sản sinh một cách tự nhiên bởi cơ thể nhằm điều hòa chu kỳ ngủ/thức giấc của chúng ta. Nó còn được sử dụng phổ biến để điều trị chứng mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác, cả ở người trưởng thành lẫn trẻ em. Nhưng dù hiệu quả của nó trong việc mang lại giấc ngủ tốt hơn cho những người đang phải đối mặt với các vấn đề nêu trên là không thể phủ nhận, chúng ta vẫn chưa biết rõ về những biến chứng có thể xảy ra khi sử dụng melatonin trên trẻ em.

Thực phẩm bổ sung Melatonin đang đầu độc trẻ em 

Một loại thực phẩm bổ sung cải thiện giấc ngủ có chứa melatonin.

Nghiên cứu được tiến hành chủ yếu bởi các nhà nghiên cứu nhi khoa ở Michigan, và đã được xuất bản vào tuần trước trên Morbidity and Mortality Weekly Report (MMWR), một ấn phẩm của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Bệnh dịch. Họ đã phân tích dữ liệu từ Hệ thống Dữ liệu Độc dược Quốc gia thuộc Trung tâm Kiểm soát Nhiễm độc, tìm kiếm những tài liệu liên quan việc sử dụng melatonin cho các bệnh nhân dưới 19 tuổi.

Từ năm 2012 đến 2021, các tổng đài đã nhận tổng cộng hơn 260.000 trường hợp được báo cáo liên quan melatonin. Trong khung thời gian đó, số lượng cuộc gọi thường niên tăng 530%, chỉ riêng trong năm 2021 đã có đến 52.000 cuộc gọi được thực hiện. Cũng trong năm đó, các cuộc gọi liên quan đến melatonin chiếm gần 5% tổng số trưởng hợp sử dụng thuốc ở trẻ em.

Gần như tất cả các tình huống được báo cáo đều là các tai nạn (khoảng 94%) và hầu hết trẻ em (83%) không gặp phải những triệu chứng rõ rệt sau khi uống melatonin. Nhưng những trẻ bị ốm thì có các triệu chứng dạ dày/ruột, tim mạch, và thần kinh. Khoảng 28.000 trẻ em đã được chăm sóc y tế, với 4.000 trường hợp phải nhập viện. Khoảng 300 trẻ bị đưa vào hồi sức cấp cứu, trong khi đó 5 trẻ phải can thiệp bằng máy thở và 2 trẻ dưới 2 tuổi tử vong. Số trường hợp chấn thương nghiêm trọng và phải nhập viện cũng tăng mạnh trong giai đoạn được nghiên cứu.

Thực phẩm bổ sung Melatonin đang đầu độc trẻ em 

Nhiễm độc melatonin

Dù melatonin nhìn chung có thể tiêu thụ một cách an toàn, nhưng điều cần biết là không loại dược phẩm nào không có tác dụng phụ. Và melatonic được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung, một danh mục được quản lý ít gắt gao hơn so với các loại thuốc. Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra rằng nhãn của nhiều sản phẩm thường xuyên nêu sai hàm lượng melatonin bên trong, và đối với các sản phẩm nhai được (là loại sản phẩm mà trẻ em tiêu thụ nhiều, đôi lúc còn nhầm chúng với kẹo), sai số còn nghiêm trọng hơn. Các tác giả lưu ý rằng, đôi lúc, melatonin trong các sản phẩm có thể phân hủy thành serotonin, mà nếu hàm lượng đủ cao có thể gây ra nhiễm độc serotonin nghiêm trọng ở trẻ.

Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng việc sử dụng melatonin tại Mỹ đã tăng cao trong vài năm qua. Nhưng những phát hiện đó còn cho thấy melatonin đã và đang trở nên phổ biến hơn trong đại dịch COVID-19, có lẽ là do những tác động của dịch bệnh lên giấc ngủ của mọi người. Sự phổ biến này, cộng với những quy định lỏng lẻo và hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn còn hạn chế, đặc biệt với trẻ em, đang ngày càng đặt chúng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ.

Kết quả chỉ ra sự cần thiết phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về nguyên nhân số ca tiêu thụ melatonin trong trẻ em tăng cao, và kêu gọi thực hiện các sáng kiến y tế công cộng nhằm cải thiện ý thức của mọi người” - các nhà nghiên cứu viết. “Cần cân nhắc việc đóng gói sản phẩm có melatonin sao cho trẻ khó tiếp cận, và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế phải cảnh báo các bậc cha mẹ về những hệ quả tiềm tàng của việc sử dụng melatonin”

Tham khảo: Gizmodo

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác