Ứng dụng tạo ảnh AI như chụp ở studio đang sốt xình xịch ở Trung Quốc

TienCM

Pearl
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hot nhất ở Trung Quốc hiện nay là một trình tạo ảnh chân dung tính phí 9,9 nhân dân tệ (khoảng 33.000 đồng) để tạo hình chân dung đẹp mắt theo các phong cách khác nhau. Ứng dụng này, có tên là Miaoya, đang sốt đến mức nhu cầu của người tiêu dùng đã khiến các máy chủ bị quá tải, nhiều người phải đợi hơn 24 giờ để nhận được kết quả.
Ứng dụng tạo ảnh AI như chụp ở studio đang sốt xình xịch ở Trung Quốc
Miaoya là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên siêu ứng dụng WeChat hiện nay.
Miaoya là một trong những ứng dụng nhỏ (mini program) phổ biến nhất trên siêu ứng dụng xã hội WeChat của Tencent Holding ở thời điểm hiện tại. Ứng dụng này cho phép người dùng tải lên một bức ảnh chụp phần đầu và một bộ gồm 20 ảnh chụp gần đây, sau đó ứng dụng sẽ xử lý thành một bộ ảnh chân dung theo nhiều phong cách khác nhau, trong đó gồm có ảnh thẻ tiêu chuẩn và ảnh chân dung chuyên nghiệp.
Theo SCMP, ứng dụng Miaoya phổ biến đến mức kể từ khi được tung ra vào ngày 17/7, một số người dùng đã phải đợi hơn 24 giờ để có được bức chân dung của họ. Sự phổ biến của ứng dụng thậm chí còn làm dấy lên hy vọng rằng sẽ có nhiều cách để kiếm lợi từ các công nghệ AI ở Trung Quốc nhờ tiềm năng thị trường khổng lồ.
AI đã trở thành một trong những chủ đề phổ biến nhất ở Trung Quốc trong năm nay, được kích hoạt bởi cơn sốt ChatGPT, chatbot đàm thoại được công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Baidu và JD.com đều đã nhảy vào với niềm tin rằng công nghệ này sẽ giúp nâng cấp các dịch vụ hiện tại của họ.
Zhang Dingding, một nhà bình luận ngành công nghiệp internet và là cựu giám đốc của công ty nghiên cứu Sootoo Institute có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết đây là sản phẩm AI tiêu dùng phổ biến đầu tiên ở Trung Quốc kể từ khi ChatGPT ra đời. “Thật khó để nói sự phổ biến sẽ kéo dài bao lâu, nhưng điều chắc chắn là thị trường sẽ thấy nhiều sản phẩm tương tự vì những loại sản phẩm này không phải đầu tư quá cao,” anh nói.
Zhang nói thêm rằng người dùng có khả năng chia sẻ ảnh trên WeChat hoặc Xiaohongshu, nền tảng thương mại điện tử xã hội của Trung Quốc, vì vậy công nghệ này cũng có kết nối xã hội.
Nhà phát triển của Miaoya là một công ty ít được biết đến tên là Weixu Internet Technology. Các dịch vụ AI tương tự đã xuất hiện. 45ai, một ứng dụng khác đã ra mắt vào tuần trước, cũng tạo ra lượng truy cập khổng lồ sau khi ra mắt. Một trong những kiểu ảnh mà 45ai cung cấp dựa trên Barbie, nhân vật Mattel được miêu tả trong bộ phim hài giả tưởng ăn khách gần đây của Mỹ.
Trong một bài đăng trên Xiaohongshu vào ngày 25/7, 45ai cho biết họ đang gặp một số vấn đề kỹ thuật do lưu lượng truy cập quá cao và đưa ra một số giải pháp cho người dùng.
Trong khi đó, vẫn còn một câu hỏi mở là liệu sự phổ biến của những sản phẩm như vậy có thể chuyển thành lợi nhuận bền vững hay liệu đây sẽ là một mốt Internet khác của Trung Quốc nhanh chóng lụi tàn. Một số người tiêu dùng không ấn tượng với các ứng dụng kiểu như Miaoya và 45ai.
“Tôi đã chi 9,9 nhân dân tệ và đợi trong 11 giờ, ảnh tạo ra từ Miaoya đã làm lộ phần mỡ phình ra trên áo ngực của tôi ở cánh tay phải, xương đòn không đối xứng, một bên mí mắt cao và một bên thấp,” một người dùng Xiaohongshu viết trong một bài đăng cuối tuần qua.
Ứng dụng tạo ảnh AI như chụp ở studio đang sốt xình xịch ở Trung Quốc
Lucy Liu, 27 tuổi, cư dân Thượng Hải, đã thử chụp ảnh theo phong cách Barbie của 45ai sau khi bạn của cô gửi mã mời. Sau hơn 24 giờ chờ đợi, cô không hài lòng với kết quả. “Tôi gần như không biết mình nữa. Tôi có cảm giác rằng mình đang nhìn người khác,” cô nói.
“Tôi thích những bức ảnh sống động và gần gũi với cuộc sống. Tôi không cần một bức ảnh trông giả tạo,” cô nói thêm.
Quyền riêng tư vẫn là một vấn đề. Thỏa thuận quyền riêng tư ban đầu của Miaoya cho biết họ có thể sử dụng nội dung “dưới mọi hình thức, trên mọi phương tiện hoặc công nghệ (hiện tại và trong tương lai)”. Tuy nhiên, công ty sau đó đã thay đổi thỏa thuận, nói rằng các bức ảnh sẽ chỉ được sử dụng để tạo ra hình ảnh kỹ thuật số của người dùng.
Zhang Yichang, sống ở tỉnh Chiết Giang, cho biết cô đã sử dụng ứng dụng Miaoya để tải lên 20 bức ảnh của chính mình, đó là yêu cầu tối thiểu để chương trình nhỏ tạo ra ảnh chân dung. “Tôi nghĩ rằng kết quả rất gần với [studio chụp ảnh]… nhưng tôi chủ yếu đang thưởng thức [công nghệ mới]. Một mặt, tôi vẫn lo lắng về vấn đề bảo mật, mặt khác, đó không phải là ảnh thật nên tôi sẽ không sử dụng nó [vào những dịp quan trọng]”, cô nói.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top