Tốt nghiệp rồi thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc lo tương lai đen tối như “tiền đồ chị Dậu”

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Nền kinh tế Trung Quốc đang chứng kiến mức tăng trưởng chậm chạp, khiến thị trường lao động nước này cạnh tranh khốc liệt chưa từng có hòng giành được 1 suất công việc ổn định. Hàng triệu bạn trẻ đi tìm việc với 1 tương lai bất định phía trước. Theo dữ liệu mới nhất, cứ 5 bạn trẻ thì có 1 vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ tháng 1/2018, báo động tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ.
Gần 11 triệu người tốt nghiệp đại học bắt đầu đi tìm công việc đầu tiên. Song kinh tế Trung Quốc đang ở mức yếu nhất trong 2 năm qua. Cơ hội việc làm không có nhiều khi mà chính các doanh nghiệp cũng đang vật lộn với môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Trong quý 2 vừa qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,4%, cùng với đó là báo cáo ảm đạm của nhiều công ty công nghệ, ngành từng tăng trưởng rất nóng và luôn khát nhân sự.
Alibaba báo cáo doanh thu quý hầu như không tăng lần đầu tiên, Tencent ghi nhận quý đầu tiên bị giảm doanh thu. JD.com cho biết doanh thu tăng trưởng chậm nhất trong lịch sử thành lập đến nay. Còn hãng xe điện Xpeng công bố khoản lỗ nhiều hơn dự báo trước đó. Hãng điện thoại Xiaomi cũng báo cáo quý thứ 2 liên tiếp bị giảm doanh thu lên tới 2 chữ số. Sau đó là những đợt sa thải nhân sự, từ vài trăm tới hàng ngàn nhằm cắt giảm quy mô và chi phí.

Tốt nghiệp rồi thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc lo tương lai đen tối như “tiền đồ chị Dậu”
Thị trường tìm việc Trung Quốc trở nên ảm đạm, khó kiếm việc làm
Tất cả khiến bức tranh thị trường lao động Trung Quốc trở nên u ám hơn bao giờ hết đối với các bạn trẻ.

Áp lực tìm việc

Zhao Yuting, 22 tuổi, trả lời với hãng tin AFP rằng các công ty chỉ đang miễn cưỡng tuyển dụng mới trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm như hiện nay. Rất nhiều người đi tìm việc lại là các nhân viên đã có kinh nghiệm, cạnh tranh với các tân binh vừa ra trường như cô, khiến cơ hội càng trở nên eo hẹp. Kể từ sau khi tốt nghiệp vào tháng 7, cô đã nộp CV tới hàng chục công ty khác nhau. Song, chỉ một vài gọi tới phỏng vấn. Và rồi họ cũng loại cô với lí do đơn giản - thiếu kinh nghiệm.
Tin tưởng vào tấm bằng tiếng Anh, Zhao nghĩ có thể tạm kiếm sống bằng nghề gia sư cho đến khi kiếm được công việc chính thức. Nhưng đời đâu đẹp như mơ. Cô sinh viên trẻ đã bị phá sản kế hoạch khi chính quyền Bắc Kinh đàn áp thẳng tay ngành gia sư và công nghệ nước này. Công việc mà cô tưởng sẽ giúp mình bám trụ cuối cùng đã bốc hơi theo chính sách cấm dạy thêm.
“Tôi đã cố lăn lộn để tìm việc trong 2-3 tháng, nhưng tinh thần lạc quan ngày càng teo tóp khi cánh cửa hẹp dần”. Zhao cho biết đã buộc phải về sống với bố mẹ trong khi vẫn tiếp tục tìm việc làm. “Càng mất nhiều thời gian thì áp lực lại càng nặng nề hơn” - Zhao thừa nhận.

