Ý nghĩa thật sự của từ “Wi-Fi” mà không phải ai cũng biết

Cái tên Wi-Fi có ý nghĩa gì? Xét sự hiện diện khắp nơi của kết nối Wi-Fi, đây rõ ràng là một câu hỏi khá dễ trả lời; đặc biệt nếu bạn làm việc trong ngành công nghệ.
Nếu câu trả lời là “Wireless Fidelity”, thì xin thưa bạn sai rồi, dù rằng Google cũng có thể đưa ra kết quả tương tự. Vậy phải chăng Wi-Fi là viết tắt của “Wireless Fiber”?
Cũng sai nốt.
Thực ra, cái tên Wi-Fi chẳng mang ý nghĩa gì cả.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2005 với một trong các thành viên sáng lập của Liên minh Wi-Fi là Phil Belanger, nội dung xoay quanh nguồn gốc của Wi-Fi, ông cho biết cái tên này được chọn từ một nhóm 10 tên đưa ra bởi công ty tư vấn Interbrand.
Tên gốc của Wi-Fi là “IEEE 802.11b Direct Sequence”, và Liên minh Wi-Fi biết chắc rằng đó chẳng phải là cái tên dễ nhớ để sử dụng đại trà. Họ cần một thứ gì khác bắt tai hơn đối với người tiêu dùng, do đó “Wi-Fi” đã được chọn.

Sai lầm không thể sửa chữa

Nếu bạn vẫn nghĩ Wi-Fi là viết tắt của “Wireless Fidelity”, thì đó là lỗi của Liên minh Wi-Fi. Belanger nhớ lại rằng, một vài đồng nghiệp của ông cảm thấy cần phải giải thích ý nghĩa của từ “Wi-Fi”, bởi họ rõ ràng không thể lơ đi sự thật là cái tên này chỉ được chọn vì mục đích marketing, nhằm thu hút sự chú ý của mọi người. Vậy là Liên minh đã chế ra một câu slogan nghe có vẻ hoành tráng: “The Standard for Wireless Fidelity” (Chuẩn mực cho Độ trung thực Không dây ?!)
Ý nghĩa thật sự của từ “Wi-Fi” mà không phải ai cũng biết
Belanger thừa nhận “đó là một sai lầm và chỉ được tạo ra để khiến mọi người rối trí…”. Ông gọi quyết định này là “một nỗ lực ngớ ngẩn nhằm tìm ra hai từ phù hợp với Wi và Fi”. Sai lầm này càng nghiêm trọng hơn khi Liên minh cho in câu slogan kia lên hàng loạt sản phẩm như mũ và áo thun. Câu slogan thành công đến nỗi khiến cả quân đội Mỹ cũng tin “Wi-Fi” là viết tắt của “Wireless Fidelity”.
Nếu phân tích kỹ càng, bạn sẽ nhận thấy bản thân cái tên “Wireless Fidelity” chẳng mang chút ý nghĩa hợp lý nào. “Fidelity”, về mặt kỹ thuật, là khả năng tái hiện một tín hiệu của một thiết bị. Ví dụ, TV Hi-Fi (high fidelity, độ trung thực cao) có thể tái hiện hình ảnh không khác gì đời thực. Nhưng Wi-Fi không hề làm điều gì tương tự như vậy; nó chỉ là một cách để kết nối các thiết bị với nhau. Bạn không tái hiện thứ gì ở đây cả.
Nhưng có nhất thiết phải lấy sự thật để phủ nhận một sự hiểu lầm đã phổ biến như vậy? Trong gần 2 thập kỷ kể từ khi Wi-Fi ra mắt, mọi người đã quá quen thuộc với cách diễn đạt không chính xác nói trên, và nếu bạn hỏi, họ chắc chắn sẽ khăng khăng rằng Wi-Fi có nghĩa là “Wireless Fidelity”. Dẫu vậy, Belanger vẫn hi vọng người tiêu dùng nên “quên đi câu slogan đó” và ý nghĩa sai lầm mà nó mang lại.

Phụ kiện Wi-Fi

Có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta ít tập trung vào ý nghĩa của tên gọi, mà thay vào đó là những gì công nghệ này đóng góp cho con người.
Wi-Fi là một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại, và thật khó để hình dung một cuộc sống mà không có nó. Đã bao nhiêu lần bạn hỏi mật mã Wi-Fi khi lần đầu ghé thăm nhà một người bạn? Và bao nhiêu lần chúng ta nổi cáu chỉ vì Wi-Fi đột ngột mất kết nối?
Nếu bạn thường xuyên gặp vấn đề rớt sóng Wi-Fi, hãy dùng các thiết bị mở rộng sóng Wi-Fi (Wi-Fi extender). Còn được gọi là thiết bị kích sóng (booster), chúng sẽ đẩy tín hiệu vượt xa tầm phủ sóng bình thường. Bạn cũng nên tìm mua một router chất lượng cao để xử lý tốt hơn nhiều thiết bị đòi hỏi băng thông lớn.
Hiện nay, nhiều công ty đang tích cực nghiên cứu chuẩn Wi-Fi 7. Qualcomm thậm chí khẳng định chip tương thích Wi-Fi 7 của họ sẽ có thể đạt tốc độ 5.8Gbps và có độ trễ dưới 2 ms. Và Mediatek thì hứa hẹn nền tảng Wi-Fi 7 của mình sẽ đạt tốc độ nhanh hơn 100 lần so với chuẩn băng thông rộng hiện nay của Vương quốc Anh!
Tham khảo: TechRadar
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top