Tốt nghiệp rồi thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc lo tương lai đen tối như “tiền đồ chị Dậu”
Hàng triệu bạn trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, nay lại vào guồng kiếm việc giữa bối cảnh kinh tế suy thoái

Triển vọng mờ nhạt

Cơ hội trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết với bất kì bạn trẻ nào. Các nhà phân tích nhận định nguyên nhân do nền kinh tế suy thoái nặng nề vì chính sách “zero covid”, cùng với đó là 1 lực lượng lao động trẻ ồ ạt đi tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Tình trạng thất nghiệp thực tế có thể còn tồi tệ hơn, có thể gấp đôi những con số thống kê chính thức đã bỏ qua vùng sâu vùng xa.
Không chỉ ngành giáo dục và công nghệ, ngay cả các công nhân cổ xanh cũng đang vật lộn khi mà ngành gia công sản xuất và xây dựng của Trung Quốc ảm đạm. Ho-fung Hung, chuyên gia tại Đại học Johns Hopkins về kinh tế chính trị Trung Hoa, nhận định: “Thực tế thì tình hình còn bi đát hơn những gì mà dữ liệu cho thấy”.
Tại 1 hội chợ việc làm tại Thâm Quyến, hàng dài những phụ huynh và sinh viên mới ra trường đang chờ được gặp nhà tuyển dụng. Song, các headhunter (chuyên viên tuyển dụng cấp cao, chuyên săn lùng các cá nhân tài năng về cho doanh nghiệp) lại chỉ chọn những hồ sơ đến từ những trường top đầu. Vì số vị trí tuyển dụng rất hạn chế, họ sẽ ưu tiên những em đã tốt nghiệp từ trường danh tiếng.
“Tôi khao khát được làm việc ở Thâm Quyến, phiên bản Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Nhưng sau hơn 4 tháng tìm việc, giờ thì tôi chấp nhận làm ở 1 thành phố nhỏ hơn với đồng lương thấp hơn” - Luo trả lời AFP. Anh đã tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, nhưng cũng không thể kiếm cho mình 1 công việc đúng như nguyện vọng.

Tốt nghiệp rồi thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc lo tương lai đen tối như “tiền đồ chị Dậu”
Nhiều bạn trẻ chọn cách quay trở lại học tập để lấy học vị cao hơn, số khác thì quay sang tìm kiếm cơ hội ở khu vực nhà nước qua các mối quan hệ

Không tìm thấy tương lai ở bất cứ đâu

Theo 1 nghiên cứu từ công ty tuyển dụng Zhaopin chia sẻ, những người mới ra trường năm nay thỏa thuận mức lương thấp hơn so với năm ngoái, giảm 12%. Điều này cho thấy họ sẵn sàng hạ thấp kì vọng chỉ để có 1 công việc chính thức. Song, 1 số lại chọn tiếp tục đầu tư vào việ học, hy vọng nâng cao học vị sẽ giúp đạt được 1 chỗ đứng trong xã hội.
Các chuyên gia cảnh báo điều này có thể dẫn đến “lạm phát bằng cấp”. Khi mà các nhà tuyển dụng yêu cầu trình độ cao quá mức cho những vị trí không nhất thiết phải yêu cầu cao như vậy. Khi khu vực tư nhân trở nên chật chội, những người tìm việc liền đổ xô tới các trường đại học nhằm chuẩn bị cho kì thi tuyển công chức cạnh tranh. Kỉ lục mới đây ghi nhận 2 triệu người đăng kí thi tuyển công chức quốc gia năm ngoái.
Khảo sát 51job cho biết, 40% người được hỏi tỏ ra ưu tiên công việc khối nhà nước ổn định hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh tìm việc làm khó khăn hiện nay, công cụ tìm kiếm việc làm lớn nhất Trung Quốc đã cho thấy sự thay đổi trong tư duy của người trẻ. Họ buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại giữa thởi buổi kinh tế khó khăn, nhà tuyển dụng khắt khe.
Song, đó là nếu bạn có quen biết để xin được vào nhà nước. Còn đối với trường hợp của Zhao, vừa không thể cố học lên để lấy học vị cao hơn, vừa chẳng có mối quan hệ nào để đảm bảo 1 công việc trong nhà nước, lựa chọn đang trở nên quá eo hẹp. “Tôi cảm thấy rõ tương lai phía trước mờ mịt như thế nào. Bản thân mình chẳng có bất cứ bước tiến nào mới. Tôi thấy thật khốn khổ!” - Zhao thừa nhận trong sự bất lực.


>>> Trung Quốc cấm dạy thêm học thêm.

Nguồn: Asia One
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top